Tại sao phải “cho đi”?

Chủ Nhật, 04/10/2020, 08:40
“Người đàn ông này đã cho đi 600 triệu USD nhưng không một ai biết điều đó” - đấy là dòng tít lớn của tờ New York Times vào năm 1997.


1.Bạn sẽ hỏi ngay: Người đàn ông này là ai vậy? Tại sao lại cho đi 600 triệu USD? Tại sao không một ai biết? Đầu óc bạn có thể sẽ nở rộ cả một chùm câu hỏi khác mà lúc này tôi chưa kịp nghĩ đến. Nhưng, xin trả lời ngay: Người đàn ông này là tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney, người mà theo mô tả của báo chí Mỹ là luôn âm thầm làm từ thiện mà không muốn ai biết tới mình.

Sở dĩ năm 1997, câu chuyện của ông bị “bại lộ” vì lúc đó diễn ra một vụ mua bán cổ phần trong công ty của ông. Và mới nhất, ở tuổi 89, Chuck Feeney đã thực hiện được tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời mình: cho đi tất cả khối tài sản 8 tỉ USD, chỉ giữ lại 2 triệu USD cho phần đời còn lại của mình. Sống là cống hiến, sống là phụng sự, sống là cho đi - đấy là một triết lý âm thầm nhưng mãnh liệt mà Chuck Feeney theo đuổi trọn đời.

Tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney. Ảnh: L.G

Thật ra, việc “âm thầm cho đi” của Chuck Feeney không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Từ châu Âu đến châu Á, khi một tổ chức - cá nhân nào đó nhận được khoản tiền tài trợ rất lớn của một tỉ phú giấu mặt thì tất yếu những người xung quanh sẽ đặt ra câu hỏi: khoản tiền này có gì mờ ám không? Nếu không, tại sao người cho phải giấu mặt? Vì đơn giản là thích làm từ thiện một cách lặng lẽ, không phô trương ư? Đấy là cách giải thích thường thấy.

Nhưng, trong một đời sống đầy những sự khôn lường và những tương tác ma quỷ, rất ít người tin ngay vào điều đó. Điều người ta nghĩ đến tức thì sẽ là: Có chuyện “rửa tiền” ở đây không? Chính vì những ý nghĩ (hoàn toàn chính đáng và có cơ sở này) mà có những lúc, những nơi, chuyện nhận tiền của Chuck Feeney là không đơn giản.

Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh mới đây có một bài viết đặc biệt về Chuck Feeney, trong đó nhấn mạnh đến mối lương duyên của ông với Việt Nam. Theo bài báo này, đã có hàng trăm người Việt Nam nhận được học bổng du học từ những khoản tiền âm thầm của tỉ phú Chuck Feeney. Một trong số đó là anh Phan Thanh Tùng, người đã có thời gian dài du học ở Úc và cũng là người bất ngờ được diện kiến Chuck Feeney vào một ngày giáp tết Nguyên đán năm 2005 tại Úc.

Anh kể lại với Báo Tuổi Trẻ: “"Chuyến thăm bất ngờ hôm đó chỉ có đúng 2 người, tỉ phú Feeney và người cộng sự. Ông ấy dường như không thích rình rang, không truyền thông tung hô gì cả, chỉ lặng lẽ vào trường thăm chúng tôi, bắt tay hỏi han từng người rồi về". Không biết có phải bởi những ảnh hưởng từ hành động lớn lao của Chuck Feeney hay không mà sau đó anh Phan Thanh Tùng cũng mong muốn có thể ít nhiều đóng góp sức lực của mình cho cộng đồng và xã hội. Vẫn trong cuộc trò chuyện với Báo Tuổi Trẻ, anh cho biết sau này anh đã mở một tiệm bún chả và khi công việc dần ổn định thì anh đã nhận những nhân viên rất đặc biệt: những người câm điếc!

Chúng ta hẳn sẽ có suy nghĩ: ông Chuck Feeney đã “cho đi”, anh Phan Thanh Tùng đã “nhận lại”. Và đến lượt mình, bằng một cách nào đó, anh cũng lại “cho đi”. Và biết đâu đấy, cũng bằng một cách nào đó, đến một thời điểm thích hợp nào đó, những người từng “nhận lại” từ anh Phan Thanh Tùng rồi cũng trở thành những người “cho đi”. Đấy không phải là những suy nghĩ viển vông. Đấy là sự kết nối là lan tỏa của những dòng năng lượng tích cực trong đời sống này. Và, đấy là điều mà con người cần hướng đến.

2.Hẳn nhiên, chúng ta hiểu đó là điều “cần hướng đến” chứ không phải điều mà chắc chắn là tất cả mọi người đều “sẵn sàng hướng đến”. Trong sợi dây cho đi và nhận lại ấy, sẽ có những người chỉ “cho” mà không cần “nhận”, ngược lại sẽ có những người chỉ “nhận” mà không bao giờ “cho”. Và rồi sẽ có một ai đó đứng lên kêu gọi, một thiết chế nào đó được định hình, một khế ước ràng buộc nào đó được thiết lập để quá trình cho - nhận của loài người diễn ra một cách công bằng hơn, giúp mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân có thể nhận lại nhiều giá trị tích cực hơn. Nhưng, ngay cả khi đó thì vẫn có những góc khuất lấp mà không ai “kêu gọi” được, không thiết chế, không khế ước nào chi phối được. Cái góc khuất lấp ấy vẫn luôn hiện hữu, kéo sự sống thụt lùi trở lại.

