Nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm

Trung Quốc thay đổi hệ hình quyền lực và bài toán mới cho các nước Á Đông

Thứ Năm, 13/08/2020, 15:10
Sự chuyển mình từ một Trung Quốc “thiên triều” thời cổ trung đại sang một Trung Quốc “quốc gia, dân tộc” thời hiện đại kéo theo hàng loạt biến động trên bàn cờ chính trị Đông Á. Có những biến động người trong cuộc có thể tính toán và lường trước nhưng cũng có những biến động nằm ngoài mọi mô hình dự báo, với tác động đa diện của rất nhiều yếu tố đối nội - đối ngoại liên quan.


Trong cuộc đối thoại tháng 8 với nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm, ANTG GT - CT đề cập đến sự chuyển đổi cấu trúc chính trị Trung Quốc thế kỷ XX và hệ quả của chúng với hy vọng gợi mở những góc nhìn từ quá khứ tới hiện tại để bạn đọc cùng suy ngẫm.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Vũ Đức Liêm, hàng ngàn năm phong kiến, các triều đình Trung Quốc tự coi mình là “thiên triều” trong mối tương tác với các nước xung quanh. Là một nhà nghiên cứu lịch sử, anh có thể cắt nghĩa bản thân thực sự của “thiên triều” được không?

- Nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm: Đây là một trong những vấn đề lớn nhất trong cách chúng ta tư duy về vai trò của Trung Quốc trong thế giới Đông Á. Bởi vì, trong hàng nghìn năm lịch sử, dù công nhận hay không, Trung Quốc nằm ở trung tâm trong hệ quy chiếu chính trị Đông Á. Nhật Bản, Triều Tiên từng  đến đấy triều cống, Ai Lao, Xiêm, Việt Nam... từng đến đấy triều cống. Thiên triều này phản ánh ý niệm của Trung Quốc về trật tự thế giới, nơi mà ở đó họ là trung tâm văn minh.

Người đứng đầu trung tâm văn minh ấy là thiên tử. Thiên tử là ai? Tức là người có khả năng kết nối với “Trời”. Thiên tử được “Trời” ban cho thiên mệnh để cai trị thiên hạ. Điều này quyết định cách thức mà ông vua Trung Quốc thiết lập quan hệ với xung quanh. Họ buộc các nước khác phải đến triều cống, học văn minh của họ.

Ý niệm quyền lực này quyết định cách thức vận hành chính trị của thế giới Đông Á, cách thức Trung Quốc nhìn, ứng xử với bên ngoài và cách thức các xã hội bên ngoài ứng phó với Trung Quốc trước khi người phương Tây đến, trước khi chúng ta có kiểu quan hệ lấy quốc gia dân tộc và quyền bình đẳng dân tộc làm trung tâm, được quy định từ sau Hiệp ước Westphalia (1648).

- Ở đây, tôi thấy có mấy yếu tố “thiên” mang tính chất thiêng liêng hóa quyền lực của các ông vua Trung Hoa. Đầu tiên là thiên phụ, tức là cha trời. Sau đó mới đến thiên tử, tức là con trời. Thiên tử lại được trao thiên mệnh để cai trị thiên hạ. Liệu có phải từ quan niệm và sự thiêng liêng hóa này mà Trung Quốc luôn có thể buộc các nước xung quanh triều cống mình hay không?

- “Thiên” này có một quá trình tiến hóa rất thú vị, một yếu tố thần thánh xuất hiện muộn, được bổ sung vào hệ thống tư tưởng Nho giáo. Cơ sở của nó là ngày càng có nhiều dòng họ xưng hùng xưng bá. Vậy đâu là bệ đỡ cho tính chính danh, chính thống của dòng họ này để tranh giành với gia tộc và vương triều khác? Đó là thiên mệnh - đương nhiên rồi. Đâu là lí do để ông Lưu Bị tham gia tranh đoạt thiên hạ? Không phải vì ông ấy được Tào Tháo gọi là anh hùng hay có được Gia Cát Lượng phò tá, mà điều quan trọng nhất là ông ấy mang họ Lưu, ở đó có chân mệnh thiên tử của nhà Hán.

