“START”, nhưng không có nghĩa là khởi đầu!

Thứ Hai, 01/03/2021, 11:01
Như câu ngạn ngữ “ít còn hơn không”, cho dù START Mới không thay đổi về mặt nội dung, ít nhất nó cũng giúp duy trì tính chất minh bạch trong mối quan hệ Nga-Mỹ, đồng thời ổn định hệ thống kiểm soát vũ khí trên toàn cầu...


Cứu vãn vào phút chót

Chỉ đúng 2 ngày trước thời hạn cuối cùng 5-2-2021, cả Nga và Mỹ đều đồng tuyên bố rằng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START Mới) - hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ - đã được gia hạn thành công thêm 5 năm nữa, đến 5-2-2026. Do việc gia hạn START Mới không cần phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận, trong khi Quốc hội Nga đã thông qua, nên có thể xem như START Mới đã “hồi sinh” ngay trên lằn ranh sắp bị “khai tử”.

Có thể thấy những tiếng thở phào kín đáo đó đây trên khắp thế giới, khi mà START Mới được cứu vãn vào phút chót!

Bởi vì nó là trụ cột cuối cùng trong số 3 trụ cột giúp ổn định chiến lược toàn cầu đã sống sót qua nhiều đời Tổng thống Mỹ. 2 trụ cột kia là Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM), ký năm 1972, bị chính quyền của Tổng thống George W.Bush (con) rút khỏi năm 2002; còn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ký năm 1987, thì mới bị chính quyền của ông Trump “kết liễu” từ tháng 2-2019.

Lý do rút khỏi ABM, theo tuyên bố của Mỹ, là Washington không muốn bị trói buộc vào bất cứ một hiệp định nào cản trở việc phát triển hệ thống phòng thủ chiến lược cho nước Mỹ, còn việc rút khỏi INF là do “Nga vi phạm hiệp ước này” (trong khi Nga cáo buộc ngược lại!).

Chưa có khả năng quan hệ Nga-Mỹ sẽ ấm lên trong thời gian một sớm một chiều. Ảnh: L.G

START Mới được ký năm 2010, có hiệu lực trong 10 năm kể từ 5-2-2011, quy định cả Mỹ và Nga không được triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược, đồng thời số phương tiện phóng không được vượt quá 700. Hiệp ước này cũng cho phép mỗi năm tiến hành 18 cuộc kiểm tra các địa điểm triển khai vũ khí, tức là xác minh tại chỗ số lượng đầu đạn hạt nhân, vị trí triển khai, tình trạng dịch chuyển các đầu đạn này, điều mà các công nghệ do thám vệ tinh không làm được.

Do vậy, xét về một mặt nào đó, văn bản này từng được ca ngợi là “hiệp ước kiểm soát vũ khí toàn diện và hiệu quả nhất” trong nhiều năm qua.

“Ít còn hơn không!”

Thế nhưng, dưới thời chính quyền tiền nhiệm của ông Biden, đã từng có những thời điểm, người ta không tin rằng START Mới sẽ được gia hạn.

Đơn giản bởi vì cũng như đối với các hiệp ước kiểm soát vũ khí mà Mỹ từng rút khỏi trước đây như ABM hay INF, chính quyền ông Trump luôn cho rằng START Mới có nhiều lỗ hổng mà phần “thiệt thòi” nghiêng về phía Mỹ!

Cụ thể là chính quyền ông Trump cho rằng hiệp ước đã không bao quát vũ khí hạt nhân chiến thuật và các loại phương tiện mới do Nga nghiên cứu chế tạo (chẳng hạn ngư lôi hạt nhân Poseidon), đòi bổ sung thêm những điều khoản mới nếu như muốn gia hạn. Đương nhiên là Moscow không dễ dàng chấp nhận khiến các cuộc đàm phán giữa hai bên luôn trong tình trạng bên bờ vực sụp đổ.

Chính đường hướng chính sách của ông Trump đối với các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác nhau (rút Mỹ khỏi INF và cả Hiệp ước Bầu trời mở, đồng thời đe dọa sự tồn tại của START Mới), đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu, kích động cuộc chạy đua vũ khí thông thường và hạt nhân giữa các nước lớn, đặt toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế vào tình trạng rủi ro cao.

Tuy vậy, vào phút chót, START Mới đã được gia hạn trong hoàn cảnh Mỹ đồng ý với yêu cầu của phía Nga: không thiết lập điều kiện trước và không bổ sung thêm nội dung. Điều này cũng có nghĩa là tính chất nguy hiểm của việc tàng trữ vũ khí hạt nhân tuy không giảm bớt mà vẫn được duy trì như hiện tại.

Nhưng như câu ngạn ngữ “ít còn hơn không”, cho dù START Mới không thay đổi về mặt nội dung, ít nhất nó cũng giúp duy trì tính chất minh bạch trong mối quan hệ Nga-Mỹ, đồng thời ổn định hệ thống kiểm soát vũ khí trên toàn cầu.

Lợi ích của cả hai bên

Vậy tại sao bất chấp những ý kiến cho rằng Mỹ “thiệt thòi” khi duy trì các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga, tân Tổng thống Biden lại nhanh chóng đồng ý gia hạn START Mới với Moscow?

Câu trả lời không đơn giản nằm ở chỗ ông Biden muốn làm ngược lại một chính sách an ninh mà người tiền nhiệm của mình đã thực thi trong 4 năm tại vị ở Nhà Trắng.

