Tâm sự nghề báo
- Nghề báo và tác nghiệp điểm nóng
- Nghề báo – Nghiệp văn cho những tác phẩm báo chí thăng hoa
- Gian nan và vinh quang nghề báo
Chọn truy cập, hay độc giả?
Nếu coi tin tức là hàng hóa và làm báo cũng là một loại sản xuất tiêu dùng thông tin, thì đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại lựa chọn của mình: chộp giật để bán vài món hàng phế phẩm và bị lãng quên hay tạo ra giá trị để khách hàng quay lại và mua nhiều lần?
Công nghệ nuốt chửng báo chí
Năm 1992, báo cáo nội bộ của tờ Washington Post (WP) đã đề xuất lắp đặt một “thiết bị số”. Với tư cách là tờ báo giấy bán chạy bậc nhất nước Mỹ thời điểm đó, đấy là động thái thể hiện sự tiên phong.
Tại nước Anh, The Guardian (TG) không chịu kém cạnh: tờ báo này trang bị máy tính kết nối mạng cho nhân viên từ khi chỉ có 3% hộ gia đình sở hữu một chiếc máy tính và modem kết nối internet.
Nhưng đấy rốt cục chỉ là những động thái mang màu sắc phù phiếm, hơn là thể hiện tầm nhìn. Kế hoạch kinh doanh năm 1996 của TG kết luận rằng ưu tiên vẫn phải là báo in, với nhận định internet chẳng qua chỉ là một làn gió thoảng.
Vào năm 2005, WP bỏ lỡ cơ hội đầu tư 10% vào Facebook, với lợi nhuận đáng ra đã đủ nuôi sống tờ báo này trong nhiều thập niên. Giám đốc điều hành Don Graham của WP đã bắt tay và thỏa thuận miệng với Mark Zuckerberg, nhưng khi ông chủ của Facebook từ bỏ nó để đến với đề nghị béo bở hơn, Graham đơn giản là bỏ qua anh ta. The Times, tương tự, bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Google. Họ không coi công nghệ là điều quan trọng.
Bây giờ, Facebook và Google đã chiếm 34% thị phần quảng cáo trực tuyến toàn cầu (đây vốn từng là mô hình kiếm tiền chủ yếu của báo chí cổ điển) với sự áp đảo tuyệt đối, trong khi báo chí đang giãy giụa giữa những sai lầm và sự tha hóa mạnh mẽ về nội dung.
Ảnh: L.G. |
Trong cuốn Merchants of Truth (tạm dịch: Lái buôn sự thật), tác giả là cựu Tổng biên tập của tờ New York Times (NYT) Jill Abramson viết ra một thực tế cay đắng: nếu báo chí có được tái định nghĩa trong hai thập kỷ qua, thì những người tạo ra sự thay đổi này không phải các phóng viên hay biên tập viên, mà là các công ty công nghệ.
Jonah Peretti, người đồng sáng lập của Buzzfeed và Huffington Post, đã đào một trong những cái hố bẫy lớn nhất trước mặt báo chí truyền thống, với việc “phát minh” công cụ “thước đo nhấp chuột” (click-o-meter) dựa trên hành vi của độc giả. Bằng cách khảo sát các thói quen người đọc và từ đó tạo ra các nội dung hòng kích động nhấp chuột, trong một vài năm, Buzzfeed và Huffington Post đã có lượng truy cập (traffic) nhiều hơn Washington Post, Wall Street Journal lẫn Los Angeles Times.
Abramson nhận xét trong Lái buôn sự thật rằng đó là mô hình làm báo “thổ phỉ”: Khi NYT xuất bản một câu chuyện độc quyền về WikiLeaks, bài báo đã tiêu tốn của họ vài tháng điều tra và rất nhiều tiền, Huffington Post lập tức đăng lại nó, thậm chí không buồn thay đổi tiêu đề, và có lượt đọc nhiều hơn nhờ đánh bại Times trên thanh tìm kiếm Google. Dây chuyền sản xuất nội dung kiểu này không cần những nhà báo xuất sắc, mà tập trung vào việc gia công tin tức nhanh, nhiều kết hợp với công nghệ để tiếp cận người đọc.