Vậy cái thiên này có liên quan gì tới cấu trúc chính trị ở Đông Á? Đó là địa chính trị. Muốn hiểu được cơ sở cho chữ “thiên” tồn tại hàng nghìn năm thì chúng ta phải hiểu rằng sức mạnh của Trung Quốc dựa trên 2 vùng đồng bằng Hoàng Hà, Trường Giang cực kỳ màu mỡ và đông dân. Trong không gian đó, dù anh xưng hùng xưng bá ở đâu thì cũng kéo về vùng trung tâm để làm vua. Cho dù là người Hán hay người Mông Cổ thì để cai trị vùng đất này cũng phải quay về địa bàn này. Dù anh chinh phục nước người ta trên lưng ngựa thì để cai trị Trung Quốc, kiểu gì cũng phải xuống ngựa và bắt đầu tế lễ ở Văn Miếu. Sau đó là dùng những thủ pháp chính trị của người Hán để cai trị. Tất cả các đế chế Trung Hoa tồn tại liên tục trong hơn 2.000 năm lịch sử đều ở địa bàn trung tâm này.

Có thể so sánh với châu Âu để hiểu rõ hơn điều này. Ở châu Âu, các đế chế di chuyển liên tục, các tộc người thay phiên nhau làm chủ, từ Alexander Đại đế tới Caesar của Rome, hay Napoleon đều thế cả. Còn ở Trung Quốc, như tôi vừa nói, dù anh là ai, anh làm gì thì muốn xưng hùng xưng bá, anh đều phải quay về vùng đồng bằng trung tâm.

Và từ Đại Hãn, không sớm thì muộn, anh cũng phải biến thành thiên tử. Chính sự ổn định này khiến cho mô-típ triều cống được duy trì liên tục, kéo dài hàng ngàn năm và là cơ sở để duy trì một cấu trúc quyền lực khu vực tương đối ổn định, ở đó có thiên tử.

- Trong hàng ngàn năm ấy, các ông vua Trung Quốc ứng xử với triều cống như thế nào?

- Phải quay lại với quan hệ quyền lực và ý niệm về quyền lực. Việc cai trị Trung Hoa nằm trong tay một dòng họ. Đại diện cho dòng họ là một ông vua - một thiên tử. Và vì vậy, ông ta có toàn quyền. Ông ta sẽ rất hài lòng nếu các nước chư hầu thường lệ mang theo sừng tê, ngà voi, vàng bạc đến triều cống. Bởi vì ý niệm trung tâm của triều cống là sự thần phục, dùng lễ bang giao, dùng chính sách nhu viễn (vỗ về nước xa). Cho dù đấy là Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Mạc Đăng Dung hay Quang Trung..., miễn cứ tuân theo hệ thống triều cống đấy là được tham dự vào hệ thống trật tự thế giới của thiên hạ. Ý chí và quan hệ quyền lực giữa phiên thuộc và thiên triều phụ thuộc vào thiên tử.

- Nhưng, liệu có phải cứ triều cống là chắc chắn được yên ổn hay không? Theo tôi biết thì có những giai đoạn mà một nước nào đó triều cống với mong muốn được yên ổn nhưng thiên triều vẫn lấy cớ này cớ kia để gây chiến!

- Bên trên chúng ta nói về việc đáp ứng triều cống thì được yên. Điều này đúng nhưng đó mới là một nửa của luật chơi. Nửa còn lại nằm ở 3 yếu tố sau đây.

Thứ nhất, thiên tử không chỉ yêu dân, vỗ về nước xa mà còn có một sứ mệnh khác không kém phần quan trọng là thay trời dấy quân thảo phạt kẻ vô đạo để giữ yên thiên hạ. Vì thế, những lúc thiên tử đi đánh nước khác là lúc chư hầu được cho là phản loạn, đại nghịch, tiếm ngôi... và thiên triều buộc phải chinh phạt. Hoàn toàn không phải vì lòng tham của thiên triều - đó là diễn ngôn quyền lực. Hãy nhớ lại những lần họ kể tội Hồ Quý Ly, kể tội Mạc Đăng Dung thì rõ quá rồi.

Hai yếu tố sau là nhu cầu thực tế. Nhu cầu chinh phạt, mở rộng lãnh thổ, thu lợi kinh tế... là có thực. Việc nhà Thanh đánh vào Myanmar, nhà Minh đánh vào Vân Nam... hay nhà Tống đánh Việt Nam, Nam Hán đánh Việt Nam có yếu tố kinh tế, địa chính trị và quân sự rất rõ.

