Quy hoạch rồi lại quy hoạch

Thứ Hai, 23/12/2019, 14:50
Một Vũ "nhôm" đã cột không biết bao nhiêu quan chức vào chằng chịt những sai phạm, những lợi ích nhóm. Tất nhiên, khi quan chức bị một cá nhân cột chặt vào mình, thì những quyết định hoặc quyết sách của họ không còn phục vụ cho cộng đồng, cho nhân dân nữa... Quy hoạch cũng không nằm ngoài điều giản đơn ấy.


Thời gian vừa qua thành phố Đà Nẵng trải qua nhiều biến động, thật đáng tiếc và cũng thật buồn, biến động ấy lại liên quan đến một cá nhân có tên Phan Văn Anh Vũ, thiên hạ quen gọi Vũ "nhôm".

Một Vũ "nhôm" đã cột không biết bao nhiêu quan chức vào chằng chịt những sai phạm, những lợi ích nhóm. Tất nhiên, khi quan chức bị một cá nhân cột chặt vào mình, thì những quyết định hoặc quyết sách của họ không còn phục vụ cho cộng đồng, cho nhân dân nữa... Quy hoạch cũng không nằm ngoài điều giản đơn ấy.

XÓA ĐI LÀM LẠI

Tư vấn Singapore sẽ tham gia vào công tác điều chỉnh quy hoạch tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu một câu mà tôi cho rằng hết sức xót xa đối với những người quan tâm đến tình hình của quốc gia, "Mọi thứ phải rõ ràng và được triển khai bài bản, chính quyền không theo đuôi doanh nghiệp vì như thế là lợi ích nhóm".

Trước đó, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng nói đại ý, "Tránh tình trạng như trước đây doanh nghiệp bảo làm cái này, cái kia rồi thành phố điều chỉnh quy hoạch theo".

1. Câu chuyện của Bí thư Trương Quang Nghĩa không mới, nhưng phát ngôn của Bí thư Trương Quang Nghĩa là dũng cảm, hoặc ít nhất là sòng phẳng minh định hiện thực. Quy hoạch luôn là miếng bánh rất ngon mà bất cứ doanh nghiệp bất động sản hay cá nhân lắm tiền đều muốn chia phần.

Ảnh minh họa: Hùng Dingo.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ cần biết trước một thông tin quy hoạch, người ta sẽ nhanh chóng thu gom đất, nhanh chóng đổ hết tiền tích lũy vào đó và giá đất nhích lên từng ngày. Một chuyên gia kinh tế lừng danh đã từng thốt lên, không có nơi nào giá bất động sản kỳ lạ như ở Việt Nam, không có khoản đầu tư nào sinh lợi khủng khiếp một cách hợp pháp như buôn bán bất động sản như ở Việt Nam.

Có một dạo, mà không phải một dạo, chỉ mới hai hay ba năm trước đây thôi (tức 2018) khi thị trường bất động sản còn ấm, tôi đã chứng kiến hay nghe những người mà tôi biết kể về số tiền họ kiếm được khi sang nhượng một miếng đất, một căn nhà phố hoặc một căn hộ chung cư. Những số tiền lớn sinh lãi trong mơ, những khoản đầu tư đẹp như trong mộng.

Làm sao người ta có thể lời vài tỷ trong vài tháng với số vốn chỉ hơn số lời chừng 50%, làm sao có thể mua căn hộ hơn 5 tỷ để quay qua quay lại có người trả ngay tám tỷ. Thậm chí, một người anh của tôi vừa xuống tiền cọc nhà thì hôm sau đã có người trả căn nhà hôm qua anh ấy vừa cọc với giá cao hơn một tỷ đồng.

Nếu lấy thu nhập bình quân đầu người ở quốc gia của chúng ta thời điểm năm là 2.587 USD, quy đổi 1 tỷ đồng tròm trèm gần 50 nghìn USD thì chỉ sau một đêm người anh của tôi đã kiếm được mười mấy năm thu nhập của người khác.

Một con số không tưởng. Bất chấp, giá trị bất động sản có tương đương với số tiền bỏ ra hay không thì lại là một câu chuyện khác.

2. Thật sốc khi đọc thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chỉ riêng tuyến đường Lê Văn Lương đã được cấp đến 33 dự án chung cư cao tầng, chiều dài đo được là 1km cho 33 chung cư cao tầng. Đó là vào thời điểm năm 2016, bất động sản ấm nhất, ngay cả nhà báo thuộc mảng bất động sản chỉ cần lướt theo thông tin cũng có thể giàu lên cực kỳ nhanh chóng.

33 dự án chung cư cao cấp cho một km đường, các cơ quan truyền thông liệt kê đọc xong mà choáng váng: Dự án nhà ở Ban Cơ yếu chính phủ, Dự án chung cư Tập đoàn Đại Dương (21 tầng), trụ sở Văn phòng HUD (32 tầng), dự án nhà ở (HACCI cao 25 tầng), Dự án nhà ở Tổng công ty Coma (25 tầng), Dự án công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng (Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội cao 25 tầng); Tòa nhà trung tâm thương mại 32 tầng (Hadinco); Chung cư cao tầng của Công ty CP dịch vụ và kinh doanh bất động sản HN cao 32 tầng; Tòa chung cư của Công ty CP đầu tư và thương mại Vneco Hà Nội cao 35 tầng, nhà chung cư của Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đô thị 18, tổ hợp tòa nhà cao tầng Sunrise cao 25 tầng; tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty CP phát triển xây dựng và XNK Sông Hồng cao 16 tầng….

