Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:Thể chế nào thì doanh nghiệp ấy!

Thứ Ba, 26/05/2020, 08:46
Không ai chủ trương trông hết vào đầu tư nước ngoài đâu! Chúng ta vẫn khẳng định nội lực là quyết định. Sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước là nền tảng của năng lực cạnh tranh. Vấn đề là làm sao để có được hệ sinh thái cộng sinh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước...


Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam có thể sẽ là điểm đến của những dòng đầu tư nước ngoài và đấy là một vận hội mới của nền kinh tế. Tất cả chúng ta có lẽ đều thấy rất quen tai khi nghe đến mệnh đề này bởi đơn giản là nó đã được nói đến quá nhiều - thậm chí là nhiều đến mức bội thực trong suốt những ngày qua.

Suy cho cùng, cơ hội đích thực của nền kinh tế nằm ở đâu? Và, nếu chúng ta vẫn nói “trong nguy có cơ” thì ngược lại, trong “cơ” liệu có tiềm ẩn những mối nguy nào cần phải lường trước hay không? An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng đặt vấn đề này với chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, xin được bắt đầu cuộc đối thoại một cách giản dị, với một thông tin mà rất nhiều người Việt Nam chúng ta bây giờ phấn chấn, đó là hãng công nghệ Apple vừa qua liên tục đăng tuyển nhân sự tại Việt Nam. Và đã có người nhận định không loại trừ khả năng Apple sẽ sản xuất tai nghe không dây Airpods tại Việt Nam, ngay trong quý này. Phải nói thật là nhiều bạn bè của tôi, kể cả trong giới báo chí lẫn doanh nhân đều quan tâm và bàn tán điều này một cách sôi nổi. Ở góc độ cảm giác thuần túy thôi, cá nhân ông đón nhận thông tin này như thế nào?

- Ông Vũ Tiến Lộc: Đây cũng chưa hẳn là điều chắc chắn. Liệu Apple có tuyển đủ nhân sự cho phương án “đổ bộ” vào Việt Nam không? Chúng ta đã có kinh nghiệm của Intel từ nhiều năm trước - thiếu lao động có tay nghề cao là điểm yếu cốt tử của nền kinh tế Việt Nam. Một lý do khác cho sự không chắc chắn là chính sách của Tổng thống Trump kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ trở lại Hoa Kỳ và tôi biết ông ấy đã điểm danh cả ông lớn Apple, với kỳ vọng Apple sẽ hồi hương về Mỹ.

 Rồi sự cạnh tranh của Indonesia, Ấn Độ cũng vô cùng khốc liệt trên mặt trận thu hút đầu tư. Ấn Độ và Indonesia đã làm khá sớm, khá bài bản việc “lót ổ đại bàng” qua việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội.

Theo một thông tin tôi được biết có 27 doanh nghiệp Mỹ đã được chính quyền Tổng thống Trump hậu thuẫn cho việc hạ cánh an toàn ở quốc đảo Indonesia với đất đai rộng, lao động nhiều, kỹ năng phù hợp. Không chỉ doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp Nhật Bản, châu Âu cũng đang hùa theo Mỹ trong chiến lược tái định cư... Đang có nhiều tín hiệu về một xu thế như vậy. Cho nên, chúng ta không thể chủ quan. Tóm lại là “sung không rụng” nếu chúng ta chỉ biết ngồi chờ đợi và hy vọng...

- Tôi hiểu nhưng tôi nghĩ là câu chuyện của Apple dẫu sao cũng khiến rất nhiều người đang nghĩ đến một vấn đề mang tính khái quát hơn: nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển chuỗi sản xuất sản phẩm của họ từ Trung Quốc vào các nước ASEAN, trong đó tất nhiên là có Việt Nam. Bởi muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận rằng COVID-19 là một “phép thử đủ nặng” để thế giới thấy rằng Việt Nam có năng lực ứng phó với những biến động bất ngờ tầm nhân loại và rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam khá an toàn, ổn định. Chắc ông cũng đồng tình chứ?

- Đây mới chỉ là một mặt của vấn đề, Việt Nam đã thành công trên mặt trận phòng, chống COVID. Còn có thể thành công hay không trên mặt trận kinh tế hậu COVID để thu hút đầu tư, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế tham gia thành công vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại là một chuyện khác. Một môi trường kinh doanh an toàn không chỉ là một môi trường có khả năng ứng phó với những biến động bất ngờ mà còn là một môi trường an toàn cho việc triển khai các hoạt động kinh doanh: thủ tục giản đơn, tương lai có thể tiên lượng được, chi phí phải chăng, hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực có chất lượng cao,... những cái đó, thú thật chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều.