Thứ ba, khi triều đại mới lên ngôi, vấn đề đặt ra đầu tiên là xác lập lại trật tự thế giới đã sụp đổ của triều đại trước. Con đường ngắn nhất tới thần phục này là sức mạnh quân sự. Điều này lí giải vì sao khi mới lên cầm quyền, nhà Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh làm loạn lên là vì thế, vì họ muốn ngay lập tức xác lập trật tự mới bằng quân sự.

Việt Nam là một trong những nước có nhiều đối tác chiến lược và đang hội nhập quốc tế tốt. Ảnh: L.G

Tuy nhiên, về cơ bản mà nói, các ông vua Trung Quốc có toàn quyền quyết định về việc cái đế chế này là của dòng họ ông ta và ông ta có toàn quyền quyết định về sự tồn tại của đế chế. Chừng nào các nước phiên thuộc vẫn còn triều cống và sự triều cống đủ làm ông ta hài lòng thì mối quan hệ giữa thiên triều với các nước phiên thuộc vẫn bình yên. Tôi không ủng hộ mô hình quan hệ này, không bảo nó là hoàn hảo mà chỉ nói rằng quan hệ này tạo nên một trật tự tương đối yên bình. Lát nữa ta sẽ xem, quốc gia dân tộc không hề đơn giản như thế.

- Anh vừa nói tới khía cạnh thay đổi triều đại ở thiên triều, tôi muốn nhìn thêm một khía cạnh nữa, đó là những thay đổi triều đại ở bản thân các nước phiên thuộc. Có vẻ như mỗi lần thay đổi này cũng là một lần tạo cớ để thiên triều gây chiến? 

- Đây là những chuyện rất thường xuyên xảy ra. Bởi vì vấn đề cốt lõi để anh cầm quyền ở Triều Tiên, ở Việt Nam trong thời phong kiến không chỉ liên quan đến thế của anh mà còn liên quan đến yếu tố gọi là tính chính danh của anh nữa. Phải có tính chính danh thì người dân mới nghe theo và các phe phái khác mới không (dám) làm loạn.

Có nhiều điều tạo nên tính chính danh (chống ngoại xâm, phát triển kinh tế...), một trong số đó là sự công nhận của thiên triều. Việc anh nhận được sắc phong và danh hiệu “Triều Tiên quốc vương” là một trong những cách thức để anh nói với thần dân của mình rằng mình đã lên cầm quyền một cách rất hợp lệ. Chính vì thế, trong rất nhiều cuộc tranh giành đấu đá tại các quốc gia phiên thuộc, bao giờ cũng có một phe phái nào đó đi tố cáo với thiên triều rằng phe phái chống lại mình không chính thống.

- Là ngụy triều?

- Đúng rồi! Là ngụy triều. Là tiếm ngôi. Còn mình mới là con cháu thật sự của họ Trần, mình mới là con cháu thật sự của họ Lê. Khi Lê Lợi lên cầm quyền, sang cầu phong nhà Minh là cầu phong dưới danh nghĩa con cháu họ Trần. Nhà Mạc sau này phải thuyết phục nhà Minh rằng nhà Lê hết vận rồi, con cháu nhà Lê lưu tán và không còn ai nữa, nên nhà Mạc phải thay thế. Và vì vậy, cuộc cạnh tranh để nhận được sự thừa nhận của thiên triều là một trong những yếu tố quyết định đến sứ mệnh chính trị của các phe phái trong nước. Anh sẽ thấy là trong suốt lịch sử chuyên chế Việt Nam, cuộc cạnh tranh để được thừa nhận này có rất nhiều diễn biến phong phú, căng thẳng và hấp dẫn. Kể cả các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, vừa đánh nhau với họ Trịnh, vừa tìm cách thăm dò quan chức Quảng Đông xem mình có thể cử người tới nhà Thanh được hay không. Nguyễn Phúc Chu còn mời một nhà sư ở Quảng Đông là Thích Đại Sán tới để tham vấn về việc này.

Nhà Mạc cũng vậy, đặc biệt là lúc họ cát cứ vùng biên giới phía Bắc. Người ta hay dẫn lí do về địa hình hiểm trở, về quan hệ của nhà Mạc với cư dân địa phương... để lí giải sự tồn tại lâu dài của họ ở vùng biên này. Tôi thì thấy nguyên nhân chính để họ duy trì ở đây là sự bảo trợ của nhà Minh, nhà Thanh. Nhiều lần họ bị quân Lê - Trịnh đánh thua, chạy sang bên kia biên giới nhưng nhà Minh yêu cầu Thăng Long trả lại đất đai.

