Ranh giới tài năng

Thứ Tư, 10/12/2014, 16:44
Ranh giới duy nhất giữa tài năng và bất tài chỉ gói gọn trong hai từ: “Ngộ nhận”. Người có tài năng thì không ngộ nhận, chỉ có người chưa chạm ngưỡng tài năng đã vội vã cho mình là thiên tài.

Chuyện người chép tranh

Họa sĩ, là một tài năng. Tất nhiên, điều này chỉ đúng với những họa sĩ đích thực.

Người chép tranh, với tôi, đó cũng là một tài năng. Có điều, đám đông thường ít khi thừa nhận tài năng của họ.

Vì sao(?!). Theo thiển ý cá nhân, tài năng chỉ dành cho sự sáng tạo.

1. Tranh của họa sĩ và tranh của người chép, bức nào cũng đẹp như nhau. Đôi khi, bức của người chép còn đẹp hơn cả bức tranh của họa sĩ. Không phải truyền thông từng choáng váng vì cả những người chuyên nghiên cứu về tranh, những đại tác gia về hội họa còn không thể phân biệt được đâu là tranh thực của họa sĩ, đâu là tranh chép của người vẽ sao(?!).

Có điều, giá trị của tranh thực và giá trị của tranh chép là một trời một vực.

Họa sĩ thì luôn là họa sĩ, còn người chép tranh thì mãi là người chép tranh. Đẳng cấp giữa họ luôn được phân biệt rất rõ ràng. Và đám đông, gần như chỉ trân trọng họa sĩ.

Dông dài để thấy rằng, sáng tạo đối với đám đông luôn được nhìn nhận thật cao cả, lớn lao và đáng trân trọng biết mấy.

Năm 1932, thi nhân Phan Khôi gây chấn động văn đàn nước ta với bài Tình già in trên Phụ Nữ Tân Văn, đó là bài thơ phá vỡ toàn bộ cấu trúc về niêm luật. Đó là cú đấm khiến những nhà thơ đương thời đang mải mê bằng trắc choáng váng. Đó là bài thơ tạo nên cuộc tranh luận gay gắt (dường như là chỉ hận không thể giết được nhau để thỏa ấm ức về quan điểm) giữa hai trường phái thơ cũ và thơ mới. Và cho đến giờ, thi nhân Phan Khôi vẫn được vinh danh là “người dũng sĩ của thi ca”. Chính ông, chứ không ai khác đã đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào Thơ Mới, một phong trào văn học rực rỡ trong lịch sử văn chương Việt Nam.

2. Cậu sinh viên nhạc viện đang rất nổi danh, cậu nổi danh từ thời còn là học sinh phổ thông. Những ca khúc do cậu ấy trình diễn, do chính cậu ấy sáng tác được đón nhận một cách rầm rộ. Cậu sống trong bủa vây lời khen ngợi, và trong cả những lời gièm pha. Vì một bộ phận người nghe phát hiện ra rằng những sáng tác của cậu sinh viên ấy nghe na ná như những sáng tác trước đó của các nhóm nhạc Hàn Quốc.

Thật ra thì cậu sinh viên không ngại ngần xuất hiện trước mắt khán giả theo phong cách rập khuôn những nhóm nhạc của các quốc gia này. Từ trang phục, đầu tóc cho đến cử động của khuôn mặt.

Cậu, không phải là một họa sĩ. Cậu là người chép tranh.

Không sao cả, người chép tranh vẫn có những giá trị rất riêng của họ. Có điều, không chỉ cậu sinh viên này, mà rất nhiều nhạc sĩ của nước mình cũng đang chơi trò của người chép tranh.

Đáng tiếc, họ lại không thừa nhận đó là chép tranh. Họ lại bảo, sự vay mượn trong sáng tạo là điều hết sức bình thường, và ai cũng làm như vậy cả.