Quá trình tha hóa bắt đầu từ nhân lực sản xuất báo chí. Cho đến thập niên 1990, tất cả các nhà báo, bao gồm báo giấy, phát thanh và truyền hình, đều phải bắt đầu sự nghiệp ở các nhật báo để học hỏi và nắm vững các quy tắc nghề nghiệp. Tại Anh, trước khi muốn làm việc ở con phố báo chí Fleet Street, một phóng viên phải trải qua ít nhất ba năm lăn lộn ở báo địa phương. Điều tương tự diễn ra ở Hoa Kỳ: anh phải tiến từng nấc, qua các tờ kiểu Des Moines Register hay Worcester Telegram, trước khi mơ đến New York Times hay Herald Tribune.
Năm 2005, NYT sa thải 500 nhân viên còn WP bắt đầu trả tiền cho mọi người nghỉ hưu sớm. Buzzfeed, một hiện tượng vào năm 2017 với 9 tỷ lượt xem mỗi tháng, vừa phải cắt giảm 25% lương nhân viên vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Đầu tháng Sáu năm nay, Microsoft sa thải hàng loạt phóng viên phụ trách trang tin MSN của họ để thay thế bằng AI (trí tuệ nhân tạo). Đấy là thái độ rất rõ ràng của ngành công nghiệp sản xuất tin tức: trong dây chuyền ưu tiên sự tiện lợi và các thuật toán tự động hóa, thì người làm nội dung chỉ là thứ yếu.
Truy cập hay độc giả?
Thái độ đặt con-người-nội-dung ra sau công nghệ này đóng vai trò nguyên nhân lẫn hệ quả trong quá trình tha hóa nội dung của báo chí nhiều năm qua: các tờ báo khao khát lượng truy cập, đầu tư mạnh cho các thủ thuật Google hay Facebook để có lượt xem, rồi giả vờ rằng mình đang có độc giả. Nhưng hút lượng truy cập, xét về mặt nào đó, rốt cục cũng chỉ là đổ nước lên lá sen.
Khi bắt đầu làm việc với tư cách người phụ trách nội dung của một tạp chí điện tử mới toanh cách đây 5 năm, tôi cũng đã lựa chọn vế đầu tiên: tăng lượng truy cập là cách nhanh nhất để chứng minh rằng tờ báo là một lựa chọn đúng của chủ đầu tư, rằng nó có khả năng độc lập và sinh lời. Một trong những nguồn cung cấp truy cập hiệu quả là những trang tin lớn khác, hoặc các Fanpage nhiều triệu người trên mạng xã hội. Chiến lược của chúng tôi là “cắm” tin tức của mình thật nhanh lên các hệ thống lưu lượng người dùng cao đó để thu hút nhiều lượt xem nhất có thể.
Phương pháp này cho thấy hiệu quả nhanh chóng: bằng cách bám vào khai thác thông tin xoay quanh vụ thảm sát Bình Phước và rải tin rộng khắp các nhóm Facebook lớn. Sau một tháng ra đời, trang tin của chúng tôi đạt khoảng 2 triệu lượt xem mỗi ngày và leo vào top 250 trang web ở Việt Nam trên bảng xếp hạng của Alexa.
Nhưng sự trừng phạt đến cũng rất nhanh: chỉ vài tháng sau, khi Facebook hạn chế lượt tiếp cận (reach) và hết thông tin giật gân xu thế (hot trend) kiểu thảm sát Bình Phước, lượng truy cập của trang tin đã rơi tự do, cứ như thể những ai đã từng đọc tin vẫn không hề biết đến tờ báo này. Đơn giản vì nó không có nội lực, và tối đa hóa lượt xem kiểu này là một trải nghiệm hoàn toàn trống rỗng. Sau những kích thích là vô định.
Đi săn truy cập là một trải nghiệm ngập tràn dopamine (một hóa chất não tạo ra cảm giác hưng phấn và vui vẻ), cho dù bạn đang kéo lượt xem dựa trên một bi kịch: 6 người trong một gia đình vừa chết, và câu chuyện này, trớ trêu thay, lại là chủ đề người ta muốn đọc. Đấy hẳn là một sự tha hóa về mặt đạo đức. Tôi sẽ không biện hộ về chuyện này, nhưng một phần của sự tha hóa này đến từ lựa chọn sai lầm, thông qua việc yêu truy cập đến mức cực đoan.