Đấy, cái trật tự quyền lực ở Đông Á nó có sức chi phối lớn như thế. 

Phải làm rõ một điều, việc nói rằng triều cống và cơ chế thuần phục giữ cho trật tự Đông Á thời cổ trung đại diễn ra tương đối yên bình không có nghĩa là tôi ủng hộ mô hình này. Ở đây, chúng ta đang nhìn nhận vai trò của nó trong việc thiết lập quan hệ chính trị, ngoại giao Đông Á một cách tổng thể mà triều cống giúp tạo một cái phom có tính chất tương đối ổn định. Trong khung cảnh đó, các cuộc chiến tranh chỉ xảy ra với một trong hai trường hợp sau: hoặc là một triều đại mới nào đó ở Trung Quốc lên cầm quyền, hai là có một sự thay đổi, xáo trộn nào đó trong nội bộ các nước xung quanh. Ví dụ nhà Minh đánh Việt Nam với lý do nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần; nhà Thanh đánh vua Quang Trung với lý do Quang Trung lấy ngôi nhà Lê. Dĩ nhiên đấy là lý do. Nhưng, trên nguyên tắc, họ lập luận như thế. Thế kỷ XX, thực ra chỉ là 50 năm cuối thế kỷ XX, chúng ta thấy Trung Quốc với tư cách là một quốc gia, họ gây chiến với bốn phương xung quanh với đủ các lí do.

- Bởi chúng ta hiểu là sau này, khi mô hình phong kiến chấm dứt thì Trung Quốc không còn là Trung Quốc của một dòng họ, một ông vua nữa nên không thể cứ triều cống để làm hài lòng một dòng họ, một ông vua là xong!

- (Gật đầu) Điểm quan trọng nhất của chuyển biến chính trị hiện đại ở Trung Quốc là chuyển đổi hệ hình chính trị, từ thiên triều sang quốc gia dân tộc. Sự chuyển đổi này quyết định cách họ cai trị bên trong và cách họ xác lập quan hệ quốc tế ở Đông Á. Chúng ta nói về nhà Minh, nhà Thanh và câu chuyện chừng nào Vua Quang Trung của Việt Nam, bất luận thật hay giả sang đó chúc mừng Càn Long 80 tuổi thì mọi thứ vẫn sẽ ổn, quan hệ giữa hai nước vẫn bình thường. Nhưng, khi Trung Quốc đã chuyển mô hình thiên triều sang mô hình quốc gia dân tộc, mọi thứ không như vậy nữa. Tham vọng của Trung Quốc giờ đây là tham vọng của một quốc gia dân tộc.

- Chúng ta có thể cắt nghĩa mô hình quốc gia dân tộc từ thời điểm nào trong dòng chảy lịch sử nhân loại, thưa anh?

- Ở đây, phải hiểu bản chất của mô hình quốc gia dân tộc là gì? Theo lý thuyết phương Tây, mô hình này bắt đầu vào thế kỷ 17. Trước thời điểm này, ở phương Tây, mối quan hệ giữa vùng này với vùng kia, nước này với nước kia là mối quan hệ giữa lãnh chúa này với lãnh chúa kia, dòng họ này với dòng họ kia. Ở đó, người ta có thể cho nhượng đất đai sau cuộc hôn nhân nhưng với mô hình quốc gia dân tộc thì khác.

Trên bàn cờ lúc này người chơi là quốc gia-dân tộc, chứ không phải là ông hoàng bà chúa với nhau. Dù anh là một nước lớn như Mỹ, Nga hay là nước nhỏ như Etopia, Buhtan thì anh là những người chơi độc lập, bình đẳng, có chủ quyền. Anh có đường biên giới được các hiệp ước quốc tế công nhận. Cái này khác hẳn quan hệ triều cống mà chúng ta đã phân tích. Triều cống là mối quan hệ quốc tế bất bình đẳng, đầu tiên được Trung Quốc tạo ra, sau đó được các nước xung quanh công nhận (đến mức nào, thật hay giả bàn sau). Người Xiêm, người Nhật... tự nguyện đến đây triều cống, họ chơi cái luật chơi ấy. Nhưng, quốc gia dân tộc là một cuộc chơi khác. Ở đấy, người ta nghĩ đến chủ quyền, bản sắc, đường biên, lãnh thổ, lợi ích dân tộc, không phải ngà voi hay thần phục.

