Thư gửi cho con

Tản mạn về những ông bố

Thứ Hai, 21/12/2015, 09:02
Tôi không bao giờ tin vào những bức tâm thư cha gửi con nhan nhản trên mạng Internet. Một người cha đàng hoàng họ đang bận với hành động cụ thể chứ ai lại đi mượn con mượn cái để tâm tư truyền thông câu chuyện sặc mùi sến cá nhân đến thế.

“Bố mẹ chẳng biết phải nói thế nào để diễn tả lại cảm xúc lúc này, về sự hy vọng dành cho con. Bố mẹ mong con sẽ thật hạnh phúc, thật khỏe mạnh để có thể khám phá, tận hưởng cuộc sống của mình theo cách trọn vẹn nhất. Vì có con, bố mẹ đã có lý do để suy nghĩ sâu sắc hơn về thế giới mà chúng ta đang sống. Giống như mọi gia đình khác, bố mẹ chỉ mong mỏi con được lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn bây giờ. Chính vì thế, bố mẹ sẽ đảm nhận một phần nhiệm vụ đẩy nhanh sự phát triển của thế giới này, không chỉ vì chúng ta yêu con, mà chúng ta cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với tất thảy mọi trẻ em, sao cho những thế hệ sau được sống trọn vẹn nhất”.

Đó là một đoạn trích dẫn trong lá thư dành cho cô con gái đầu tiên của Mark Zuckerberg. Mark Zuckerberg chính là ông chủ của trang mạng xã hội có nhiều người dùng nhất trên thế giới, facebook.

Khi người ta làm bố, người ta luôn có những suy nghĩ tích cực hơn. Chúng tôi tin là vậy. Chúng tôi chọn Chuyên đề “Thư gửi cho con” như là một hy vọng về sự đánh thức cảm xúc mà trong cơn mê mải của đời sống này, những ông bố đã vô tình đánh rơi.

Mỗi ông bố sẽ có một cách yêu thương con mình theo kiểu riêng, nhưng chắc chắn tựu trung lại vẫn là nỗi yêu thương vô điều kiện.

Thời đại này vẫn có 3 nơi đàn ông thể hiện xuất sắc danh phận làm bố: quán rượu, trên facebook và nhà hộ sinh. Đa số khi đã lè nhè say, các anh trong rưng rưng ký ức nhắc đi nhắc lại nhiều mẫu câu điển hình về triết lý sống trên cuộc đời này, ứng xử đời như thế nào là phải đạo.

Thế rồi mỗi khi tới gần lúc tính tiền, kết câu chuyện dài dòng sẽ là một vài kỷ niệm tỷ dụ như chính xác trung thu năm ngoái đã mua cho con cái gì, ở đâu và giá bao nhiêu tiền. Điều này ít bà mẹ nào có thể làm được, thứ nhất bởi họ không có thói quen lê la hàng quán hồi ức về gia đình. Thậm chí cũng hiếm bà mẹ nào đủ minh mẫn để nhớ được tỷ mỷ trong lẫn lộn hàng triệu lần đằng đẵng bên con. Họ thật quá vô tâm.

Có lẽ tình cha con hình thành trong nền văn minh lúa nước từ hàng ngàn năm trước có gì đó rất khó lý giải. Nó lờ mờ tình cảm pha lẫn chút cực đoan gia trưởng và đôi khi sự quan tâm thái quá từ người cha với con cái trong những vụn vặt đời thường lại là vấn đề.  Dù như thế nào đi nữa, mỗi đứa trẻ trong giai đoạn hình thành nhân cách thì lớn lên trong vòng tay gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ luôn vô cùng quan trọng, cần thiết.

Bỗng đâu từ ngày có mạng xã hội facebook, nó hình thành nên một “sân khấu” để nhiều phận làm cha có đất biểu diễn. Tôi biết vô số trường hợp năm thì mười họa chăm con, mỗi đận vậy họ cẩn thận chụp ảnh xấp ngửa tươi cười ẵm bế, tay trong tay… đưa lên mạng với những dòng chữ nắn nót câu từ tràn trề tình phụ tử. Bạn bè xa xôi nhao nhao vào ấn bình luận hình trái tim “Ông bố của năm đây rồi”. 

Tôi biết nếu có tham gia vào để bóc mẽ hay bình luận trái chiều đều có thể làm rớt cái mặt nạ và làm tổn thương họ. Lặng lẽ ngắm nghía, nghĩ về cuộc sống. Thời công nghệ họ có thể biểu diễn, đóng kịch, vào tròn vai bất kể ai và hiếm khi bị phán xét. Sự thật hiển hiện đây mà, nhìn đi. Phải chăng hình ảnh một người đàn ông biết yêu con thật lòng ngày càng hiếm hoi và dễ dao động con tim khán giả?

Minh họa: Hữu Khoa.

