Trong họa có phúc

Thứ Tư, 14/10/2020, 12:46
Không còn là lời kêu gọi suông nữa. Không còn là những gợi ý hay đề xuất nằm yên trên giấy suốt bao năm nữa. Tình thế hiện tại đã buộc Phong trào giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) và Phong trào Hồi giáo Hamas phải thực sự nắm lấy tay nhau, nhằm bảo vệ sự tồn vong của toàn Palestine.

Đoàn kết hay là chết!

Hamas và Fatah đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ, như chính Hamas thông báo ngày 3-10. Cho dù thỏa thuận này “không phải để thay thế một cuộc đối thoại toàn diện với tất cả các phe phái khác nhau”, cho dù đây “chỉ là sự khởi đầu nhằm tạo thuận lợi cho vấn đề hòa giải và chấm dứt chia rẽ nội bộ”, thì việc Hamas - lực lượng chính trị luôn xung khắc với Fatah của đương kim Tổng thống Mahmoud Abbas - chính thức lên tiếng xác nhận cũng tạo cho thỏa thuận ấy một vóc dáng hoàn toàn khác biệt so với những gì từng xuất hiện giữa hai phe phái quan trọng nhất của người Palestine này, trong quá khứ.

Xây dựng những mối quan hệ đối tác chính trị đã trở thành “một lựa chọn chiến lược và mang tính bắt buộc, đối với cả Hamas, Fatah cũng như mọi đảng phái chính trị khác của người Palestine” - người đại diện Hamas nhấn mạnh. Thậm chí, Hamas còn kêu gọi “tất cả vì sự đoàn kết dân tộc giữa những người Palestine; xây dựng lại hệ thống chính trị Palestine hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc dân chủ thông qua tổ chức các cuộc bầu cử tự do, minh bạch và toàn diện”.

Một thỏa thuận mang tầm vóc lịch sử, một bước ngoặt.

Cuối tháng 9-2020, một cuộc bầu cử như vậy đã bắt đầu được phác thảo - cuộc tổng tuyển cử Palestine đầu tiên sau 15 năm gián đoạn. Đó là kết quả của 3 ngày đối thoại giữa lãnh đạo Fatah Mahmud Abbas và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở địa điểm trung gian Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong vòng 6 tháng. Quan chức cấp cao Fatah, Jibril Rajub, hé lộ: hai bên đã thống nhất tổ chức bầu cơ quan lập pháp trước, sau đó là bầu lãnh đạo chính quyền Palestine và cuối cùng là bầu Hội đồng trung ương của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Theo nhiều nguồn tin, Hamas và Fatah cũng đã đạt được thỏa thuận về tầm nhìn chung hướng tới hòa giải nội bộ và tổ chức các cuộc tổng tuyển cử tại Palestine.

Trong tuyên bố chung, Fatah và Hamas cam kết “cùng hành động nhằm phá mọi âm mưu cho đến khi giành độc lập hoàn toàn, hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, với Jerusalem là thủ đô”.

Thực tế, trong quá khứ, vào năm 2006, đã có một cuộc bầu cử lập pháp của Palestine được tổ chức và phần thắng áp đảo thuộc về Hamas. Nhưng sau đó, chính phủ đoàn kết giữa hai bên nhanh chóng sụp đổ. Chỉ 1 năm sau, 2007, Fatah và Hamas đã có những cuộc đụng độ tại Dải Gaza. Kể từ đó, Dải Gaza thuộc quyền kiểm soát của Hamas, với khuynh hướng đấu tranh vũ trang bạo lực nhằm chống lại Israel. Khuynh hướng này hầu như đối nghịch với những nỗ lực ngoại giao của Fatah - quản trị vùng Bờ Tây. Tất cả mọi nỗ lực hòa giải kể từ đó tới nay, kể cả những động thái trao đổi tù nhân, đều không thể hàn gắn những vết rạn nứt trong nội bộ Palestine.

Nhưng, đó là những câu chuyện cũ. Một thời kỳ mới, với những đòi hỏi về cách tiếp cận vấn đề mới, đã thực sự mở ra ngay từ tháng 7, khi Fatah và Hamas quyết định “ngồi lại với nhau” nhằm chấm dứt chia rẽ.

Những người anh em đã xích lại gần nhau trong nghịch cảnh.

Chiếc đòn bẩy Donald Trump

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thay đổi trong nhận thức đã đến cấp tập, khi ngoại cảnh tạo nên quá nhiều chông gai.

Kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất vào năm ngoái (điều mà ông gọi là “thỏa thuận thế kỷ”), bất chấp mọi phản ứng ngược chiều dữ dội từ công luận thế giới cũng như cộng đồng Arab Hồi giáo vào lúc đầu, đã đạt được những bước tiến vững chắc đáng kinh ngạc.