Nước Trung Quốc trong hệ quy chiếu này không phải là nước của một ông vua Càn Long nữa, mà là nước của nhân dân Trung Quốc. Lúc này người ta không cần mấy cái sừng tê, mấy cái ngà voi hay những cuộc hôn nhân chính trị nữa mà là cuộc chơi của các quân đội nhân dân, vùng ảnh hưởng, lợi ích cốt lõi, lãnh thổ, chủ quyền và tất cả những va chạm, những hỗn loạn trong các tương tác chính trị của xã hội Đông Á hiện đại nảy sinh từ đây. Ông vua Trung Quốc trước đây không quá quan tâm đến những đường biên xa xôi. Một phần vì ông ta không đủ khả năng kỹ thuật, quan trọng hơn là ông ta vận hành đường biên bằng thần phục. Còn Trung Quốc hiện đại quan tâm đến từng mét đất, từng hòn đảo..., thậm chí tham vọng ra bên ngoài, tranh giành của người khác...

Tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.  Ảnh: L.G

- Tôi đồng tình với cách nhìn nhận của anh về sự chuyển đổi từ mô hình “thiên triều” sang mô hình “quốc gia” của Trung Quốc. Tôi muốn hỏi thêm rằng: Những yếu tố bên ngoài tác động tới cuộc chơi mới này như thế nào? Bởi, rõ ràng trong mô hình cũ, chỉ có 2 đối tượng tương tác duy nhất là thiên triều và phiên thuộc nhưng trong mô hình mới, không chỉ có mối tương tác riêng lẻ giữa Trung Quốc với các nước Á Đông mà còn có sự xuất hiện của các nước bên ngoài nữa.

- Đây là một câu hỏi rất hay. Vào thế kỷ XVIII, khi nước Anh bắt đầu cách mạng công nghiệp thì toàn bộ số sắt thép của họ chỉ tương đương với nhà Bắc Tống thế kỷ XII. Nhưng, sau cách mạng công nghiệp thì có một sự rẽ hướng lớn, Trung Quốc bị phương Tây bỏ lại rất xa. Nói đến so sánh này để thấy từ đầu thế kỷ XIX, cuộc chơi của Trung Quốc nói riêng và bàn cờ Đông Á nói chung đã có cao thủ mới là phương Tây.

Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật sẽ mở cửa Trung Quốc, sẽ lập ra các khu vực ảnh hưởng trên lãnh thổ Trung Quốc và xác lập một trật tự quốc tế mới ở Đông Á mà Trung Quốc sau đó thậm chí không có vai trò. Ví dụ chiến tranh Trung-Nhật năm 1895 tranh giành ảnh hưởng ở Triều Tiên. Thiên triều thất bại. Năm 1910, Nhật Bản chiếm Triều Tiên.

Điều tương tự diễn ra với quan hệ Việt-Trung-Pháp. Trung Quốc mất đi vai trò ở Đông Á. Trật tự quốc tế mới ở khu vực là hệ thống thực dân dẫn dắt bởi các đế quốc Âu - Mỹ và Nhật Bản. Kể từ sau Chiến tranh thế giới 2, năm 1945, khi phát xít Nhật sụp đổ thì đó là Mỹ và Liên Xô. Tất cả chúng ta đều biết dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc giấu mình chờ thời, chuẩn bị lực lượng để đợi đến một ngày vươn lên, mà gây hấn ở biển Đông là một ví dụ.

- Bây giờ thì họ không còn giấu mình chờ thời nữa. Họ cho rằng thời cơ của họ đã đến và vì vậy họ không ngừng tạo ra hàng loạt những tuyên bố, những va chạm phi pháp trên Biển Đông.

- Tại sao Trung Quốc cần Biển Đông? Tôi từng mô tả Trung Quốc là một tù nhân của địa lý. Anh hình dung, tất cả những vành đai từ xa tới gần xung quanh vùng châu Á-Thái Bình Dương đều là căn cứ của Mỹ và đồng minh.

Tính chính danh cầm quyền (và an nguy) của Bắc Kinh hiện nay nằm ở con số tăng trưởng kinh tế. Con số này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cái đầu tiên là dầu lửa, nguyên liệu, hàng xuất khẩu. Những thứ này đi theo đường nào? Đó là Biển Đông. Nếu có chuyện gì xảy ra với dòng nguyên liệu này thì Trung Quốc gặp nguy. Như vậy là sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra nhu cầu về địa chính trị và sự mở rộng. Rất tình cờ là họ nổi lên vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi trật tự Đông Á thay đổi.

