Tìm cơ hội trong đại dịch

Thứ Bảy, 11/04/2020, 10:25
Trong nguy luôn có cơ. Và đại dịch COVID-19 là một mối nguy đang ám ảnh tất cả chúng ta. Nhưng, hãy thử tìm cơ hội trong nó, những cơ hội từ đơn giản nhất, cá nhân nhất cho tới những cơ hội lớn hơn cho cả một cộng đồng.

Đổi màu "thiên nga đen"

Trong đại dịch và nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ phải hài lòng với những thứ đơn giản, cùng những niềm vui cơ bản hơn. Đó có thể là điều tồi tệ nhưng cũng có thể là một cơ hội để ta nhìn lại bầy thiên nga: trong những con màu đen của hiện tại, đâu sẽ là con màu trắng của một tương lai mới?

Khủng hoảng là cơ hội

Vào năm 2003, khi đại dịch SARS hoành hành, Kinh Đông, một "doanh nghiệp gạch-vữa" (brick-and-mortar, thuật ngữ chỉ các công ty có sự hiện diện vật lý như cửa hàng, kho bãi) kinh doanh ổ cứng và đồ điện tử ở Bắc Kinh, nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Người dân Trung Quốc bị mắc kẹt trong nhà, khiến các cửa hàng vắng như tờ.

Lưu Cường Đông, CEO của Kinh Đông khi ấy, đã vật lộn 5 năm mà vẫn chưa tìm thấy lối ra cho sự nghiệp của mình. Anh dự định phát triển Kinh Đông thành một chuỗi 200 cửa hàng vào năm 2008 nhưng đang tồn tại còn chưa xong thì khủng hoảng ập đến.

Đaị dịch COVID-19 trở thành mối nguy ám ảnh toàn cầu. 

Trong khủng hoảng, Lưu Cường Đông đưa ra một quyết định táo bạo: từ bỏ hoàn toàn các mặt bằng cửa hàng, thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình thương mại điện tử. Năm đầu tiên, doanh số giảm chỉ còn một nửa. Người Trung Quốc chưa quen với việc mua bán qua mạng. Nhưng, Lưu không lùi bước. Cho đến giờ, Kinh Đông đã thâu tóm 30% thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc và khi COVID-19 xuất hiện, đây là một trong những tập đoàn hiếm hoi vẫn giữ được tăng trưởng.

Cũng trong cơn khủng hoảng 2003, Giám đốc điều hành của Alibaba, khi ấy mới khởi nghiệp được 4 năm, là Jack Ma cùng các thành viên nòng cốt đã nảy ra một ý tưởng mà sau này sẽ phát triển thành Taobao, website thương mại điện tử số một Trung Quốc.

Cuối năm 2014, một trong những ý tưởng trung tâm của thông cáo chính thức sau Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc, sự kiện hoạch định chính sách kinh tế cấp cao nhất của quốc gia này, đến từ chính những cú "bật nảy" kể trên: những doanh nghiệp kiên cường và có khả năng hồi phục nhanh, đôi lúc còn hưởng lợi từ nghịch cảnh, trong một thế giới đầy bất trắc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi giai đoạn sắp tới là "trạng thái bình thường mới", không kỳ vọng vào sự tăng trưởng nhảy vọt như 30 năm trước đó nhưng nền kinh tế phải liên tục phát triển bất kể điều kiện khó khăn như thế nào.

Các nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc đã dùng một từ để mô tả phẩm chất then chốt của thời kỳ bất trắc này: kháng vỡ (Antifragile), dựa trên ý tưởng của triết gia người Li-Băng Nassim Taleb. Đây là thuật ngữ được tạo ra từ tiền tố anti (chống lại, đối lập) và từ fragile (mỏng manh, dễ vỡ), với nội hàm là khả năng kháng cự nghịch cảnh, thậm chí tìm kiếm cơ hội để xoay chuyển tình thế và hưởng lợi từ nghịch cảnh. Tương tự những gì Kinh Đông và Alibaba đã làm.

"Thiên nga đen" COVID-19

Khi bác sĩ Lý Văn Lượng của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán bị triệu tập lên phòng an ninh công cộng để làm việc về lời cảnh báo được cho là gây hoang mang của anh về những ca nhiễm virus Corona đầu tiên (bác sĩ Lý sau này đã qua đời vì chính căn bệnh này), có lẽ không ai có thể tưởng tượng rằng chỉ hơn 3 tháng sau, con virus này đã lan đến 165 quốc gia trên toàn thế giới, khiến 200.000 người nhiễm, hơn 10.000 người tử vong và khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo.

