Thỏa thuận hạt nhân Iran: Không xa, nhưng cũng chẳng gần

Thứ Hai, 14/06/2021, 14:42
Những cuộc đàm phán sẽ chỉ tạm ngưng trong khoảng một tuần, trước khi vòng đàm phán thứ 6 tiếp diễn (vẫn tại Vienne). Lý do được công bố từ ông Abbas Araqchi là bởi các bên tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã quyết định tổ chức tham vấn trong nước trong vòng một tuần, trước khi nối lại những cuộc thảo luận.


Khép lại ngày 3-6 tại Vienne (thủ đô nước Áo), vòng đàm phán thứ 5 giữa Iran và các cường quốc thế giới khơi lên những hy vọng lạc quan về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đặc biệt là khi Thứ trưởng Ngoại giao Iran - Abbas Araqchi, Trưởng đoàn đàm phán của Iran phát biểu: “Nhiều người hy vọng đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng. Như tôi đã nói, tôi cho rằng thời điểm để ký kết một thỏa thuận không còn quá xa”. Tuy nhiên, đối với giới phân tích quốc tế, những gì mà Iran và Mỹ vừa đạt được mới chỉ là một nửa chặng đường.

Những tia nắng lạc quan

Những cuộc đàm phán sẽ chỉ tạm ngưng trong khoảng một tuần, trước khi vòng đàm phán thứ 6 tiếp diễn (vẫn tại Vienne). Lý do được công bố từ ông Abbas Araqchi là bởi các bên tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã quyết định tổ chức tham vấn trong nước trong vòng một tuần, trước khi nối lại những cuộc thảo luận.

Mỹ và Iran chưa thể đối thoại trực tiếp với nhau, mà vẫn cần có những lực lượng trung gian.

Trước đó, ông cũng cho rằng việc cứu vãn thỏa thuận rất phức tạp nhưng không phải là không thực hiện được, bởi các khác biệt đang dần được khắc phục và hiện các bên đều tin tưởng vào khả năng giải quyết những điểm khúc mắc.

Còn ngay trước thềm vòng đàm phán thứ 5, đương kim Tổng thống Iran - Hassan Rouhani đánh giá trong một cuộc họp nội các, rằng những vấn đề chính giữa quốc gia này và Mỹ “đang được tháo gỡ”.

Cũng trong ngày 3-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington rất trông đợi vào vòng đàm phán thứ 6. Trước đó một ngày, Enrique Mora - Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) về điều phối các cuộc thảo luận khôi phục JCPOA cũng tỏ ra tin tưởng về khả năng đạt được thỏa thuận ở những cuộc thảo luận tiếp theo.

Cơ sở để các phía đều thể hiện những tín hiệu lạc quan và tích cực ấy, có lẽ xuất phát từ việc ngay từ ngày 20-5, nghĩa là sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ tư, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố rằng những thỏa thuận về nguyên tắc đã được thống nhất giữa Mỹ và Iran.  Theo đó, Washington sẽ dỡ bỏ một loạt lệnh trừng phạt chống Tehran về dầu mỏ, công nghiệp hóa dầu, đóng tàu, bảo hiểm và ngân hàng. Vấn đề còn lại chỉ là một vài chi tiết hai bên cần tiếp tục đàm phán.

Đến sau vòng đàm phán thứ 5, theo ông Abbas Araqchi, các văn bản liên quan đến các phần khác nhau của tiến trình đàm phán đã được soạn thảo, chỉ còn đợi các bên đạt đồng thuận về một số vấn đề then chốt.

Dù thế nào, so với bầu không khí căng thẳng từng được thể hiện trước khi các cuộc tiếp xúc được thực hiện, có thể nói là tiến trình hồi sinh JPCOA đang “thay da đổi thịt”. Hồi đầu năm, khi Iran từng bước đảo ngược các cam kết của mình - đặc biệt là với việc liên tục tăng mức làm giàu urani, mặc kệ những lời kêu gọi từ các cường quốc EU rằng “đừng làm mọi chuyện trở nên khó khăn hơn”, rất khó có thể hình dung sự “xuôi chèo mát mái” của những cuộc thảo luận vừa tạm dừng lại.

Có lẽ, từ phía Tehran cũng như từ phía Washington, sức ép về thời gian cũng như bối cảnh đã đóng các vai trò then chốt. Nếu chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thực sự cần một thành tựu ngoại giao, cũng như có nhu cầu “giải quyết rốt ráo” điểm nóng JCPOA để vừa khắc họa rõ nét hơn sự thay đổi trong chiến lược đối ngoại so với người tiền nhiệm Donald Trump, vừa tạo tiền đề cho những quyết sách khác; thì chính quyền Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng muốn hoàn tất mọi chuyện trước kỳ bầu cử sắp tới.

Và cạm bẫy chờ đợi

Tuy vậy, bất kể những gì đã diễn ra, bất kể những tín hiệu tích cực đã và đang được thể hiện từ các phía, chặng đường phía trước vẫn còn là cả một quãng không dễ để đoán định. Ở đây, chúng ta thấy, nếu Trưởng đoàn đàm phán Iran Abbas Araqchi vẫn đề cập tới sự khác biệt quan điểm ở những vấn đề then chốt, thì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vẫn tỏ ra hết sức thận trọng.

