Sáng tạo hay là... bị lên án

Thứ Tư, 10/08/2011, 13:44
Có một thực tế là công chúng của chúng ta quá nhạy cảm với hai chữ "đạo" và "nhái". Cuộc sống của cộng đồng mạng phát triển và kéo theo nó không biết bao nhiêu rắc rối phiền toái bên cạnh tiện ích. Chỉ cần vài thao tác, nhìn loang loáng qua, nghe mang máng, thấy nhang nhác giống nhau là một câu xanh rờn được thốt ra: hàng nhái.

Thiếu kiến thức hay tâm lí mặc cảm?

Cách đây chưa lâu, chỉ sau ngày giỗ 10 năm, cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn bị dính vào một nghi án đạo nhạc do một cá nhân nào đó trên mạng Internet phát hiện và lu loa lên. Điều đáng buồn là ngay lập tức các trang báo mạng lấy lại và hỉ hả loan tin mà chưa biết cách xử lý nó sao cho hợp lí.

Có hai điều dễ nhận thấy qua nghi án đó là sự thiếu tâm của người làm nghề khi một người đã không còn sống, đã từng là một tượng đài của âm nhạc Việt Nam cũng như thần tượng của biết bao thế hệ cũng sẵn sàng bị quy chụp cho vào những nghi án rất trời ơi. Thứ nữa là sự tắc trách của những người coi công việc của mình như một cái loa phường, tức là có sao thông báo vậy chứ không có chức năng (hay khả năng) kiểm duyệt, kiểm tra hoặc tìm người thẩm định lại nguồn thông tin.

Sau đó, khi một loạt các tên tuổi của làng âm nhạc lên tiếng về sự vu khống trắng trợn đó thì mọi chuyện mới lắng xuống và rồi chẳng ai muốn nhắc đến chuyện đó nữa. Không đủ khả năng hay đã quá xấu hổ?

Cũng vẫn là chuyện tắc trách như vậy thì cách đây không lâu, bộ phim đầu tiên của Nguyễn Tranh và Lê Hóa có tên Cho một tình yêu đã nhanh chóng bị quy chụp là hàng nhái của bộ phim Hạnh phúc bất ngờ của Đài Loan. Điều rất đáng lên án là ngay trong buổi họp báo, trong thông cáo báo chí, phía nhà sản xuất cũng đã nói rất rõ là bộ phim phỏng tác và dựa trên ý tưởng của bộ phim Hạnh phúc bất ngờ nhưng một số phóng viên không để ý điều đó vội vàng quy chụp là đạo và nhái.

Chưa hết, tiếp tục là Cô dâu đại chiến, khi phim này đã thắng lớn ngoài rạp thì bỗng dưng từ đâu rơi xuống thông tin là đạo phim Xin thề anh nói thật - một bộ phim truyền hình của đạo diễn Phi Tiến Sơn, biên kịch Nguyễn Quỳnh Trang.

Cảnh phim "Cho một tình yêu".

Cái lí do cho chuyện đạo đó là vì nam diễn viên chính - Huy Khánh - đã từng được mời đóng Xin thề anh nói thật nên có thể tạo hình giống nhau. Chuyện nực cười và thiếu hiểu biết đến thế mà cũng thông tin được. Thứ nhất là kịch bản phim do biên kịch viết chứ không liên quan gì đến diễn viên (dù chính hay phụ) chỉ trừ trường hợp diễn viên đó kiêm biên kịch (hiếm trường hợp như thế).

Thứ nữa, nói tạo hình giống nhau cũng sai nốt. Tạo hình không chỉ đơn giản là mái tóc, là hàm râu mà phải là những dị dạng trên khuôn mặt có sự tác động rõ ràng như sẹo, mắt, mũi có sự dị dạng cùng vị trí, cùng kích thước thì mới được gọi là tạo hình.

Thứ nữa, câu chuyện về anh chàng Don Juan như thế không phải đợi đến khi điện ảnh Việt Nam nghĩ ra vì nó tồn tại quá nhiều trên màn ảnh thế giới qua biết bao phim từ Anh sang Mỹ, từ Pháp sang Ý. Có chăng là sự thêm thắt, tình huống câu chuyện, tính cách nhân vật khác nhau để tạo dựng sự khác biệt của bộ phim. Phim nhựa kể còn chưa hết nữa là phim truyền hình ở đó mà kêu là đạo với nhái.

Giống nhau đến đâu chẳng ai biết vì Xin thề anh nói thật mới chuẩn bị lên sóng. Thế nhưng, qua chuyện đó mới thấy, cái tâm của chính những người làm nghề với nhau khi sẵn sàng "bắt" người khác phải đạo, phải nhái, phải copy hoặc thậm chí là đạp người khác xuống mà cụ thể là Victor Vũ trong trường hợp Cô dâu đại chiến để đến nỗi vị đạo diễn này phải thốt lên: “Tôi cảm giác mình đang bị lợi dụng”.

