Tin yêu khốn khó

Chủ Nhật, 09/11/2014, 16:14

Tôi đã gặp những thân phận khốn khó, tôi đã viết về những hoàn cảnh thương tâm, tôi đã khóc vì không thể nào có lời giải đáp cho câu hỏi “Vì sao không có phép màu cho những thân phận như vậy?”. Và sáng nay, khi tôi ngồi với cụ bà Nguyễn Thị Bé (sinh năm 1935, ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), tôi học được một ý niệm mới. Đó chính là sự cho đi, là sự yêu thương, là sự chia sẻ trong đời sống này.

Chưa bao giờ tôi xúc động đến vậy, bởi chưa bao giờ tôi hình dung được vào một ngày nào đó, tôi được nghe câu nói từ một hoàn cảnh cực kỳ khốn khó, “Bà khó khăn chứ, khó khăn vô cùng. Nếu con lên báo giúp bà, các Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ bà. Nhưng bấy nhiêu với bà đã quá đủ đầy rồi, bà muốn những tấm lòng thơm thảo của mọi người dành cho những cá nhân khác. Những cá nhân đang gặp khó khăn không thua kém gì bà cả”.

1. Phố, nắng xiên mắt nheo đuôi. Tôi ngồi với bà trong căn phòng trọ áng chừng 2m2, bề bộn, đèn sáng như mù sương, văng vẳng tiếng kinh Địa tạng từ chiếc máy cassette nhỏ. Cậu nhóc gọi bà là bà nội, nằm yên ắng trên chiếc tã lót, chân tay khẳng khiu, đầu to quá khổ, khuôn miệng như khóc như cười… Cậu nhóc tên Tôn Nhân Dũng. Dũng, năm nay 12 tuổi. Mới sinh Dũng ra thì mẹ Dũng bỏ đi, người đàn bà ấy không vượt qua được sự nghiệt ngã của thân phận, đã chọn cách quay mặt để giải quyết. Dũng, mới sinh đã bất thường, mới sinh đã mắc chứng não úng thủy.

Bà, khi đó đang ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Huyện Tân Phú là huyện xa của tỉnh Đồng Nai, dân cư thuần nông nghiệp với những cánh rừng quốc gia, với những mảnh vườn cà phê… Mà gần như là một quy luật, nơi nào có nhiều vườn cà phê, nơi đó sẽ có thêm một bộ phận dân nhập cư không tiền, không nhà, không thân thích tìm đến để mưu sinh bằng nghề làm thuê.

Làm thuê trong những khu vườn cà phê này khác với hình thức làm thuê khác, chủ vườn sẽ cho người làm thuê lưu ngụ tại căn chòi trong vườn của mình. Căn chòi do chủ dựng trước hay do người làm thuê tự dựng là bởi thỏa thuận mà thành.

Bà làm thuê bao lâu rồi, chính bà cũng không nhớ nữa. Ngay cả bà sinh vào con giáp nào, bà còn không quan tâm, huống hồ là chuyện nhớ về chuỗi ngày gian khó. Bà chỉ biết, cái nghèo vận vào đời bà như một định mệnh.

“Hồi còn con gái, nhà khổ quá, nghỉ học sớm. Lấy chồng, chồng cũng không khá hơn. Ăn ở với nhau được ba con thì chồng bỏ bè con thơ theo tiếng gọi của tình ái. Bà một nách ba con, dắt díu nhau xin đi làm thuê. Chủ vườn thương cho mượn đất cất chòi. Con lớn, con hai lập gia đình, phiêu bạt tứ xứ. Chạy quanh không đủ cơm ăn. Con út khó, bà thương nên ở cùng. Khó từ đời ba, sang đời con, rồi giờ đời cháu”, bà nói với tôi như vậy.

Cả đời bà chỉ mong có cái nhà để ở, là nhà của mình chứ không phải là cất trên đất cho mướn. Nhưng, trong cõi đời này, phù phiếm luôn là thứ bao bọc cho những ước mơ.

Dũng, ngày chào đời, được mươi hôm chưa no sữa mẹ thì mẹ bỏ đi. Mẹ theo cha Dũng, mẹ chịu khổ bao nhiêu cũng được. Nhưng hình hài không vẹn của Dũng đã đánh gục mẹ Dũng.

