Số hóa quản lý hành chính

Thứ Năm, 10/09/2020, 15:33
Từ một cửa một dấu cho tới quản lý hành chính bằng số hóa dữ liệu công dân, tất cả đều là nỗ lực để tránh phiền nhiễu hơn cho dân chúng. Nhưng để tiến vào thời đại số hóa, thách thức cũng không nhỏ, đặc biệt là bảo mật dữ liệu công dân.


Khi dữ liệu chưa được coi là vàng

Cuối năm ngoái, sau nhiều năm chỉ gọi taxi ra sân bay, lần đầu tiên tôi gọi xe qua một ứng dụng được quảng cáo trên mạng.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu một ngày sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại:

- Alo, có phải anh An không ạ?

- Đúng rồi em.

- Em nghe nói anh đang ở X (địa điểm đến chuyến bay của tôi), hiện ở đây có một dự án tiềm năng, liệu anh có quan tâm không ạ?

Tất nhiên là tôi nhanh chóng tháo chạy, kèm theo một câu hỏi vớt vát như thường lệ rằng ai đã cho em số điện thoại này. Hiển nhiên nữa là tôi chỉ nhận được một câu trả lời hú họa: từ phòng sale gửi sang anh ạ.

Tôi đi tìm… chính tôi

Ảnh: L.G

Tạm quên đi phiền toái nhỏ này, tôi vào Facebook và lập tức nhìn thấy ngay một quảng cáo về đúng dự án này của công ty bất động sản vừa gọi điện chào mời. Phía dưới là một loạt các quán ăn ở thành phố X, bên cạnh ghi kèm “được tài trợ”. Nhấp chuột vào một bài báo để đọc, kéo đến lưng chừng của nó, lại nhìn thấy quảng cáo của một công ty địa ốc khác.

Cảm giác bất an dâng lên, tôi nảy ra một ý tưởng: gõ số điện thoại của mình lên Google. Thật sững sờ là nó xuất hiện trên hẳn một trang web có địa chỉ nôm na là “tìm khách hàng”, với mô tả rằng “09xxxxxxxx là số điện thoại cá nhân của Phạm An. Theo thông tin chúng tôi nhận được thì hiện Phạm An đang sinh sống ở Hà Nội, Việt Nam” kèm theo một loạt thông tin cá nhân theo sau.

Tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn. Trang web này không có địa chỉ cụ thể, nhưng trên Google có rất nhiều quảng cáo rao bán dữ liệu từ nó. Trong một đường dẫn thậm chí chủ site còn hào phóng viết: “Đây là data (dữ liệu) khách hàng miễn phí cho các bạn dùng thử, chúng tôi luôn đổi file khách hàng miễn phí sau 7 ngày để tăng tính hiệu quả. Nếu thấy ok sau khi dùng thì có thể liên hệ mua”.

Trong số các tệp Excel miễn phí này có file ghi “1001 khách hàng VIP của ngân hàng XXX (xin phép được ẩn tên)” và không ít ngân hàng lớn khác, với đầy đủ tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ email của họ. Tôi chưa vội tin, lại lọ mọ thử đăng ký mua một gói dữ liệu cao cấp, được quảng cáo là có khả năng cung cấp những file lọc được đặc điểm theo yêu cầu, thậm chí chính xác đến địa chỉ, khu vực.

Sau khi bỏ một số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng, tôi tìm thấy dữ liệu cá nhân của… chính mình, nhờ yêu cầu một bộ lọc hợp lý. Đến lúc này, tôi quyết định thử làm một công dân quyết liệt: điện thoại hỏi một luật sư quen biết để hỏi xem cách thức tố cáo một vụ nghi ngờ lấy cắp dữ liệu ra sao.

Anh cho biết rằng theo điểm c khoản 1 điều 288 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội phạm này: “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt tù cao nhất là 07 năm.

Nghĩa là trên lý thuyết, chỉ cần chứng minh được dữ liệu cá nhân của tôi bị mua bán trái phép và trục lợi từ 50 triệu trở lên là có thể xử lý hình sự. Nếu xử phạt hành chính theo điểm a Khoản 5 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm cũng có thể bị phạt tiền ở mức từ 50 đến 70 triệu đồng.

