RCEP: Cuộc chơi vắng người Mỹ

Thứ Sáu, 27/11/2020, 14:53
Sau một thời gian dài đàm phán, cuối cùng thì RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đã chính thức ký kết. Điểm đáng chú ý của hiệp định này là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đứng ngoài cuộc chơi.


Tái sinh một ý tưởng cũ

RCEP hay còn được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, vốn đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ năm 2012, với ý tưởng kết nối tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo thành một khối thị trường thống nhất nhằm giảm thuế và các thủ tục hành chính quan liêu khác. RCEP cũng bao gồm việc thống nhất các quy tắc xuất xứ tạo điều kiện cho chuỗi cung ứng và trao đổi thương mại trong khu vực.

Trung Quốc là quốc gia cổ vũ mạnh mẽ nhất cho ý tưởng này khi muốn cùng với 10 nước Đông Nam Á và các đối tác khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand tạo một thị trường chung lớn nhất thế giới ngay tại sân nhà của mình. Mục tiêu hướng tới của RCEP là kết nối các quốc gia châu Á thành một cộng đồng kinh tế chung, như cách mà châu Âu đã tạo nên Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) ở chính khu vực phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ 21 này. RCEP khi đó được đánh giá sẽ là bước nhảy vọt của kinh tế khu vực, đồng thời xây dựng nền tảng cho một châu Á thống nhất.

Hiệp định RCEP ban đầu được dự kiến ký kết vào năm 2015 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần bởi những bất đồng bên trong và cả những tác động bên ngoài. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới và đang phát triển bùng nổ vượt trội so với các đối tác của mình. Áp lực về việc các quốc gia trong khu vực bị lệ thuộc vào Trung Quốc đã đem đến không ít nghi ngại.

Ký kết RCEP trực tuyến cho thấy quyết tâm của các quốc gia trong việc kết nối kinh tế khu vực.

Thêm vào đó, sự can thiệp của Mỹ với ý tưởng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ngăn cản sự ra đời của RCEP. Ở thời điểm được ký kết năm 2016, TPP với những ý tưởng vượt trội được đánh giá có thể đánh bật RCEP ra khỏi những tính toán của các quốc gia trong khu vực. Nhưng thật bất ngờ là năm 2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút lui khỏi TPP đã khiến cho RCEP có cơ hội được sống lại. Lần này, chính các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành người thúc đẩy mạnh mẽ nhất để RCEP có thể quay trở lại bàn đàm phán.

Bước nhảy quyết định

Trước làn sóng bảo hộ cùng các cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ với các đối tác gây tác động xấu đến hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, Thái Lan - nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2019 chính là một trong những nước tích cực nhất với ý tưởng đưa RCEP trở lại. Với mong muốn thúc đẩy khả năng hội nhập của ASEAN, Thái Lan đã đề ra mục tiêu hoàn tất đàm phán RCEP vào cuối năm 2019. Quả thật, những cuộc đàm phán về RCEP đã có tiến triển rất nhanh.

Phiên đàm phán chính thức RCEP diễn ra ở Đà Nẵng (Việt Nam) tháng 9 năm ngoái nhằm xử lý nốt những vướng mắc kỹ thuật đã từng đem đến triển vọng về việc ký kết RCEP ngay trong năm 2019. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia lớn nhất tham gia đã làm chậm lại tiến trình này.

Nhưng, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cuối năm ngoái tại Bangkok (Thái Lan), sự thờ ơ của Mỹ khi chỉ cử phái đoàn cấp thấp đến dự đã khiến cho các quốc gia ASEAN càng quyết tâm thúc đẩy tiến trình kết nối không có sự tham gia của Mỹ. Một quyết định cuối cùng đã được đưa ra khi RCEP có thể được ký kết mà không cần có sự tham gia của Ấn Độ, đối tác lớn ban đầu. Đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho tiến trình đàm phán và ký kết nhưng nó đồng thời củng cố quyết tâm của các quốc gia trong khu vực để điều tiết lại nền kinh tế giữa đại dịch.

Sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ và châu Âu trong năm qua càng thúc đẩy nỗ lực kéo trọng tâm kinh tế về châu Á của những nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cuối cùng, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2020, dù qua hình thức trực tuyến, RCEP đã chính thức ký kết tại Hà Nội vào ngày 15-11 vừa qua.

Sau thời gian dài đàm phán, cuối cùng thì RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đã chính thức ký kết.

Theo đó, RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do riêng biệt là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Với mục tiêu lâu dài hướng tới hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA), RCEP có thể mở ra viễn cảnh về một khu vực tự do rộng lớn nhất thế giới trong tương lai gần.

RCEP cũng đem đến cơ hội kết nối cho các đối tác kinh tế khác, chẳng hạn như các nước ở Trung Á và các quốc gia còn lại ở Nam Á và châu Đại Dương để mở rộng hơn nữa. Ở thời điểm hiện tại, với 15 nước thành viên chiếm gần tới 30% của dân số thế giới (2,2 tỉ người) và 30% tổng GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỉ USD), RCEP là khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.

Cú ngã của người Mỹ

Sau TPP, các quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương đã hướng tới một hiệp định thay thế là CPTPP. Nhưng, hiệp định này tỏ ra thiếu hiệu quả khi không có nhà đỡ đầu lớn là Mỹ, cũng như không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia ASEAN. Chính vì thế, RCEP với ưu thế lớn về sự kết nối thị trường khổng lồ Đông Nam Á với khu vực phát triển Đông Á đã nhanh chóng chiếm lấy vị trí dẫn dắt nền kinh tế khu vực.

Một nghiên cứu cho thấy RCEP có thể bổ sung 200 tỷ USD vào GDP của các nước tham gia và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030 cũng như kích thích tăng trưởng khu vực thêm khoảng 0,5% mỗi năm trong 1 thập niên tới. Sự phát triển đó tạo tiền đề cho một cộng đồng RCEP trong tương lai dù không có nước Mỹ tham dự.

Sự rút lui của Mỹ đã trao cơ hội cho Trung Quốc.

Với việc không có Mỹ, Trung Quốc nghiễm nhiên sẽ trở thành quốc gia đứng đầu của nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi nhiều thỏa thuận thương mại đóng vai trò định hình các mối quan hệ toàn cầu thì việc RCEP được ký kết được coi là một thắng lợi của Trung Quốc. Theo đó Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để nâng tầm ảnh hưởng. Đồng thời, thỏa thuận mới này cho thấy phần còn lại của thế giới không còn chờ đợi nước Mỹ nữa.

Nước Đức, Chủ tịch luân phiên EU đã sớm lên tiếng ca ngợi RCEP như "một nỗ lực tuyệt vời để hỗ trợ tự do thương mại". Liên minh châu Âu cũng đang tích cực theo đuổi đàm phán thương mại với các đối tác khu vực. Khi các nước khác ký kết thỏa thuận mới, nước Mỹ có thể dần mất chỗ đứng.

Chính vì vậy, dù hoan nghênh các lợi ích tự do hóa thương mại của RCEP, hôm 16-11 vừa qua, Phòng Thương mại Mỹ cũng nói rằng các nhà xuất khẩu Mỹ cần tiếp cận nhiều hơn với thị trường châu Á bởi cánh cửa đang dần khép lại với họ. Đây sẽ là vấn đề lớn mà chính quyền mới của nước Mỹ phải đối mặt trong 4 năm tới.

Tử Uyên
.
.