Thử thách lịch sử của EU

Thứ Tư, 29/07/2020, 17:17
Dự kiến chỉ diễn ra trong hai ngày 17 và 18-7 nhưng cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) - về kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch toàn cầu COVID-19 - đã phải kéo dài gấp đôi thời hạn, bao gồm cả những cuộc tranh luận - bàn thảo xuyên đêm. Có lẽ chưa bao giờ khối liên hiệp ấy lại phải đối diện một thử thách mang tính sống còn nhưng lại gây nhiều chia rẽ như hiện tại.

Bất đồng và bế tắc

“Chúng tôi đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn nhiều so với dự tính”, tối 18-7, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte lo lắng xác nhận với báo giới. Suốt 2 ngày họp đầu tiên, nghĩa là dùng hết toàn bộ thời lượng chương trình nghị sự dự kiến ban đầu, chẳng có bước tiến triển nào xuất hiện. Hội nghị thượng đỉnh EU buộc phải tiếp diễn vượt khung, bởi tình hình thực tế đã trở nên quá cấp bách.

Theo những đánh giá mới nhất của giới chuyên môn được tập hợp và đưa ra bởi Ủy ban châu Âu (European Commission, EC), do các tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế các nước EU sẽ tiếp tục lao dốc thê thảm trong quý 2 năm 2020. So với quý 1, đến cả những nền kinh tế hàng đầu như Đức (giảm 10,5%) hay Pháp (giảm 13,7%) cũng sẽ phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để “chạm đáy”. Không cần phải liệt kê những con số buồn bã của các nền kinh tế “yếu ớt” hơn và bởi vậy, nhận định rằng nền kinh tế chung EU “khó có thể phục hồi trong năm tới” của các chuyên gia là rất có cơ sở.

Kế hoạch phục hồi sau đại dịch, do đó, trở thành một nhiệm vụ bức thiết mang tính sinh tử. Và đương nhiên, nó phải được hoạch định cũng như triển khai càng sớm càng tốt, nếu EU không muốn chứng kiến hệ thống các nền kinh tế của mình sụp đổ. Những gói cứu trợ và kích thích thị trường, rõ ràng, là các công cụ quan trọng nhất.

Song, EU không thể tìm được tiếng nói chung trong những ngày họp đầu tiên, chính là vì không thống nhất được về cách thiết lập và sử dụng những công cụ cấp cứu kinh tế đó.

Một hội nghị lịch sử với những cuộc họp xuyên đêm.

Có hai luồng ý kiến mâu thuẫn rõ rệt, thể hiện qua các cuộc tranh luận nảy lửa. Theo kế hoạch dự trù ban đầu của Hội đồng châu Âu (European Council, EC), gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro (tương đương 856 tỷ USD) đã vấp phải sự phản đối từ các nước theo chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, tiêu biểu như Áo, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan. Họ đánh giá, với màu sắc bất bình, rằng kế hoạch này sẽ có lợi nhất cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch như Italy và Tây Ban Nha. Vấn đề ở chỗ, đó cũng chính là những nước có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thậm chí còn kiên quyết từ chối rút lại yêu cầu về việc kiểm soát chặt chẽ ngân sách chi tiêu của những đất nước ấy.

Không có gì khó hiểu. Nỗi bức xúc này rất dễ nắm bắt. Kể từ đại suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, EU đã “lên bờ xuống ruộng” bởi kỷ luật chi tiêu yếu kém của những quốc gia Nam Âu ấy. Nếu không có những phương thức áp đặt cứng rắn đến tàn nhẫn từ những nền kinh tế “căn cơ” và thịnh vượng hơn trong EU, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Italy sẽ không bao giờ chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” và cũng sẽ khó có cơ hội thoát khỏi những vũng lầy.

Mà hiện tại, tình hình hoàn toàn có thể sẽ diễn biến tồi tệ không kém gì, nếu không muốn nói là còn hơn cả giai đoạn suy thoái 2008-2012.

Áo hay Hà Lan không chấp nhận sự “phóng tay” vì lòng thương cảm chung chung dành cho những nước bị COVID-19 tàn phá nặng nề. Họ chọn lý trí, khi đi theo những tiền lệ.

Mở khe cửa hẹp

Và bởi vì những ý kiến phản biện đó giàu sức nặng, nên Hội đồng châu Âu buộc phải thay đổi ý kiến.

