Thứ “cuồng giáo” trong cái chết của những thần tượng

Thứ Tư, 16/09/2020, 09:48
“Venezia muôn năm. Điện ảnh điện ảnh điện ảnh. Wakanda Forever. Không gì ngoài tình yêu”, nữ diễn viên kỳ cựu Tilda Swinton khép lại bài phát biểu của bà sau khi nhận giải Sư tử Vàng cho Thành tựu trọn đời ở Liên hoan phim Venezia những ngày đầu tháng 9.

“Wakanda Forever” là một câu thoại trong Black Panther, bộ phim về một vùng đất tưởng tượng ở châu Phi với siêu anh hùng Báo Đen - vua TChalla do Chadwick Boseman thủ vai. Vẫn biết Black Panther ngay từ khi xuất hiện đã là một hiện tượng văn hóa, một thành tựu đáng nhớ của ngành giải trí thế giới nhưng có lẽ nếu Chadwick Boseman không đột ngột qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 43, ngay khi vừa bước lên đài danh vọng và phía trước còn quá rộng mở với anh, thì có lẽ, cụm từ “Wakanda Forever” cũng không bao giờ ở đó, ngang hàng với “Điện ảnh”, như thể nó đại diện cho “Điện ảnh”. Từ nay về sau, chắc không ai còn phàn nàn chuyện năm đó Black Panther được đề cử giải Oscar cho phim hay nhất, dù chỉ là bộ phim bom tấn siêu anh hùng.

Hành động khoát tay qua hai vai cùng câu nói “Wakanda Forever” sẽ sống mãi sau sự ra đi của Chadwick Boseman.

“Khi tôi chết mọi người sẽ yêu tôi”, Lil Peep - một rapper trẻ tuổi người Mỹ đã viết như vậy trên Instagram, chỉ vài giờ sau, anh được tìm thấy đã chết trên chiếc xe lưu diễn của mình.

Điều đó, thật mỉa mai, lại đúng. Khi còn sống, Công nương Diana cũng hứng chịu nhiều thị phi chẳng kém gì những Meghan Markle hay Kate Middleton ngày nay, bà làm từ thiện cũng bị chỉ trích, cho các con lớn lên cùng những người “thường dân” cũng bị chỉ trích, đưa Hoàng tử William sơ sinh đi cùng trong những chuyến đi qua Australia cũng bị chỉ trích. Báo chí công kích Diana chưa đủ, đến cả... triết gia cũng công kích Diana, cho rằng bà không hoàn thành nghĩa vụ của một công nương, thái độ liều lĩnh của bà làm hỏng hình ảnh hoàng gia và bà “buông thả” trong công tác xã hội.

Thế rồi, đùng một cái, người phụ nữ tóc vàng xinh đẹp qua đời trong một tai nạn thảm khốc và thế là “liều lĩnh” biến thành “can đảm”, “buông thả” trở thành “trái tim nhân ái”, “làm hỏng hình ảnh hoàng gia” trở thành “kiểu mẫu của hoàng gia”. Người ta gọi bà là “thiên thần” với “đôi mắt nai xanh nhu mì”.

Phần lớn căn nguyên cái chết của những người nổi tiếng trẻ tuổi rất điển hình: bệnh tật, tai nạn, tự sát - chỉ có một vài trường hợp cá biệt hơn như bị ám sát. Thế nhưng, khi những “sự cố” ấy rơi vào cuộc đời một người của công chúng, ta bỗng xâu chuỗi tất cả những dữ liệu trong đời họ để suy ra một câu chuyện hoàn chỉnh, hấp dẫn, đầy điềm báo, đầy những trùng hợp ngẫu nhiên và đầy tính biểu tượng.