Sau khi WHO công bố đại dịch, truyền thông thế giới bắt đầu dựng lên những lời giải thích đủ mọi khía cạnh để cố làm giảm đi tính ngẫu nhiên của những gì vừa diễn ra, từ tâm lý chủ quan, thói quen tụ tập, phong cách ăn uống, cho đến đổ lỗi cho... toàn cầu hóa. Thậm chí, một bài nói chuyện từ một năm trước của Bill Gates cũng được "đào" lại để lắp vào một giả thiết ngớ ngẩn: à hóa ra ông ta đã tiên tri được đại dịch từ những một năm trước cơ đấy!

Trước khi viết cuốn sách về khái niệm kháng vỡ, Nassim Taleb đã gây tiếng vang với một ý niệm khác mang tên "thiên nga đen" (được đề cập trong quyển sách cùng tên), là ẩn dụ của một biến cố hội tụ 3 đặc điểm: 1) không thể dự đoán; 2) gây ra hậu quả nặng nề; 3) con người thường dựng lên một lời giải thích để tự xoa dịu, cố tình giảm mức độ bất định của biến cố vừa xảy ra.

Taleb đưa ra các ví dụ: vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 hay cơn sóng thần ở Thái Bình Dương vào tháng 12/2004. Tất cả đều là những kịch bản mà hầu như không ai tưởng tượng nổi vào thời điểm nó sắp diễn ra nhưng rồi nó đã xảy ra và kéo theo đó là nỗ lực giải thích rằng chúng ta đã bỏ qua quá nhiều dấu hiệu cảnh báo, để cố gắng vớt vát rằng đây là những điều có thể dự đoán được.

Thực tế không diễn ra như thế. Nếu con người thực sự có khả năng nhận thức về kịch bản của một vụ khủng bố được đặt ra vào ngày 10/9, thảm họa có thể đã được ngăn chặn. Và nếu người ta dự đoán được cơn sóng thần thì hẳn đã có một cuộc di tản.

COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu với một "thể thức" tương tự: khi mọi người vẫn còn mải mê nghĩ rằng mọi con thiên nga là trắng thì con thiên nga đen sẽ bơi đến. Xác suất của điều tệ nhất là rất nhỏ nhưng nó vẫn xảy ra và hoàn toàn không thể dự báo.

Kháng vỡ chính là thái độ Nassim Taleb đề xuất trong hoàn cảnh này. Sự hoảng loạn đơn giản là hệ quả của việc thiếu chuẩn bị: đa số chúng ta đều không hề sẵn sàng cho việc rơi vào một khung cảnh hỗn loạn. Tôi không hề tập luyện cho tâm trí quen với cảm giác sa cơ, mất mát, thiếu thốn... nói chung là những điều tồi tệ và tôi sẽ dễ dàng bị chúng đánh quỵ.

Taleb đề xuất những chiến lược để tạo ra đề kháng nghịch cảnh. Đầu tiên, học theo các triết gia của chủ nghĩa khắc kỷ, hãy luôn nghĩ về điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với mình mỗi ngày, như là cách triết gia Hy Lạp cổ đại Seneca luôn luôn nghĩ về cái chết, để có thể bình tĩnh đón nhận những con thiên nga đen. Thứ hai là tiếp cận lưỡng phân với cuộc sống: một mặt an toàn, thận trọng, hạn chế những nhược điểm và mặt kia mạo hiểm, sáng tạo, sẵn sàng đặt cược với mọi rủi ro.

Về phép tiếp cận lưỡng phân, Taleb đưa ra những ví dụ người thật việc thật để minh họa: một nhân viên bảo hiểm đồng thời là một nhà văn (Kafka), một người năng động, thích phiêu lưu cùng lúc là một triết gia nghiêm túc và trầm mặc (Senaca), hay một thương nhân kiêm học giả (chính Taleb). Sống hai cuộc đời song song không chỉ tạo ra sự an trú trong hỗn loạn mà còn giúp ta nhận ra được cơ hội biến những con thiên nga đen thành trắng. Biết lùi khi nhìn thấy nguy cơ nhưng cũng biết tiến tới cùng khi nhận ra cơ hội.

Một thế giới mới

Trên hết, mục đích cuối cùng của đề kháng nghịch cảnh là việc nhận ra bản chất vô thường của đời sống: mọi thứ chỉ là một sự tái cấu trúc không thể tránh khỏi và mỗi sự thay đổi đều có giá trị to lớn ẩn chứa đằng sau nó.