Vào ngày 20-7, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như Thủ tướng Đức Angela Merkel - hai nguyên thủ của hai quốc gia dẫn đầu EU - bày tỏ kỳ vọng rằng cuối cùng EU cũng sẽ đạt được một thỏa thuận; khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nêu rõ: “Vào một vài thời điểm tối qua, mọi việc không được khả quan, song tôi cảm thấy về tổng thể chúng tôi đang đạt được tiến triển”; khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói rằng dù các cuộc thảo luận xuyên đêm diễn ra đầy khó khăn nhưng ông hài lòng với những tiến triển đạt được... Hội nghị thượng đỉnh EU có lẽ đã đi đúng hướng.

Một kế hoạch khung đã được xác lập, cho một thỏa thuận chung khả thi, căn bản dựa trên một kế hoạch mới được phác thảo gấp gáp theo từng bước của Hội đồng châu Âu.

Ngày 19-7, bản kế hoạch mới đó được đưa ra bởi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, theo đó giữ nguyên khoản ngân sách phục hồi ở mức 750 tỷ euro nhưng khoản hỗ trợ sẽ giảm từ 500 tỷ euro xuống 450 tỷ euro, trong các khoản cho vay sẽ tăng từ 250 tỷ euro lên 300 tỷ euro.

Kế hoạch mới này còn bao gồm công cụ "phanh khẩn cấp", trong đó cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có 3 ngày bảo lưu ý kiến về kế hoạch cải cách của quốc gia khác và có thể khởi động một cuộc tranh luận giữa 27 nước. Tuy nhiên, kế hoạch này tiếp tục bị Hà Lan và một số nước khác phản đối. Họ, nhóm “Frugals”, gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Bởi vậy, sau những cuộc đàm phán và thương lượng gay gắt, những thỏa hiệp tiếp tục xuất hiện để trở thành các điều khoản bổ sung. Charles Michel đề xuất khoản hỗ trợ trị giá 390 tỷ euro nhưng “nhóm Frugals” sẽ được hoàn lại những khoản tiền nhỏ.

COVID-19 không chỉ tạo nên những thách thức về kinh tế cho EU mà còn cả những thách thức về cơ chế tìm kiếm sự đồng thuận cùng tinh thần đoàn kết.

Trong khi đó, một ngân sách dài hạn dành cho công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch (dự kiến trị giá 1.074 tỷ euro cũng đang bị Chủ tịch Nghị viện châu Âu (European Parliament, EP) David Sassoli cảnh báo rằng sẽ không được thông qua, nếu không đáp ứng được những điều kiện nhất định. Bởi vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vẫn phải lên tiếng kêu gọi quyết tâm đạt được thỏa thuận về gói ngân sách dài hạn này.

Tất cả những diễn biến đó thể hiện rằng EU, có lẽ, chưa bao giờ đối diện với một thử thách khắc nghiệt đến vậy. Đó không chỉ là những thách thức lịch sử trong lĩnh vực kinh tế, mà cũng như năm 2008, nó đặt ra các câu hỏi về cơ chế vận hành của tổ chức một thời là hình mẫu của các khối cộng đồng trên thế giới này. Có điều, còn hơn cả năm 2008, EU hiện tại không còn một thành viên quan trọng với tiềm lực hùng hậu là nước Anh nữa.

Brexit đã diễn ra và đang được hoàn tất những thủ tục cuối cùng, với tâm lý chung của người Anh là họ phải cáng đáng quá nhiều phần nhiệm vụ, trong khi có những quốc gia khác thảnh thơi hơn nhiều và cũng buông thả hơn nhiều. Những tâm trạng xã hội tương tự cũng hoàn toàn có thể xuất hiện ở các nước “khá giả” như “nhóm Frugals”, đặc biệt là hoàn toàn có thể bị khuếch đại trong những cơn sóng gió chính trường nội bộ, để trở thành các vết rạn khó che lấp.

EU, ngay trong tương lai gần, sẽ phải tự thay đổi để san lấp những mâu thuẫn đó. Mâu thuẫn giữa các nước giàu và các nước nghèo, giữa kỷ luật hà khắc và tinh thần tự do, giữa mục tiêu chung và lợi ích riêng. Điều này, kể từ trước khi Brexit bắt đầu được đề cập, đã được xem là một trong những khủng hoảng lớn mà EU phải đối diện: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng cân bằng chiến lược, khủng hoảng người nhập cư bất hợp pháp và khủng hoảng về cơ chế hoạt động.

Mà trong những vòng xoay của thế giới hiện đại, những thách thức phi truyền thống đang xuất hiện mỗi lúc một nhiều, đủ để bất cứ cơ cấu nào cũng có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời...

Đông Phong
.
.