Tức tạm coi như chúng ta đã có cơ sở pháp lý để trấn áp tội phạm kiểu này. Nhưng trên thực tế, bán dữ liệu cá nhân dường như chưa phải là tội phạm. Tôi thấy mọi người thường xuyên phàn nàn về các cuộc gọi telesale, thậm chí chửi rủa trên mạng xã hội về việc thông tin cá nhân bị một kẻ xa lạ nắm lấy và điện thoại tư vấn, nhưng chúng hiện giống một phiền toái thường ngày như là tắc đường hay muộn giờ đón con, hơn là một vụ xâm phạm nghiêm trọng.

Cho đến tháng Hai vừa rồi, Bộ Công an đưa ra dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến đóng góp trên cổng thông tin Bộ. Có một đoạn rất đáng chú ý trong tờ trình thế này: “Một số vụ việc điển hình như: việc Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng; tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airlines, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng; tình trạng để lộ thông tin khách hàng để các công ty môi giới dịch vụ taxi của Việt Nam sử dụng để mời chào khách hàng qua tin nhắn SMS; dữ liệu khách hàng của Công ty FPT bị đăng tải công khai trên mạng”.

Một thực tế khủng khiếp phơi bày trước mắt chúng ta: rất nhiều ông lớn trên thị trường đều có vết đen về bảo mật dữ liệu cá nhân cho khách hàng. Qua rà soát sơ bộ, Bộ Công an cũng đã phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân mua bán dữ liệu trên mạng. Tức là việc phát hiện ra hoạt động này không khó, nhưng cần một hành lang công cụ mạnh mẽ hơn nữa để đưa mọi thứ vào khuôn khổ: 7 năm tù và 70 triệu đồng phạt hành chính tối đa vẫn là quá nhẹ với một ngành công nghiệp ngầm đang hái tiền tỷ, và quá mông lung trước những tập đoàn có ảnh hưởng bậc nhất cả nước.

Ảnh hưởng của dữ liệu

Vào năm 2000, Google ra mắt AdWords, và đó là cột mốc cho sự bùng nổ của nền kinh tế dữ liệu. Trước đó, dù khá nổi tiếng và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, Google vẫn chỉ là một start-up internet đốt tiền mà chưa sinh lời. Trong vòng bốn năm sau khi AdWords ra đời, doanh thu công ty tăng trưởng 3.590%. AdWords, giờ là Google Ads, đã khai thác tối đa dữ liệu do các tương tác của người dùng với các sản phẩm Google để bán quảng cáo.

Sức mạnh đến từ việc biết chi tiết cá nhân ai đó là thứ quyền lực rất đặc biệt: người nắm giữ nó có thể quy đổi thành quyền lực kinh tế, hoặc chính trị và các loại quyền lực khác. Vào năm 2017, Facebook đã công khai một số tài khoản mạng xã hội bị cáo buộc được phía Nga sử dụng để thao túng và chia rẽ cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ. Nền tảng của cuộc chiến truyền thông này là dữ liệu: phân phối những nội dung đã có cho những ai cùng quan điểm và có sẵn mong muốn đọc nó.

Nhưng nhận thức dữ liệu cá nhân là một tài sản đòi hỏi ở não bộ một quá trình xử lý thông tin phức tạp hơn các tài sản đã nằm sẵn trong phổ nhận thức thông thường của xã hội hiện tại: nếu tôi sống ở Hà Nội, có vàng và giá đang lên, tôi ra Trần Nhân Tông xếp hàng là bán được, ra thóc ngay lập tức. Nhưng nếu tôi có dữ liệu thô lớn, tôi sẽ phải thiết kế một quy trình và đầu tư ban đầu để nó sinh lời. Tôi cần có hàng để bán, nhân viên để gọi telesale chốt đơn, các quy tắc vận hành, và dữ liệu là dòng điện chạy qua hệ thống này.

Đa số chúng ta không biết làm gì cả nếu có một danh sách khách hàng VIP như thế trong tay: chị bán xôi chỉ cần ngồi vỉa hè là có khách hàng rồi, chẳng cần biết số điện thoại một ông Tổng giám đốc nhà ở Vinhomes làm gì cả; công chức bình thường thì đi làm là đủ ăn, không có thời gian và tâm trí đâu để nghĩ đến việc khai thác một danh sách mà để nó ra tiền cũng cần phải đầu tư tiền tỷ vào đó.