Trong cuốn sách Alibaba: Ngôi nhà Jack Ma đã xây dựng, tác giả Duncan Clark cho rằng dịch SARS năm 2003, một cách ngẫu nhiên, cũng thúc đẩy mạnh mẽ ngành viễn thông Trung Quốc, với doanh thu tin nhắn tăng vọt của China Mobile, Sina, Sohu và Netease. Đấy cũng là bước ngoặt của thương mại điện tử ở đất nước này, định hình lại hành vi tiêu dùng của hàng tỷ người: đã đến lúc người ta mua đồ trên internet nhiều hơn là ngoài cửa hàng. Một đại dịch đã vô tình mang đến thay đổi lớn.

Virus Corona, bằng một cách nào đó, cũng đang tạo những thay đổi hành vi chưa từng có trong lịch sử: nó bắt chúng ta rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, mua sắm trên mạng, sinh hoạt giao tiếp qua mạng xã hội, và học trực tuyến.

Li Edelkoort, một chuyên gia dự báo xu hướng hàng đầu người Hà Lan, thậm chí táo bạo nói trong bài trả lời phỏng vấn tờ Dezeen mới đây rằng đại dịch lần này cho chúng ta một "trang trắng cho khởi đầu mới", dù sự biến đổi này có thể đầy đau đớn và nước mắt. Rất nhiều công ty, thậm chí ngành nghề có thể biến mất, trong quá trình mà bà đặt tên là "cách ly tiêu dùng" (quarantine of consumption), khi con người phải tạm gạt bỏ những nỗi khát khao cơ bản của chủ nghĩa tiêu thụ (giờ hành vi mua là để tích trữ, chứ không phải để thể hiện vị thế xã hội) để hài lòng với những điều đơn giản hơn.

Khi guồng máy của thế giới tạm dừng lại, đấy hẳn là điều tồi tệ của hôm nay nhưng cũng có thể mở ra một đôi mắt cho ngày mai, khi ta thức dậy và đột nhiên ngộ ra rằng phải dùng cuộc đời này vào việc gì có ý nghĩa hơn thay vì lại vò đầu bứt tai chạy theo quán tính của những điều có thể sẽ hoàn toàn trở nên vô nghĩa sau một đêm tàn bạo của thiên nga đen.

Phạm An

Tương lai nhìn từ cổng trường đóng kín

Cục Quản lý chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT chính thức tuyên bố sẽ giảm tải chương trình trung học phổ thông và cân nhắc giới hạn đề thi, để phù hợp với tình hình COVID-19 đã thành đại dịch toàn cầu. Nhiều nhà giáo đã đồng loạt kiến nghị bỏ bớt một số môn thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là động thái cần thiết để chuẩn bị tinh thần tổng kết năm học đặc biệt 2019-2020.

Bây giờ, không ai dám chắc khi nào virus Corona sẽ được khống chế hoàn toàn, để quay lại sinh hoạt bình thường. Những sự kiện lớn trên thế giới đều được hủy bỏ hoặc hoãn lại, ví dụ giải vô địch bóng đá châu Âu - EURO 2020 được dời sang mùa hè 2021. Thế nhưng, năm học không thể bảo lưu kết quả sang năm sau vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi được đến trường của lứa học sinh tiếp theo. Cụ thể nhất là các em đủ tuổi vào lớp 1 không thể tiếp tục ở mẫu giáo, vì... không đủ cơ sở giáo dục.

Ứng phó COVID-19 cũng là cơ hội để thay đổi mô thức truyền đạt kiến thức theo kiểu thầy nói - trò nghe, thầy đọc - trò chép quen thuộc xưa nay. Ảnh: L.G.

Dịch bệnh cũng mang những yếu tố xáo trộn dân sinh như thiên tai hoặc chiến tranh. Tùy mỗi điều kiện mà có cách ứng xử tương thích. Thời bom đạn ở nước ta, nhiều chàng trai đang học dang dở năm cuối bậc phổ thông cũng được cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 để làm hành trang nhập ngũ bảo vệ non sông. Còn ở những nơi khác thì sao? Năm 2003, dịch SARS đã kéo dài 7 tháng ở Hong Kong và điểm số của một học kỳ đã được dùng làm điểm số cho cả năm học. Tất cả những trường hợp đặc cách ấy đều trưởng thành và cống hiến cho xã hội mà không có bất kỳ trục trặc gì về nhận thức lẫn trình độ.