Cho đến giờ, khai thác bi kịch, thông qua việc chĩa ống kính vào những đám tang và khuôn mặt nức nở, vẫn là một tập quán hiệu quả của làng báo khi cần khuếch đại lượt truy cập. Bạn đồng hành của nó là những tít bài ngớ ngẩn phi logic trong nỗ lực tuyệt vọng thu hút lượt đọc (“Chipu ngồi giữa ba cái ghế sắt” chẳng hạn), những từ ngữ kích động giật gân (“choáng váng”, “không tưởng”…), hay một vụ làm SEO khai thác từ khóa quá đà (bạn đọc hãy thử gõ lên Google “Sòng bạc ông Park Han Seol bị triệt phá ở Sài Gòn "khủng" thế nào?” để biết thêm chi tiết).
Một thước đo khác
Năm 2011, NYT nổ phát súng đầu tiên của một cuộc cách mạng: họ dựng tường thu phí. Thay cho “thước đo nhấp chuột” là “thước đo nội dung”. Mọi người sẽ được đọc miễn phí 20 bài trong một tháng, và nếu muốn truy cập thêm, họ phải trả tiền.
Chín năm sau, tờ báo này đã cán mốc sáu triệu thuê bao trả phí, sự tưởng thưởng xứng đáng cho một mô hình tiên phong. Hai năm sau khi NYT tiến hành thu phí, WP cũng nối gót. Năm 2014, đến lượt The New Yorker. Tờ báo kỳ cựu TG không dựng tường thu phí vì muốn phân phối thông tin một cách bình đẳng, nhưng đã kêu gọi các thành viên tự nguyện quyên góp tối thiểu 1 bảng Anh để duy trì hoạt động. Kết quả? Từ 15.000 thành viên đóng góp thường xuyên năm 2016, TG đã có 570.000 người quyên góp cho họ vào tháng 6/2018, và khoảng 375.000 người đóng góp không thường xuyên trong năm 2019.
Đấy là những nỗ lực của việc chuyển dịch báo chí sang những thước đo khác: thay vì cố tự đánh giá mình dựa trên “lưỡi dao” là lượng truy cập (cán dao nằm hầu hết trong tay Facebook hoặc Google), các tờ báo này chọn giải pháp thuyết phục độc giả tin tưởng và trả tiền cho họ dựa trên nội dung, vốn là sở trường của báo chí cổ điển. Thay vì cố mở rộng lượt truy cập một cách thô bạo mà không đóng góp thêm chút nào cho giá trị tích lũy của tờ báo, họ chọn cách chăm sóc cho từng người đọc đã truy cập vào web của mình. Nếu coi tin tức là hàng hóa và làm báo cũng là một loại sản xuất tiêu dùng thông tin, thì thay vì chộp giật để bán vài món hàng phế phẩm và bị lãng quên, chúng ta ít nhất vẫn có một lựa chọn khác: tạo ra giá trị để khách hàng quay lại và mua nhiều lần.
Tất nhiên, đấy là lựa chọn đầy tính thách thức và đòi hỏi, nhưng có lẽ là con đường duy nhất lúc này, trong một xã hội đang bị quá tải thông tin và một tờ báo dễ dãi sẽ bị cuốn phăng đi theo cơn lốc trên News Feed của mạng xã hội.
(Phạm An)
Sống nghề báo…
Đợt giãn cách xã hội do COVID-19 vừa rồi có câu chuyện mà những ai theo nghề báo chắc chắn không thể quên được. Ấy là chuyện hội nghề có công văn xin Chính phủ hỗ trợ khó khăn. Chỉ trích lúc đó nhiều vô kể nhưng hình như chẳng có ai dám bỏ cái chữ “sĩ diện hão” để hỏi và trả lời thành thực: “ngành báo chí có khó khăn hay không?”.
Khó khăn đầy rẫy, không chỉ vì COVID-19 như chúng ta dễ dàng suy luận. Nghề báo khó khăn từ nhiều năm nay rồi, nếu xét theo góc độ của một ngành công nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung. Ngoại trừ số cực hiếm hoi những tờ báo còn được nuôi bằng ngân sách, ngoại trừ số ít ỏi những tờ báo có thêm các đầu tư ngoài ngành (ví dụ như có building văn phòng cho thuê…), đa số các tờ báo đều điêu đứng vì cơn lốc mạng xã hội nhiều năm qua.