Đấy là điều khó khăn nhất để các công dân có ý niệm rõ ràng hơn về dữ liệu cá nhân: tính liên quan trực tiếp đến số phận của họ. Nhưng hãy thử mở rộng góc nhìn. Sức chú ý của bạn là một tài sản, và các tổ chức lớn chiến đấu vì nó, quy đổi ra lượt view, bàn luận trên mạng xã hội, và rating các chương trình truyền hình. Bạn có tiền, ngay cả khi không nhiều, thì các công ty vẫn muốn bạn chi cho họ. 

Các công ty bảo hiểm cũng vậy, họ cần đánh giá rủi ro trước khi thuyết phục bạn ký hợp đồng. Bạn có sức lao động, và các doanh nghiệp muốn biết mọi thứ về người họ sắp thuê. Bạn có một danh tính, và tội phạm có thể sử dụng danh tính này để lừa đảo. Bạn là một nốt trong mạng lưới: con đẻ của ai đó; hàng xóm của một người; giáo viên, luật sư hoặc thợ cắt tóc của người khác. Bạn thật sự quan trọng. Bạn là một nguồn sức mạnh.

Dự kiến cuối năm 2020, thẻ căn cước công dân sẽ có mẫu mới gắn chip, trong nỗ lực đáng ghi nhận của việc số hóa dữ liệu quốc gia. Nhưng chuyển đổi số cũng là một cuộc chiến đầy rủi ro: chúng ta sẽ phải chống lại các loại tội phạm mà với mỗi cá nhân, ý niệm về chúng có lẽ còn chưa hình thành đầy đủ. Mất một chỉ vàng nghe nó to tát và cụ thể, còn mất một kilobyte dữ liệu, đủ lưu một vài thông tin cá nhân cơ bản, thì trừu tượng quá, và nhỏ bé như một vụ tắc đường đô thị.

Cá nhân tôi sau khi tham khảo thực tế xong, cũng quyết định không theo tiếp ý định tố cáo việc bị ăn cắp (luật ghi là sử dụng trái phép) dữ liệu vừa tình cờ khám phá ra. Cố theo đuổi việc khẳng định tầm quan trọng của thứ tài sản mà thực tế xã hội chưa thực sự công nhận này có thể biến mình thành người dở hơi. Tôi có thể kiên nhẫn chờ một dịp khác vậy, khi đa số bạn đọc cũng cảm thấy rằng một vụ cú điện thoại mời chào mua đất từ dữ liệu ăn cắp cũng đáng phẫn nộ như mở cửa đột nhập vào nhà để trộm vàng.

Phạm An

Giữa vài cú click và cả quốc gia

Đó có thể là những khái niệm vô cùng hệ trọng, nghiêm túc và lớn lao, cần sự tham gia đóng góp ý kiến của hàng loạt chuyên gia có thẩm quyền. Song, “số hóa” và “chính phủ điện tử”, ở những khía cạnh riêng lẻ của chúng, cũng có thể đã hiện hữu một cách rõ ràng trong cuộc sống thường nhật, như một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng những nhu cầu bức thiết của xã hội kỷ nguyên bùng nổ thông tin và công nghệ. Vấn đề còn lại chỉ là làm thế nào để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đó.

1.Nói ngắn gọn, bất cứ người dân nào cũng muốn có thể ngồi một chỗ và làm mọi việc cần thiết, chỉ bằng vài cú click chuột máy tính hay vài thao tác trên điện thoại. Mua sắm, đóng học phí cho con, thanh toán tiền điện – nước…, tất cả những công việc đó hiện tại đều đã trở nên dễ dàng ở những đô thị lớn của Việt Nam – nơi các nhà cung cấp và các ngân hàng đều đã quen với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để bất cứ khách hàng nào cũng sẵn sàng sử dụng dịch vụ của họ.

Ảnh: L.G

Về bản chất, điều đó cũng không khác biệt nhiều so với sự tiến triển ở không ít khía cạnh trong lĩnh vực quản trị - hành chính, nghĩa là điều kiện để người dân thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ của mình một cách thuận tiện nhất. 

Đã qua rồi cái thời mà những du học sinh hay những người công tác lâu năm tại các nước phát triển trở về và than thở không ngớt về việc phải chầu chực cả ngày, đợi đến lượt được gọi vào quầy nhận tờ khai cấp đổi hộ chiếu hoặc làm lại những giấy tờ tương tự. 