Bà nội có trách mẹ Dũng không? Chắc là, bà nội không trách mẹ Dũng. Bà nội là phụ nữ, bà nội đủ hiểu và thông cảm cho những chuyện mà mẹ Dũng đang chịu đựng. Bà nội chỉ xót Dũng thôi.

Nghe người ta chỉ, bà nội ẵm Dũng ra Huế để chữa trị. Ba xin ứng trước tiền làm thuê, đưa cho nội. Nội năm đó, cũng gần 70 tuổi rồi.

Những ngày ở Huế, nội khóc khô nước mắt. Nội khóc, không phải vì những điều mà nội đã trải qua. Nội khóc là bởi, bác sĩ nói với nội, “Bà ẵm cháu về lại nhà đi. Chắc cháu chỉ sống được thêm 6 tháng nữa thôi”.

Cụ bà Nguyễn Thị Bé cùng cháu nội trong căn phòng trọ được cho ở miễn phí.

2. Nội đưa Dũng về lại căn chòi ấy, những ngày nắng, những đêm mưa, nội nhìn Dũng khóc ngằn ngặt mà ruột gan tím bầm. Mẹ không phải là cá chuối để đắm đuối vì con, thì nội thay mẹ làm thân cá chuối.

Chắt chiu được mấy triệu, nội quyết định ẵm Dũng lên thành phố. Bệnh viện Nhi đồng I, đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM. Hơn mười một năm rồi quen mặt nội và Dũng.

Tiền có được, nội để dành mua thuốc cho Dũng. Còn ăn uống, nội xin cơm từ thiện, nội xin cháo miễn phí. Nội ẵm Dũng trong lòng, ngủ đâu cũng được. Nội không có mong muốn gì khác, nội chỉ muốn giữ được Dũng ở với nội được ngày nào thì nội hạnh phúc ngày đó.

Mười hai năm bén hơi nội, quen mùi nội. Giờ nội để Dũng nằm trên chiếc chiếu một lát, là Dũng lại ư ử gọi nội.

Dũng tiểu tiêu một chỗ, nội không có tiền mua bỉm, nội cứ giặt bỉm rồi phơi khô để lót lại cho Dũng. Dũng, có biết gì đâu, nhưng nội vẫn thích gọi Dũng là “Dũng đẹp trai của nội”. Dũng, ngày càng nặng hơn so với sức khỏe của nội.

Bệnh viện thương, bác sĩ thương, mấy chú xe ôm, rồi mấy cô bán bánh mì, bán nước cũng thương. Vừa thương Dũng, vừa thương nội. Bệnh viện cho bà cháu Dũng cái xe đẩy. Cứ vài tháng Dũng được xuất viện, chú xe ôm lại nhanh chóng đẩy xe giúp nội, cô bán bánh mì lại mỉm cười chúc Dũng mau khỏe hơn.

Cách đây vài năm, khi nội đưa Dũng lên bệnh viện điều trị lại. Cô bán bánh mì có nói, “Nội đưa cháu về chỗ con ở. Con ngăn cái phòng cho nội ở, miễn phí. Chứ nội cứ màn trời chiếu đất như vậy thì không được đâu nội”. Nội đưa Dũng về phòng trọ từ đó, miễn phí hoàn toàn. Dũng được nội cưu mang, nội được những người không quen đùm bọc. Cuộc sống này, có gì đẹp hơn nghĩa cử ấy.

Tôi biết rằng, không phải ai cũng có thiện cảm với những người buôn bán tại các nhà ga, bến xe hay cổng bệnh viện. Nhưng tin tôi đi, họ là những người luôn biết cách mở lòng trước những khốn khó. Họ có thể vì mưu sinh để mạnh mẽ, để cất miệng động tay. Dẫu vậy, sự tương thân tương ái là điều họ không bao giờ đánh mất. Thiện tâm trong họ, vẫn còn rất đủ đầy.

Một ngày, khi nội đang chăm sóc Dũng trong phòng trọ, thì nhà báo tìm đến. Nhà báo trò chuyện với nội, nhà báo xin ghi hình Dũng. Ban đầu, nội không cho. Nội không muốn Dũng xuất hiện trên báo, vì nội ngại nhiều điều. Quan trọng nhất, nội sợ Dũng tủi thân. Dũng có biết gì về đời sống ngoài nội đâu mà nội sợ. Mặc, nội vẫn muốn bảo vệ cháu nội bằng tất cả khả năng của mình.