Xếp hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn ở mức thường thường bậc trung của thế giới, thứ hạng trong ASEAN của chúng ta vẫn chưa lọt vào nhóm 3, nhóm 4 như kỳ vọng. Vậy thì, các chuỗi cung ứng toàn cầu liệu có thể mặn mà với chúng ta? Đột phá trên cả 3 lĩnh vực thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo đường lối của Đảng vẫn đang là một thách thức lớn.

- Tôi đã đọc một bài viết thể hiện góc nhìn bao quát của giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ về việc Việt Nam đã bỏ lỡ 2 cơ hội phát triển kinh tế lớn trong quá khứ. Cơ hội thứ nhất diễn ra sau khi đất nước thống nhất năm 1975, cơ hội thứ hai diễn ra sau khi Việt Nam bắt đầu hội nhập với đời sống quốc tế vào những năm 90 của thế kỷ 20. Và theo giáo sư Trần Văn Thọ, ở thời điểm “hậu COVID-19” với rất nhiều lợi thế như chúng ta vừa phân tích thì Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn thứ ba trong lịch sử. Ông có nghĩ rằng quả nhiên lần này chúng ta đang có một cơ hội mang tính chất như một “đòn bẩy” mà nếu tận dụng được, chúng ta thậm chí có thể nhảy một bước rất xa về phía trước hay không?

- Tôi đồng ý với giáo sư Thọ, đúng là chúng ta có nhiều cơ hội lớn để có thể hóa rồng, hóa hổ. Vị trí địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên con người, tính ổn định về chính trị xã hội và những thành quả phát triển kinh tế đang là nguồn lợi thế để chúng ta có thể đón nhận làn sóng đầu tư mới. Nhưng, nội lực của đất nước, của doanh nghiệp trong nước vẫn là nền tảng. Chúng ta phải cộng hưởng và tích hợp được nội lực với các nguồn lực bên ngoài và dòng chảy thương mại đầu tư quốc tế. Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ là chìa khóa của thành công. Và, muốn làm được tất cả những điều này, cải cách thể chế vẫn là khâu quyết định. Thể chế nào thì doanh nghiệp ấy, nói rộng ra thì thể chế nào thì nền kinh tế đó. Chính thể chế sẽ hình thành nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể nói là với cả 2 cơ hội bị bỏ phí như cách phân tích của GS Trần?Văn Thọ, chúng ta chưa tận dụng được là do ta chưa có sự chuẩn bị tốt cả về thể chế, môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Chúng ta cũng chưa có được một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ có thể trở thành đối tác tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia và các FDI.

- Tôi rất tâm đắc với nhận định của ông: “Thể chế nào thì doanh nghiệp ấy”. Vậy theo ông, chúng ta cần tiếp tục cải cách thể chế như thế nào để có thể tạo nên một đời sống doanh nghiệp hữu ích?

- Tôi đã từng nói nhiều lần rằng để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, ta phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để vào cao tốc. Đó chính là những luật, những nghị định, thông tư nội luật hóa các cam kết hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó. Soạn thảo và ban hành thật nhanh chóng, kịp thời các văn bản hướng dẫn này là việc cấp thiết để con đường cao tốc có xe đi.

Kết quả rà xét của Chính phủ cho thấy một số lượng không nhỏ các văn bản quy phạm pháp luật cần phải xây dựng, cần phải sửa đổi cả ở tầm văn bản luật, nghị định, thông tư. Chúng ta hoanh nghênh Chính phủ đã xây dựng kế hoạch triển khai. Nhưng, với kinh nghiệm nhãn tiền của việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì chúng ta không thể không lo ngại. Rất nhiều văn bản đã ban hành chậm trễ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành cũng chưa thật hài hòa. CPTPP đã có hiệu lực từ một năm rưỡi qua nhưng cho tới giờ phút này, có văn bản hướng dẫn thực thi vẫn còn lỡ hẹn. Làm sao để tình trạng này không tái diễn với hành trình thực thi cao tốc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nếu chỉ xét từ góc độ chuyên môn, tôi thấy rất nhiều các quy định có thể ban hành ngay sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn để bảo đảm thực thi ngay. Ví như các văn bản hướng dẫn ở cấp Chính phủ và các bộ ngành liên quan tới thuế quan, thủ tục cấp và tiếp nhận C/O ưu đãi, mở cửa thị trường dịch vụ, điều chỉnh các hàng rào phi thuế, các chế định tạo thuận lợi thương mại... Chúng ta cũng cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi, điều chỉnh các văn bản luật để bảo đảm thực thi theo quy trình một luật sửa nhiều luật chứ không nhất thiết phải chờ sửa đổi từng bộ luật. Tôi thấy phần lớn các luật bảo đảm thực thi EVFTA chỉ được đưa ra Quốc hội thảo luận vào năm 2021, tôi đề nghị tính xem liệu có thể bắt đầu sớm hơn từ cuối năm nay để có thể đẩy nhanh quá trình thực thi hiệp định. 