Hiện tại, ở Việt Nam, rất nhiều loại giấy tờ hay thủ tục đã có thể được thực hiện cũng như hoàn tất trực tuyến, và điều đó rõ ràng là khiến cả các nhân viên nhà nước lẫn mọi công dân có nhu cầu đều không phải chịu đựng quá nhiều sự mệt mỏi không cần thiết.

Song, như vậy vẫn cứ là chưa đủ, chưa phải là toàn bộ các chi tiết, đường nét, cấu trúc của một “chính phủ điện tử” đích thực. Đó vẫn chỉ là những mảnh ghép, những bước khởi đầu của một chặng đường còn rất dài.

2. Rất khó để ai đó tự cho rằng mình đủ thẩm quyền đơn phương lên tiếng về “chính phủ điện tử”, bởi khái niệm này là sự tổng hòa của cả hành chính công, quản trị công, các vấn đề chính sách (tinh giảm biên chế, cắt giảm thủ tục hành chính…). 

Cần rất nhiều khung phân tích, và rất nhiều sự đối chiếu với hiện thực, để một “chính phủ điện tử” thực thụ hiện hữu chứ chưa nói đến vận hành trơn tru và hiệu quả. Điều hành cả một quốc gia hoàn toàn không đơn giản chỉ là tạo những mẫu khai online, hay tổ chức các cuộc hội nghị - hội thảo trực tuyến.

Tuy vậy, có lẽ cũng không quá khó khăn để xác định điểm cốt lõi của tiến trình gian nan này: Không gì khác, đó là tính minh bạch, đặc biệt là minh bạch ngân sách. Điều không liên quan gì đến công nghệ, thực ra lại là nền tảng cho mọi hoạt động giao tiếp giữa người dân với nhà nước được thực hiện bằng phương tiện là công nghệ. Bởi vì, một cách đơn giản, những câu chuyện xoay quanh tiền bạc cũng chính là cơ sở cấu thành niềm tin trong mọi mối quan hệ.

3. Bên cạnh đó, không phải mọi quốc gia phát triển đều có thể tự hào về tiến trình xây dựng “chính phủ điện tử”. Đơn cử, theo đánh giá của chuyên gia Liên Hợp Quốc Morten Meyerhoff Nielsen, trong một bài viết năm 2016, Nhật Bản tụt lại khá xa so với Đan Mạch về xây dựng “chính phủ điện tử”.

Vào thời điểm đó, bất chấp rất nhiều hành lang pháp lý được xây dựng với các bộ luật được thông qua, một trong những cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới là Nhật Bản vẫn trầy trật tìm hướng đi. Tình trạng này đến hiện tại vẫn chưa thể được xử lý dứt điểm, khi truyền thống quản trị quốc gia Nhật Bản lại chính là “chướng ngại vật”.

Nếu ở Đan Mạch, nhiệm vụ xây dựng và thực thi “chính phủ điện tử” được giao cho Bộ Tài chính và một Ban chỉ đạo của chính phủ Đan Mạch thực hiện, thì ở Nhật Bản, nhiệm vụ đó lại được giao cho Hội đồng Công nghệ thông tin của Bộ Nội vụ và truyền thông – với thực quyền rất hạn chế.

Không chỉ vậy, hệ thống tự trị địa phương khiến mỗi thành phố hay khu vực ở Nhật Bản lại có quyền ban hành quy định về các loại giấy tờ khác nhau, khiến việc đồng nhất một cơ sở dữ liệu chung cho cả quốc gia trở nên quá phức tạp. Và không chỉ vậy, đặc trưng “nệ cổ”, khó thay đổi của xã hội Nhật Bản cũng vẫn duy trì tính “tôn nghiêm” của việc “đến công đường” để nhận những con dấu mộc, thay vì xác nhận trực tuyến.

Và sau tất cả, điều không ai có thể chắc chắn, liệu ngáng trở giữa xu hướng hiện đại về “số hóa” nhằm tiến tới “chính phủ điện tử”, ngoài tính minh bạch hay thói quen truyền thống, còn có bao nhiêu phần liên quan đến chuyện liệu những người trong cuộc có thực sự muốn thúc đẩy sự thay đổi đó (vì những lý do không bao giờ được công khai) hay không?

Thiên Thư

Một quốc gia kiểu khác

Tôi muốn bắt đầu câu chuyện về số hoá dữ liệu công dân và quản lý hành chính dựa trên một bộ máy Chính phủ điện tử bằng một chuyển đổi mới nhất của một ngân hàng lớn. Cách đây chừng 1 tháng, họ xoá sổ giao thức trực tuyến quen thuộc bằng một giao thức mới, mà ở đó, thay vì tên truy cập ngày trước là một dãy ký tự phức tạp thì nay khách hàng chỉ cần dùng chính số điện thoại của mình.

