Tự dưng chán chán

Thứ Hai, 26/09/2016, 16:38
Mr. Bim nghèo túng quanh năm, túi thường rỗng không, chân quen đi bộ. Cái sự nghèo của Mr. Bim thì chắc chắn bạn đọc đã am tường, không cần phải lôi thôi trình giải.

Bởi nghèo quá nên Mr. Bim thường tìm nỗi vui bằng cách đọc báo mỗi ngày. Bây giờ, đọc báo có những tin tức hệt tiểu phẩm tấu hài, văn chương trào phúng luôn. Chẳng biết thế nào mà càng ngày càng nhiều chuyện cười ra nước mắt đến thế.

Ấy vậy mà, hôm nay Mr. Bim đến đọc báo cũng chán nốt, đời tàn trong ngõ hẹp thiệt chớ.

1. Trang CAND Online (cand.com.vn) có bài, "Chủ tịch Quốc hội: "Mỗi ông lãnh đạo về hưu thành lập một hội, xin đủ thứ"".

Trong đó có đoạn, "Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu thực trạng: "Nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập ban vận động thành lập Hội. Chuyện này rất nhiều nên trong dự thảo luật về hội chúng tôi đề nghị đối với cán bộ công chức lãnh đạo từ cấp Vụ trở lên thì sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội".

Theo ông Tuấn, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua cũng có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc cán bộ công chức tham gia quyền lập hội để tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi", lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân, vụ lợi và khắc phục thực trạng cứ chuẩn bị nghỉ hưu thì làm chủ tịch các hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình quan điểm này: "Cứ mỗi ngành ông lãnh đạo về hưu là đứng ra thành lập một hội, nói là theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự trang trải kinh phí nhưng sau đó xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí có nơi xin biên chế…"

"Khi bàn luật này một số Bộ trưởng gặp tôi nói, tôi lo lắm đó chị, vì Bộ tôi đã có mấy hội rồi, mà họ xin tiền nhiều quá, xin chỗ làm việc, xin xe… Bây giờ ra luật này họ cứ xin đủ thứ, rất là mệt. Tôi nói rõ, khi thành lập thì cứ chiếu theo tôn chỉ, mục đích, rất rõ ràng, có những quy định mang tính nguyên tắc", bà kể".

Còn thời thì làm lãnh đạo, hết thời thì về hội, câu cửa miệng này ai cũng biết rồi. Hôm trước Báo Dân trí còn đưa tin, "Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tính toán, các tổ chức quần chúng công mỗi năm tiêu tốn từ 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng, ước bằng 1,7% GDP của cả nước (năm 2014). Trong đó, khoản chi từ ngân sách nhà nước khoảng 14.023 tỷ đồng".

Đất nước đang nhiều khó khăn, mà trong mắt các ông các bà vẫn cứ như con bò sữa với bầu vú không bao giờ cạn vậy. Còn há miệng được là cứ ngoạm thật chặt nút lấy nút để, ai chết thì chết, ai khổ thì khổ, ai nợ thì nợ, còn bản thân mình cứ phải sướng trước đã.

Có điều Mr. Bim cảm thấy cực kỳ khó hiểu là lãnh đạo cao cấp nhìn thấy hết cả, biết hết cả, nắm rõ hết cả mà cuối cùng thì vẫn chưa làm gì cả ngoại trừ chuyện phản đối.

Nói mười câu thì cũng làm được một hay hai lần chứ, không lẽ nói mười câu xong rồi lại nói thêm mười câu nữa rồi chờ đến về hưu nói tiếp hay sao?

2. Trang Vietnamnet có bài, "Họp quá nhiều do bộ trưởng, chủ tịch tỉnh 'đẩy' việc lên".

Trong đó có đoạn, "Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng và Chính phủ thời gian qua phải họp nhiều do bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không làm tròn trách nhiệm, né việc, "đẩy" việc lên.

Lẽ ra nhiều việc thuộc thẩm quyền của bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh. Nếu theo đúng thẩm quyền thì lượng văn bản đẩy lên VPCP sẽ giảm 20-25%.

Ông Dũng dẫn ví dụ dự án đầu tư thông thường là hoàn toàn nằm thẩm quyền quyết định của Bộ KH-ĐT kiểm tra, thẩm định có đảm bảo đúng quy định pháp luật nhưng có nhiều dự án thay vì Bộ KH-ĐT chủ động quyết định thì đẩy lên VPCP làm thay.

Đáng chú ý, theo người đứng đầu VPCP, vấn đề nổi cộm trong thời gian qua là "họp quá nhiều" do liên quan đến việc phân cấp, xử lý theo thẩm quyền của bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh. "Do bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh không làm tròn trách nhiệm, né việc bằng cách xin ý kiến Chính phủ nhiều việc không cần thiết" - ông Dũng nói".

