Những “chú vịt xấu xí” của điện ảnh Việt:

Sự nhạt nhẽo không thể chấp nhận

Thứ Tư, 04/05/2011, 15:42
Rất nhiều bộ phim dở và nhiều scandal xung quanh nó, điện ảnh Việt Nam đang thiếu sức sống, thiếu sự tôn trọng cần thiết đối với khán giả khi mua vui cho họ bằng những điều nhí nhố vô cùng. Những bộ phim này nên chăng gọi là những chú vịt xấu xí của điện ảnh Việt?

Đâu đâu cũng thấy nhạt nhẽo

Cũng sẽ rất mừng vì mấy năm gần đây, tình trạng "đói" phim Việt trên truyền hình và cả phim ra rạp đã không còn là nỗi lo thường trực nữa. Tuy nhiên, cùng với sự ủng hộ của Nhà nước về việc xã hội hóa điện ảnh và sự ra đời của Nghị định 54/2010 NĐ-CP có hiệu lực, quy định tỉ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim đã khiến cho việc kiểm duyệt phim dễ dàng hơn bao giờ hết.

Có những lúc, cảm giác như người ta không cần đọc kịch bản, chỉ cần nói qua ý tưởng, chứng minh đủ khả năng về kinh tế là có thể được chấp nhận để có sóng trên truyền hình và bắt tay vào làm phim. Yếu tố thương mại được đặt lên khiến cho có những cuộc chạy đua về thời gian sản xuất phim, thời gian viết kịch bản và của các đơn vị sản xuất phim là rất lớn.

Hiện nay, có thể thấy tốc độ sản xuất phim truyền hình ở Việt Nam đang diễn ra trong tình trạng chóng mặt. Trong đó, có thể chỉ trong một ngày đến hơn một ngày là có thể quay xong một tập phim bằng máy ảnh kỹ thuật số. Cuộc chạy đua sản xuất phim truyền hình trong khu vực phía Nam còn khiến người xem không thể nhớ nổi trong cùng một thời gian có những bộ phim nào sản xuất và những bộ phim nào đang phát sóng. Nội dung các phim cũng chỉ xoay quanh những vấn đề tiền, tình, tù tội nhưng lại thiếu tính thực tế, thiếu sự xâu chuỗi các câu chuyện lại với nhau.

Một cảnh trong phim "Anh chàng vượt thời gian".

Các bộ phim cũng chú ý đến việc mời các người đẹp và các nghệ sỹ nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau tham gia đóng phim để hút quảng cáo và nâng cao rating. Nhưng, sự không cẩn trọng, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm của các diễn viên cộng với một kịch bản tầm phào cũng không thể cứu nguy cho nhan sắc của phim.

Nói về chất lượng phim truyện truyền hình Việt Nam hiện nay, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim VFC đã từng nói: "Với số lượng phim làm để phát sóng trên các kênh truyền hình hiện nay, phim truyền hình đang bị thả nổi về nhiều khâu: từ thẩm định, tiến hành sản xuất đến đánh giá nghiệm thu".

Những bộ phim được đầu tư và gọi là phim truyện nhựa ra rạp trong thời gian vừa qua như Em hiền như ma sơ, Vũ điệu đam mê, Bóng ma học đường… cũng chỉ đem lại những tiếng cười nhạt cho công chúng. Thậm chí, những khán giả xem những bộ phim dạng như một "trò chơi" thiếu sức hấp dẫn này tiếc tiền và thời gian đến rạp. Tư duy của những người xem phim giờ cũng đã không ngây ngô về điện ảnh như nhiều nhà sản xuất nghĩ.

Và scandal cũng nhiều không kể hết

Cách đây không lâu, ca sỹ Minh Thuận trong vai trò Giám đốc casting phim Anh chàng vượt thời gian đã rớt nước mắt khi gặp gỡ báo giới để trao đổi về những điều ấm ức liên quan đến việc thanh lý hợp đồng và trả thù lao cho các diễn viên của nhà sản xuất bộ phim này. Cuộc họp mặt báo chí này thu hút được dư luận vì nó thêm một lần vạch mặt cách làm phim thiếu chuyên nghiệp và đầu tư kiểu ăn xổi.

Câu chuyện vẫn chưa có hồi kết vì vẫn còn những cuộc tranh luận trên mặt báo chưa dứt dù các phía đang sẵn sàng đưa nhau ra luật pháp. Trong khi đó, vấn đề về nhân cách, đạo đức cũng được các bên đưa ra để thóa mạ nhau nhằm cứu vãn cũng như tìm ra nguyên nhân để đổ thừa cho chất lượng phim tệ hại. Công chúng không những đã chán ngấy bộ phim Anh chàng vượt thời gian với những chi tiết rườm rà, kịch bản lỏng lẻo và những câu thoại ngây ngô lại tiếp tục chịu đựng những cuộc "ẩu đả" trên mặt báo.

Bên cạnh đó, có những bộ phim đã ầm ĩ trong một thời gian dài nhưng khả năng được lên sóng là rất… mơ hồ như một vài phim lịch sử, chẳng hạn như Đường đến thành Thăng Long. Do chưa có một trường quay cổ trang để có những bối cảnh phim hợp với bộ phim, những đoàn làm phim này đã phải cùng nhau đưa người sang Hoành Điếm (Trung Quốc) để thực hiện nhiều phân đoạn. Chính vì vậy, người ta đã bàn luận rất nhiều về vấn đề tính dân tộc được đặt ra ở các bộ phim dã sử để chào mừng sự kiện lớn của đất nước. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhảy vào cuộc, nhiều người đã nhận lỗi.

Cuối cùng, sau vài lần sửa, chỉnh lý, Hội đồng duyệt phim vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng cho bộ phim nhiều tranh luận. "Các đài nếu phát sóng bộ phim sẽ phải tự chịu trách nhiệm" là thông tin cuối cùng và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại với Đường đến thành Thăng Long.

Một thực tế là rất khó có thể quản lý và nâng cao chất lượng điện ảnh trong bối cảnh hiện tại. Bởi vì, những nhà chức năng đang loay hoay để tìm ra những chiến lược. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là những người làm phim, nhà sản xuất cần phải biết nhiều và rõ hơn về nhu cầu cũng như khả năng thưởng thức của công chúng để không mắc phải lỗi coi thường khán giả. Và để tương lai, phim Việt không bị chính khán giả chủ nhà tẩy chay

Đào Gia (thực hiện)
.
.