Như khi chàng tài tử 24 tuổi James Dean tử nạn khi lái chiếc Porsche cáu cạnh đâm sầm vào một chiếc Ford Tudor tại ngã tư đường ở California, người ta liền cho rằng đó là kết cục không thể khác được với hình tượng thiếu niên nổi loạn, bạo động và âu sầu gắn liền với anh trong bộ phim kinh điển “Rebel without a cause” (Nổi loạn vô cớ). Hay như khi minh tinh Hong Kong Trương Quốc Vinh nhảy từ tầng 24 của tòa khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hong Kong hoa lệ một buổi chiều muộn, khán giả liền liên tưởng tới những vai diễn đầy tính tự hủy đã làm nên tên tuổi của anh trong “Bá Vương biệt cơ”, “A Phi chính truyện”, “Xuân quang xạ tiết” và tất nhiên, cả bộ phim cuối cùng “Dị độ không gian” nơi nhân vật anh đóng cũng suýt nhảy từ lầu cao.

Người ta vẫn còn thở dài trước sự trớ trêu của cuộc đời khi Paul Walker, người nổi lên nhờ loạt phim đua xe vèo vèo như “Fast and Furious” cuối cùng lại qua đời vì tai nạn xe cộ. Và khi biết chuyện Chadwick Boseman đã chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt 4 năm ròng rã, người ta gật gù bởi đó đúng là hình ảnh một “chiến binh” mà họ đã biết từ trước ở anh.

Sự bí ẩn và không thể cắt nghĩa của cái chết thật phù hợp với óc tưởng tượng và tính thích thêu dệt, ưa những biểu tượng của con người. Mỗi năm có biết bao nhiêu người nổi tiếng rời cõi tạm, họ ra đi ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau nhưng chỉ vì xác suất rơi vào con số 27 “có vẻ” nhiều hơn một chút, thế là liền ra đời “Câu lạc bộ 27”. Thậm chí đến cả khi khoa học vào cuộc và chỉ ra, các nghệ sĩ nhạc pop không có xu hướng chết ở tuổi 27 nhưng nhiều người vẫn cứ thích coi 27 là con số tử thần, chỉ vì Jimi Hendrix, Jim Morrison, Janis Joplin, Kurt Cobain hay Amy Winehouse đều ra đi ở độ tuổi ấy.

Nhưng. tại sao chúng ta cái chết của những người nổi tiếng lại ám ảnh chúng ta tới thế? Mà dường như, nó không phải một hiện tượng mới mẻ chỉ bắt đầu nảy sinh độ vài chục hay trăm năm gần đây. Muốn được yêu thương, Jesus buộc phải bị đóng đinh câu rút. Ngài buộc phải chịu đau khổ, buộc phải bị nghi ngờ, bị hành hạ đến chết. Tức là, ngay từ trong nguồn cội tôn giáo, cái chết của một vị chúa, một vị thần đã gắn liền với tình yêu theo sau đó. Có người đặt ra câu hỏi: Nếu như Jesus không chết trên cây thập giá thì sao?

“Câu lạc bộ 27” là một giai thoại của văn hóa đại chúng.

Nếu ngài không chết thì đương nhiên ngài không thể sống lại và như thế, ngài không khẳng định được thân thế linh thiêng của mình. Và nữa, Jesus chết vì ngài đã “hy sinh mình” (sách Hebrews), Ngài “chết vì tội lỗi của chúng ta” (Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô), chúng ta tôn kính ngài vì lẽ đó. Không có cái chết ấy, vì sao ta phải yêu ngài thế?

Khi nhắc đến từ “thần tượng” (trong tiếng Anh là “idol”), hãy để ý nó có chữ “thần”. Ngày nay, “thần tượng” hay “idol” thường được dùng để chỉ người nổi tiếng được yêu thích. Nhưng, trong lịch sử, từ “idol” bắt nguồn từ “idole” trong tiếng Pháp, nghĩa là “vị thần ngoại giáo” và xa hơn nữa, trong tiếng Hy Lạp, gốc từ “eidolon” nghĩa là “sự phản chiếu trong nước hoặc gương”. Vì thế, một thần tượng nói cách khác chính là một dạng “thần”, một hình ảnh và mường tượng của chúng ta về thực thể có quyền năng đặc biệt, thoát tục để ta vừa sùng bái, vừa soi chiếu, vừa lợi dụng. Có lẽ cũng chính vì nguyên do này chăng mà ta yêu một thần tượng nhiều hơn khi người đó chết?