Nó nằm ở chỗ quyết định này xuất phát từ chính những lợi ích của nước Mỹ, và đương nhiên, từ chính những lợi ích của nước Nga nữa.

Cho đến nay, Nga và Mỹ đang nắm giữ khoảng 90% tổng số dự trữ vũ khí chiến lược toàn cầu. Việc gia hạn START Mới, hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược duy nhất còn lại trong 3 trụ cột, cho phép kiểm soát hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và kiềm chế cuộc chạy đua hạt nhân giữa hai siêu cường quân sự số 1 và số 2 trên thế giới.

Đối với Washington, việc gia hạn START Mới giúp Mỹ tiếp tục hạn chế các lực lượng hạt nhân của Nga theo nguyên tắc có thể kiểm chứng được, trong khi vẫn đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Sau nhiều thập niên, chính quyền thời ông Trump đã lần đầu tiên cho tiến hành phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân. Duy trì hiệu quả của những hệ thống vũ khí mới này là lợi ích an ninh mang tính sống còn đối với Mỹ.

Bằng việc nhanh chóng đống ý gia hạn START Mới, ông Biden muốn chứng minh mình thực hiện các cam kết tranh cử, biết cách xử lý các thách thức chiến lược về an ninh quốc gia, đồng thời cho thế giới thấy rằng nước Mỹ, sau một thời gian dài quay về chủ nghĩa biệt lập dưới thời ông Trump, đã trở lại vũ đài chính trị quốc tế, tiếp tục nắm giữ vai trò dẫn dắt trong các vấn đề an ninh mang tính toàn cầu như kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Chính việc gia hạn START Mới cũng sẽ giúp cho các đồng minh châu Âu của Mỹ tiếp tục có được những thông tin cần thiết về hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và điều đó là một đảm bảo liên quan trực tiếp đến an ninh của các quốc gia này.

Về phía Nga, gia hạn START Mới mang lại những lợi ích thiết yếu.

Đóng vai trò một siêu cường ngang hàng với Mỹ chủ yếu trên bình diện nhờ sức mạnh quân sự, Nga không hề muốn bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang cực kỳ tốn kém với Mỹ một khi START Mới không còn được tiếp tục duy trì nữa. Với việc giữ cho START Mới tiếp tục tồn tại, Nga có thể tiết kiệm được những nguồn lực lớn và quý báu để chuyển sang lĩnh vực phát triển kinh tế.

Tiếp tục duy trì START Mới hoạt động, Nga vẫn giữ quyền giám sát các vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ, đồng thời buộc Mỹ phải giảm số lượng bệ phóng tên lửa đã được triển khai bởi hiện tại, số lượng các bệ phóng này của Mỹ đang vượt quá mức quy định của Hiệp ước.

Hơn thế nữa, START Mới khiến cho phía Mỹ không thể nhanh chóng tăng số lượng đầu đạn hạt nhân dựa trên việc tái khởi động các đầu đạn hạt nhân mà Mỹ đang lưu trữ.

Nga và Mỹ đang nắm giữ khoảng 90% tổng số dự trữ vũ khí chiến lược toàn cầu. Ảnh: L.G

Bi quan sau cuộc điện đàm 30 phút

Câu hỏi đặt ra là với việc hai bên cùng nhất trí gia hạn START Mới, liệu Nga-Mỹ sẽ bước vào một khởi đầu mới của mối quan hệ đã bị hạ xuống mức thấp chưa từng thấy trong suốt thời gian nhiều thập niên qua?

Những nội dung trong cuộc điện đàm đầu tiên dài 30 phút giữa Tổng thống đắc cử Biden với Tổng thống Nga Putin, diễn ra chỉ vài ngày trước khi có thông báo chính thức của hai bên về gia hạn START Mới, không cho phép người ta lạc quan lắm về điều đó.

Bởi trong cuộc điện đàm này, ngoài thảo luận về việc gia hạn START Mới, hợp tác kinh tế, thương mại, cùng nhau đối phó với dịch COVID-19, hai bên đã có những khác biệt sâu sắc trên nhiều vấn đề.

Trong khi Tổng thống Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, dàn xếp xung đột ở Đông Ukraine, thúc đẩy sáng kiến của Nga về triệu tập hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thì ông Biden lại tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine, đề cập đến vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny ở Nga, vụ tấn công mạng SolarWinds, cáo buộc Nga treo thưởng cho việc lấy mạng binh sĩ Mỹ ở Afghanistan cũng như can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020...

Điều này cho thấy chưa có khả năng quan hệ Nga-Mỹ sẽ ấm lên trong thời gian một sớm một chiều. Những biện pháp trừng phạt do chính quyền tiền nhiệm của ông Biden áp đặt đối với Nga sẽ không sớm được dỡ bỏ, chưa kể là chính quyền ông Biden còn có thể xem xét áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mới, chẳng hạn như liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí tự nhiên từ Nga tới Đức qua biển Baltic...

Thế nhưng, khác với người tiền nhiệm của mình, ông Biden sẽ tiến hành phối hợp với các đồng minh châu Âu và NATO để chống lại Nga, cho thấy sự linh hoạt và phối hợp có tổ chức sẽ là nguyên tắc chủ chốt trong chính sách đối với Nga của chính quyền ông Biden.

Nói cách khác, kiểm soát vũ khí dường như là lĩnh vực hiếm hoi có sự cải thiện trong quan hệ Nga-Mỹ, ít ra là trong thời gian trước mắt. Trong tiếng Anh, START là “khởi đầu” nhưng việc gia hạn START không có nghĩa là khởi đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Mỹ!
Yên Ba
.
.