Tháng 3 năm nay điện ảnh Tây Ban Nha công chiếu một bộ phim vô cùng ám ảnh: “The Platform” (Hố sâu đói khát). Bộ phim dựng lên một nhà tù giả tưởng với 300 tầng, mỗi tầng có 2 tù nhân. Mỗi ngày đồ ăn cho các tù nhân sẽ được chuyển từ tầng trên xuống tầng dưới và mỗi tầng chỉ được nhận đồ ăn trong 2 phút. Ban quản lý nhà tù tính rằng nếu tất cả các tù nhân ở các tầng chỉ nhận đúng số thức ăn mình có thể ăn thì đồ ăn sẽ được chuyển xuống đến tầng cuối cùng.

Và như thế: không ai chết đói. Nhưng, vấn đề là những người ở tầng trên không bao giờ làm như thế. Họ ăn thừa mứa chứa chan và ăn xong, họ còn cố tình xả nhiều chất cặn bã vào đồ ăn để hành hạ những người tầng dưới. Và, những người ở tầng dưới cùng thậm chí chẳng còn đủ cơm thừa canh cặn mà ăn. Lúc đó, họ bị đẩy vào tận cùng của sinh tồn và chỉ có thể duy trì sự sống bằng cách quay ra lừa gạt, áp bức, ăn thịt lẫn nhau.

Cứ mỗi tháng nhà tù lại thay đổi vị trí tầng một cách ngẫu nhiên cho các tù nhân. Tức là người hôm nay ở tầng trên, người hôm nay đang ăn no nê, người hôm nay đang xả cặn bã vào thức ăn thì ngay mai hoàn toàn có thể bị đưa xuống tầng cuối cùng. Ai cũng hiểu rõ quy luật đó. Nhưng, khi được đưa lên các tầng trên thì ai cũng chỉ tham lam, vơ vét, nghĩ đến lợi ích của mình.

Đã có những lời kêu gọi và cả những hành động quyết liệt để những người tầng trên chỉ ăn đúng khẩu phần ăn của mình. Nhưng, đáp lại là những câu trả lời thế này: Khi tao ở tầng dưới tao đã phải chịu đựng, đã phải khổ sở, đã phải đấu tranh sinh tồn như thế nào, mày có biết không? Có một hình ảnh rất bẩn nhưng rất đắt trong bộ phim: Khi người tầng dưới tung dây thừng lên người tầng trên, đề nghị kéo mình lên thì người tầng trên đã “OK”. Nhưng, khi gã tù nhân tầng dưới leo gần tới đích thì đã bị ả đàn bà tầng trên... ị thẳng vào mặt! Cạnh tranh sinh tồn khốc liệt như thế đấy! Hố sâu đói khát là như thế đấy.

Một cảnh trong phim “The Platform” (Hố sâu đói khát).  Ảnh: L.G

Nó không chỉ là đói khát về ăn uống. Nó là đói khát về sự tử tế, cho dù loài người luôn đặt mục tiêu hướng đến sự tử tế. Nó là đói khát về văn hóa, cho dù cái phân biệt lớn nhất giữa con người và con vật là văn hóa. Nó là sự đói khát những con người biết cho đi. Biết sống đủ cho mình và biết chừa cửa sống cho người khác. Thế giới bộ phim đặt ra là một thế giới giả tưởng nhưng nó gợi lên những suy ngẫm phi giả tưởng về mối tương tác người - người trong cuộc mưu sinh. 

3.“Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không?”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt ra câu hỏi đó. Và ông tự trả lời: “Để gió cuốn đi”. Nhiều nghệ sĩ, nhiều tác gia, nhiều nhà nhân văn chủ nghĩa từ thời đại này sang thời đại khác cũng luôn kêu gọi như vậy. Những lời kêu gọi đó có ý nghĩa gì không? Có, cho dù giữa những lời kêu gọi với những va đập khắc nghiệt trong thực tế luôn tồn tại những độ vênh. Bởi nó tạo ra sự an ủi rất lớn trong tâm hồn con người và chỉ ra những cái đích mà con người có thể dần hướng đến.  Độ vênh kia chắc chắn sẽ là một độ vênh vĩnh cửu. Nó không và không bao giờ bị xóa nhòa trong mối tương tác giữa những động vật bậc cao với những động vật bậc cao. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng nó có thể được thu hẹp lại nhờ những con người biết “cho đi” .

Thành thử, câu chuyện về một vị tỉ phú hàng chục năm qua đã âm thầm, lặng lẽ “cho đi” và ở tuổi 89 đã thực hiện được tâm nguyện cho đi 8 tỉ USD thực sự có sức lay động vô cùng to lớn...

Phan Mỹ Chí
.
.