Vậy thì nhà báo có khó khăn không? Câu hỏi này tôi không thể trả lời nổi. Trong lòng tôi vẫn là đầy rẫy mâu thuẫn từ những hiện tượng phi lý mà mình chứng kiến từ các đồng nghiệp. Song, tôi chưa thấy đồng nghiệp nào của mình (ít ra là trong mạng lưới tôi quen biết) than nghèo kể khổ cả. Bởi thế, tôi dám quả quyết: nhà báo không nghèo.
Nhưng nhà báo có giàu không? Câu hỏi này càng khó trả lời hơn. Thực sự, tôi quen biết nhiều nhà báo rất giàu. Trong số họ, tôi phân ra làm 2 kiểu giàu. Thứ nhất, những người giàu sẵn (do gia đình) hoặc có đầu tư thêm bên ngoài và may mắn lấy chính đầu tư đó để làm thứ nuôi nghề báo. Thứ hai, những người giàu bí ẩn bởi ngoài việc làm báo ra, tôi không hề thấy họ có làm thêm nghề tay trái nào khác. Họ giàu bằng cách nào, tôi không dám lạm bàn. Đó là quyết định của họ, con đường của họ, trách nhiệm của họ.
Và câu hỏi cuối cùng, chắc hẳn nhiều người trẻ ôm mộng làm báo đều muốn hỏi và được trả lời. Đó là “có sống được bằng nghề báo không?”.
Ảnh: L.G. |
Tôi khẳng định là sống được. Vì ngoại trừ những phóng viên hi sinh trên mặt trận tác nghiệp, chưa có ai chết đói vì đi làm báo cả. Nhuận bút, dù có bèo bọt đi nữa, thì người ta vẫn có thể sống được bằng nghề báo. Có điều, mức sống như thế nào mà thôi.
Sáng nay, họp xong, tôi ngồi tâm sự với mấy anh em đồng nghiệp và được nghe họ kể về mức nhuận bút hiện nay của nhiều báo khác. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều tờ báo tôi ngỡ là nhuận bút sẽ eo hẹp, thực tế lại trả nhuận bút gấp mấy lần các báo lớn tiếng tăm cả nước. Nhưng nói chung, mặt bằng chung thì vẫn vậy. Nhuận bút hiện thời quân bình ra chắc cũng khoảng 1 triệu đồng một bài ngàn từ là thuộc diện khá khẩm rồi. Nếu coi mức nhuận bút quân bình ấy là tiêu chuẩn của nghề, bạn sẽ hình dung được để một nhà báo có thể sống được, anh ta sẽ phải được đăng tải bao nhiêu bài mỗi tháng.
Nhưng khi đã tính được mức quân bình tiêu chuẩn của thu nhập từ nhuận bút, nếu muốn theo đuổi nghề báo, bạn sẽ phải lượng sức mình. Khả năng của bạn mỗi tháng có thể viết được bao nhiêu bài có thể được đăng, và đáng được trả mức nhuận bút quân bình tiêu chuẩn kia? Đây là câu hỏi mà phần trả lời của nó đầy tính quyết định khi bạn muốn theo nghề. Tôi cho rằng, một người viết được trung bình mỗi ngày 1 bài được đăng phải là một nhà báo thượng thừa. Còn nếu 15 bài mỗi tháng, ấy là một nhà báo giỏi. Mà để lọt vào tốp thượng thừa hay giỏi, mỗi lứa nghề may ra được một hai người mà thôi.
Đến đây, sẽ nhiều bạn ngỡ ngàng hỏi lại tôi rằng “Sao thấy nhiều nhà báo xe hơi, nhà lầu, có con đi du học nước ngoài đến thế?”. Câu này tôi không trả lời được. Mà nếu có dám nghĩ về một thuyết âm mưu nào đó, tôi cũng không thể nói ra. Tôi chỉ có thể trả lời rằng, tôi gặp và ngưỡng mộ nhiều nhà báo thượng thừa, tài năng, giỏi giang và họ chỉ có thể có được một đời sống phong lưu của trung lưu lớp trên chứ không phải là người giàu. Bút lực không phải ai rồi cũng dồi dào. Thời đại lại còn bộ lọc đầy dã man của nó nữa. Không ai có thể là nhà vô địch trọn đời cả bởi cái gì cũng có phần kia của con dốc nghiệp-đời.
