Sứ mệnh toàn cầu

Chủ Nhật, 13/12/2020, 14:56
Không quốc gia nào là ngoại lệ. Không ai có thể đứng ngoài cuộc, khi một lần nữa, những viễn cảnh ghê gớm về đợt bùng phát thứ ba của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lại đang hăm dọa làm tê liệt cả thế giới, ngưng trệ mọi tiến trình phát triển vừa manh nha được tái khởi động và khoét sâu thêm những hố ngăn cách bằng việc tạo nên các thảm họa nhân đạo mới.

Châu Âu lên tiếng

Ngày 3-12, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council - EC) Charles Michel chính thức kêu gọi ký kết “một hiệp ước quốc tế về các đại dịch”, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện tại và chuẩn bị tốt hơn cho những điều tồi tệ tương tự có thể xảy đến trong tương lai.

Ông nhấn mạnh: "Dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều trong những thập niên gần đây. Chúng ta đều biết rằng thế giới có thể sẽ chứng kiến một đại dịch khác, trong khi vẫn chưa được chuẩn bị. Vì vậy, cần rút ra bài học và lường trước hậu quả của việc này". Và theo ông, một trong số các bài học tích cực nhất mà thế giới nhận được từ bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành chính là "sự hợp tác chưa từng có trên quy mô toàn cầu" trong nghiên cứu vaccine, giúp rút ngắn thời gian bào chế vaccine xuống còn chưa đầy 1 năm kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc, nhanh hơn nhiều so với khung thời gian thường để bào chế vaccine từ xưa đến nay.

Với ông, người mà quan điểm có thể xem là đủ thẩm quyền đại diện cho quan điểm chung của Hội đồng châu Âu, một hiệp ước như vậy về đại dịch “nên nằm trong khuôn khổ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, với các mục đích như tăng cường hợp tác và tài trợ tốt hơn cho các nghiên cứu, nhằm “đảm bảo khả năng tiếp cận với vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp xét nghiệm khi bùng phát đại dịch trong tương lai”.

Có thể nước Mỹ sẽ đảo ngược một số tiến trình, với một tổng thống “biết sợ” đại dịch COVID-19 hơn.

Chủ tịch EC gợi ý: Cơ chế Tiếp cận Các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT-A) - một cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy mạnh phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với các bộ xét nghiệm, thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19 - nên được coi là hình mẫu trong việc phát triển năng lực ứng phó nhanh chóng dựa trên khoa học và công nghiệp. Ông cũng cho rằng hiệp ước cần thúc đẩy phát triển "một hệ thống cảnh báo đa cấp phổ rộng hơn", bất cứ khi nào đại dịch xuất hiện.

Như vậy, châu Âu có thể xem là đã chính thức phất lên một ngọn cờ, thổi một hồi kèn xung trận. Và, dường như, họ đã tính toán, lựa chọn rất kỹ thời điểm để phát đi lời hiệu triệu ấy. 

Khi bối cảnh đã trở nên rõ ràng

Bởi vì, hầu hết những quan điểm và lập luận mà Chủ tịch EC đưa ra đều tương đối mâu thuẫn với cách tiếp cận vấn đề của đương kim Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - Donald Trump.

Ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm cực kỳ dị ứng, đến mức độ không ít lần tỏ ra thù địch với WHO. Ngài Donald Trump đã không ít lần, ngay cả khi nước Mỹ đã quằn quại dưới sự tàn phá của COVID-19, cáo buộc WHO là “vô dụng”, “bị lũng đoạn bởi Trung Quốc”, thậm chí đã tuyên bố ngừng tài trợ cho tổ chức này, bất chấp mọi nỗi lo ngại của thế giới.

Dù sao, WHO cũng đã, đang và sẽ còn là một thiết chế quan trọng giúp các nước nghèo và các nước đang phát triển tiếp cận được những phương tiện phòng chống dịch bệnh, thông qua vai trò trung gian kết nối với các nước phát triển mà tổ chức ấy nhận lãnh. Việc nước Mỹ từ bỏ vai trò của mình ở WHO, theo ý đương kim Tổng thống Donald Trump, rõ ràng sẽ khiến tình thế trở nên phức tạp và ngặt nghèo hơn.

 Cũng chính vì những động thái đó, theo giới phân tích, lời kêu gọi của Chủ tịch EC có thể sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn thách thức, bởi nước Mỹ thực sự đã chọn cho mình một quỹ đạo khác, khá biệt lập so với quan điểm chung của thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Mỹ đã bắt đầu tiến trình rút khỏi WHO và để đảo ngược điều này cũng như kéo nước Mỹ tham gia vào một hiệp ước chính thức mới - về phòng chống đại dịch toàn cầu, trong khuôn khổ của WHO, cần phải thuyết phục được 2/3 số Thượng nghị sĩ Mỹ đồng thuận. Mà đó mới chỉ là điểm khởi đầu của hàng loạt trình tự phức tạp khác.

