Sống nhanh, sống vội trong truyện Kiều

Thứ Tư, 26/11/2008, 11:00
Nhịp sống của con người trong Truyện Kiều luôn hối hả gấp gáp, dường như nó luôn phải thoăn thoắt đối phó với dòng chảy chớp nhoáng của thời gian. Cuộc sống đã dạy cho Kiều hiểu lẽ vô thường bắt Kiều trải nghiệm một thời gian bất trắc và nhờ đó Kiều thực sự thấm thía cái lẽ sống nhanh, sống vội của nhân thế quanh Kiều.

Một thế gian vội vã và bất trắc

Truyện Kiều là tấn bi kịch thời gian của con người: Thời gian chia lìa 15 năm lưu lạc, thời gian hủy hoại một cuộc bể dâu, nhưng ở dưới chiều sâu của sự biến đổi xoay vần tán phá, một cảm thức thời gian đầy tính chất hối hả mỏng manh bị động xuyên suốt những câu thơ.

Tháng năm lưu lạc chia ly thật là dằng dặc, tưởng như Kiều phải sống và mòn mỏi trong cái nhịp đi tuần tự rề rà tẻ nhạt của thời gian:

"Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình, xót xa"...

Trên bề nổi của thân phận nàng Kiều, thời gian giống như đèn kéo quân, quẩn quanh đơn điệu và tù hãm.

"Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non"

Cứ ngỡ sống trong cái vòng quay chậm chạp nặng nề và cũ mòn ấy của thời gian, con người không cần phải vội, không phải đuổi theo thời khắc. Ấy vậy mà, trong thế giới Truyện Kiều con người luôn luôn mau lẹ, vội vàng. Hầu như mọi hành vi của nó đều gắn với một trạng từ chỉ sự nhanh nhẹn: Thoắt xem, thoắt trông, thoắt mua, thoắt bán, gót sen thoăn thoắt, thoắt đã, vội về, vội đưa, vội mừng, vội vàng ra đi, vội thét, kíp truyền, kíp liệu, chợt tỉnh, chợt trông, bỗng thấy, lên ngựa tức thì, đòi ngay lên hầu...

Nhịp sống của con người luôn hối hả gấp gáp, dường như nó luôn phải thoăn thoắt đối phó với dòng chảy chớp nhoáng của thời gian và thời gian hiện ra như một chuỗi những khoảnh khắc vụt lóe và vụt tắt những cơ hội mong manh, tưởng như, nếu con người không vội, không nhanh thì nó bị bỏ rơi trong cuộc sống. Thúy Kiều kia chỉ mới một lần chê trách chàng Kim vội:

"Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt sẽ đến bồi có khi"

Mà suốt cuộc đời Kiều phải ân hận vì đã không biết vội như Kim:

"Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thôi bẻ cho người tình chung"

Kiều cũng hối hả đến với Kim nhưng Kiều vẫn ngây thơ cứ tưởng thời gian là vòng quay ổn định và tuần tự, nên đã gửi gắm niềm tin vào tương lai. Nhưng cuộc sống đã dạy cho Kiều hiểu lẽ vô thường bắt Kiều trải nghiệm một thời gian bất trắc và nhờ đó Kiều thực sự thấm thía cái lẽ sống nhanh, sống vội của nhân thế quanh Kiều. Cuộc sống ở lầu xanh và ở nhà họ Hoạn đã lôi xềnh xệch Kiều theo những nhịp đi hối hả liên miên xô bồ của nó:

"Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh"
"Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi"

Ta thấy Kiều "gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường" lao vội đi gặp chàng Kim, rồi bị "thoắt mua về thoắt bán đi", phải thoăn thoắt làm tình trong lầu xanh để rồi thoăn thoắt chạy trốn khỏi nhà họ Hoạn.