Mấy lâu trước, tôi có viết bài bình luận trên Chuyên đề An ninh thế giới (số tuần) với đại ý nếu kết luận cậu sinh viên này đạo nhạc thì có lẽ nhiều nhạc sĩ khác đều là người đạo nhạc. Nhiều bạn đọc hiểu nhầm ý tôi khi cho rằng tôi đang bênh vực cậu sinh viên ấy. Tôi không bênh vực ai cả, trong sự hiểu biết của mình, tôi chỉ đưa ra một quan điểm cá nhân mà thôi.

Lập luận, thấy ai cũng làm nên mình làm theo là hết sức ngụy biện. Đó là lý lẽ không bao giờ được chấp nhận.

3. Dẫu sao, người chép tranh vẫn có tự trọng hơn, khi họ thừa nhận họ chép lại tranh. Còn đạo nhạc thì lại khác.

Không kẻ cắp nào được tôn trọng vì bất cứ lý do gì. Nếu có, họ chỉ nhận được sự thông cảm. Ăn cắp sự sáng tạo còn tệ hơn ăn cắp vật chất. Vì sáng tạo là phạm trù thuộc về sự mày mò của cá nhân, đó là một giá trị không gì có thể so sánh được.

Hãy cứ sáng tạo theo kiểu cậu sinh viên này cũng như những nhạc sĩ khác, nhưng hãy chú thích rất rõ: “Chúng tôi, là những người chép tranh”. Đừng nhân danh sự sáng tạo khi thực hiện lại (hoặc vay mượn) những điều mà người khác đã làm, nhất là trong nghệ thuật.

Đừng ngộ nhận mình là thiên tài khi còn phải bắt buộc lặng im trước những bản nhạc na ná như nhau được công luận phát tán.

Hãy là một tài năng dựa trên chính khả năng của mình, chính sự sáng tạo của mình.

Thoát được sự ngộ nhận, biết đâu sẽ có một cơ hội để tiệm cận điều này.

Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình: Có chút nào xót xa không?

- Làm nghệ thuật, có thể bạn thật dở nhưng “ăn cắp”, xào xáo tác phẩm của người khác là một điều không nên chút nào phải không, thưa nhạc sĩ?

- Điều bạn nói không chỉ giới hạn riêng trong lĩnh vực nghệ thuật mà trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng riêng trong những lĩnh vực mang tính sáng tạo như văn học nghệ thuật thì đó là điều hoàn toàn không nên. 

- Nhưng nói cho công bằng thì chuyện người nghệ sĩ lấy ý tưởng, học hỏi từ những nền nghệ thuật tiên tiến là chuyện bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh. Song, cái nguy hiểm là một số người không phân biệt rõ giữa ranh giới của tham khảo ý tưởng và ăn cắp. Anh nghĩ sao?

Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình.

- Nếu nói nguy hiểm thì nguy hiểm cho ai? Cho bạn, cho tôi hay cho khán giả?... Cho một nhóm người không phân biệt ranh giới giữa tham khảo và ăn cắp hay cho cả một nền âm nhạc của một quốc gia?

Cá nhân bạn và bản thân tôi thì chúng ta không bàn tới ở đây. Còn với khán giả, sau những thời gian lao động mệt nhọc, họ cần giải trí và họ nghe những gì họ có. Còn một nhóm người không phân biệt ranh giới giữa tham khảo và ăn cắp tất nhiên là họ không thấy nguy hiểm rồi, thấy thì họ đã không làm!

Còn việc thịnh suy của một nền âm nhạc nó to lớn, nó vĩ mô quá nên sự nguy hiểm đó chúng ta không thể sờ mó, cảm nhận bằng mắt, bằng tay được. Và khi không thể cảm nhận thì người ta cho là không nguy hiểm đến khi nó thật sự “giãy chết”. Còn hiện tại, nó “giãy chết” hay chưa thì tôi không thể đưa ra kết luận.

- Vừa qua có nhiều nhân vật mới hôm trước là “thiên tài”, hôm sau đã trở thành tội đồ của ăn cắp vặt. Anh thấy sao?

