Tình mẫu tử muộn màng - Sau 36 năm, một nữ liệt sĩ được có con nuôi

Thứ Ba, 17/06/2008, 15:00
Từ trong nhà, bà Cao Thị Tú nghe chuyện vội lập cập chạy ra. Nước mắt giàn giụa chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Bà đã từng dặn con trai mình: "Nếu tao có chết rồi, con cháu mày cũng phải tìm ra cho được người nhà cô Đào mà trả ơn trả nghĩa". Nay có lẽ, linh hồn linh thiêng cô Đào đã dẫn đường cho tất cả mọi người hội ngộ, một cuộc hội ngộ đầy nước mắt...

Năm 1966, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô gái 18 tuổi Trần Thị Đào cùng nhiều bạn bè trang lứa lên đường tham gia đạo quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Phải như là hậu duệ của Thuý Kiều, đứa con tinh thần của thi hào Nguyễn Du, nên cô gái của xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có sắc nước hương trời và tiếng hát véo von ấy, từ tháng 2/1968 đã được lãnh đạo Đại đội TNXP đường 12A, đang đóng quân ở huyện Minh Hoá, Quảng Bình, tuyển chọn từ công nhân làm đường, sung vào đội Văn nghệ Xung kích.

Bom gầm, đạn réo mịt mùng, thương vong và chết chóc hãi hùng ngày cũng như đêm, nhưng tiếng hát đội Văn nghệ Xung kích của Đại đội TNXP đường 12A vẫn như những sơn ca lảnh lót trên các điểm chốt phòng không, trong những hang sâu chứa đầy vũ khí, quân dụng, trên những cung đường ra trận mù mịt bụi đất và khói bom, để động viên các chiến sĩ bộ đội và TNXP hoàn thành nhiệm vụ.

Hai "Cô văn công" - người xóm Thón đến bây giờ vẫn gọi thế - Trần Thị Đào và Nguyễn Thị Hồng được đơn vị bố trí ở nhà chị Cao Thị Tú cùng hai chiến sĩ lái xe của Binh trạm 47 thuộc Binh đoàn 12A. Ngày luyện tập tiết mục, đêm xuống hiện trường phục vụ. Quãng thời gian ít ỏi còn lại, các "Cô văn công" sống chan hoà cùng gia đình mình ở trọ như mối tình cá nước. Yêu lắm thay cậu bé khôi ngô bụ bẫm, tuổi mới lên hai là Cao Quang Trung, con chị chủ nhà đang có chồng ra trận, nên cô Trần Thị Đào và Nguyễn Thị Hồng thường hay giúp chị bế ẵm, tắm rửa, bón cháo, hát đưa nôi ru cháu ngủ như thể một người mẹ hiền.

Bây giờ, tuổi đã 73, nhưng bà Cao Thị Tú vẫn kể rất rành rọt cho tôi nghe câu chuyện của những giây phút định mệnh hãi hùng ấy. Vào khoảng 8 giờ tối ngày 16/5 (tức 4/4 Âm lịch) năm 1968, như thường lệ, các "Cô văn công" ăn bận chỉnh tề để ra điểm tập trung gia nhập đoàn đi làm nhiệm vụ. Để bạn còn bế cháu giúp chị chủ nhà, đang lỡ việc sẽ đi sau, cô Nguyễn Thị Hồng vừa đi trước vài phút thì bỗng có tiếng máy bay B.52. Kẻng báo động vang lên. Những loạt bom rầm rầm nổ quanh làng.

Mẹ chồng và chị Tú chạy từ bếp vào. Cô Trần Thị Đào trao bé Trung cho chị và nhường lối, đẩy cả hai người xuống hầm trước. Cũng vừa lúc đó, một quả bom sát thương định mệnh nổ ngay giữa sân nhà. Mái nhà lá bốc cháy. Tiếng thét vang lên. "Cô văn công" Trần Thị Đào bị một mảnh bom chết ngay tại chỗ. Hai anh lái xe Binh trạm 47 đang có mặt trong nhà cùng một chị dâu và cháu nội từ nhà bên sang chơi bị thương nặng, được chở đi cấp cứu. Nhưng ngày hôm sau thì tất cả không còn. Ngay trong đêm, Trần Thị Đào được dân quân xóm Thón mai táng tại nghĩa địa Tò Tò dưới chân dãy núi Giăng Màn hẻo lánh của huyện miền núi Minh Hoá, Quảng Bình trong niềm thương tiếc vô hạn của đồng đội và dân làng.