Những ngôi sao này tất nhiên không thể chui ra từ quan tài như Jesus hồi sinh sau 3 ngày, nhưng motif “hồi sinh” vẫn còn đó - trong những sản phẩm của họ. Rất dễ thấy từ “bất tử” trong lời ngợi ca di sản để lại sau khi một người nổi tiếng từ trần. Elvis Presley có thể chết nhưng “Always on my mind” là bất tử. Michael Jackson có thể chết nhưng “Thriller” là bất tử. Trương Quốc Vinh có thể chết nhưng “Bá Vương biệt cơ” thì sống mãi với thời gian.

Và cũng như Jesus chịu hành hạ thay cho nhân loại, chúng ta cảm thấy những ngôi sao, khi họ chết, họ không chỉ chết cái chết của riêng họ, mà họ nhận lĩnh cái chết còn để cảnh báo chúng ta điều gì đó rất quan trọng, để cứu lấy nhân gian mục rữa.

Ngày 8-12-1980, John Lennon trên đường trở về nhà thì bị một kẻ từng hâm mộ anh bắn chết ngay trước lối lên căn hộ của mình. Thế là, trong điên cuồng, người ta lật lại cuộc đời anh, những lần anh đấu tranh vì hòa bình, chẳng cần quan tâm đến việc những chiến dịch đấu tranh năm xưa của anh có phần lố bịch, màu mè và phô diễn, người ta chỉ cần gán ghép cho anh hình ảnh một chí sĩ tử vì đạo, một người phản đối bạo lực cuối cùng lại bị bạo lực cướp đi sinh mệnh. Còn gì bi kịch anh hùng nào thảm thiết hơn?

Và, họ thấy rõ ràng làm sao, Lennon đã chết để làm cho ta sáng mắt ra về sự đen tối u ám của thế giới này! Thực sự, nếu Lennon bỗng nhiên sống dậy và biết người ta đã tô vẽ những gì cho cuộc đời bi tráng của anh và tâm hồn cao thượng của anh, chắc anh sẽ cười đến tắc thở mà chết lần thứ hai mất. Nhưng, biết sao được, con người cuồng cái chết của những thần tượng và họ luôn chỉ chờ có thế để mà thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú của mình.

Sau sự ra đi của Chadwick Boseman, ngoài “Wakanda Forever”, còn một câu thoại nữa của vua TChalla trong “Black Panther” cũng được nhiều người hâm mộ cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam trích lại: “Trong văn hóa của tôi, cái chết không phải là kết thúc”. Một câu thoại rất bình thường, thậm chí hơi sáo rỗng và không có gì quá đặc sắc nhưng giờ đây, với sự ánh xạ từ cái chết của Boseman, câu thoại ấy lại sâu thăm thẳm. Chúng ta không biết rằng có thực sự chết là hết hay còn kiếp sau nhưng chắc chắn, có một cuộc sống sau cái chết đối với những người như Boseman: cuộc sống trong tim mọi người.

“Sống trong tim mọi người” - đó là cụm từ mà tổng thống Nixon từng viết trước trong cáo phó ông chuẩn bị cho những phi hành gia trên con tàu Apollo 11 trong chuyến du hành đầu tiên của loài người lên Mặt trăng. Nhưng, cuối cùng, bản cáo phó bỏ đi, không phi hành gia nào chết, họ hoàn thành sứ mệnh, trở về, sống rất lâu về sau này. Tôi nghĩ họ đã hạnh phúc vì không phải sống trong tim mọi người mà được sống trong đời sống của chính mình. Xét cho cùng, “sống trong tim mọi người” là món quà cuối cùng mà cuộc đời ban tặng cho một ai đó, khi không còn có gì tốt đẹp hơn để cho.

Hiền Trang
.
.