Trong khi đó, ở phiên họp trực tuyến ngày 3-12 ấy, dù không nêu đích danh, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được rằng Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hướng những mũi nhọn chỉ trích về phía Washington. Theo Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ngay từ đầu, WHO đã cung cấp thông tin thực tế và hướng dẫn khoa học, có thể làm cơ sở để phối hợp ứng phó toàn cầu, “nhưng thật không may, rất nhiều trong số các khuyến cáo này không được làm theo và trong một số trường hợp, có nước còn bác bỏ thực tế này và phớt lờ hướng dẫn của WHO”. Ông nhấn mạnh: "Trong khi mỗi nước đi theo đường của mình, virus lại đi theo bất cứ con đường nào".

Tuy nhiên, đến lúc này, khi kết quả kiểm phiếu ở từng bang nước Mỹ đang dần khiến chuyện “thay triều đổi đại” trở nên rõ ràng, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã gửi lời chúc mừng đến Tổng thống (được cho là) đắc cử Joe Biden, hiện trạng biệt lập của nước Mỹ đã đứng trước những cơ hội thay đổi.

EC đã gióng lên lời hiệu triệu mới.

Xu thế tất yếu

Thực ra, cho dù nước Mỹ có được dẫn dắt bởi một tổng thống hời hợt với những nguy cơ lây nhiễm của đại dịch COVID-19 đến độ chính bản thân cũng đã từng nhận kết quả dương tính, hay một tổng thống luôn đeo khẩu trang, hạn chế đi tiếp xúc cử tri và hầu như rất hiếm khi ra khỏi nhà thì cả thế giới vẫn phải cố gắng tự cứu lấy chính mình, cũng như cứu lấy đồng loại. Dĩ nhiên, nếu có sự tham gia của cường quốc số 1 thế giới vào công cuộc ấy, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng, nếu không, điều gì đến vẫn đến.

Có một hệ quả địa chính trị của COVID-19 đã từng được các nhà quan sát chỉ ra: Nếu nước Mỹ từ chối vai trò dẫn dắt của mình, rất nhiều trung tâm quyền lực quốc tế khác sẽ sẵn sàng lấp vào chỗ trống. Ở hội nghị trực tuyến của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, những động thái của các cường quốc chứng minh khá rõ cho lập luận ấy.

Đáp lời Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận xét: "Đại dịch đã cho thấy rõ tầm quan trọng của WHO, một thể chế cần được tăng cường". Đồng vọng với nước Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất một cơ chế tài trợ, theo đó có một tỷ lệ số liều vaccine đầu tiên được ưu tiên cho nhóm các nước đang phát triển.

Nếu như Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matthew Hancock kêu gọi các nước dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu và thuế đối với các mặt hàng thiết yếu trong cuộc chiến chống virus (như găng tay và máy đo thân nhiệt), thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định: "Để đẩy lùi và đánh bại đại dịch, các nước cần cùng nhau nỗ lực".

Trong khi đó, chính Bộ trưởng Nhân lực và Y tế Mỹ Alex Azar cũng nhận định: Thế giới đang thiếu "sự chia sẻ thông tin cần thiết" và "lỗ hổng này gây hại lớn đối với toàn cầu". Còn Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc Volkan Bozkir một lần nữa nhấn mạnh: Liên Hiệp Quốc "phải đi đầu" trong nỗ lực phối hợp quốc tế chống COVID-19.

Và thực tế là, nếu sự đồng thuận này được cụ thể hóa vào thực tế như một xu thế không thể cưỡng lại, cho dù là với những toan tính khuếch trương ảnh hưởng quốc tế như thế nào thì cả những quốc gia đang phát triển lẫn những đất nước đã tan hoang bởi thiên tai, xung đột, chiến tranh hay dịch bệnh cũng sẽ có nhiều cơ hội được tái thiết hoặc ngăn chặn khỏi chìm sâu hơn vào vực thẳm.

Chính nước Mỹ, khi chọn việc đứng một mình một đường, lại phải nhận hậu quả nặng nề từ đại dịch hơn bất cứ quốc gia nào. Họ chiếm tới hơn 14.500.000 ca nhiễm (trong tổng số hơn 65,5 triệu ca nhiễm toàn cầu) và có tới hơn 282.000 ca tử vong, trong tổng số hơn 1,5 triệu ca tử vong vì COVID-19 của toàn thế giới.

Đông Phong
.
.