Để rồi sau đó, có một bài báo phân tích cụ thể hai phim và nói thẳng là Xin thề anh nói thật dở hơn rất nhiều so với Cô dâu đại chiến thì mọi chuyện mới yêu ắng. Nếu chỉ vì rating phát sóng mà phải làm chiêu trò như vậy, nghĩ ra thủ đoạn như vậy thì thật chẳng còn gì để nói.

Quan trọng là người trong nghề với nhau, chắc gì không còn giáp mặt hoặc gặp lại nhau. Còn một vài báo mạng thì sốt sắng đưa tin nhưng sau khi phát hiện mình sai thì tất cả làm ngơ coi như chưa từng có chuyện xảy ra. Kể cũng đáng ngạc nhiên thật!

Chuẩn mực nào cho thước đo "đạo"?

Nếu nói một điều là lấy chuẩn mực nào, thước đo nào, tính từ bao nhiêu phần trăm trở lên để được "liệt" vào hàng đạo thì những người mạnh miệng nhất đi nói người này người kia đạo cũng chẳng thể đưa ra được. Và điều gì xứng đáng để bị gọi là đạo, xứng đáng để người trong cuộc cảm thấy mình may mắn khi đạo được của một thiên tài nào đó.

Mới đây nhất là một video clip của Cao Thái Sơn có một cảnh ca sĩ chính ngồi vẽ tranh, thế là cũng bị cho ngay rằng "quân ăn cắp" của một nhóm nhạc nào đó bên xứ Kim Chi hay Hoa Anh Đào gì gì đó. Nếu cứ nhìn vào những tiểu tiết, những hành động trong một loạt các hoạt động văn hóa như thế thì cả thế giới ăn cắp của nhau.

Lấy ví dụ một cảnh rất phổ biến của điện ảnh là cảnh bắt cận từ dưới lên khi một mỹ nhân nào đó bước xuống từ một xe hơi/ xe ngựa/ tàu hỏa thì bao giờ cũng là đôi giày đến cái váy đến cánh cửa đến cái mũ và cuối cùng là khuôn mặt hơi nghiêng, động tác hất tóc và nụ cười yêu kiều. Nếu nói là đạo chi tiết thì những cảnh như thế đi vào kinh điển của điện ảnh, gần như chuẩn mực và có đến hàng mấy nghìn bộ phim đạo của nhau.

Tất nhiên, người ta chỉ lên án khi có hai trường hợp, một là nó đạo thật hoặc là nó quá thành công và những người khác ngồi rảnh để nghĩ ra nghi án. Chẳng ai còn xa lạ với chuyện Avatar của James Cameron bị khởi kiện bởi những họa sĩ vô danh trời ơi tự dưng đi kiện vì rằng ông đạo diễn bên trời Tây đạo ý tưởng vẽ hoạt họa của tôi.

Tất nhiên chuyện đó cũng rùm beng bởi danh tiếng của đạo diễn và quan trọng hơn là đúng thời điểm đó Avatar đang làm mưa làm gió trên thị trường chiếu bóng toàn thế giới. Nếu bộ phim đó không thành công đến nhường vậy liệu có ai đi kiện? Và sau khi kiện rồi, được tòa xét xử là không đạo thì người đi kiện có xấu hổ không? Có mất hết không? Chưa chắc, có khi với những người như thế được nhiều hơn mất.

Trở lại với vấn đề trong nước, chuyện khả năng chuyên môn bỏ qua một bên mà hãy nói đến tâm lí yếm thế. Chính những bài báo như thế mới chỉ ra rằng những người viết không có niềm tin vào sự sáng tạo của giới sáng tạo trong nước hoặc luôn luôn đặt những gì "Tây" lên trên và nếu có sự sáng tạo nào trong nước cũng vội vàng đi lùng sục xem nó giống người nào bên A, giống ông nào bên B hoặc nhìn thấy nhang nhác ở đâu rồi.

Điều đáng sợ là trước mỗi sự kiện, một sự sáng tạo thì những tràng vỗ tay khép nép hơn, dè dặt hơn với tâm lí: "Khoan khen đã, đợi xem có giống, có copy, có đạo ở đâu không đã. Khen sớm sợ bị hố đó!" là một dạng tâm lí có thật trong một số người làm công tác đưa tin. Đến khi phát hiện ra "hàng sạch" thì có khen cũng bằng thừa. Nghiệt ngã cho những người làm nghề ở chỗ đó.

Không ai ủng hộ chuyện đi đạo ý tưởng, đạo thiết kế, copy của người này người kia nhưng cũng đừng vì chuyện không ủng hộ nên nhìn đâu cũng thấy "có vấn đề" như kiểu bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an nhìn đâu cũng thấy tội phạm như thế.

Từ thực tế đó để thấy, hình như nghệ sĩ ít được bảo vệ. Bới móc, lên án thì dễ, tìm đâu chẳng thấy lỗi nhưng ghi nhận, chia sẻ mới thực là điều cần, điều quý để họ cảm thấy an tâm. Còn hiện nay thì truyền thông và nghệ sĩ (giới sáng tạo) hình như cũng đã mất niềm tin vào nhau nhiều lắm rồi. Tuy không phải đại đa số nhưng cho dù là một số ít cá nhân thì cũng đáng để suy nghĩ

Gia Hưng
.
.