Xét một cách toàn diện, tư tưởng then chốt của giáo dục vẫn là sự khai phóng và thành tựu cốt lõi của cá nhân vẫn là tự đào tạo. Chỉ cần tinh thần hiếu học vẫn được gìn giữ và bồi đắp thì khoảng thời gian cổng trường bất đắc dĩ phải đóng kín vẫn mở toang bao nhiêu ước mơ tốt đẹp và nhân văn. Nghỉ học mùa đại dịch là chuyện chẳng đặng đừng. Thế nhưng, khi cổng trường đóng kín thì điều cần băn khoăn nhất không phải mức giảm lương bổng của giáo viên mà là câu hỏi học sinh làm gì ở nhà? Cho trẻ em theo phụ huynh đến công sở đã không ổn mà để trẻ em lêu lổng rong chơi càng không ổn. 

Vụ Giáo dục trung học cho biết, Bộ GD-ĐT đã gấp rút hướng dẫn các đơn vị trường học tiếp tục duy trì không khí học tập để tránh học sinh quên lãng kiến thức. Cụ thể, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn giữ liên lạc với học sinh để hỗ trợ học sinh tự ôn tập, đánh giá từ xa kết quả của từng em thông qua những hình thức như tổ chức học trực tuyến hay tổ chức bài học trên mạng. 

Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh, tất cả các trường đều phải thực hiện. Trường hợp nơi nào đã tổ chức dạy trực tuyến những bài học mới thì khi học sinh trở lại trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù. 

Rõ ràng, Bộ GD-ĐT vẫn chưa mấy tin cậy vào phương pháp dạy và học trực tuyến. Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục lại cho rằng, ứng phó COVID-19 cũng là cơ hội để thay đổi mô thức truyền đạt kiến thức theo kiểu thầy nói - trò nghe, thầy đọc - trò chép quen thuộc xưa nay. Chính khoảng cách từ máy tính của giáo viên đến máy tính của học sinh, sẽ tạo ra vùng sáng tạo mà giáo trình cũ kỹ không thể có. Thầy phải giảng dạy bằng cách khác và trò phải tiếp thu bằng cách khác. Như vậy, tính năng động và tính đột phá của mỗi bài học sẽ được nhân lên đáng kể.

COVID-19 ập đến bất ngờ, là một tai họa khủng khiếp không ai lường trước được, cũng đã trở thành suy ngẫm bổ ích cho mỗi người trên chặng đường thích ứng thế kỷ 21 nhiều biến động về môi trường thiên nhiên và tâm tính nhân loại. Chuyện học mùa đại dịch là một cú vượt chướng ngại khó quên cho môi trường giáo dục nước ta, vốn tồn tại không ít bất cập và ngổn ngang. 

Chương trình dạy và học của Việt Nam đang thừa những lý thuyết khô cứng nhằm đối mặt với các kỳ sát hạch điểm số nhưng lại đang thiếu những kỹ năng mềm mại để sống đẹp đẽ và hữu ích giữa thế giới hội nhập. Vì vậy, ngành giáo dục phải xem mùa đại dịch cũng là lúc giá trị sư phạm được hiển lộ đầy đủ và lấp lánh, để cái khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” tương đương “mỗi bài học là một niềm vui”.

COVID-19 đang thử thách sự phát triển Việt Nam và nhân loại. Ngành giáo dục cũng chịu sự tác động to lớn. Thế nhưng, đừng quá sốt ruột về thành tích dạy và học khi những giờ lên lớp bị gián đoạn. Bây giờ đã có internet hỗ trợ cho phương pháp giáo dục trực tuyến. Hơn nữa, hãy tin tưởng và hình dung rõ nét, vào năm học mới thì thầy cô giáo nhẫn nại và yêu thương sẽ biết cách bồi dưỡng để củng cố lại những kiến thức cũ cho học sinh bằng chính tấm lòng sư phạm bao la.

Giáo dục Việt Nam không phải cá biệt trong đại dịch toàn cầu. Trên 150 quốc gia đã đóng cửa trường học để ngăn ngừa virus Corona lây nhiễm. Nhiều thêm một bài toán chưa chắc đã giúp con người giỏi giang hơn mà ít đi một bài văn cũng chưa chắc đã làm con người xấu xa hơn. Chỉ riêng trải nghiệm những ngày cùng gia đình và cộng đồng ứng phó COVID-19 đã là bài học ân nghĩa cuộc sống sâu sắc cho học sinh hôm nay trên con đường tương lai. 