Bản kế hoạch đó được đặt trên cơ sở bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab Hồi giáo - vốn vô cùng thù địch với Israel và nó phớt lờ “giải pháp hai nhà nước” trong các lộ trình xây dựng hòa bình Trung Đông trong quá khứ. Đó là gạch nối giữa việc nước Mỹ tuyên bố thừa nhận toàn bộ Jerusalem (mà Palestine cũng có phần chủ quyền) là thủ đô mới thay thế cho Tel Aviv của Israel, với việc kêu gọi cộng đồng quốc tế chấp nhận quyền kiểm soát lãnh thổ của Israel trên những khu vực vốn vẫn bị (kể cả chính nước Mỹ trước đây) xem là chiếm đóng bất hợp pháp.

Quyền lợi chính đáng của Palestine đã bị gạt sang một bên trong sáng kiến hòa bình Trung Đông mới đó. Bởi vậy, ngay từ khi được giới thiệu, hầu hết mọi quốc gia Arab Hồi giáo đều không tán đồng. Thậm chí, những lời khẳng định rằng “điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hóa quan hệ với Israel là việc bảo đảm giải pháp hai nhà nước và độc lập - chủ quyền cho Palestine”.

Tuy nhiên, trong mọi mối quan hệ quốc tế, chẳng lợi ích nào quan trọng hơn lợi ích của chính mình. Có lẽ bởi vậy mà chỉ cần nỗ lực tạo xong “đột phá khẩu” thông qua việc tác động để Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chấp nhận đặt bút ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, nước Mỹ đã khiến cả một thế cục thay đổi. Sau UAE, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thêm chuyến công du đến một dải Trung Đông. Sau khi ông trở về, đến lượt Bahrain và Israel tuyên bố bình thường hóa quan hệ.

Tiếng thét của một Palestine đoàn kết sẽ giàu sức lay động hơn.

Trong buổi lễ ký kết những văn bản bình thường hóa đó tại khuôn viên Nhà Trắng, ai cũng biết, rất nhiều cơ hội hợp tác và phát triển nhiều mặt đã được thiết lập giữa UAE và Bahrain với Israel - một trong những quốc gia giàu mạnh hàng đầu, không chỉ của khu vực mà của cả thế giới. Những mối “lợi lộc” đó rất khó để chối từ, đặc biệt là khi nó còn hàm ý rằng Mỹ và Israel sẽ cùng các nước Arab ngăn cản sự bành trướng ảnh hưởng của Iran - một “kẻ thù” khác của Liên đoàn Arab (AL). Cho nên, bất cứ ai cũng có thể tự hỏi, sau UAE và Bahrain, sẽ đến lượt quốc gia nào xiêu lòng, gật đầu và chìa tay cho Israel, để chấp nhận bỏ qua thực tế rằng Palestine đã và đang bị dồn đến chân tường?

Vậy thì, nếu điều đó tiếp tục xảy ra như một phản ứng dây chuyền, theo cách nó đã và đang xảy ra, làm cách nào để Palestine tiếp tục cuộc chiến đấu của mình? Làm cách nào để họ phá tung được cái vòng kim cô đang dần xiết chặt lấy những khát vọng lập quốc và ngăn chặn khả năng tiếp tục bị dồn lấn hoặc đẩy bật khỏi những vùng đất mà luật pháp quốc tế đã dành cho họ?

Họ cần phải tập trung được sức mạnh, thứ sức mạnh nội tại được tạo nên và khuếch đại bằng tình đoàn kết, chứ không phải bằng sự chia rẽ. Họ cần phải noi gương chính Israel - kẻ thù truyền kiếp của mình, để không cần phải trông đợi quá nhiều vào “ngoại viện”. Palestine đã mất mát quá nhiều rồi. Và nếu Fatah vẫn không thể nhìn về cùng một hướng với Hamas, nếu Bờ  Tây và Dải Gaza vẫn là hai vùng lãnh thổ riêng biệt, nếu PLO vẫn chỉ là một cái tên nhiều hơn là một thực thể gắn kết thì sự nghiệp của dân tộc ấy vẫn chẳng có hy vọng gì. Những sự phản ứng lẻ tẻ, rời rạc, tự phát và yếu ớt sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế mỗi ngày một thêm thờ ơ.

Trong cái rủi, lại có cái may. Những gì mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump nỗ lực thực hiện nhằm hậu thuẫn cho Israel, cuối cùng cũng tạo nên những tác động tích cực. Và nếu Fatah cùng Hamas hoàn tất được tiến trình hòa giải này, những tác động đó sẽ là vô giá.

Đông Phong
.
.