Tất nhiên, nhiều nhà báo đương thời đang là những chủ nhân các tài khoản facebook lừng danh. Kiếm tiền bằng facebook là có thể. Nhưng kiếm tiền bằng quảng cáo trên facebook thì không phải dễ. Đâu phải nhà báo nổi tiếng nào cũng được nhãn hàng đặt hàng viết nội dung quảng cáo sản phẩm. Tôi cho rằng, hơn 90% nội dung các nhà báo nổi tiếng viết trên facebook không phải là quảng cáo sản phẩm, khuếch trương nhãn hàng. Vậy nhưng điều đó không đồng nghĩa với 90% nội dung ấy không mang lại cho họ tiền tài. Còn nguồn nào chi trả, tôi chịu.
Chỉ có một hiện tượng buồn trong nghề mà mấy năm nay tôi thấy xuất hiện nhiều. Ấy là tình trạng “đồng thanh quan điểm”. Cứ đọc một bài viết (cả báo lẫn facebook) của một tay bút nổi danh nào đó chĩa mũi dùi vào nơi nào, y rằng chỉ dăm ba phút sau, ta sẽ đọc được những bài viết song song và tương đồng từ quan điểm, các yếu tố mấu chốt cho tới kết luận. Tôi không cho đây là hiện tượng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nó có hơi hướm của lợi ích nhóm nhiều hơn. Và tất cả các nhà báo ấy đều nhà lầu, xe hơi, tài vật dư dả lắm.
Nếu bạn chọn theo nghề báo, bạn sẽ thấy “Sống nghề báo” như thế nào qua những gì tôi kể. Lựa chọn là của bạn. Nhưng theo tôi, là một nhà báo đúng nghĩa, mình phải như con chim hót chính tiếng hót của mình. Không thể nào là một con chim bách thanh, hót theo tiếng hót người chủ cho mồi ăn mong muốn là có thể trở thành nhà báo chân chính được, dù cho tiếng hót bách thanh ấy êm tai đến nhường nào.
(Hà Quang Minh)
Nhìn từ chốn bình yên
“Chỉ có” 49 phóng viên bị sát hại trên toàn thế giới năm 2019 (số liệu của CNN) – mức thiệt hại thấp nhất trong vòng 16 năm. Một thông tin có thể khiến người ta nhớ đến câu nói của Jules Janin: “Nghề báo đưa người ta đi bất cứ đâu, miễn là thoát được nó ra”, với một nỗi bàng hoàng khó tả.
Kể cả khi bạn là một “phóng viên sa-lông” chuyên theo dõi mảng thời sự quốc tế, nghĩa là bạn đã quá hiểu CNN hoàn toàn nghiêm túc (và thậm chí là hân hoan một cách thật lòng) khi đề cập đến sự thay đổi này đi nữa thì có thể bạn vẫn không biết mình nên vui hay nên buồn.
Ảnh: L.G |
1392 nhà báo ngã xuống trên thực địa kể từ năm 1993 (theo UNESCO), nhưng những con số khô khan không bao giờ đủ sức phác họa trọn vẹn những mất mát. Trong số đó có những cái tên “tượng đài báo chí” như Remi Ochlik hay Marie Colvin, những người từng được giải Pulitzer. Họ đã vĩnh viễn không còn cơ hội làm tròn bổn phận mà Yannis Behrakis – một chủ nhân giải Pulitzer lẫy lừng khác (2016)– đại diện cho tất cả các phóng viên chiến trường, từng xác lập: “Nhiệm vụ của tôi là kể lại cho các bạn những câu chuyện, để rồi các bạn tự quyết định mình sẽ làm gì. Nhiệm vụ của tôi là bảo đảm rằng sẽ không ai nói: Tôi không biết gì (về điều đó)”. Họ đều ra đi tại Syria.
30-4-2018, trong cùng một ngày, 10 phóng viên chiến trường quốc tế hy sinh dưới những làn đạn giao tranh gần Kabul, Afghanistan. Reuters thốt lên lời ai điếu bi thương: “Chúng ta đã thấy môi trường làm việc của nhà báo trở nên nguy hiểm thế nào!”.
Và bây giờ, năm 2019 khép lại “chỉ với” 49 người thiệt mạng.