- Thú thật tôi không nhìn thấy thiên tài lẫn kẻ cắp trong bối cảnh hiện nay, còn tài năng thì có nhiều. Nhưng có vấn đề thế này, một khi ai đó từ bóng tối đột ngột bước ra ánh sáng chói lòa, việc mất phương hướng là điều dễ hiểu, nó cũng giống như một ca sĩ sau một đêm trở thành một ngôi sao vậy. Hơn nữa, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, thành công đến cực nhanh và đi cũng nhanh không kém. Có thể do họ lo lắng làm sao níu kéo danh vọng lâu hơn, họ tìm mọi cách gìn giữ vầng hào quang vừa tạo ra. Và thế là họ sa chân, chệch hướng.

Những gương mặt trẻ với những sáng tác gây ồn ào vì sự na ná với nhạc ngoại vừa qua cũng là một trường hợp sa ngã như thế chăng?! Tôi cũng không vội kết luận họ có đạo nhạc, ăn cắp hay xào xáo tác phẩm của ai đó hay không. Là người sáng tác, tôi biết là một tác phẩm thật sự tốt luôn cần một thời gian nhất định để thai nghén và nuôi cảm xúc. Nhưng trước tình hình hiện nay thì xem ra điều đó có vẻ lạc hậu. Không ít người nghĩ và thực hiện theo cách: vay một chút cho nhanh!

- Theo anh, người nghệ sĩ nên tiếp cận với tác phẩm nước ngoài, tác phẩm của người khác thế nào cho trong sáng?

- Theo tôi không có công thức cho sự giao thoa văn hóa, mỗi người, tùy theo trình độ học vấn và tài năng sẽ có cách tiếp cận của riêng mình. Vì vậy khó có thể nói thế nào là đúng, là trong sáng.

Tuy vậy nhìn vào lịch sử, chúng ta không khó tìm thấy những bậc thầy xây dựng sự nghiệp to lớn từ những sự ảnh hưởng này. Ở hội họa chúng ta có Nghiêm - Liên - Sáng - Phái; thi ca chúng ta có Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ…; âm nhạc chúng ta có Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao…; văn học chúng ta có Tô Hoài, Nam Cao, Ngô Tất Tố… Tất cả các bậc thầy đó đều chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa, văn học nghệ thuật phương Tây. Song, dấu ấn tài năng của họ trong mỗi tác phẩm là điều không ai có thể phủ nhận. Giá trị sáng tạo của họ được hậu thế trân trọng mãi đến ngày hôm nay và tận mai sau.

- Cũng có ý kiến cho rằng do sự cám dỗ từ cái hay của tác phẩm nước ngoài là quá lớn nên một số nghệ sĩ trẻ không thể vượt qua. Tuy nhiên, đã là nghệ sĩ, người có bản lĩnh thực sự thì không để sự cám dỗ chiến thắng bản thân, anh đồng ý chứ?

- Tôi nghĩ, cám dỗ xuất phát từ suy nghĩ ích kỷ và tham vọng của từng cá nhân. Thời kỳ nào trên thế giới cũng xuất hiện những tuyệt phẩm khiến mọi người bị mê hoặc nhưng không phải lúc nào một tác phẩm xuất hiện là lại rầm rộ hiện tượng sao chép. Cái hay của những tác phẩm nước ngoài giúp chúng ta quy chiếu, so sánh, học hỏi hoặc chiêm ngưỡng chứ không phải để sao chép. Và thật lòng mà nói, đôi khi việc sao chép một tuyệt phẩm nào đó nhưng với tay nghề kém cỏi thì sẽ tạo ra một “thảm họa” còn khủng khiếp hơn là tự tạo một tác phẩm mới!

- Thời gian qua, chúng ta tranh cãi quá nhiều về chuyện một tác phẩm của một “tác giả” nọ có đạo nhạc hay không? Người bảo có, kẻ bảo không, người thì bảo nghe giống giống chứ thật ra không có “đạo nhạc”... Cá nhân anh ý kiến gì về những tranh cãi thế này?