Gian nan bước chân đi tìm chị 36 năm trời

Tôi đã tìm đến đội I, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, để gặp ông Trần Văn Bảy, năm nay 55 tuổi, em ruột liệt sĩ Trần Thị Đào. Ông Bảy mừng rỡ bắt tay tôi và vào chuyện ngay. Tôi bồi hồi theo từng lời kể của ông.

Liệt sĩ Trần Thị Đào hy sinh, một năm sau thì có giấy báo tử. Sau ngày đất nước hoà bình, ông Trần Văn Bảy quyết định khăn gói lên đường đi tìm mộ chị. Nhưng, không rõ do sơ suất từ đâu mà lúc ấy giấy báo tử bị nhoè một chỗ. Dòng chữ "Hy sinh tại mặt trận Khe Rinh" thì chỉ đọc được "Hy sinh tại mặt trận... inh". Gia đình đoán trước vần "inh" trong chữ bị nhoè, có lẽ là Vĩnh Linh. Thế là, hai lần trong vòng 3 năm, ông Bảy khăn gói lên đường, bất chấp nhọc nhằn, vất vả, đã vào tận Vĩnh Linh, Quảng Trị, săm soi khắp nghĩa trang của các xã hai bờ Bắc Nam cầu Hiền Lương để tìm kiếm, nhưng không thể nào tìm ra.

Nước mắt thương chị, đắng cả thời gian. Rồi một sự may mắn đã đến với ông, vào độ tháng 12/2004, ông Bảy bỗng gặp ông Thanh, người cùng huyện, nhưng ở thôn Hải Biên, xã Xuân Hải, cựu TNXP trong Binh đoàn 12A năm xưa. Và thế là, ông Thanh nhiệt tình, hồ hởi như ngày nào từng tham gia đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn", sốt sắng dẫn ông Bảy vào huyện Minh Hoá, Quảng Bình để tìm mộ đồng đội của mình.

36 năm đã qua, Minh Hoá, Quảng Bình trên con đường đổi mới thay đổi quá nhiều. Đi trên chiến trường xưa mà ông Thanh không tài nào nhận ra những nơi mình đã từng sống và chiến đấu. Xóm Thón bây giờ là thôn Tiền Phong, xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá với bao nhà ngói, công trình điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà Ủy ban, Đảng ủy xã... mọc lên.

Sau mấy ngày tìm kiếm thực sự đã vô vọng, chiều 30/12/2004, ông Thanh, ông Bảy được dân làng hướng dẫn đã tìm đến nhà Công an viên, Phó Trưởng thôn Cao Quang Trung để nghỉ nhờ qua đêm trước khi về quê. Anh Cao Quang Trung sốt sắng chạy ra đón, nhưng đành mời khách sang nghỉ tạm nhà hàng xóm, vì tại nhà mình, lúc bấy giờ, Ban Công an xã có Công an huyện về dự, đang tiến hành tổng kết đợt thi đua "Phòng chống và truy quét tội phạm năm 2004".

Mãi tối, anh Cao Quang Trung mới vồn vã, thân mật đón khách về nhà mình nghỉ ngơi, ăn uống. Bên ngọn lửa bập bùng trong tiết hanh lạnh vùng núi, chủ và khách tâm tình cởi mở, ấm áp lạ thường. Ông Bảy, ông Thanh kể chuyện về Nguyễn Du, về những đổi thay trên quê hương Hà Tĩnh "Gạo trắng nước trong" của mình. Anh Cao Quang Trung thì kể về lịch sử phát hiện ra người Rục và cuộc sống đổi đời của họ hôm nay trên quê hương của mình, trong sự chăm bẵm, tận tình của Đảng và Nhà nước. Và một điều kỳ diệu đã diễn ra.

Khi ông Bảy và ông Thanh thuật chuyện về mục đích chuyến đi của mình và tường thuật trường hợp hy sinh của liệt sĩ Trần Thị Đào, người đã bị bom Mỹ giết hại khi vừa kịp trao cậu con trai 2 tuổi của chị chủ nhà, đẩy chị xuống hầm, trước khi lên đường đi làm nhiệm vụ, lập tức anh Cao Quang Trung  đứng dậy, bắt tay ông Bảy lay lấy lay để, nghẹn ngào xúc động: "Thế hả? Là tôi đây! Người con trai 36 năm trước được cô Đào văn công cứu sống cả mẹ lẫn con, chính là tôi đây!".