Lập tức, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều ý kiến ngược chiều nhau về thay đổi này. Dễ hiểu thôi, con người vốn dĩ thích ở trong vùng tiện nghi của mình, nên thay đổi có khả năng lớn khiến họ khó thích nghi. Và tôi rất quan tâm đến một phê phán của một đồng nghiệp cho rằng chuyển đổi của ngân hàng kia khiến bảo mật kém đi hẳn, đặc biệt là ở giao diện thiếu an toàn nhất: Website.

Ảnh: L.G

Tôi phản đối lại ý kiến đó bằng một tranh luận cởi mở, văn minh, sẵn sàng học hỏi. Tôi cho rằng giao thức mới của ngân hàng này cực tiện lợi. Dám nói điều đó bởi lẽ tôi đã chuyển đổi, đã sử dụng, đã làm quen… và thích. Trong giao thức mới này, chủ tài khoản có thể quản trị toàn bộ tài chính của mình trong các quan hệ với ngân hàng. 

Cùng trên ứng dụng, tôi có thể lập tức mở ngay 1 sổ tiết kiệm trong 1 phút với tiền gửi được trích xuất từ chính tài khoản của mình. Và mọi giao dịch diễn ra nhanh hơn so với giao thức cũ, với xác nhận bằng FaceID (công nghệ nhận diện gương mặt). 

Điểm tranh luận về bảo mật mà tôi đề cập với đồng nghiệp mình nằm ở chỗ: Tôi hoàn toàn có thể vô hiệu hoá khả năng truy cập tài khoản trên giao diện website ngay từ trong cài đặt tài khoản của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu kẻ nào đó muốn hack vào tài khoản của tôi từ website là vô cùng khó, nếu không nói là không thể.

Câu chuyện tôi kể trên đây chỉ để nói lên một điểm: nếu coi ngân hàng kia là một “vương quốc tài chính” và các khách hàng của họ là các “công dân” trong vương quốc ấy, họ đã hình thành 1 tập hợp các “công dân điện tử” với các dữ liệu từ cổ điển nhất như số CMND, căn cước, hộ chiếu cho tới các dữ liệu đời mới hơn như số điện thoại di động, địa chỉ email, nhận diện gương mặt… 

Và tôi tin chắc, không chỉ mình ngân hàng này thực hiện chuyện chuyển đổi số này. Tất cả các ngân hàng đều đã và đang triển khai, tiến độ tùy tiềm lực. Trong tương lai, sẽ không chỉ là nhận diện gương mặt mà còn có thể thêm cả các xác thực tinh vi hơn liên quan đến nhân chủng học.

Việc chuyển đổi này thực tế đã và đang phổ biến toàn cầu khi công nghệ mỗi ngày mỗi tiến bộ và hỗ trợ hơn. Rõ ràng, tất cả các tổ chức kinh tế trên thế giới đã đi trước các chính phủ một bước trong việc quản trị dữ liệu thần dân của mình. Và ở một thời đại nơi nơi con người đều được số hoá như thế, các chính phủ không thể nào trở nên lạc hậu nếu vẫn muốn nắm giữ ưu thế quyền lực của mình.

Hiện tại, ở Việt Nam, chúng ta đang bàn về xoá bỏ hộ khẩu truyền thống và cấp mới căn cước với dữ liệu số hoá của công dân. Đây là một hướng đi tất yếu bởi nó mang lại tiện ích rất lớn cho công dân. Chính việc hoàn thiện quản trị hành chính bằng số hoá sẽ là thứ tác động cực lớn lên cải cách một cửa một dấu. 

Nó tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho dân chúng rất nhiều. Đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi mà lượng người nhập cư chiếm tỷ lệ rất cao. Không ai muốn phải xin nghỉ phép năm chỉ để quay về điạ phương gốc nhằm đổi căn cước, đổi hộ chiếu, chứng nhận độc thân cả. Chỉ có chuyển đổi số mới có thể giúp công dân Việt Nam trở thành “công dân toàn quốc” (nghĩa là ở đâu cũng có thể được xác nhận, được cấp phép thủ tục…) mà không cần bận tâm đến chi phí và thời gian. 

