Từ cái chết của thủ lĩnh IS đến nền văn hóa mang tên “sợ hãi”

Thứ Ba, 19/11/2019, 14:15
“Một chuyện cực lớn vừa xảy ra!”, vào buổi tối thứ Bảy yên lành cuối tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột nhiên đăng lên Twitter dòng trạng thái úp úp mở mở.

Phải đợi tới sáng hôm sau, vị tổng thống từng tự ca ngợi mình “có một trí tuệ vô song” mới chính thức xuất hiện, tuyên bố “chuyện cực lớn” mà ông nhắc tới là chuyện gì và đó là việc: “Đêm qua, Mỹ đã trừng phạt đích đáng thủ lĩnh khủng bố số một thế giới. Abu Bakr al-Baghdadi đã chết. Hắn là kẻ sáng lập và lãnh đạo của IS, tổ chức khủng bố tàn nhẫn và bạo lực nhất trên bất cứ nơi nào của thế giới”.

Ông vui vẻ nói với báo giới rằng đất nước đã có “một dịp cuối tuần tuyệt vời”, Baghdadi đã “thút thít khóc lóc và gào thét cho đến khi lìa đời” và y đã “chết như một con chó”.

Chân dung trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi.

Tờ New York Times đếm sơ sơ trong bài diễn văn của mình, ông Trump dùng từ “thút thít” tới 6 lần, dùng từ “khóc lóc” 5 lần và dùng từ “gào thét” 4 lần. Cánh báo chí cũng chỉ ra những điều có vẻ là... hư cấu trong lời tường thuật gay cấn của tổng thống. Nhưng dù ông Trump - người từng bị tờ The Washington Post thống kê đã phát ngôn sai sự thật hoặc gây hiểu lầm tới... 13.000 lần chỉ trong chưa đầy 4 năm tại nhiệm, người chỉ được vỏn vẹn 19% dân Mỹ tin tưởng ông không nói dối, theo khảo sát của Reuters - có thêm mắm dặm muối vào câu chuyện giết trùm khủng bố đi chăng nữa cũng phải thừa nhận rằng, điều quan trọng nhất thì ông đã nói đúng vì quả là một trong những kẻ thù nguy hiểm của nhân loại đã bỏ mạng.

Có nhà báo lên tiếng rằng, có cả tá lí do để chí trích ông Trump nhưng la ó ông vào ngày ông đã góp công giúp thế giới thoát khỏi kẻ lãnh đạo dã man của IS thì thật là một khoảnh khắc đáng xấu hổ biết bao. Ý kiến ấy không sai. Baghdadi là một trong những con quỷ tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, y chủ trương thiêu sống những nạn nhân của mình trong những lồng sắt, y hành hình những người đồng tính bằng cách đẩy họ từ nóc nhà, y chặt đầu tù nhân và phát trực tiếp trên mạng xã hội, y hành quyết 13 thiếu niên Iraq chỉ vì họ xem một trận bóng đá trên vô tuyến truyền hình.

Không thể kể hết những tội ác của Baghdadi và đồng bọn. Chính quyền Tổng thống Trump đã thực thi công lí, vậy tại sao không tập trung vào thông tin ấy, tại sao lại phản đối và cười nhạo chỉ vì ông đã nói quá lên một vài tiểu tiết, vốn dĩ chẳng có gì quan trọng.

Vấn đề là người ta không la ó hay nhạo báng vì ông Trump đã thành công trong việc tiêu diệt một tội phạm khét tiếng và nguy hiểm như Baghdadi. Người ta la ó vì ông đã thông cáo về sự kiện này một cách quá phấn khích và hoan hỉ, đó là chưa kể những bình luận tự tán dương thành quả của chính mình. Đáng nói hơn, cái cách mà Tổng thống Trump tự hào ngợi ca không biết mệt mỏi việc tiêu diệt thành công một tay khủng bố và coi nó như một sự kiện mang tầm vóc quốc gia, nó phản ánh một thứ tự ưu tiên có phần lệch lạc mà nước Mỹ đã và đang theo đuổi.

Michael H Fuchs, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, trên tờ Guardian bình luận sâu cay: “Các tổng thống gần như không bao giờ coi những việc như đạt được một thỏa thuận khí hậu hay nhiệm vụ giữ gìn hòa bình giúp ngăn chặn bạo lực là những sự kiện mang tính quốc gia”.

Tiêu diệt khủng bố có quan trọng không? Tất nhiên là có. Nhưng dường như khủng bố là một nỗi ám ảnh, một sự tự kỷ ám thị nhiều hơn là một mối hiểm họa tận thế thực thụ.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, các tổ chức khủng bố sẽ chỉ có thể gây ra những phá hoại nho nhỏ mà chẳng thể nào ngăn chặn tiến trình phát triển thế giới chứ đừng nói là gây ra một thảm họa diệt vong. Trong cuốn 21 bài học thế kỷ 21 của học giả Yuval Noah Harari, ở chương 9, ông bàn về khủng bố. Sự thực là gì? Sự thực là từ sau vụ 11-9, mỗi năm, bọn khủng bố giết khoảng 50 người ở châu Âu, 10 người ở Mỹ, khoảng 7 người ở Trung Quốc và tổng cộng khoảng 25.000 người trên toàn thế giới, phần lớn là ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria và Syria.

Trong khi đó, bệnh tiểu đường một năm cũng có thể cướp đi đến 3,5 triệu mạng người, còn số người chết vì ô nhiễm không khí lên tới 7 triệu. Harari so sánh câu chuyện Mỹ chống khủng bố ở Trung Đông hậu 11-9 giống như chuyện một con ruồi muốn phá hủy một cửa hàng bán đồ sứ nhưng con ruồi thì quá còi cọc để mà di chuyển được dù là một cái tách trà.