- Nếu nhìn thoáng qua những tranh cãi quanh vụ việc này thì thấy nó vô bổ, không đáng bởi vì tranh cãi này không có hồi kết. Nhưng ngẫm lại cũng có chút ngậm ngùi. Người quản lý văn hóa bảo “đạo”, người bảo “không”, ngay cả những nhà chuyên môn còn gay gắt với những ý kiến trái chiều thì cãi nhau đến bao giờ?!

Ca khúc là sản phẩm, khán giả là người tiêu dùng - họ chả quan tâm “đạo” hay không, họ nghĩ ca khúc hay thì họ nghe, thế thôi. Tôi lấy ví von bên ngoài, ai có thể nhân danh lòng yêu nước bắt bạn dùng trái cam Việt sần sùi không bắt mắt thay thế cho trái cam ngoại sặc sỡ vàng tươi và thời thượng không? Ai có thể ép bạn mua hàng Việt Nam trong khi hàng Trung Quốc mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ hơn? Đó là quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng… Thế nên người nông dân, nhà sản xuất chắc chắn phải chuyển hướng để tồn tại, để không bị phá sản?

Nhưng rồi đến một ngày nọ, một công ty nước ngoài tuyên bố họ không thể hợp tác với chúng ta vì cả nền công nghiệp của chúng ta không sản xuất nổi một con ốc vít đúng tiêu chuẩn vì lâu nay chúng ta chỉ ưa dùng sản phẩm có sẵn của người khác. Bạn có tin vào điều tưởng chừng như hoang đường đó không, có xót xa chút nào không?!

Và trong sáng tác âm nhạc cũng y như vậy!

Nhạc sĩ Lương Bằng Quang: Mượn ý tưởng khác với xào nấu, ăn cắp

- Theo anh, thế nào là một “thiên tài” trong nghệ thuật?

- Theo tôi một người được coi là thiên tài trong nghệ thuật là họ sẽ làm được những việc chưa có bất kì người nào cùng trang lứa với họ đã từng làm; đó mới được coi là một thiên tài.

- Và một thiên tài thật sự thì không thể không có nhiều “tật”, phải không anh?

- Theo tôi bản chất con người cho dù có là thiên tài hay không thiên tài đi chăng nữa thì mỗi người đều có những tính tốt và tật xấu riêng của mình. Và chỉ nên chỉ trích những người nào cố tạo ra những tật xấu để cho mình biệt lập với người khác. Và lối sống, cử chỉ, cách ăn nói, điệu bộ ăn mặc… thuộc về nhân cách của từng người. Điều đó không phải gọi là cái tật mà là nhân cách.

Nhạc sĩ Lương Bằng Quang.

- Và khi được gọi là “thiên tài” thì bạn phải là người sáng tạo trong tất cả. Như “thiên tài” trong âm nhạc thì bạn phải là người hát, sáng tác không những hay mà phải hoàn toàn sáng tạo. Chứ không thể có chuyện thiên tài lại đi vay mượn ý tưởng từ người khác, anh đồng ý chứ?

- Việc “mượn ý tưởng” sẽ khác với tình hình chung bây giờ. Nếu đơn thuần gọi là mượn ý tưởng thì đó là điều hoàn toàn rất bình thường. Mượn ý tưởng ở đây nói nôm na là mượn phong cách; ví dụ như  với kể chuyện thì mình mượn lời văn, còn nhạc thì chỉ có mấy dòng nhạc RnB, Blue, Jazz, Hiphop, Rock… thì cái đó gọi là vay mượn phong cách. Có người thích tạo dựng phong cách giống như Michael Jackson, cũng có bạn thích phong cách của những ca sĩ trẻ như Justin Bieber, rồi Mariah Carey… họ vay mượn nét phong cách đó để họ có một nét riêng trên sân khấu. Chuyện vay mượn hay bị ảnh hưởng bởi phong cách của thần tượng là điều hết sức bình thường trong nền âm nhạc.