Song, đó là điều những con người quả cảm và liều lĩnh nhất trong làng báo lựa chọn. Đó là cái giá mà họ chấp nhận trả, không phải là cho tiền tài hay danh vọng, mà hơn thế, cho một nhu cầu tự giải thoát nào đó không thể lý giải nổi trong mỗi cá nhân.
Hãy nghe Francesca Borri, người đột nhiên bước ra từ bóng tối với bài viết “Sống trong sợ hãi – câu chuyện của một freelancer” gây chấn động trên tờ Columbia Journalist Review năm 2014 mô tả: “70USD/bài. Kể cả khi ở Syria, giá cả thường đắt gấp ba vì đầu cơ. Bạn không bao giờ có tiền cho bảo hiểm – khoảng 1.000 USD/tháng – và cũng không bao giờ kiếm được một người hỗ trợ ở địa phương hay phiên dịch. Các biên tập viên (BTV) biết rõ với 70USD/bài sẽ buộc bạn phải tiết kiệm mọi thứ. Họ cũng biết rằng nếu bạn bị thương nặng thì thà chết đi còn hơn vì bạn sẽ không thể chi trả cho việc chữa trị. Nhưng họ sẽ vẫn mua bài viết của bạn”.
Đấy là về tiền bạc. Còn danh tiếng ư? “Tôi sẽ mua bài này, nhưng tôi sẽ đăng bài với tên phóng viên của tôi!”. Hoặc tệ hơn, như Borri chua chát kể lại, có biên tập viên gửi mail cho cô – một freelancer: ““Gì thế này? Sáu nghìn chữ, và không có ai chết?”.
Vậy thì, vì sao?
Anthony Lloyd, người đến Bosnia trong cuộc chiến tranh đầu thập niên 1990 và trở về để viết nên cuốn hồi ký xuất sắc “Cuộc chiến đã qua, niềm đau và nỗi nhớ vẫn còn” khẳng định”: Vì “Tôi rất ghét những kẻ luôn chỉ đến khi sự việc đã kết thúc, nhưng luôn đặt các câu hỏi: “Thế nào?” hay “Tại sao?””.
Với Yannis Behrakis, “chúng ta làm những điều này, để tiếng nói của những người không may mắn phải được lắng nghe”. Với Marie Colvin, “chẳng có cách nào để bao quát được cuộc chiến tranh, ngoài việc chấp nhận mạo hiểm”. Với Remi Ochlik, “Khoảng cách giữa nơi tôi đang ở và nơi tôi muốn đến là cả một nguồn cảm hứng”.
Đó là những người đã quen với đỉnh cao danh vọng. Còn với Borri, đại diện cho những tay viết tự do vô danh, “có gì đó bóp nghẹt lương tâm tôi, để tôi cảm thấy phải đến Syria ngay lập tức”.
“Đi đến bất cứ đâu”, họ đã lựa chọn như vậy. Dù có thể chẳng phải là để “thoát được nghề báo” theo nghĩa đen. Dù biết sinh mạng của mình cũng rất có thể trở thành những con số thống kê vô định. Đã có 1.392 sinh mạng như thế, thừa để buồn, nhưng cũng đủ để con số 49 lại thành tin vui.
Thế còn những phóng viên sa-lông theo dõi quốc tế ở Việt Nam qua những dòng tin tức trên mạng, yên bình và có chút lãnh đạm, như chính tôi, kẻ đang viết những dòng này, sẽ phải cảm thấy gì đây?
Không gì cả. Không có gì rõ ràng hết, từ niềm thôi thúc của giấc mơ tung hoành rất khó trở thành hiện thực cho đến những nỗi sợ hãi mơ hồ trước một khoảng trời choáng ngợp; từ những rào cản của thực tế đến đôi cánh tự do của trí tưởng tượng, từ nỗi buồn thương và lòng kính trọng dành cho những con người dấn thân, cho đến sự lạnh lùng khi nhìn qua những con số khô khốc.
Ngoại trừ một điều: Chúng ta vẫn phải làm tốt nhất có thể, những gì chúng ta phải làm. Bằng tất cả sự đồng cảm. Bằng thật nhiều kiến thức, đối chiếu, chắt lọc. Bằng tâm thức phụng sự độc giả. Như một cách lên đường khác, chứ không chỉ là nhìn ngắm thế giới xoay vần, qua một khung cửa sổ bình yên…
(Thiên Phong)