Trong hàng vạn thứ lẻ loi cô đơn, tội nghiệp hơn cả là những ông bố đơn thân, lẻ loi “gà trống nuôi con”. Phụ nữ mạnh mẽ đa phần chủ động cuộc đời khi điền thêm tính từ “đơn thân”, “gà trống” lại tuyệt đại đa số đều bàng hoàng mà loay hoay “bị động” chuyển đổi tính chất, ấm ức chấp nhận làm cha trong vẻ tiều tụy bi kịch vụng về cùng với bếp núc. Không rõ do vô tình hay hữu ý mà râu tóc thường hay luộm thuộm dài, đối nghịch hoàn toàn với nhan nhản hình ảnh single-mom năng động dễ thương lại còn thành đạt, cứ thử tìm trên google mà xem.

Hình như mỗi chúng ta đều quen biết không dưới dăm ông bố như vậy. Nghe nói, đằng sau mỗi anh bố lẻ loi đều là một quá khứ giàn giụa nước mắt phụ nữ.

Xã hội văn minh lạnh lùng cũng không mảy may dành cho họ bất kể sự ưu ái cảm thông, dường như single-bố trong nhãn quan người đời luôn là thứ bàng bạc phản bội, vụng về tội lỗi, thiện nghệ tình ái và luôn đầy bất trắc. Mỗi cá thể anh bố đơn thân mang hồ sơ có 1, 2 hay 3 con đều vất vả như nhau trong việc tìm “đối tác” chung tay làm tập 2 mà  không thuộc diện “rổ rá cạp lại”.

Một số ít trường hợp khác đang loay hoay lớn, chểnh mảng yêu mà quên nhiệm vụ “rút quân kịp thời”. Bị làm bố khi trứng cá vẫn mẩn hồng bên cánh mũi mà khẳng khái buông lời quân tử, bế xốc con về cho bà nội nuôi để mẹ cháu tìm cơ hội tốt hơn. Trong những trường hợp hai bố con cùng lớn lên kiểu này, ưu điểm là rất đoàn kết theo dạng tình huynh đệ sòng phẳng, tôi nấu cơm thì anh rửa bát, tôi giặt quần áo thì anh phơi.

Mong muốn duy nhất của tôi, có anh chị nào chưa bận hãy dành chút thời gian đả kích họ như vô số nhà “đạo đức” trên mạng thường hay làm với các bà mẹ đơn thân.  Để ai đó là bố đơn thân, mỗi ngày đìu hiu đi ấn likes dạo trên facebook được một lần tự sự nói về họ, câu chuyện ắt sẽ có nhiều nước mắt.

Ngày vợ tôi đi viện sinh em bé, tôi lẫn trong đám đàn ông ở cái độ tuổi nông nổi loay hoay đợi có con rồi mới nghĩ đến trưởng thành tụ bạ một đám ngoài hành lang bệnh viện. Đủ thành phần, đa số đều cần mẫn, nghiêm chỉnh và ít nói. Đó có lẽ là khoảng lặng thời gian dài đằng đẵng nhưng rất cần thiết của bất kỳ nam giới nào tĩnh tại trong tâm thế đứng giữa mỏng manh biên giới thay đổi danh phận, được làm cha.

Lọt thỏm giữa đám duy nhất có một anh người xăm trổ xanh lè nhưng cũng hoà đồng mà không mấy khi nói bậy trong bệnh viện. Đến gần giữa đêm thì vợ anh ta sinh con trai, từ một kẻ trông bặm trợn bỗng biến thành một đứa trẻ to xác, hớn hở cầm cả xấp tiền mệnh giá 500 nghìn đi chia vui dọc hành lang cho bất kể người nhà sản phụ, y tá bác sĩ nào gặp, đàng hoàng hoành tráng.

Có tiếng chửi đổng một người tên Thành vọng ra từ trong phòng chờ sinh. Ông em ngồi cạnh tên Thành lại sốt sắng chạy vào xoa chân xoa lưng vợ đang đau rịn cả mồ hôi. Một lúc Thành lại ra ngồi bần thần, buồn tay mở cặp lấy ra một quyển gì đó đầy màu thời gian bên trong nhằng nhịt chữ với gạch tần ngần cầm vào chỗ vợ.

- Mang cho vợ đọc gì thế Thành?

- Gia phả nhà em anh ạ.

- Để làm gì, chọn tên cho con khỏi trùng à?

- Không anh ạ, chốc em cho vợ em nó xem qua để chửi cả họ nhà em cho đỡ đau thôi anh ạ.

Thế đấy, tôi nhớ như in câu chuyện đó không sai một chữ vì nó quá đặc biệt và lâu quá tôi mới thấy một sự chân thành trong vắt đến vậy. Đàn ông dù có nhiều vô duyên, đần đụt hay gì đi chăng nữa thì cũng có những khoảnh khắc đáng yêu đến vậy cơ mà.

Tôi không bao giờ tin vào những bức tâm thư cha gửi con nhan nhản trên mạng Internet. Một người cha đàng hoàng họ đang bận với hành động cụ thể chứ ai lại đi mượn con mượn cái để tâm tư truyền thông câu chuyện sặc mùi sến cá nhân đến thế. Nếu bạn không tin, hãy tìm đọc thử một bức như vậy.

Hoàng Minh Trí
.
.