Song, cái nguy hiểm ở đây là một số người không phân biệt rõ giữa vay mượn phong cách, tham khảo ý tưởng với sự ăn cắp…

Điều đó thì quả là đáng nói! Việc ăn cắp là việc làm thể hiện sự chây lười trong sáng tạo nghệ thuật, rất đáng lên án. Còn với việc mượn ý tưởng thì đằng sau đó còn rất nhiều việc để người nghệ sĩ phải làm. Để mượn một ý tưởng thì họ cũng cần có thời gian sàng lọc, cần có thời gian để bỏ cái tôi của họ vào trong sản phẩm. Họ cần làm rất nhiều công việc khác để cho ra đời một sản phẩm hoàn toàn mới dựa trên ý tưởng mà họ đã xác định ngay từ lúc đầu.

Còn ăn cắp đó là việc sao chép thụ động, sự lười nhác trong nghệ thuật. Họ không cần mất thời gian cũng đỡ tốn công nghiên cứu tìm tòi. Mượn ý tưởng và ăn cắp là hoàn toàn đối lập nhau, giữa một bên là siêng năng và một bên là lười biếng trong nghệ thuật.

- Và đã làm nghệ thuật thì việc “ăn cắp”, xào xáo tác phẩm của người khác là rất đáng lên án, nó đáng cười chê hơn là một tác phẩm dở tệ nhưng của chính bạn làm ra. Anh đồng ý chứ?

- Làm nghệ thuật dở có thể do năng lực của bản thân người đó có giới hạn, điều đó thì phải chấp nhận. Và phải biết nhìn nhận hạn chế của mình để cất công tìm hiểu học hỏi thêm. Nhưng đó không phải là lý do khiến bạn bất chấp mọi thứ, đi lấy tác phẩm của người khác rồi xào nấu để thành tác phẩm của mình. Có thể trong đầu họ chưa nghĩ việc đó là hành vi ăn cắp mà chỉ đơn giản theo kiểu, tôi mê âm nhạc, đó là cách mà tôi làm nhạc! Có thể, do họ còn quá trẻ để nghĩ đến hai chữ danh vọng, cho nên ở một chừng mực nào đó họ chỉ đam mê âm nhạc và họ muốn làm ra một sản phẩm âm nhạc một cách nhanh nhất. Và cách xào nấu tác phẩm của người khác là cách mà không ít những bạn trẻ hiện nay đang áp dụng.

- Nhiều người nói, ranh giới giữa người tài và kẻ cắp chuyên nghiệp trong nghệ thuật hiện nay sao quá mong manh. Bằng chứng là vừa qua có nhiều nhân vật mới hôm trước là thiên tài, hôm sau đã trở thành tội đồ của ăn cắp vặt. Anh nghĩ sao?

- Chuyện đó hoàn toàn không phải là ranh giới mong manh, đó là ranh giới rõ ràng đấy chứ. Với người trong nghề thì họ thấy được ranh giới ấy rõ lắm, còn với công chúng yêu nhạc chỉ đánh giá qua một hai đầu tác phẩm nhất thời cho những chặng đường đầu của người nghệ sĩ nên họ không nhìn ra. Một nhạc sĩ giỏi thì họ sẽ làm ra rất nhiều bài hay và sức sáng tác của họ bền bỉ; qua từng năm tháng, họ vẫn giữ vững sức sáng tạo của mình.

Còn vấn đề ăn cắp một khi họ đã chọn phương pháp này thì họ không thể chọn phương pháp làm việc theo kiểu siêng năng được. Cho dù ăn cắp một cục kẹo cũng không ai đồng ý chứ đừng nói là một tác phẩm âm nhạc. Hành vi đó, nếu may mắn thì có thể vừa mang đến tiền bạc, danh vọng, địa vị cho một người. Nhưng người đời có câu, nếu muốn không ai biết thì đừng nên làm, đã làm thì dù tinh vi đến đâu chắc chắn sớm muộn gì cũng bị phát hiện. Và khi hành vi ăn cắp đó bị phát hiện thì nó sẽ lấy tất cả, kể cả danh dự bản thân.

