Sau chớp là dông bão

Thứ Ba, 22/10/2019, 10:37
Baghdad đã thực sự trở thành một lò lửa sôi sục cuồng nộ. Chính phủ Iraq vừa dỡ bỏ một lệnh giới nghiêm, những đợt biểu tình mới đã lại cấp tập diễn ra. Và dĩ nhiên, luôn có những kẻ sẽ cố gắng khuếch trương sự hỗn loạn, để tìm kiếm các cơ hội quyền lực.

Câu chuyện dường như không còn chỉ là cơn giận dữ của đám đông, không còn chỉ là sự bộc phát từ nỗi thất vọng đối với hiện trạng tồi tệ của đất nước chưa kịp thoát khỏi bóng tối ấy nữa.

Không thể có phép màu

Ít nhất, ngày 3-10, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cũng đã xác nhận điều đó, trên sóng truyền hình quốc gia. Một cách gấp rút và thẳng thắn sau 3 ngày đầu tiên quốc gia Trung Đông ấy rung chuyển bởi những đợt biểu tình, ông kêu gọi sự ủng hộ dành cho ý tưởng cải tổ nội các của mình, đồng thời khẳng định rằng: Không có bất cứ giải pháp thần kỳ nào để xử lý các vấn đề về tham nhũng cũng như kỹ năng quản trị nhà nước yếu kém tại Iraq. Và ông cam kết sẽ thúc đẩy để thông qua một đạo luật trợ cấp thu nhập cơ bản cho các gia đình nghèo.

Những mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt, tỷ lệ thuận với hố ngăn cách giàu - nghèo giữa các giai tầng trong xã hội, không phải vấn đề của riêng Iraq. Cả thế giới đang vật vã với thách thức xử lý mâu thuẫn đó. Ngay cả nước Mỹ cũng đã từng chứng kiến phong trào “Chiếm lĩnh phố Wall” (Occupy Wall Street) bùng nổ năm 2011, với lý do tương tự.

Nỗi buồn của Đại Giáo chủ Ali al-Sistani.

Song, Iraq không phải là Mỹ, cũng không phải là bất cứ quốc gia nào khác có một nền tảng bền vững, để đủ khả năng lập tức xoa dịu những cơn bất bình của người dân. Iraq là mảnh đất vẫn còn hiện hữu những tàn tích chiến tranh, là một công trường ngổn ngang mà người ta bắt buộc phải tìm cách xây dựng tương lai trên mất mát, tang thương và thù hận. Sự chia rẽ vẫn còn nguyên đó và các mầm mống xung đột cũng vẫn còn nguyên đó.

Vậy nên, khi lần xuống đường đầu tiên xuất hiện, có một chiếc then vô hình nào đó đã gãy vụn. Một guồng quay giận dữ được kích hoạt và dường như không gì có thể ngăn cản những bánh răng điên cuồng của nó.

Sau 4 ngày đầu tiên diễn ra, có 53 người thiệt mạng và gần 9.000 người bị thương. Lệnh giới nghiêm được ban bố, rồi được dỡ bỏ ngày 5-10, như một nỗ lực bày tỏ thiện chí nhằm “hạ nhiệt” tình hình của chính phủ. Song, lập tức, súng lại nổ ở ngay trung tâm Baghdad. Các quốc gia láng giềng, ví dụ như Qatar, khẩn cấp khuyến cáo công dân của mình đừng nhập cảnh vào Iraq, vì sự an toàn của bản thân.

Bắt đầu là hành động biểu thị sự phản đối tình trạng thất nghiệp triền miên cũng như hệ thống dịch vụ công cơ bản (điện, nước) yếu kém, tiếp diễn là biến chuyển thành bản cáo trạng dành cho nạn tham nhũng, những cuộc biểu tình trên khắp đất nước cuối cùng đã mang thêm những màu sắc khác nữa, hung dữ và khó lường hơn.

Thấp thoáng bóng cờ đen

Một thông tin rất đáng chú ý: Ngày 4-10, các lực lượng an ninh Iraq đã đập tan một âm mưu khủng bố, tiêu diệt các phần tử cực đoan khi chúng lên kế hoạch ám sát Đại Giáo chủ Hồi giáo dòng Shi’ite ở Iraq - giáo sĩ Ali al-Sistani. Trước đó, vị thủ lĩnh tinh thần ấy đã lên tiếng kêu gọi cả người biểu tình lẫn cảnh sát trật tự kiềm chế, tránh hành động bạo lực, đồng thời bày tỏ sự đau buồn trước hiện trạng hỗn loạn của đất nước.

Cơ quan an ninh Iraq không hé lộ thêm nhiều thông tin. Họ chỉ cho biết nhóm khủng bố kia dự định xách động những người biểu tình ùa vào nơi làm việc của Đại Giáo chủ. Nhưng, chừng đó đã là quá đủ để gợi lên những liên tưởng u ám.

Cơn hỗn loạn của Iraq có thể cũng sẽ là một ván bài quyền lực.