Từ chính sự hồn nhiên và trong sáng của các em, nhiều câu hỏi lương thiện được đặt ra. Chúng ta đã làm gì với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội trong nhiều thập niên qua? Cây cối bị chặt phá, dòng sông bị tắc nghẽn, ao hồ bị san lấp, muông thú bị săn đuổi... Rồi trăm loại khí thải từ khu công nghiệp, rồi ngàn loại nước thải từ khu chế biến... Tất cả những hành vi tham lam và ích kỷ của con người đã làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Ai cũng muốn giàu lên đột ngột, ai cũng muốn phát tài vượt bậc mà không ai nghĩ cho sự bình yên của Trái đất này. Sự day dứt về đại dịch cũng là cơ hội phục sinh tâm tính lương thiện cho con người.

Lê Thiếu Nhơn

Tích lũy trong những ngày biến động

Đêm qua, tôi có cuộc nói chuyện khá lâu với người bạn thân sau chuyến đi kéo dài 1 tuần của gia đình anh. Tất nhiên, trong câu chuyện của chúng tôi không thể nào thiếu những thông tin thời sự về COVID-19. Sự lo lắng là có thật, trong mỗi con người. Nhưng, hoảng sợ thì không. Chúng tôi chơi thân, là đồng nghiệp và lại là hàng xóm cùng chung cư nên chẳng giấu nhau điều gì. Bởi thế, nỗi sợ (nếu có) cũng sẽ chẳng bao giờ che đậy được khi đối diện nhau. Sự bình thản ấy có lẽ đến từ những chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho mình và gia đình. Thậm chí, chúng tôi còn giả định rằng nếu ở chung cư của mình có người nhiễm bệnh thì mình cần làm gì, tuân thủ những gì. Bởi thế, không còn chỗ cho nỗi sợ tồn tại.

Anh bạn tôi đã dùng suốt một tuần vừa qua để đưa hai đứa con nhỏ của anh lên Tây Nguyên. Đó không phải là một chuyến du lịch. Nó là một chuyến đi để “học” đúng nghĩa. Vốn là người bận rộn, đắt “show” với nhiều dự án đặt hàng, nghề nghiệp của anh cũng bị ảnh hưởng nhiều vì đại dịch. Và thay vì ngồi nhà than thở như bao người khác, anh hoạch định một chuyến đi nhiều mục đích. Hai đứa con anh được sống trong thiên nhiên đúng nghĩa, ở một trang trại hẻo lánh. Mỗi chiều chúng sẽ tự đi hái rau sạch ngoài vườn, lựa loại rau nào mình thích ăn thì hái. Chúng cũng được đến thăm trại trẻ mồ côi ở gần đó, để chia sẻ với những đứa trẻ cùng trang lứa. Còn anh, anh gặp gỡ những người già để tiếp tục công việc theo đuổi bấy lâu nay: khảo cứu văn hóa dân gian.

Anh khoe tôi những tấm ảnh anh chụp lại của chuyến đi ấy. Với tôi, đó là những tấm ảnh đầy sức sống. Không còn chút nghĩ suy nào về COVID-19 nữa khi ở vào trong khung cảnh đó. Và tôi cho rằng, đó chính là một cơ hội anh tự tạo cho mình, cho gia đình mình trong đại dịch này. Để rồi, tôi suy nghĩ tới cơ hội của mình, của mọi người. Trong một biến cố xã hội như thế này, thực sự rất cần nhìn ra cơ hội cho riêng mình và hành động. Đơn giản, còn hành động là ta còn sống đúng nghĩa. Nhược bằng không, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tê liệt, một trạng thái sẽ để lại tàn dư còn nguy hại hơn là bị nhiễm bệnh.

Doanh nghiệp mà tôi đang cộng tác trong vai trò cố vấn cũng đã chuyển đổi rất nhanh trong kỳ đại dịch này. Từ một đơn vị với hơn 500 nhân sự tập trung làm việc trong một tòa nhà, họ đã cắt giảm số lượng nhân viên thường trực tại công sở còn 120. Số còn lại được cấp quy chế làm việc tại nhà và có báo cáo cụ thể mỗi ngày. 

