Kỉ niệm 60 năm lực lượng CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (1948-2008)

Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm

Thứ Sáu, 21/03/2008, 10:15
Đầu năm 1948, đồng chí Hoàng Mai, lúc đó là Giám đốc Sở Công an khu XII, đã gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tờ báo Bạn dân. Bác Hồ đã gửi cho đồng chí Hoàng Mai lá thư, trong đó có nêu lên 6 nguyên tắc cần phấn đấu để rèn luyện và giữ gìn tư cách người Công an cách mạng.

Đó là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép.
Đối với công việc, phải tập tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Rõ ràng là việc tự rèn luyện tư cách người Công an cách mạng nói riêng, cũng như người cán bộ của chính quyền nhân dân nói chung, Bác Hồ đặc biệt chú trọng tới yếu tố cần, kiệm, liêm, chính. Có giữ được cần kiệm liêm chính, người Công an nhân dân mới đủ phẩm chất và bản lĩnh để thực sự là người Công an của nhân dân, để "việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm".

Trên Báo Cứu quốc xuất bản ở chiến khu năm 1949, với bút danh Lê Chiến Thắng, Bác Hồ đã đăng loạt bài viết về cần, kiệm, liêm, chính. Sau đó Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I đã tập hợp và xuất bản thành một cuốn sách với nhan đề "Cần Kiệm Liêm Chính". Đọc tác phẩm này của Bác Hồ, càng thấy rõ hơn, giữ được liêm chính luôn là yếu tố hàng đầu để giữ gìn đạo đức cách mạng.

Và trong việc thực thi cần, kiệm, liêm chính, cần phải chú trọng tới thiện tâm, tới những việc làm tốt cho người, cho đời. Có cần, kiệm, liêm, chính thì người cán bộ nói chung và người chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng mới được dân nghe theo, dân ủng hộ và mới có đủ điều kiện để phục vụ nhân dân theo đúng sứ mệnh của mình. Và muốn vậy, thì "từ việc làm, lời nói, đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu". (Trích từ bài "Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải như thế nào?", đăng Báo Nhân Dân số 2 ngày 25/3/1951).

Theo Bác Hồ, có được Cần, "thì việc, dù khó khăn mấy, cũng làm được". Cần phải đi đôi với Chuyên. Cần nhưng phải hợp lý, biết đi đường trường. Bác nhấn mạnh: "Cần là phải luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình để làm việc cho lâu dài".

Nói về chữ Kiệm, Bác Hồ nhắc nhở:

"Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.
Cần mà không Kiệm, thì "làm chừng nào xào chừng ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.
Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được".

Trong bài nói chuyện năm 1952 nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm, Bác Hồ đã lý giải rộng hơn về chữ Kiệm khi nói về tiết kiệm: "Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động… Chúng ta phải tiết kiệm thời giờ. Chúng ta phải tiết kiệm tiền của".

Cần và Kiệm là những đặc tính căn bản cần có của một con - người - làm - việc. Nhưng để tạo nên  những phẩm giá cần thiết của một cán bộ, cần và kiệm không thì chưa đủ. Còn phải rèn luyện cho mình tính liêm chính.

Lý giải về chữ Liêm, cũng trong tập sách in năm 1949, Bác Hồ viết:

"Liêm là trong sạch, không tham lam…
Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần.
Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam…
Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm.
Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư…
Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào.
Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình. Đều là tham lam, đều là bất liêm.
Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).
Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc, nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo.
Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh, là tham sinh úy tử.
Đều làm trái với chữ Liêm.
Do bất liêm mà đi đến tội ác với trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp".

Bất liêm thì không thể nào làm một người tử tế được. Mà không phải là người tử tế thì không thể là một cán bộ tử tế, không thể là một chiến sĩ Công an nhân dân tử tế.

Cũng trong bài viết về chữ Liêm, Bác Hồ cũng nhắc lại lời dạy của Trang Tử khi xưa: "Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy"…

Về chữ Chính, Bác Hồ lý giải:

"Chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn tức là tà.

Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cái cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng cũng cần phải Chính nữa mới là hoàn toàn".

Chữ Chính, theo cách hiểu của Bác Hồ, được thể hiện trong cách của mỗi cán bộ đối với chính bản thân mình, đối với những người khác và đối với công việc. Muốn giữ chữ Chính trong việc rèn mình, theo Bác Hồ, người cán bộ nói chung và người chiến sĩ Công an nói riêng, phải:

"- Chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại là thoái bộ. Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén nhỏ, cái đĩa cạn.

- Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu.

Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ thì tiến bộ mãi.

- Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình.

Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình…".

Bác Hồ cũng nêu ra những tấm gương của hiền nhân thời cổ để tăng thêm sức thuyết phục cho các lập luận của mình:

"Cụ Tăng Tử là một người hiền, là học trò giỏi nhất của cụ Khổng Tử. Cụ Tăng đã làm kiểu mẫu cho chúng ta. Cụ nói: Mỗi ngày tôi tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? Đối với việc có chuyên cần không?

Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ.

Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính.
Mình không chính, mình muốn người khác chính là vô lý".

Theo hồi ức của đồng chí Lê Giản, nguyên Tổng Giám đốc Nha Công an sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về Hà Nội theo lệnh phân công công tác về làm ở Sở Liêm Phóng Bắc Bộ, đồng chí đã được Bác Hồ gọi vào nhà số 12 Ngô Quyền (Bắc Bộ phủ cũ) và được ăn cơm cùng Bác cuối tháng 9 năm 1945.

Bác dặn: "Chú về đó làm việc phải thiết diện vô tư (thiết diện là mặt sắt, vô tư là công bằng). Nếu chú không thiết diện vô tư thì Bác sẽ thiết diện vô tư với chú". Giữ được phong cách làm việc thiết diện vô tư cũng là giữ cho mình chữ Chính.

Đối với mọi người, một cán bộ có tính Chính trong mình phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ tất cả, "chỉ trừ  bọn Việt gian bán nước, bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà chúng ta phải kiên quyết đánh đổ". Bác cũng dặn, một cán bộ có tính Chính trong mình thì:

"Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới.

Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới.

Phải thực hành hai chữ Bác - Ái".

Còn đối với công việc thì sao? Đây là lời dặn của Bác:

"Phải để việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà.
Đã phụ trách việc gì, thì quyết  làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm…
Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh".

Không cần, kiệm, liêm, chính, những công bộc của nhân dân rất dễ vi phạm các tiêu chí đạo đức của người cán bộ cách mạng. Không cần, kiệm, liêm, chính, những công bộc của nhân dân rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. Và đúng như Bác đã nói ở một trong những bài báo cuối cùng mà Người đã viết trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, ở đâu có chủ nghĩa cá nhân thì ở đó sẽ "mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của Cách mạng và của nhân dân"

Huỳnh Chính Tâm
.
.