Từ trong nhà, bà Cao Thị Tú nghe chuyện vội lập cập chạy ra. Nước mắt giàn giụa chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Bà đã từng dặn con trai mình: "Nếu tao có chết rồi, con cháu mày cũng phải tìm ra cho được người nhà cô Đào mà trả ơn trả nghĩa". Nay có lẽ, linh hồn linh thiêng cô Đào đã dẫn đường cho tất cả mọi người hội ngộ, một cuộc hội ngộ đầy nước mắt. Bà Cao Thị Tú nắm lấy tay ông Bảy, lúc đó ông cũng đang giàn giụa nước mắt, giọng nói nghẹn ngào: "Chao ôi! linh thiêng cô Đào đã dẫn chú về đây!".

Đêm miền núi Minh Hoá, Quảng Bình thâm u hôm đó bỗng trở nên lung linh, huyền diệu làm sao, bởi niềm vui sướng khôn tả của hai người ở miền quê Hà Tĩnh sau 36 năm đi tìm người thân đã lần đến đích.

Từ trái sang: Ông Thanh, ông Trần Văn Bảy và Cao Quang Trung trước mộ liệt sĩ Trần Thị Đào trong ngày cải táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Mẹ Đào ơi, mẹ có con nuôi của mẹ đây rồi!

Sáng sớm, anh Cao Quang Trung dẫn hai người đến nghĩa địa Tò Tò chỉ nơi liệt sĩ Trần Thị Đào đã từng nằm lại và gia đình anh từng hương khói bao năm, rồi thuê xe chở cả hai người về nghĩa trang liệt sĩ Tầm Đa, nơi năm 1984, Huyện đội và Phòng Thương binh - Xã hội Minh Hoá đã quy tập mộ liệt sĩ Trần Thị Đào về đây an nghỉ cùng bao đồng đội. Ông Trần Đình Bảy ôm mộ chị mà khóc ròng rã.  Anh Cao Quang Trung cũng giàn giụa nước mắt.

Mọi thủ tục xong xuôi, hai ngày sau, liệt sĩ Trần Thị Đào trong Đại đội TNXP đường 12A năm xưa cùng người nhà của mình lên tàu từ ga Đồng Lê, Tuyên Hoá để hồi hương. Anh Cao Quang Trung tạm gác bao công việc của mùa vụ và bề bộn công tác giữ gìn an ninh trật tự của một Công an viên trong thôn xóm, lên đường tháp tùng. 

Điện về báo trước nên liệt sĩ Trần Thị Đào đã được Huyện đội Nghi Xuân, Đảng ủy, Ủy ban xã Xuân Phổ và gia đình đưa xe vượt sông Lam ra đón tại bến ga Vinh. Sau đó lễ dâng hương truy điệu liệt sĩ Trần Thị Đào được tổ chức long trọng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phổ. Bà con, các cơ quan đoàn thể đến dâng hương, tưởng niệm và rất vui mừng trước anh linh người con gái quê hương mình đi đánh Mỹ sau 36 năm nay đã trở về.

Anh Cao Quang Trung trước linh sàng người quá cố, trước họ hàng họ Trần Đình làng quê Xuân Phổ, sau hai hàng nước mắt khóc người đã ngã xuống, ân nhân đời mình, gia đình mình, đã từ từ rút dải khăn tang đặt trên bàn thờ quấn lên đầu mình. Anh quyết định nhận làm con nuôi liệt sĩ Trần Thị Đào. Giọng anh nấc lên: "Mẹ Đào ơi, mẹ có con nuôi của mẹ đây rồi!". Bao tiếng khóc của người Xuân Phổ nấc lên vì xúc động trước tình cảm cao đẹp thiêng liêng của một người con trai miền núi Quảng Bình.

Kể từ đó, đều đặn, đến kỳ giỗ chạp mẹ nuôi, anh Cao Quang Trung khăn gói dẫn vợ con, đáp tàu ra Hà Tĩnh. Ông Trần Đình Bảy từ phía Nam núi Quyết, thỉnh thoảng vượt đèo Ngang vào Quảng Bình để thăm gia đình anh Cao Quang Trung. Hẳn linh hồn người nữ liệt sĩ Trần Thị Đào cảm thấy ấm áp hơn khi những người thân của mình đã sống cuộc sống đầy tình nhân ái

Hồ Ngọc Diệp
.
.