- Nếu chúng ta không có những thay đổi với tốc độ nhanh, thậm chí là những thay đổi mang tính đột biến về các thủ tục hành chính thì xem ra cộng đồng doanh nghiệp còn phải đứng trước rất nhiều ngổn ngang?

- Chỉ tính riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Và nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá: “Đó là những con số của niềm tin”. Tuy nhiên, vẫn phải nói thật với nhau là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm qua cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng gần tương đương với tỷ lệ 63% doanh nghiệp gặp khó khăn về khách hàng - khó khăn lớn nhất trên thương trường. Suy ngẫm về con số này, tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu.

Tương tự như vậy, những cải cách thủ tục trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội... theo phản ánh của doanh nghiệp cũng đang còn những dư địa lớn. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối.

Và một điều quan trọng nữa chưa được như mong đợi là, trong khi các địa phương ở nhóm thấp ở bảng xếp hạng vượt lên thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu thì các ngôi sao cải cách mấy năm qua vẫn chưa có được những bứt phá nào đáng kể. Đang có hiện tượng “đụng trần” thể chế khi luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên.

Gần đây chúng ta phấn khởi đón nhận tin vui vì có những quyết sách kịp thời, quan trọng của Quốc hội, của Chính phủ về việc khẩn trương rà xét, xóa bỏ những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật và quy định của Bộ Chính trị Đảng ta về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung... Chúng ta tin rằng những quyết sách đó khi được triển khai sẽ giúp tạo ra nhiều động lực mới và trang bị “tấm áo giáp sắt” an toàn cho sự phát triển năng động của chính quyền cấp tỉnh, nhất là các tỉnh, thành phố giữ vai trò dẫn dắt, mở đường...

- Phân tích những vấn đề trên đây là để thấy rằng cơ hội là một chuyện nhưng năng lực tận dụng cơ hội lại là một chuyện khác, phải không ạ? Theo giáo sư Trần Văn Thọ, sở dĩ chúng ta bỏ lỡ 2 cơ hội phát triển kinh tế rất lớn trong quá khứ là vì hệ thống quản lý của chúng ta lúc đó còn cồng kềnh, phức tạp và chúng ta vẫn không chiến thắng được những định kiến của mình về kinh tế tư nhân. Còn với cơ hội lần thứ ba, xuất hiện sau đại dịch COVID-19 hiện nay, tôi có nghe một nhà nghiên cứu nước ngoài nhận định rằng để nắm bắt cơ hội đó, Việt Nam nhất định phải nâng cao trình độ của đội ngũ lao động trong nước. Ông có cho rằng đây là một trong những vấn đề tiên quyết hay không?

- Lao động và việc làm sẽ là những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới và chìa khóa để hóa giải vấn đề này là phải đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đấy là điều chắc chắn! Và tôi muốn nói thêm rằng, để làm được như vậy, cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn, phải tăng cường vai trò của giới doanh nghiệp trong đầu tư và định hướng các chương trình đào tạo.

Cùng với việc nâng cao kỹ năng của người lao động thì một chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, quốc tế hóa và số hóa doanh nghiệp, phải là một yếu tố cấu thành quan trọng bậc nhất của chương trình quốc gia, tái khởi động và phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh không chỉ có mỗi việc nâng cao trình độ của đội ngũ lao động mà còn phải có cả sự chuẩn bị về thể chế, về cơ sở hạ tầng nữa.

- Thưa ông, bây giờ tôi lại muốn chúng ta thử đặt ra những phản đề, để lường trước ngay cả những điều có thể là thiếu tích cực sẽ xảy ra trong giai đoạn này. Bởi lẽ trong và sau đại dịch chúng ta đã nói đến chuyện “trong nguy có cơ”, còn bây giờ, khi ai cũng thấy “cơ” thì cá nhân ông, trong tư cách một chuyên gia kinh tế còn nhìn thấy những mối nguy tiềm ẩn nào không?

- Đúng là trong “cơ có nguy” - làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng là cơ hội cho chúng ta, nhưng đó không phải là làn sóng đơn nhất, mà là 2 làn sóng: một làn sóng của công nghệ cao, của các chuỗi cung ứng có tính  bền vững và một làn sóng của sự thải loại công nghệ lạc hậu và các mắt khâu giá trị gia tăng thấp. Rồi làn sóng đầu tư núp bóng doanh nghiệp Việt và thương hiệu Việt để chiếm lĩnh thị trường và tận dụng các cơ hội mở ra từ các FTA... Chúng ta cần cảnh giác và ngăn chặn làn sóng này, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, nhiều doanh nghiệp Việt hụt hơi. Giai đoạn này, nếu không đề phòng cảnh giác thì một số doanh nghiệp Việt thậm chí lại có thể trở thành món mồi ngon cho các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dẫn đến những hậu quả khó lường.