- Làm sao để những người trẻ có thể vượt qua sự cám dỗ trước cái hay của một tác phẩm của người khác, trong bối cảnh hiện tại đây, thưa anh?

- Âm nhạc có cái hay, cái đẹp cho nên nó luôn có sức cám dỗ mọi người. Nhưng điều quan trọng là ta chiếm đoạt hay chinh phục cái hay cái đẹp đó mà thôi. Một bên là bất chấp mọi thứ để chiếm đoạt cái đẹp đó về cho mình. Còn một bên là chinh phục nó bằng cách tìm hiểu tại sao nó đẹp, tại sao nó hay, bằng cách nào để tạo ra nó… thì khi đó ta sẽ bỏ rất nhiều công sức và thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, cũng như là học về nó để rồi chinh phục nó.

VJ Thiên Trang: Phải biết điểm dừng

- Tôi nghĩ, đã làm nghệ thuật thì bạn phải là người sáng tạo trong tất cả chứ không thể xào chỗ này, ăn cắp chỗ kia để thành tác phẩm của mình. Nhưng rất nhiều bạn trẻ hiện nay lại mắc “bệnh” này. Cũng là một người trẻ, bạn suy nghĩ gì?

- Nếu như dựa trên những ý tưởng có sẵn để chúng ta phát triển cảm xúc và sáng tạo ra một tác phẩm mới hoàn toàn là của mình, thì tôi vẫn chấp nhận được, miễn đừng sử dụng lại tác phẩm của người khác.

VJ Thiên Trang.

Việc “ăn cắp” và tham khảo là 2 từ có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tham khảo những cái hay của người đi trước để bổ sung vào cái mình chưa có là điều rất đáng hoan nghênh, thậm chí còn nâng cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng sử dụng lại tất cả tác phẩm của người khác hay còn gọi là “ăn cắp” với rất nhiều mục đích khác nhau thì điều đó cần phải chê trách và phải loại trừ ngay. Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo, có thể ý tưởng của bạn trùng lặp với một tác phẩm nào đó nhưng đương nhiên sự trùng lặp ngẫu nhiên là không nhiều.

- Nhưng hiện nay, sự “ăn cắp” diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi. Và việc xác định có ăn cắp hay không không hề đơn giản. Nên mới có chuyện một anh ca sĩ mới hôm qua được tung hô, hôm nay đã trở thành nghi án một kẻ cắp…

- Cũng như anh nói, để xét tác phẩm có “ăn cắp” hay không tưởng chừng đơn giản nhưng cực kỳ phức tạp, nó phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cũng như cần có sự can thiệp của những người có chuyên môn, thẩm quyền để thẩm định tác phẩm đó. Riêng bản thân tôi, cũng giống như anh, cũng không chấp nhận được việc một người tự ý “ăn cắp” tác phẩm của người khác để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

- Song, với bối cảnh âm nhạc hiện nay, việc có quá đông ca sĩ, người sáng tác đã tạo nên một cuộc chạy đua. Và trong cuộc đua đó, nhiều người muốn chiến thắng bằng giá trị của một tác phẩm sẵn có. Song đó là một sự thiếu suy nghĩ phải không Thiên Trang?

- Trào lưu nhạc nước ngoài tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, mọi người có quyền lựa chọn để tham khảo, để bổ sung, để tìm thêm những ý tưởng mới cho chính tác phẩm của mình. Miễn sao lựa chọn phù hợp, biết điểm dừng và biết tôn trọng tác giả đã làm nên những tác phẩm ấy.

Môi trường nghệ thuật thì lúc nào cũng có sự cạnh tranh, dù ít dù nhiều, nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh chứ không thể nào dùng tác phẩm của người khác để giành chiến thắng được. Tuy nhiên mỗi người mỗi suy nghĩ và hành động thế nào là tùy thuộc vào tâm thế họ đến với nghề. Người vì đam mê, vì nghệ thuật sẽ khác với người vì tiền bạc, danh tiếng.

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyễn Lãng
.
.