"Gót sen thoăn thoắt thoát vòng trần ai"

Yêu vội, làm tình vội, giải phóng vội, báo ân báo oán cũng vội, cuộc đời Kiều luôn luôn là những cuộc phiêu lưu vì không thể có đủ thời gian suy nghĩ, tìm hiểu và cân nhắc. Phải chăng, vì thế ta luôn luôn thấy Kiều bộc lộ thái độ "liều":

"Thà rằng liều một thân con"
"Cũng liều nhắm mắt đưa chân
"Một liều ba bảy cũng liều"

Bản chất của cái liều cái phiêu lưu đó chính là sự bị động trước dòng đời, sự nỗ lực chống chọi với cái vô thường của đời sống, cái mong manh gấp gáp và bất trắc của thời gian. Tựu trung, đó là cái tâm thức của những người quen sống với khoảnh khắc - cái tâm thức sinh tồn rất đặc trưng cho hồn Việt, loay hoay thích nghi thoăn thoắt với cái cuộc đời đã được bày đặt sẵn để tìm một khả năng tối ưu, mà không mấy khi có thái độ đập phá dựng xây một trật tự mới chưa từng có.

Một thế giới ở thì quá khứ

Thế giới Truyện Kiều vừa là thế giới đầy bất ngờ, vừa là thế giới của những điều đã được bày đặt sẵn, đã xảy ra, con người chỉ có thể chấp nhận nó, chạy theo nó, chạy trốn nó, thích nghi với nó trong một tư thế đầy bị động chứ hầu như không thể tham gia tạo tác hay lựa chọn. Một thế giới của những động từ ở thời quá khứ. Bao nhiêu sự kiện và hành vi nghiêm trọng xảy ra với cuộc đời, Kiều dù tai họa hay niềm vui, dù được Nguyễn Du gắn vào chữ đã:

Sở Khanh đã rẽ dây vương lối nào
Mặt mo đã thấy ở đâu lẻn vào
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường
Đã mang lấy nghiệp của thân
Đã cho lấy chữ hồng nhan
Đã đày vào kiếp phong trần
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai
Thôi tôi ta đã mắc tay ai rồi

Một thế giới đã bày đặt sẵn, một cái nhìn hướng về quá khứ. Con người bị giam trong quá khứ, lạc giữa quá khứ, sống chỉ để kiếm tìm lại quá khứ. Toàn bộ đời Kiều chẳng phải là loay hoay vùng vẫy để mong tìm về cái quá khứ trinh trắng mộng mơ trong tình yêu say đắm với chàng Kim đó sao? Và cái đoạn đoàn viên gượng gạo kia chẳng phải là cái xác của tương lai trong cuộc hôn phối cưỡng bức với quá khứ?

Cái cảm thức bị động hoài cổ, hướng về quá khứ thấm đẫm trong Truyện Kiều đã tước đi của con người cái chiều kích tương lai đầy rạo rực, đầy hứa hẹn. Tương lai trong tâm trí của Kiều chỉ là dòng Tiền Đường ghê rợn, là sự hiện hồn trở về dương thế:

"Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về..."

Tương lai đồng nghĩa với cái chết. Khi cuộc sống đã được ký giao kèo với cái chết, được báo trước, thì tất cả những gì sắp xảy ra chỉ là những tương lai bị đầu độc.

Kiều là con người luôn hướng tới tương lai. Khi gặp Kim Trọng, Kiều hứa hẹn "Còn thân ắt sẽ đền bồi", khi gặp Sở Khanh, Kiều cũng hứa hẹn "Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau" mặc dù trước đó Kiều đã chớm hồ nghi "Sợ rằng mai có như rày cho chăng".

Kể từ khi bị đánh đòn, bị sỉ nhục trong nhà chứa của Tú Bà sau vụ trốn theo Sở Khanh, Kiều đã cất lời đoạn tuyệt với tương lai:

Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!