Tóm lại, nó chẳng có cách nào phá cái cửa hàng đồ sứ đó cả nhưng nó lại chui vào vo ve trong tai một con bò, khiến con bò nổi điên lên và trong cơn tức giận, cuồng loạn, sợ hãi, con bò tức tối phá cả cửa hàng đồ sứ.

Biếm họa, trong đó Tổng thống Donald Trump nói rằng: “Tôi chẳng giỏi việc dự đoán bão nhưng giỏi trong việc dự đoán al-Baghdadi”.

Nhưng, có thể làm gì đây, khi các chính trị gia vẫn thường thành công bằng cách gieo rắc những nỗi sợ để tìm kiếm những tín đồ? “Trong một nền văn hóa của nỗi sợ hãi, các chính trị gia và những nhóm ủng hộ sử dụng và lạm dụng nỗi lo lắng tập thể cho những lợi ích chính trị hạn hẹp. Sau khi đã tiêm nhiễm nỗi sợ, họ tận dụng chúng để giành chiến thắng trong những cuộc bầu cử, để thu hút những đóng góp cho chiến dịch của mình, để đưa vào những kế hoạch ưa thích có xu hướng tăng cường sức mạnh cưỡng chế của nhà nước”, tác giả Barry Glassner viết trong cuốn Nền văn hóa của nỗi sợ: tại sao người Mỹ sợ những điều không đáng sợ?

Như Donald Trump, ông có thể từ một nhà kinh doanh trở thành một chính trị gia, có thể ngồi trên cương vị ông đang ngồi đây một phần là nhờ biết cách “đi đêm” với nỗi sợ hãi. Ông nắm thóp được người khác nhờ phát tán những nỗi sợ vô hình. Trong đoạn quảng cáo đầu tiên cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình năm 2016, ông liên tục kêu gọi “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và 2 khẩu hiệu trung tâm của ông là chấm dứt nhập cư trái phép và đánh bại IS.

Theo ông, hai vấn nạn này có liên quan trực tiếp đến nhau. Sau vụ khủng bố ở San Bernadino, ông thậm chí còn muốn cấm cửa người Hồi giáo bước vào nước Mỹ, để củng cố luận điểm của mình, ông tung tìn đồn rằng hàng ngàn tín đồ Hồi giáo đã ăn mừng ở New Jersey vào ngày xảy ra vụ khủng bố 11-9 kinh hoàng. Số phiếu ủng hộ ông tăng vọt sau những phát biểu thấm đẫm sự ghét bỏ và kỳ thị cực đoan đó.

Mà ông Trump đâu phải vị tổng thống đầu tiên bị chỉ trích vì “cổ súy” cho nỗi ám ảnh và làm quá về khủng bố? Ngay cả người tiền nhiệm của ông, ngài Obama, một vị tổng thống có hình tượng đối lập hoàn toàn với ông Trump, cũng vấp phải những chỉ trích tương tự khi theo đuổi một chiến dịch quân sự dùng máy bay không người lái. Khi còn là ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ, ông hứa hẹn sẽ đảo ngược những chính sách thừa thãi mà chính quyền Bush đưa ra nhằm giải quyết vấn đề khủng bố, từ việc áp dụng các hình thức tra tấn, những hệ thống nhà tù bí mật do CIA điều hành hay sự khước từ quyền pháp lí cơ bản của những người tù bị giam tại Guatánamo.

Ông tuyên bố sẽ chống khủng bố một cách phù hợp với truyền thống và đạo đức của nước Mỹ, sẽ cung cấp cho “những cơ quan tình báo và thi hành pháp luật một công cụ để theo dõi, tiêu diệt khủng bố mà không làm suy yếu hiến pháp và sự tự do của chúng ta”.

Vậy mà 4 năm sau, chính ông lại đưa ra những chính sách chống khủng bố khác hoàn toàn với những gì mình cam kết. Theo Michael Boyle, một trong những cố vấn của ông Obama cho chiến dịch chống khủng bố từ tháng 6-2007 đến tháng 11-2008 cho biết, dù ngài Obama, nói cho công bằng thì cũng đã làm được một vài việc nhưng tư duy mà chính quyền Bush đặt ra, rằng phải tiêu diệt những “kẻ xấu” trước khi chúng tới Hoa Kỳ, vẫn còn nguyên vẹn.

Obama đã làm khác với những gì mình nói, bằng cách tiến hành hàng loạt cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái vào các mục tiêu ở Pakistan, Afghanistan, Yemen, Somalia và giết hàng ngàn sinh mạng.

Một lần nữa, không phải tiêu diệt khủng bố là chuyện nhỏ. Đó là một chuyện hệ trọng, nó chỉ không hệ trọng như cách phần lớn báo chí và các chính trị gia quan ngại. Và chẳng phải, khi ta xếp vấn đề khủng bố ở vị trí cao hơn nó đáng được xếp, là ta đã sa bẫy những tên khủng bố luôn thích lợi dụng trí tưởng tượng của ta để tạo nên một sức mạnh tưởng tượng cho chúng hay sao?

Lời của Ellen Degeneres, một... diễn viên hài, vào thời điểm vụ khủng bố 11-9, sau bấy nhiêu năm vẫn đúng hơn bao giờ hết: “Chúng ta được bảo rằng hãy cứ tiếp tục sống như bình thường, bởi nếu chúng ta làm khác đi thì tức là chúng ta đang nhường phần thắng cho lũ khủng bố và thực sự thì, điều gì có thể làm một tay Taliban đau khổ hơn việc một người đàn bà đồng tính mặc vest đứng trước căn phòng đầy nhóc người Do Thái?”.

Hiền Trang
.
.