Cụ thể là nước Nga đã dần rút lui. Nếu đọc báo chí phương Tây, anh sẽ thấy người ta phân tích rằng Trung Quốc đang ăn cái bánh mà nước Nga để lại ở châu Á - Thái Bình Dương. Anh có thể hình dung rằng: các nước đồng minh cũ của Nga bây giờ gặp nhiều vấn đề với Trung Quốc. Đơn giản vì quan hệ giữa Nga và Trung Quốc bây giờ quan trọng hơn so với quan hệ giữa Nga với các nước đồng minh cũ của họ. Điểm thứ hai, liên quan đến quan hệ của Trung Quốc và Mỹ.

Năm 1972, người Mỹ hiểu rằng chia tách Trung Quốc với các nước lớn trong nhóm chủ nghĩa xã hội quá dễ. Và họ bắt tay Trung Quốc. Nhưng, bây giờ thì người ta lại đang nói đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung như một phiên bản mới của Chiến tranh Lạnh. Trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hai bên đối đầu toàn diện, còn trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày hôm nay, mọi thứ không đơn tuyến như vậy. Trung Quốc đang giữ trái phiếu hàng nghìn tỷ đô la của Mỹ, con gái của Tổng thống Mỹ vẫn làm ăn tốt với Trung Quốc. Và lịch sử đã cho thấy Mỹ và Trung Quốc từng bắt tay nhau để hy sinh quyền lợi của các nước nhỏ hơn. Cho nên bây giờ các nước nhỏ phải hết sức tỉnh táo trước cuộc đối đầu này.

Phải dài dòng như vậy để thấy tại sao lại là Biển Đông? Hành động gây hấn Biển Đông nằm ở đâu trong cuộc chơi lớn của Trung Quốc và tại sao họ lại mở sang phía Tây bằng Vành đai - Con đường, lại xây cảng nước sâu ở Myanmar.

- Vậy thì cách thức hành động tốt nhất của các nước nhỏ là gì, theo anh? 

- Thứ nhất là cần đa dạng hóa quan hệ quốc tế, thứ hai là dựa chặt vào các thiết chế quốc tế. Trung Quốc muốn đàm phán song phương với từng nước nhỏ giống như bẻ từng chiếc đũa trong một bó đũa. Nhưng, đấy không phải là cuộc chơi của các nước nhỏ. Các nước nhỏ có và phải tận dụng các cơ chế đa phương để tạo ra sức mạnh của mình.

Riêng với Việt Nam hiện nay, có một điểm rất thuận lợi, đó là rất nhiều cường quốc đều nhìn chúng ta như một điểm đến chiến lược, một thị trường đầu tư dài hạn. Việt Nam (đặc biệt là giới trẻ) rất cởi mở với bên ngoài, đặc biệt là phương Tây. Như thế có nghĩa chúng ta có đa dạng các yếu tố để đảm bảo cho việc tương tác trong môi trường đa phương.

Và cuối cùng, quan trọng nhất là phát triển nội lực. Việt Nam là một trong những nước có rất nhiều đối tác chiến lược. Chúng ta cũng đang hội nhập quốc tế tốt. Trong các thập niên tới, chúng ta phải trở thành cường quốc tầm trung thì lúc đó vị thế của Việt Nam sẽ rất khác trên trường quốc tế. Đây không phải là vấn đề để chọn lựa. Đây là con đường tất yếu phải đi.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Lời dự báo của Henry Kissinger

“Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng dự báo rằng: Đông Á của thế kỷ 21 sẽ là châu Âu của thế kỷ 19. Chúng ta đều biết châu Âu thế kỷ 19 xuất hiện các cuộc chiến liên quan đến chủ nghĩa dân tộc. Nhưng, sau một thời kỳ chủ nghĩa dân tộc lên ngôi, họ hiểu rằng việc bằng mọi giá xác định đường biên là chìa khóa của chiến tranh. Và bây giờ thì khác, đường biên giới của 2 nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) có thể đi xuyên qua 1 nhà hàng.

Còn ở Đông Á lại là câu chuyện khác. Ở Đông Á, người ta quan niệm việc xác định rõ ràng đường biên giới là chìa khóa của hòa bình. Trong cuộc chơi này có sự tham gia của vô số yếu tố bên trong”.

Vũ Đức Liêm

Phan Đăng (thực hiện)
.
.