- Tức là sẽ có 2 làn sóng cùng lúc tác động vào nền kinh tế. Có cả sóng tốt lẫn sóng xấu, sóng tử tế lẫn sóng độc hại. Vậy theo ông, phải chắn sóng độc hại ra sao?

- Chúng ta cần có chính sách bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực cốt lõi, các dự án trong các lĩnh vực và địa bàn có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng và sự tự chủ của nền kinh tế. Không gian kinh tế là hữu hạn, nếu các luồng vốn đầu tư chất lượng thấp, dù là trên khía cạnh nào đó cũng sẽ đánh cắp các cơ hội tiềm năng cho dòng vốn đầu tư có chất lượng cao. Đó là “nguy trong cơ” cả trước mắt và lâu dài.

- Xin hỏi là VCCI đã thực hiện vai trò tư vấn của mình như thế nào ở cả 2 phương diện “nguy” và “cơ”, để từ đó chúng ta hy vọng có thể giảm “nguy” đến mức tối thiểu và tăng “cơ” lên mức tối đa?

- VCCI đã báo cáo sớm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về nguy cơ này và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có liên quan để bảo vệ doanh nghiệp Việt và nền kinh tế Việt.

- Suốt từ nãy, bất luận là nói đến “nguy” hay “cơ” thì chúng ta cũng đều đang lý giải, phân tích nó từ những nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng, theo ông, trông hết vào FDI liệu có dẫn đến những tác động nào hay không?

- Không ai chủ trương trông hết vào đầu tư nước ngoài đâu! Chúng ta vẫn khẳng định nội lực là quyết định. Sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước là nền tảng của năng lực cạnh tranh. Vấn đề là làm sao để có được hệ sinh thái cộng sinh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Thời gian qua chưa có được sự cộng sinh kết nối này. FDI tồn tại như những ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là mảng tối trong bức tranh FDI của nền kinh tế. Tất nhiên, không chỉ thiếu sự cộng sinh mà một bộ phận không nhỏ FDI công nghệ còn thấp, gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu sử dụng lao động và tài nguyên giá rẻ. Đó cũng là những điều cần khắc phục.

- Rất nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, muốn phát triển bền vững thì bên cạnh việc coi FDI là lực đẩy, một nền kinh tế nhất định phải có những đầu tư mang tính chất chân đế để tạo ra những giá trị nội lực cho mình. Ông đồng tình không?

- Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ phê chuẩn EVFTA - con đường cao tốc nối với Liên minh châu Âu. Một thị trường tiềm năng bậc nhất cho nền kinh tế của chúng ta và cũng là nơi khởi nguồn của dòng FDI chất lượng cao được kỳ vọng sẽ chọn điểm đến Việt Nam. EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo không gian mới cho các dòng chảy thương mại, đầu tư mà chúng ta kỳ vọng không chỉ cho sự phát triển mà còn cho sự tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, để không quá lệ thuộc vào bất cứ một thị trường nào.

Tôi nghĩ, thị trường trong nước với 100 triệu người dân yêu nước sẽ là bệ đỡ an toàn cho đoàn tàu doanh nhân Việt. Khai thác tốt thị trường trong nước, “làm hàng tốt cho đồng bào mình dùng” như cách nói của Bác Hồ sẽ phải là điều tâm niệm, là nền tảng trong chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp Việt Nam.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm tới đội ngũ doanh nhân như thế nào?

“Từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho Ngày Quốc khánh, Bác ở nhà của một gia đình tư sản dân tộc - ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã đi vào lịch sử. Tại đây, Bác đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập. 2 tuần sau Quốc khánh, ngày 18-9-1945, trong tuần lễ vàng, giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch cũng lại là các nhà tư sản dân tộc - đại diện của giới công thương gia Hà Nội.

1 tháng sau, ngày 13-10, nhân ngày giới doanh nhân thành lập Công thương Cứu quốc Đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã gửi thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm của Chính phủ nhân dân.

Bác viết: Trong khi các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng... Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết này.

Đây là quan điểm rất hiện đại về quản trị quốc gia của chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò giúp đỡ và kiến tạo. Còn giới công - thương mới là lực lượng chủ thể làm nên nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng của quốc gia”.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc
Phan Đăng (thực hiện)
.
.