Tất nhiên, chuyển đổi số sẽ đòi hỏi đầu tư hạ tầng rất lớn, với việc xây dựng một hệ thống mạng hành chính quốc gia, đủ để một người đang làm việc ở một huyện đảo hẻo lánh cũng có thể xác nhận được nhân thân của mình với lịch sử dữ liệu vốn dĩ gắn liền với một xã miền núi biên viễn. 

Và lợi ích còn nhiều hơn thế nữa với việc có thể quản trị được dịch chuyển công dân để đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn dịch tễ. Đó là còn chưa kể đến việc bộ máy hành chính sẽ được cắt giảm mạnh, đảm bảo một hệ thống ngân sách nhỏ nhưng hiệu quả lớn.

Nhưng ngoài những lợi ích mang tính thời đại ấy, rủi ro không phải không có. Chuyển đổi số có nghĩa là dữ liệu công dân trở thành những file dữ liệu. Tính bảo mật của những file dữ liệu này là vô cùng quan trọng bởi chúng ta không thể gạt bỏ nguy cơ một kẻ xấu thao túng nó, chỉnh sửa nó để phục vụ các mục đích riêng. Nhỏ hơn nữa là nguồn dữ liệu ấy có thể được đem bán, được khai thác nhằm chi phối các chiến dịch từ thương mại tới chính trị. Tất cả các nguy cơ ấy đều đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia cũng như sự an toàn của thể chế.

Dữ liệu của công dân (mà trong đó có cả chính dữ liệu của các yếu nhân trong xã hội) là vũ khí của thời đại. Vậy thì đơn vị nhận trọng trách chuyển đổi cũng không khác gì một đơn vị nghiên cứu và sản xuất khí tài quân sự. Ở đây, tính tuyệt mật, sự trung thành, sự liêm chính phải là thứ được đề cao trước hết. Sau đó là đến năng lực công nghệ. Và cuối cùng mới là câu chuyện của giá bỏ thầu. Phải có những sắp xếp ưu tiên mà trong đó, bảo mật cho công dân và an ninh cho quốc gia luôn được coi là yếu tố ưu tiên số 1.

Suốt chiều dài lịch sử chúng ta quen với câu chuyện cương thổ của quốc gia, biên giới quốc gia là những thứ có thể nhìn thấy, chạm tới. Nhưng trong một quốc gia thể lý ấy, công nghệ đã bắt đầu tạo ra một dạng quốc gia mới: quốc gia trên không gian điện toán. Và biên giới của quốc gia ảo này là vô hình với dân chúng chính là các tài khoản duy nhất đại diện cho một người dân ở ngoài đời thực. Dân là gốc, và giữ nước phải bắt nguồn từ giữ dân. Nếu con người thể lý ngoài đời là một công dân mà Nhà nước cần giữ lấy thì dữ liệu của công dân chính là con người tinh thần mà Nhà nước càng phải quan tâm gìn giữ hơn.

Đó cũng là lý do mà liên tục những năm gần đây, rất nhiều quốc gia lớn ngày một trở nên khắt khe hơn với các đại gia công nghệ như Facebook, Google. Họ nhận thấy công dân của mình đang bị chi phối quá mạnh bởi các đại gia ấy, và dữ liệu công dân cũng đang bị chính các đại gia ấy khai thác triệt để. 

Nhiều bất ổn chính trị ở các quốc gia cũng bắt đầu từ những thứ tưởng như rất đơn giản, ví như một status kêu gọi kích động trên facebook hay một video trên youtube. Nhưng mấy ai chịu để ý rằng vì lý do nào các status hay video kia lại trở nên có tác động xã hội mạnh đến thế. Dễ thôi, khi dữ liệu công dân bị nắm giữ bởi ai đó, kẻ ấy hoàn toàn có thể dùng các nội dung có lợi cho mình để kích động và dẫn dụ cả một đám đông hùa theo và tạo ra những hỗn loạn ở ngoài đời.

Xây dựng một chính phủ điện tử, số hoá dữ liệu công dân, quản trị bằng điện toán là chuyện cần phải làm. Nhưng song song với việc đó, hình thành nên ý thức về một quốc gia độc lập tự chủ trong thế giới số hoá cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém gì nhiệm vụ bảo toàn cương thổ quốc gia theo lối nghĩ cổ truyền.

Hà Quang Minh

Phạm An - Thiên Thư - Hà Quang Minh
.
.