Bàn tay nhám trong làng giải trí Việt

Tự trọng đánh rơi

Thứ Tư, 18/04/2012, 10:00
Trong bộ truyện tranh trứ danh của họa sĩ người Bỉ Morris sáng tác từ năm 1946 mang tên “Lucky Luke” có xuất hiện nhân vật cực hay được gọi là Bàn tay nhám. Bàn tay nhám có khả năng biến đồ của người khác thành… vật của mình rất siêu hạng.

Du nhập vào Việt Nam, “Lucky Luke” nhanh chóng tạo nên một hiện tượng trong giới làm sách. Riêng Bàn tay nhám thành thuật ngữ được sử dụng rộng rãi nhằm ám chỉ những nhân vật biến đồ của người thành vật của mình.

Thật ra, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng xuất hiện bàn tay nhám. Đương nhiên, trong phạm vi của Chuyên đề này, tôi chỉ lạm bàn về vấn đề bàn tay nhám trong làng giải trí Việt.

Nhiều năm trước, làng giải trí Việt đã trải qua một cơn sóng gió bão bùng khi hàng loạt nhạc sĩ tên tuổi vướng vào các nghi án đạo nhạc của nước ngoài.

Internet phát triển như vũ bão, việc kiểm chứng một tác phẩm, giọng ca hay sản phẩm nào đó liên quan đến nghệ thuật nhằm xác tín xem yếu tố mới có bị cầm nhầm từ nước ngoài hay không đã không còn là việc quá khó.

1. Tất nhiên, khi thiếu tự tin hay không đủ khả năng lẫn tài năng để tạo nên cái mới, người ta mới phải vay mượn ý tưởng ấy từ người khác.

Người Việt có thói quen, nói lời thẳng sợ mất lòng, góp lời phải sợ nhăn mặt. Thay vì bảo, đó là ăn cắp, người Việt chuyển thành, sự cố đáng tiếc, trùng ý tưởng, cầm nhầm.

Lắm khi, người Việt nâng cao quan điểm thành “Tư tưởng lớn gặp nhau”.

Trong truyện cười, vợ từng bảo với chồng: “Mình ơi, hóa ra cái ông Xuân Diệu từng chôm chỉa bài thơ mình tặng em ngày mới yêu nhau để in thành sách đấy, mình ạ”.

ý nhị hơn thì “Đọc bản thảo của anh, tôi mỏi cổ quá. Vì phải liên tục gật đầu chào những người quen cũ”.

Không mở rộng sang tất cả những sự cố của dân chữ nghĩa, chỉ nói về thuần giải trí.

Anh đạo diễn Việt kiều mới về nước, huênh hoang tuyên bố sẽ áp dụng toàn bộ kỹ xảo lẫn thủ thuật của kinh đô phim ảnh Hollywood cho bộ phim sắp ra mắt của mình.

Đến khi phim ra rạp, hóa ra anh ăn cắp từ cách đặt góc quay cho đến bối cảnh phim.

Trơ trẽn, anh bảo có mượn ý tưởng nhưng đó là cái của anh.

Chính xác, ít ra thì phim Mỹ nói tiếng Mỹ. Còn phim anh là phim Việt, nên diễn viên nói tiếng Việt.

Giống là giống thế quái nào.

Nhà thiết kế nói như hát về những thiết kế thời trang của mình trước khi trình diễn.

Trình diễn xong, cư dân mạng phát hiện, cái áo của anh ấy giống hệt cái áo của nhà thiết kế người Anh. Cái quần là của nhà thiết kế người ý.

Bảo anh đạo ý tưởng, anh khịt mũi. Anh có tham khảo nhưng không phải là đạo ý tưởng.

Quần ý áo Anh thì có phải là ăn cắp hết đâu. Vấn đề, anh đã kết hợp những thứ của người khác để trở nên hoàn hảo. Dư luận mê muội, không phát hiện hết tài năng của anh trong sự phối kết ấy.

2. Cô ca sĩ bé con, anh ca sĩ có tuổi mượn giọng hát của một giảng viên thanh nhạc.

Người ta làm ầm ĩ, anh nhanh chóng xin lỗi, cô kiên quyết mình có làm gì sai đâu mà lỗi với phải.

Có nhiều cách để lựa chọn khi bị phát hiện là ăn cắp. Người thông minh hơn sẽ chọn cách xin lỗi. Người ít thông minh sẽ chọn cách im lặng. Người xa lạ với sự thông minh, sẽ kiên quyết phủ nhận để đợi chờ thời gian xóa tan đi hành vi.

Tiền nhân dạy, mua danh ba vạn, bán danh ba đồng.

Không có cách thức mua bán nào lỗ vốn cho bằng việc đi lấy của người khác biến thành của mình.

Trước thì vênh mặt nhận lời khen.

Sau thì mặt lạnh như băng nghe lời phê phán.

Mỗi người, có một thời của mình. Nói tâm linh như những nhân vật trong làng giải trí, thì Tổ hết đãi, tức là đã thôi tiếng tăm.

Níu kéo tuổi tên bằng thứ không thuộc về mình chỉ tạo nên sự lố bịch.

Không ai đam mê lời khen bằng vị hoàng đế ở trần.

Tiếc rằng, không chỉ có hoàng đế mới biết ở trần. Nhiều người khác được gọi là người của công chúng, đã làm như thế từ rất lâu.

3. Chưa ở đâu ngộ như làng giải trí nước mình. Cái kiểu mỉm cười cũng bắt chước thiên hạ. Kiểu vuốt tóc cũng rập khuôn người khác. Thậm chí, nghệ danh cũng cố gắng tỏ ra Á - Âu lẫn lộn để nguy hiểm hơn. Còn tài năng, không phải bàn tới.

Như đã nói, không đủ khả năng mới phải đi vay mượn.

Nhớ hoài bộ ảnh nửa dâm tục, nửa thô bỉ của nữ diễn viên kiêm ca sĩ kiêm người viết văn. (Một vài tờ báo mạng, phong cho cô ấy danh xưng tiểu thuyết gia).

Cởi đồ uốn éo trước ống kính của nhiếp ảnh gia, vẫn phải ăn cắp ý tưởng của một bộ ảnh bên Trung Quốc.

Cô người mẫu từng khỏa thân ủng hộ môi trường thì chụp vài bức ảnh, cũng phải lấy ý tưởng của một người khác dự tính làm ca sĩ. Mà ý tưởng đó có phải là điều gì ghê gớm lắm đâu.

Liệu, độc giả có cần tôi nói gì thêm không với những nhân vật có cả một đôi tay nhám chứ không phải chỉ là một bàn tay nhám?

Mỗi sáng, phụ nữ thường soi gương. Nam giới cũng soi gương.

Người nổi tiếng lại càng soi gương nhiều hơn nữa.

Và khi, soi gương nhưng không cần để ý đến sắc thái của khuôn mặt, có thể mỉm cười đứng ra sàn diễn cố gắng trở thành đỉnh đỉnh tài danh.

Phía dưới vẫn có đám đông tung hô, vẫn có nhà sản xuất chương trình chào đón, vẫn có sự nhộn nhạo của truyền thông

Thực hiện: Hoàng Thụy Yên - Nguyệt Lãng
.
.