Có những điểm rất đáng chú ý trong thực tế và chúng có thể vẫn đóng những vai trò quyết định. Đầu tiên, Iran hiện vẫn đang tiến hành làm giàu urani ở mức 63%, theo tuyên bố của chính họ ngày 24-5. Đó hiển nhiên vẫn là một cách tạo áp lực, kể cả khi thỏa thuận đồng ý sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã được gia hạn thêm một tháng.

Nhưng, cốt lõi của việc xử lý các khúc mắc nhằm hồi sinh JCPOA nằm ở chỗ: Tất cả đều mong muốn nước Mỹ trở lại với thỏa thuận ấy, đúng như bối cảnh năm 2015 - khi JCPOA có sự tham gia của cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) cộng thêm Đức. Thế mà, cho đến hiện tại, Mỹ và Iran vẫn chưa từng thảo luận trực tiếp với nhau. Ở mọi vòng đàm phán tại Vienne, vai trò trung gian của EU là cực kỳ quan trọng, trong khi phái đoàn của Mỹ mới chỉ tham dự một cách gián tiếp.

Đầy hứa hẹn nhưng các vòng đàm phán tiếp theo cũng sẽ đầy thách thức.

Chưa ai có thể hình dung được, kể cả sau một tuần tạm nghỉ để các đoàn tham vấn nội bộ, những nhà ngoại giao hàng đầu thế giới sẽ làm thế nào để Washington và Iran đối thoại trực tiếp với nhau, chứ chưa nói đến chuyện đạt đồng thuận. Iran vẫn bảo lưu quan điểm rằng họ sẽ không tiếp xúc với Mỹ, chừng nào tất cả những lệnh cấm vận - mà họ cho là vô lý và bất công - được dỡ bỏ toàn bộ.

Nói như ông Ned Price, “vẫn còn không ít sự ngờ vực giữa Iran và các đối tác khác, cũng như các đồng minh mà chúng tôi đang hợp tác về vấn đề này”. Hiện tại, Iran được cho là bảo lưu yêu sách đòi Mỹ dỡ trừng phạt đối với các cá nhân và một số thực thể, trong đó có Đại giáo chủ Ali Khamenei - lãnh tụ tinh thần tối cao tại Iran - cũng như lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Không ai dám chắc liệu nước Mỹ có chịu “xuống thang” trong vấn đề này hay không. Bởi vì, dù có cách tiếp cận khác với chính quyền tiền nhiệm, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như Ngoại trưởng của mình là Anthony Blinken khó mà đồng ý với tất cả đòi hỏi từ Tehran, khi điều này sẽ rất dễ khiến họ bị đánh giá là “nhu nhược” từ những luồng tư tưởng đối lập trong chính trường Mỹ. Cần nhớ, quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump đã từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nước, để đưa nước Mỹ rời khỏi JCPOA, khi ông cho rằng JCPOA đã giảm bớt cho Iran quá nhiều lệnh trừng phạt, trong khi Tehran thực hiện không đầy đủ các cam kết.

Cạm bẫy dành cho các cuộc thương thảo sắp tới còn nằm ở chính nội bộ chính quyền Iran, khi Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng như lực lượng tuân phục ông vẫn thể hiện tâm lý “bài Mỹ” triệt để và tạo nên một sức ép nặng nề dành cho những cố gắng của chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani. Sẽ không dễ dàng gì để kiến tạo hòa bình đích thực và bền vững, thậm chí không dễ dàng gì để tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhau, khi sau lưng vẫn là những thôi thúc “phải cứng rắn hơn nữa”, từ cả hai phía.

Tuy vậy, điều giới quan sát quốc tế hy vọng đủ “quyền năng” thay đổi mọi chuyện, sau tất cả, vẫn là lợi ích. Nếu Iran thực sự không thể tránh khỏi bị tổn hại về lợi ích kinh tế bởi những lệnh trừng phạt và cấm vận từ phía Mỹ, thì ngược lại, một thứ lợi ích cốt lõi khác của Mỹ là vị thế cường quốc cũng “hao mòn” với tư tưởng biệt lập và cách hành xử sẵn sàng đẩy cao sức ép mà cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng.

Hơn cả, nói như Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani - một ví dụ tiêu biểu cho những quốc gia bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu này: “Chúng tôi có mối quan hệ chiến lược và mạnh mẽ với Washington cũng như quan hệ tốt với Iran. Chúng tôi không muốn căng thẳng gia tăng, vì điều này sẽ tác động tiêu cực đến Qatar và khu vực. Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ cuộc đối thoại hoặc nỗ lực nào trên tinh thần tích cực liên quan đến mối quan hệ giữa Iran và Vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực đó và tin rằng đối thoại là bước đi mang tính xây dựng đối với sự ổn định của khu vực”.

JCPOA cần phải được hồi sinh, vì điều đó phù hợp với lợi ích chung và là nhu cầu bức thiết của cộng đồng quốc tế cũng như thế giới. Washington cũng như Tehran đều hiểu rõ điều đó. Vấn đề chỉ còn là họ có thực sự muốn thực hiện, để hồi sinh thỏa thuận đó bằng mọi giá hay không.
Đông Phong
.
.