Thu phí bản quyền hay đòi nợ?

Chủ Nhật, 11/12/2005, 09:57

Tình trạng thu phí bản quyền âm nhạc hiện nay vẫn còn khá giống những người đi đòi nợ, cứ thấy đâu sử dụng các ca khúc là vác tráp đến yêu cầu nộp tiền.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Trưởng ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, vấn đề bản quyền còn khá nhiều phức tạp tại Việt Nam. Chính vì thế, Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ sẽ phải làm việc với trung tâm của mình, nhằm làm sao để việc bảo vệ quyền tác giả đi vào nền nếp và đúng định hướng.

Trên phương diện cá nhân, ông cho rằng không thể áp dụng một cách cứng nhắc những quy định của luật quốc tế vào thực tế Việt Nam dù bản quyền là việc cần phải làm một cách nghiêm túc và hợp lý. Các nhạc sỹ khi sáng tác ca khúc, họ không nghĩ sẽ được bao nhiêu tiền. Và các đơn vị sử dụng âm nhạc tại Việt Nam không đơn thuần là các đơn vị kinh doanh mà phần nhiều vì mục đích công ích.

Một bản nhạc ra đời cũng như một bức tranh vậy, chúng ta cần tính đến chuyện ai sẽ xây bảo tàng để treo bức tranh đó, ai sẽ bảo quản và chăm sóc nó. Tất cả những điều đó ở Việt Nam là Nhà nước lo. Âm nhạc cũng vậy. Đây là một sự ưu việt của chế độ mà chúng ta không thể phủ nhận được. Chính vì thế, bản quyền là văn minh, nhưng chúng ta phải đứng trên nhiều góc độ để nhìn về một vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là đi tìm nhà sử dụng âm nhạc và thu tiền bản quyền.

Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình thì cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh trong hoạt động về bản quyền âm nhạc. Và chúng ta cũng không loại trừ, biết đâu có những người đang lợi dụng trung tâm này để mưu lợi cá nhân? Việc sử dụng âm nhạc Việt Nam trên các chuyến bay cần phải hiểu đây cũng là một kênh quảng bá và giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Nếu cứ cho rằng, tất cả những gì của phương Tây mà ta đồng ý gia nhập đều phải thực hiện triệt để thì thật là thiển cận.

Trong việc cởi mở giao lưu như hiện nay, bằng cách nhìn ấy, chắc hẳn chúng ta phải xây dựng nhiều bãi tắm hiện đại để cho người dân được tự do "nude"! Chúng ta cần có một lộ trình để lựa chọn, cân nhắc và áp dụng vào đời sống, sao cho vừa hiệu quả vừa phù hợp. Tình trạng hiện nay vẫn còn khá giống những người đi đòi nợ, cứ thấy đâu sử dụng các ca khúc là vác tráp đến yêu cầu nộp tiền.

Luật sư Hoàng Ngọc (Văn phòng Luật Gia Phạm) thì cho rằng, ở mỗi quốc gia cần có sự linh hoạt khác nhau trong vấn đề bản quyền. Theo dõi vấn đề bản quyền trong khu vực, luật sư Ngọc cho biết, các nước như Malaysia, Singapore thực hiện quyền tác giả tốt hơn ở Việt Nam, nhưng tại đó có điểm giống với phương Tây là truyền hình tư nhân phát triển rất mạnh và bên cạnh đó thì cơ sở hạ tầng của họ tốt hơn cũng như kinh nghiệm của họ là nhiều hơn. Chính vì vậy, chúng ta không thể đòi hỏi Việt Nam giống như họ được. Khi mục đích sử dụng âm nhạc khác nhau thì cũng cần có cách tính bản quyền khác nhau.

Bạn Anh Dũng, thành viên diễn đàn giaidieu.net lại quan tâm đến mảng bản quyền âm nhạc trực tuyến. Nếu sử dụng âm nhạc thuần túy cho công việc kinh doanh thì hiện nay nhạc trực tuyến sôi động hơn rất nhiều. Chỉ duy nhất có nhacso.net là sử dụng nhạc có bản quyền, số còn lại đều kinh doanh bất hợp pháp. Vậy nhưng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chưa có bất cứ động thái nào để bảo vệ các nhạc sỹ trên "chiến trường" này. Trong khi đó, các phòng hát karaoke lại phải trả tiền bản quyền vì sử dụng âm nhạc với mục đích kinh doanh.

Khi tất cả những đơn vị sử dụng âm nhạc này phải chịu phí bản quyền (tương đối cao) thì cũng đồng nghĩa với việc, những khách hàng thuần túy sẽ gián tiếp phải chịu tiền bản quyền bằng giá thành sản phẩm. Việc làm này tất yếu sẽ nảy sinh những tiêu cực trong sử dụng âm nhạc

P.V. (thực hiện)
.
.