Trên diễn đàn chung của anh chị em trong doanh nghiệp, có người còn chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại nhà sao cho hiệu quả mà một trong những kinh nghiệm tôi thấy thú vị là “hãy mặc quần áo chỉnh tể như khi đang ở công sở để tạo cho ta cảm giác mình vẫn đang tại công sở và luôn sẵn sàng cho các cuộc họp trực tuyến”. Doanh nghiệp ấy đang trong quá trình chuyển đổi số, một quá trình “thời thượng”. Và có thể nói, chính đại dịch COVID-19 đã vô tình cho họ có một khoảng thời gian để thực hành việc chuyển đổi số này. Sau đại dịch, chắc chắn họ sẽ có được những đánh giá rất qúy báu để hoàn thiện sứ mệnh mà họ đang theo đuổi.

Hôm trước, một người bạn vong niên của tôi, người trải qua cả hai cuộc kháng chiến đã nói rất lạc quan rằng “hai cuộc kháng chiến trường kỳ còn không khuất phục được người Việt thì đại dịch này cũng chẳng là gì đáng phải sợ hãi”. Câu nói ấy khiến tôi nghĩ rất nhiều về chuyện thế hệ trước vẫn luôn mang những biến cố lớn của xã hội (mà điển hình là chiến tranh) để răn dạy thế hệ đi sau mỗi khi gặp khó khăn. 

Và tôi cho rằng, đại dịch COVID-19 này chính là cơ hội tuyệt vời nhất để mỗi gia đình thực tập cho con cái mình một thái độ và kinh nghiệm đối diện những biến động xã hội lớn. 

Những đứa trẻ vốn dĩ được bọc trong nhung lụa, được cưng chiều sẽ bắt đầu phải biết chia sẻ nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình, nhất là khi cha mẹ chúng đang gặp nhiều khó khăn, vất vả trong mùa dịch. Gia đình tôi là một ví dụ. 

Cậu con trai lớn 13 tuổi đẵ bắt đầu quen với những việc nhà, quen với việc chăm sóc 3 đứa em còn lại khi bố mẹ đi vắng. Rõ ràng, như con trai tôi, sẽ rất nhiều đứa trẻ khác trưởng thành hơn hẳn trong đợt đại dịch này. Tất nhiên, cha mẹ phải tạo cho chúng điều kiện để thay đổi và trưởng thành bằng cách chính cha mẹ cũng phải đổi thay thói quen chăm bẵm con quá mức. Thực sự, ấy là cơ hội, nhỏ thôi nhưng rất đáng giá.

Thực tế chống dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy khác biệt lớn giữa các thể chế, dân tộc, văn hóa là như thế nào. Chúng ta bị cái gọi là toàn cầu hóa, là thế giới phẳng, là mạng xã hội đánh lừa mình quá lâu khi cho rằng không còn ranh giới nào giữa người với người. 

Chúng ta cũng bị định kiến nhiều bởi sự chi phối của cảm xúc, sự dẫn dắt của những quan điểm đến từ những người có tầm ảnh hưởng. Nhưng, sau đại dịch này, chắc chắn sẽ nhiều người phải suy ngẫm lại. Thứ mà họ cho là “tuyệt vời” có chắc là tuyệt vời như họ vốn nghĩ? Điều mà họ cho là tệ hại có hẳn là tệ hại như họ vốn dĩ ghim sâu? 

COVID-19, trong cái nguy của nó cũng có cái cơ hội mở ra cho những cuộc đổi thay rất lớn ở quy mô toàn cầu. Mỗi quốc gia cũng như vậy thôi. Sẽ có những nhận diện rõ ràng qua những gì đã trải qua trong đợt dịch này để sau đó có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp trong tương lai. Rồi bản thân những con người trong mỗi quốc gia cũng có cơ hội để nhìn nhận về tính thiện, về nghĩa vụ của từng công dân khi đất nước đối diện một biến động lớn. Có thể nói, đó chính là một cơ hội bằng vàng.

Rồi đại dịch cũng sẽ qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chắc chắn sẽ có những khó khăn bởi sau một thời gian đình trệ, sự gượng dậy ban đầu luôn yếu ớt. Chúng ta có bắt nhịp được vào với sự gượng dậy chung ấy không là do chính bản thân mình. Và, nếu biết sử dụng thời gian chững lại của đợt dịch bệnh để tích lũy, chắc chắn cơ hội của ta trong tương lai cũng tốt hơn rất nhiều. Đó chính là sự lạc quan đi kèm thực tế hành động, thứ lạc quan cần nhất lúc này chứ không phải là những lạc quan khẩu hiệu.

Hà Quang Minh

Phạm An - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.