Từ đó, nỗi hoài nghi tương lai ám ảnh trong Kiều. Khi Thúc Sinh bàn chuyện trăm năm, Kiều bộc lộ ngay nỗi hoài nghi đó:

"Rồi ra lạt phấn phai hương
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng"

Nhưng Kiều không cam chịu dấn thân vào cái tương lai mịt mờ, mặc dù, Kiều đã có lúc buông xuôi, phó mặc:

"Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu"

Bốn lần thất bại của con người lý trí

Kiều muốn chủ động trước tương lai nên đã khuyên Thúc Sinh về nói thật với Hoạn Thư. Thà rằng tương lai lẽ mọn thật sóng gió bấp bênh, nhưng cũng còn có những hy vọng le lói trước niềm vui của nó:

"Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau".

Khi gặp Từ Hải, cũng chính nỗi hoài nghi tương lai, nỗi sợ và cái bấp bênh bất trắc của thời gian đã khiến Kiều lựa chọn một con đường thực tế nhất, trong đó tương lai có vẻ rõ ràng, đáng tin, tươi sáng nhất:

"Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân
Bằng nay chịu tiếng vương thần
Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì
Công tư vẹn cả hai bề
Dần dần, rồi sẽ liệu về cố hương
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường
Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha
Trên vì nước, dưới vì nhà
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung
Chẳng hơn chiếc bánh giữa dòng
E dè sóng vỗ, hãi hùng nước sa"

Đoạn toan tính này có dáng dấp một dự án về tương lai, trong đó mọi sự được xếp đặt yên vị, ngay ngắn và tối ưu. Nhưng thực tế đó lại là một dự án không khả thi. Trong đời Kiều có bốn lần chủ động nhìn về tương lai, đem tương lai làm chuẩn mực để thu xếp cuộc sống hiện tại. Lần thứ nhất, Kiều hứa hẹn cho Kim Trọng ân ái trong tương lai. Lần thứ hai, Kiều hứa hẹn đền ơn Sở Khanh trong tương lai. Lần thứ ba, Kiều biết phận lựa chọn một kiếp sống lẽ mọn với Thúc Sinh trong tương lai. Lần thứ tư, Kiều toan tính với Từ Hải một trật tự ổn định trong tương lai. Cả bốn lần Kiều đều thất bại.

Bản chất của sự thất bại này là thất bại của lý trí - Kiều đã đem lý trí mạch lạc để hình dung tương lai, vạch ra những dự án không khả thi về tương lai trong một thế giới vô thường, tràn ngập quyền uy của quá khứ, của những điều bất trắc không thể tiên liệu được. Và thất bại của con người lý trí, con người dự án trong Truyện Kiều đã bộc lộ cái tâm thức bị động trước cuộc sống, hoài nghi tương lai, hoài nghi thời gian và nặng trĩu những lo âu bất an trước một thế giới vô thường, bất định, là cái tâm thức văn hoá thẳm sâu trong hồn Việt, nó đẻ ra những phương thức ứng xử linh hoạt, ước lệ, tạm bợ, phiêu lưu có bản chất thích nghi với cái khoảnh khắc nhất thời.

Ta thấy trong tục ngữ ca dao của người Việt tràn ngập những lời khuyên con người tìm kiếm một trật tự sinh động không lặp lại của từng khoảnh khắc, trong cổ tích Việt Nam không thiếu những ví dụ về quyền uy của khoảnh khắc làm con người hoá thân, đổi đời hay sụp đổ.

Cái tâm thức hoài nghi tương lai đã khiến con người Việt Nam rơi vào hai thái cực: Hoặc là dấn thân, phiêu lưu, đánh liều, đánh bạc hoặc là quá say mê sự ổn định vì ít nhất nó cũng bảo đảm cho những giá trị của quá khứ mà tương lai bất trắc có thể sẽ huỷ hoại. Cái tâm thức khao khát sự ổn định trong Kiều chính là sự phát lộ cái tâm thức hoài nghi tương lai, hoài nghi thời gian, ngoái nhìn quá khứ, chú trọng vào khoảnh khắc vẫn tiềm tàng thẳm sâu trong hồn Việt từ bao đời nay

Đỗ Minh Tuấn
.
.