Thêm lửa vào vạc dầu sôi

Thứ Sáu, 17/07/2020, 18:25
Ngày 2-7, Hãng thông tấn quốc gia Syria (SANA) đưa tin: Từ nước láng giềng Iraq, đã có thêm những đơn vị quân đội Mỹ vượt qua biên giới, tiến vào khu vực Đông Bắc Syria. Viễn cảnh hòa bình, một lần nữa lại trở nên vô cùng xa vời đối với quốc gia đã chìm trong lửa khói giao tranh suốt 9 năm này.

Bốn bề lửa cháy

Thực tế, một cách cụ thể, 30 xe chở dầu đã tiến vào Syria qua một điểm giao cắt trên biên giới Syria - Iraq và được hộ tống bởi một đoàn xe quân sự. Trước đó một ngày, cũng theo SANA, các lực lượng Mỹ đã thành lập một căn cứ không quân tại Yarobiyeh, vùng Hasakah.

Trước đó nữa, ngày 29-6, theo Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp - ông Mark Lowcock, nước Nga thông báo chính thức với LHQ về quyết định chấm dứt cộng tác trong “cơ chế giảm xung đột ở Syria” và ngừng tham gia “hệ thống cảnh báo nhân đạo”. Lý do được đưa ra (trên bề nổi), như Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya từng tuyên bố, là bởi “những kẻ khủng bố đã lợi dụng danh sách các địa điểm nhân đạo” nhằm phục vụ các mục tiêu của mình.

Tuy vậy, động thái này xuất hiện không lâu sau khi Washington áp đặt 39 biện pháp trừng phạt mới lên các cá nhân và thực thể của Syria, bao gồm cả đương kim Tổng thống Syria Bashar Al Assad, với mục đích rõ ràng là nhằm bóp nghẹt các nguồn thu tài chính của đất nước vốn đã hoang tàn ấy, buộc Damascus trở lại những cuộc đàm phán do LHQ tổ chức.

Chỉ trong nửa đầu năm 2020, hơn 1.000 thường dân Syria đã thiệt mạng bởi các cuộc giao tranh.

Có lẽ cần phải làm rõ: Nước Mỹ có hẳn một đạo luật mang tên Ceasar, nhằm tiến hành các hình thức trừng phạt tài chính đối với Syria. Đạo luật này được thông qua vào tháng 12-2019, với sự ủng hộ của cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Nó cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria cũng như bất cứ tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính cho chính quyền Damascus. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái giữa đồng bảng Syria với đồng USD đã và đang rơi xuống mức thấp kỷ lục: 1 USD đổi được 1.800 bảng. 10 năm trước, khi cuộc xung đột dai dẳng và đẫm máu này chưa diễn ra, tỷ giá ấy là 1-47.

Và ngày 1-7, Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí ra tuyên bố chung, sau một cuộc họp trực tuyến ở cấp cao nhất, trong đó bác bỏ bất cứ giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Syria và khẳng định vấn đề này cần phải được giải quyết thông qua một tiến trình chính trị. Tuyên bố chung cũng nêu rõ: Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Ba quốc gia ấy bác bỏ mọi ý đồ tạo ra những tình thế mới trên thực địa viện cớ chống khủng bố, đồng thời thể hiện quyết tâm đối phó với những âm mưu phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như đe dọa an ninh quốc gia của các nước láng giềng.

Đến ngày 4-7, Bộ Ngoại giao Nga đề xuất: “Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ nên thảo luận vấn đề giảm xung đột tại các cơ sở dân sự ở Syria thông qua sự hợp tác trực tiếp với chính quyền Damascus”, bởi “trên thực tế, cơ chế giảm xung đột (ra đời năm 2014) là một sáng kiến đơn phương của OCHA, mà không dựa trên luật nhân đạo quốc tế hoặc một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Và nặng nề hơn, Bộ Ngoại giao Nga thẳng thừng: “Chính phủ Syria đã bị gạt ra ngoài nỗ lực này. Tuy vậy, OCHA lại ký kết một số hình thức tuyên bố với các phiến quân của những nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Syria về hoạt động giám sát luật nhân đạo quốc tế và cung cấp hỗ trợ nhân đạo”.

Đáp trả những diễn biến ngoại giao đó một cách đầy ẩn ý, Mỹ tăng quân trên lãnh thổ Syria. Từ đêm 2-7 đến hết ngày 3-7, giao tranh dữ dội lại nổ ra giữa quân đội chính quyền Damascus với các phần tử cực đoạn chiến đấu dưới lá cờ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng...