Mà biết đâu đó, chính vì tình thương dành cho Dũng, mà nội mới đủ khỏe mạnh để chăm sóc cho Dũng đến tận hôm nay.

Nhà báo nói đủ đường, nội vẫn không đồng ý, cho đến lúc nhà báo đành phải thưa, “Thưa nội, là bác sĩ thấy nội khó khăn quá. Bác sĩ muốn giúp nội bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm. Giúp nội, cũng chính là giúp Dũng ạ”. Nội cảm động trước tấm lòng của bác sĩ, nội đồng ý.

3. Bài báo được chuyển đến tay bạn đọc, bạn đọc tìm đến nội. Người cho nội 100 nghìn, người cho nội 200 nghìn. Nội lại khóc, vì mừng và cả vì tủi.

Có tiền, việc đầu tiên là nội không để Dũng nằm trên những tấm bỉm được tái sử dụng nữa. Nội đã có thể cho Dũng nằm trên những tấm bỉm mới, khi tấm bỉm cũ đã ướt đẫm nước… Có tiền, nội có thể mua thuốc đủ toa cho Dũng. Đó là khoản tiền mà chẳng bao giờ nội đụng đến cho nhu cầu của nội. Đó là tiền riêng của Dũng.

Bốn tháng trước, nội đưa Dũng lên bệnh viện để khám lại. Bác sĩ chẩn đoán Dũng mắc thêm chứng nhiễm trùng da. Tiền thuê xe lên bệnh viện khám là tiền làm thuê của cha Dũng. Nội quan niệm rằng “Tiền của nhà hảo tâm cho Dũng, là để lo thuốc thang và những nhu cầu của Dũng thôi”. Nội vẫn ăn cơm từ thiện, nội vẫn ăn cháo miễn phí.

Hôm tôi sang, nội đang đút cho Dũng ăn cháo xay nhuyễn. Nội khóc rồi nội cười, vì nội cảm động trước tấm chân tình của những người không quen biết.

Sau khi trò chuyện xong, tôi cùng cậu em đồng nghiệp gửi nội ít tiền để nội có thêm điều kiện chăm sóc cho Dũng. Nội từ chối liên tục. Tôi phải thưa với nội, “Nội à, gặp nhau được là do nghiệp duyên từ kiếp trước. Biết nhau là do duyên số kiếp này. Tiền, con có cho nội đâu, là con cho Dũng thôi. May mắn cho con là con có hai con trai được vẹn nguyên, con thừa sức hiểu là nội đã có những đêm dài dằng dặc như thế nào khi nhìn Dũng như vậy”. Nói mãi, nói mãi thì nội mới chịu nhận cho. Nhưng, tôi phải thỏa một điều kiện của nội.

Điều kiện đó chính là, “Nội biết mấy con thương nội mới sang đây. Nội cũng biết, nếu bài báo này chuyển đến tay bạn đọc thì nội và Dũng sẽ được bạn đọc cho tiền. Nhưng con ơi, nội ở bệnh viện mười hai năm nay, nội biết nhiều hoàn cảnh còn nghiệt ngã hơn Dũng nữa. Đó là những cháu cần thêm một mũi tiêm, cần uống trọn vẹn một toa thuốc… Dũng của nội được lên báo một lần rồi, tiền bạn đọc cho Dũng vậy là đủ đầy rồi. Con dành bài báo này cho những cháu khác, nha con”, nội của Dũng nói như vậy.

Tôi xúc động, chưa bao giờ tôi xúc động đến dường ấy. Vì tôi chưa bao giờ hình dung được rằng, trong khốn khó, người ta vẫn luôn nghĩ về nhau. Khí chất của người Việt chính là ở sự ấm áp này, chứ còn là ở đâu cao xa nữa.

Tôi hứa với nội của Dũng, tôi sẽ không viết một bài báo để kêu gọi lòng thiện nguyện dành cho Dũng. Nhưng tôi muốn chuyển đến bạn đọc ý niệm này của cụ bà ấy.

Một ý niệm mà tôi nghĩ rằng, sẽ tốt đẹp biết mấy cho tất cả chúng ta

Ngô Trí Minh
.
.