Sẽ là đơn giản hóa vấn đề, nếu vẫn chỉ hướng đến mối hiềm khích nghìn năm giữa hệ phái Hồi giáo Shi’ite và hệ phái Hồi giáo Sunny. Trong sâu thẳm, xung đột về đức tin nhiều khi chỉ là lớp vỏ che đậy, là công cụ thực hiện những toan tính tranh đoạt quyền lực. Thứ công cụ ấy đã từng được sử dụng để đẩy Iraq vào hết cơn phong ba này đến lần bão táp khác, mà gần nhất là ngay trong thập kỷ này, mới dăm năm về trước, với sự trỗi dậy của một con quái vật: Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Mang chiêu bài “chiến đấu vì tinh thần Hồi giáo chính thống”, với mục tiêu “phục hưng lãnh thổ của Đại đế quốc Hồi giáo” cổ xưa, không phải ngẫu nhiên mà trong ngày đầu xuất hiện, IS thu hút được nhiều sự ủng hộ đến vậy, cũng như không phải ngẫu nhiên mà đoàn quân mang màu cờ đen chết chóc ấy lại có thể “nuốt chửng” 2/3 lãnh thổ Iraq dễ dàng đến vậy.

Cho tới khi các trung tâm quyền lực quốc tế giật mình (có lẽ cũng bởi chuyện làm ăn liên quan đến dầu mỏ trở nên khó khăn) và vào cuộc, IS mới bị chặn đứng, đẩy lùi. Tuy nhiên, cũng phải mất tới 5 năm, với không biết bao nhiêu tổn thất, bao nhiêu máu, lệ, thế lực hắc ám đó mới bị quét sạch khỏi các thành lũy trên lãnh thổ Iraq, để lẩn trốn vào đại mạc.

Song, bóng ma đó chưa hoàn toàn bị tiêu diệt. IS vẫn đợi ngày trở lại và cái cách đã từng đưa chúng lên vũ đài quyền lực thì vẫn còn nguyên giá trị: Tận dụng những mối hiềm khích; khống chế các khoảng trống quyền lực; củng cố, tập hợp, phát triển lực lượng bằng những chiêu bài tôn giáo và bằng cả những sự chiều chuộng cơn thèm khát lật đổ của bất cứ cá nhân nào đang nóng máu...

Tối 3-10, một nhóm tay súng IS bị lực lượng an ninh Iraq tiêu diệt khi đang cố gắng án ngữ tuyến đường quan trọng nối liền thủ đô Baghdad với thành phố Samara.

Câu hỏi không lời đáp

Làm thế nào để chính phủ Baghdad xử lý cuộc biến động này, và loại trừ (gần như) triệt để những nguy cơ một lần nữa phải đối diện với sự trở lại của bóng ma khủng bố?

Trên lý thuyết, điều đó không phải là không thể. Ở phần gốc của vấn đề, nếu những ý tưởng cứu trợ các hộ nghèo, đồng thời gấp rút nâng cấp hệ thống dịch vụ công, song song với việc đẩy mạnh công tác chống tham nhũng mà Thủ tướng Abel Abdul Maghdi đang hướng tới được nhanh chóng triển khai, sẽ có rất nhiều người dân nhận ra rằng họ không còn lý do gì để xuống đường bày tỏ cơn thịnh nộ nữa.

Trong khi đó, Iraq không còn là một chính quyền yếu kém và thiếu thốn quyền lực như 6 năm về trước, để có thể phải đau đớn và bất lực chứng kiến IS đánh bại các lực lượng vũ trang của mình dễ dàng “như chẻ tre”. Việc trấn áp được 2 sự vụ nổi cộm liên quan đến khủng bố cho thấy những bước tiến đáng kể về mặt an ninh - quốc phòng, sau những bài học cay đắng rút ra từ quá khứ. Vả lại, ở Trung Đông, vẫn còn đó lực lượng đồn trú của các liên quân quốc tế chống IS.

Màu cờ đen ám ảnh của IS.

Có điều trong thực tế, còn quá nhiều tham số bất định có thể ảnh hưởng đến những tính toán lý thuyết. Đơn cử, nếu tình trạng tham nhũng ở Iraq đã trầm trọng đến vậy, thì cũng có nghĩa là tình trạng ấy gắn bó mật thiết với những nhóm lợi ích lớn, “lì lợm” và hoàn toàn “không dễ đụng vào”. Trong trường hợp bị đẩy đến chân tường, những “liên minh ma quỷ” rất có thể sẽ xuất hiện. Và IS cũng chỉ mong có thế.

Không chỉ vậy, bản chất cuộc chiến chống IS tại Iraq hay Syria trong giai đoạn cuối đã trở thành những ván bài quyền lực quốc tế, trong cuộc cạnh tranh của các thế lực trên tiến trình tái sắp xếp lại trật tự thế giới. Đối với họ, hay với bất cứ quốc gia nào cũng vậy, điều quan trọng nhất luôn là lợi ích cốt lõi của chính mình. Hay nói cách khác: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu”.

Vậy thì, một Iraq thống nhất với một chính phủ hùng mạnh sẽ có lợi cho những ai? Và một Iraq mãi mãi yếu kém, chia rẽ, bị phụ thuộc, bị đe dọa... sẽ là điều làm vừa lòng ai?

Đông Phong
.
.