Ván cờ cân não

Syria không trở thành một vạc dầu sôi suốt gần 10 năm chỉ bởi những vấn đề nội bộ của riêng họ và lần này cũng vậy. Thật bi thảm cho đất nước ấy, khi mọi diễn biến liên quan đến tình hình Syria đều ít nhiều có những mối liên hệ với điều gì đó diễn ra bên ngoài lãnh thổ.

Ngày 3-6, như một lời hăm dọa, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hé lộ: “Tôi đã nói với Tổng thống Syria Bashar Al Assad rằng ông sẽ mạo hiểm tương lai của đất nước cũng như chính quyền của ông, bởi chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép Iran thiết lập những sự hiện diện quân sự ở Syria”. Theo đó, Israel sẽ tiếp tục thực hiện những hành động cần thiết để ngăn cản Iran tạo ra một mặt trận khủng bố và quân sự khác nhằm vào Israel ở quốc gia láng giềng Syria.

Israel không tự nhiên mà căng thẳng như vậy. Họ xem Iran là một kiểu “kẻ thù truyền kiếp, nghĩa là hơn cả một kình địch cạnh tranh vị thế cường quốc số 1 khu vực. Tel Aviv lại càng có lý do để thể hiện sự cứng rắn, khi thực tế chứng minh rằng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (một cựu thù của Iran và cũng là một kình địch khác của Israel), thông qua vai trò trung gian kết nối của Nga, đang xích lại gần với nhau.

Xe quân sự Mỹ trên đất Syria.

Ở một diễn biến khác, kế hoạch chính thức sáp nhập các lãnh thổ chiếm đóng tại Bờ Tây của Israel đang tạm phải gác lại, do những đề xuất trái chiều trong chính phủ liên minh e ngại về những tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19. Song, trong lúc đó, phái vũ trang Hamas và phong trào Fatah - 2 lực lượng chính trị lớn nhất của người Palestine - cũng lại đã bắt đầu tìm thấy tiếng nói chung sau thời gian rất dài không nhìn về cùng một hướng. Trước nguy cơ hiển hiện, người Palestine đã đoàn kết lại. Cả khối Arab Hồi giáo cũng đang phản đối quyết định sáp nhập của Israel (được Mỹ chống lưng) mỗi lúc một mạnh mẽ hơn.

Nghĩa là, nói một cách ngắn gọn, từ một góc nhìn cao hơn và rộng hơn, tầm ảnh hưởng của Mỹ đang thất thế trước thứ quyền lực mềm mà Moskva thể hiện. Washington cần phải “giành lại thế trận” ở một trọng điểm nào đó.

Syria, dĩ nhiên, là lựa chọn hợp lý nhất. Ở đây, ngọn cờ chống IS vẫn còn có thể phất lên. Ở đây, sau 10 năm binh lửa, quyền lực nhà nước trung ương đã bị cắt xẻ quá nhiều và rơi vào tay hàng chục phe phái cát cứ. Ở đây, có những vấn đề về viện trợ nhân đạo có thể được sử dụng như những cánh cửa lật. Và ở đây, người dân cũng đã chẳng còn quan tâm nhiều lắm đến mọi thứ thông điệp. Họ chỉ cần được sống sót. Họ đã quá quen với tình trạng quốc tế hóa, với sự hiện diện của các lực lượng quân đội nước ngoài trên mảnh đất của mình.

Những thứ sức ép nhắm vào chính phủ Damascus, thực chất, cũng là những đòn đánh liên hoàn âm thầm hướng đến Tehran - vốn cũng đang phải vật lộn chống đỡ những lệnh cấm vận của Mỹ nhằm ép Iran tái đàm phán Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 mà Iran ký với 6 cường quốc Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp Đức).

Hơn hết, Syria vẫn luôn là mắt xích yếu nhất trong tam giác đồng minh Nga - Iran - Syria ở Trung Đông - “rốn dầu” của thế giới. Bộ ba ấy đã, đang và vẫn sẽ là chướng ngại vật ngăn trở sự áp đặt hoàn toàn các giá trị phương Tây kiểu Mỹ lên khu vực này. Hiện tại, họ còn đang lôi kéo thêm sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên vô cùng “cứng đầu” trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ván cờ này, nước Mỹ không được phép thua, nhất là trong năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Cho nên, lửa đã lại sẵn sàng bùng lên, quanh những giếng dầu, trên những ngôi thành cổ, và trên cả những sa mạc máu lệ thấm đầy...

Đông Phong
.
.