Vậy đấy, Chính phủ trăm công nghìn việc, toàn chuyện vĩ mô. Chính phủ đã phân cấp cho Bộ, Ngành hay địa phương những quyền hạn, chức năng riêng. Tuy nhiên, như một gã lười việc, cái gì họ cũng đẩy lên Chính phủ, cái gì cũng đợi Chính phủ cho ý kiến.

Nhìn đâu xa, cái quán cà phê "Xin chào" cũng phải đợi Thủ tướng chỉ đạo, cái vụ đòi xử lý vì kinh doanh trái phép do sửa chữa, bán điện thoại cùi bắp, Thủ tướng cũng phải chỉ đạo… Mà chuyện đó có ở đâu xa, ở ngay TP.HCM - trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước.

Muốn phát triển chung, đồng bộ thì mỗi cá nhân lãnh đạo phải tự có ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ của mình, chứ việc gì cũng thoái thác theo lối trình lên trên thì nói thiệt Mr. Bim làm lãnh đạo cũng được. Mà nhiều khi, trình lên trên là để câu giờ, để né những cái khuất tất gì đó thôi, chuyện này vốn dĩ xảy ra cũng nhiều.

3. Trang Tuổi Trẻ Online có bài, "Dư luận bất bình chuyện bổ nhiệm người nhà".

Trong đó có đoạn, "Trình bày báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ: Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, là người trong gia đình, người thân; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước. Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận.

Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu...

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ảnh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ảnh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới".

Mr. Bim thật không biết cái ông cái bà nào sáng tác ra cụm từ "đúng quy trình". Cái cụm từ này phút chốc trở thành một cú đấm hết sức mạnh mẽ và quyết liệt, hết sức tàn bạo và không khoan nhượng vào cảm xúc của nhân dân.

Nhân dân biết cái đúng quy trình là gì không, nhân dân biết bản chất thật sự của đúng quy trình chính là "đúng huyết thống, đúng quan hệ" hay không? Nhân dân biết hết ấy, như Bác Hồ kính yêu ngày trước từng nhìn nhận, "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Vậy mà bây giờ, họ xem như trẻ con, như phường vô trí vô tri vậy, họ cứ mang, cứ khiêng cái đúng quy trình đi chinh chiến khắp nơi, chống đỡ khắp chốn.

Thật tận cùng chán nản. Cũng phải xin nhắc lại, cái ông cái bà nào sáng tạo ra cụm từ "đúng quy trình" thật sự rất đáng phải khen ngợi, nhiệt liệt khen ngợi. Vì ông bà ấy đã góp phần rất đắc lực cho sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự cố gắng của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại.

4. Trang VnExpress có bài, "Hà Nội sẽ cấm xe máy không phân biệt ngoại tỉnh".

Trong đó có đoạn, "Trước thông tin Hà Nội nghiên cứu dừng hoạt động với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Hà Huy Quang khẳng định thành phố xem xét việc hạn chế xe máy nói chung, không riêng xe biển số ngoại tỉnh. "Khi đã cấm là cấm triệt để tất cả, chứ không phân biệt", ông Quang nhấn mạnh.

Ông Quang cho biết đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố" có đề cập lộ trình hạn chế xe máy từ năm 2020, mới chỉ là dự thảo sơ bộ và Sở đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội. "Đây chưa phải đề xuất chính thức", ông Quang nói.

Theo ông Quang, vừa qua Hà Nội triển khai 12 phố đi bộ và đã cấm triệt để các loại phương tiện chứ không phân biệt xe địa phương hay tỉnh ngoài. Khi thực hiện đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại nội đô, Hà Nội sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải công cộng".

Theo Mr. Bim, sau khi cấm xe máy thì tiến đến cấm xe đạp, cấm xe ôtô, cấm xe buýt, cấm máy bay… nghĩa là cấm tất. Lâu dần, cần nghiên cứu cấm luôn cả xe lăn, xe cấp cứu. Nhất định phải biến Thủ đô là địa điểm đầu tiên trên toàn thế giới mà công dân ở đó chỉ được phép đi bộ.

Phải để tất cả cùng thì quan chức lãnh đạo mới có thể gần dân được, mới có thể lắng nghe dân nói để cho dân thấy mặt được. Đó là điều quá hay, quá nên làm, rất chính xác.

Vì lợi ích lớn phải biết hy sinh tiện nghi nhỏ, Mr. Bim hoàn toàn ủng hộ.

Tin khuyến mãi, trang Thanh niên Online có bài "Nguyên Bí thư Bình Phước nói về việc con ruột liên tục được bổ nhiệm". Trong đó có đoạn, "Ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cho rằng việc con trai ông liên tục được bổ nhiệm trong thời gian ông Hưng làm Bí thư Bình Phước là 'chuyện của tập thể, tổ chức, không phải chuyện cá nhân'".

Bình luận của Mr. Bim, "Không ai muốn làm lãnh đạo kiểu gia truyền đâu, chẳng qua không kiếm được nghề gì khả dĩ tử tế hơn thôi".

Mr. Bim
.
.