Thế nên, cũng không có gì ngạc nhiên khi một tỉnh tại Đồng bằng Sông Cửu Long, quen miệng gọi là miền Tây Nam Bộ lại có dự án sân golf nhiều nhất nước. Như một mẫu số chung, sân golf lấy đất trồng lúa, rồi từ đây sân golf lại biến thành biệt thự, thành nhà phố...

Có quá nhiều quy hoạch ở các địa phương chỉ chăm chăm vào một mục đích duy nhất, làm sao cho dòng tiền đổ vào bất động sản càng nhiều càng tốt.

Chính vì lợi nhuận khủng khiếp đó, nên lời của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa rất chính xác, "Quy hoạch điều chỉnh theo doanh nghiệp". Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tầm để gánh trên vai sứ mệnh đóng góp trong công cuộc kiến thiết quốc gia, xây dựng xã hội tươi đẹp. Có những doanh nghiệp chỉ biết lợi nhuận, lợi nhuận và lợi nhuận.

Với quy hoạch chỉ nhằm vào lợi nhuận thì chắc chắn hoặc trước hoặc sau phải "vỡ trận" mà đã "vỡ trận" khi quy hoạch thì cực khó để "xóa đi làm lại". Một con đường đã hiện hữu, những chung cư cao tầng đã mọc lên, những hệ thống cấp thoát nước không đủ sức để phục vụ cho quá nhiều con người tập trung cùng lúc... Các hệ lụy tiếp đến sẽ là ô nhiễm, kẹt xe, chỉ số hài lòng giảm, môi trường đầu tư không hấp dẫn.

Đơn giản hơn, chỉ lợi cho một nhóm người.

3. Ngày mai luôn là một ngày mới, còn sống là còn hy vọng, tôi vẫn tin như vậy. Nên rất mong khi đã nhìn thấy rõ vấn đề doanh nghiệp tác động vào quy hoạch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sẽ đủ dũng khí và can đảm để thành phố Đà Nẵng trở thành một nơi đáng sống đúng nghĩa vì quy hoạch khoa học, quy hoạch vì cái chung, quy hoạch vì nhân dân. Tránh tuyệt đối bê-tông hóa thành phố như hiện tại.

Thành phố Đà Nẵng làm thành công lại mong các thành phố khác nhìn theo mà thực hiện, bởi chuyện đời nhiều lúc thấy khó mà dễ, thấy dễ mà khó.

Mặc dù ai cũng hiểu, nếu thực tâm làm vì nhân dân thì bao giờ cũng dễ...

(Ngô Nguyệt Lãng)

AI NỠ PHÁ?

Hiện nay, nói đến vấn đề quy hoạch, nhiều người hào hứng và cũng không ít người ngao ngán. Bởi lẽ, ngoài hệ lụy quy hoạch “treo” thì những kiểu quy hoạch tiền hậu bất nhất, nay thay mai đổi, khiến một bộ phận người dân phải nháo nhào vì ảnh hưởng sinh hoạt thường nhật, ảnh hưởng nơi ăn chốn ở, ảnh hưởng môi trường học tập và làm việc, ảnh hưởng quan hệ lối xóm, thậm chí ảnh hưởng cả mộ phần ông bà tổ tiên.

Mọi quy hoạch đều xuất phát từ cuộc sống, nhưng tiêu chí tối thiểu của quy hoạch là phải đi trước cuộc sống, chứ không thể theo đuôi cuộc sống hoặc phụ thuộc cuộc sống.

Ảnh minh họa: Hùng Dingo.

Mới đây, thành phố sầm uất nhất miền Trung đã mời chuyên gia Singepore đưa ra quy hoạch đô thị đến năm 2030, mà Bí thư Đà Nẵng thổ lộ sẽ không bị dẫn dắt bởi lợi ích nhóm. Quyết tâm ấy rất đáng khích lệ. Bởi lẽ, khi quy hoạch được điều chỉnh một cách tùy tiện sẽ ảnh hưởng đến bức tranh tổng thể xã hội. 

Kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về quy hoạch khi thảo luận về Luật Xây dựng sửa đổi. Vì sao một quy hoạch đã được công bố, vẫn không mang giá trị bền vững cho sự phát triển? Ai đã tác động vào quy hoạch, và với mục đích gì? 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lý giải, “Chỉ cần ủy ban nhân dân địa phương cùng 1 - 2 sở, ngành cũng có thể điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua bằng việc lấy ý kiến các bộ, ngành, hội đồng kiến trúc, hội đồng phản biện, ủy ban nhân dân các cấp rà soát rất kỹ lưỡng. Điều này sẽ phá vỡ quy hoạch”. 

Nghĩa là, việc điều chỉnh quy hoạch lại quá đơn giản so với việc đưa ra quy hoạch. Nghĩa là, một khu dân cư, một vùng sản xuất hoặc một cụm công nghiệp đều dễ dàng trở nên méo mó khi bản đồ quy hoạch không thỏa mãn mong muốn của một số người nào đó.  

Câu chuyện khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP.HCM sở dĩ gây ra nhiều hệ lụy dai dẳng cũng bắt nguồn từ việc ngẫu hứng điều chỉnh quy hoạch. 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch bỗng dưng lọt vào quy hoạch để bắt người dân di dời giải tỏa vô lý, là một thực tế đau xót, mà hậu quả đã hao tổn tiền bạc lẫn uy tín của chính quyền. Khi quy hoạch không được giám sát nghiêm túc thì rất khó ngăn chặn những chiêu trò khuất tất hòng trục lợi.

Để có một quy hoạch, đòi hỏi các nhà chuyên môn và các nhà quản lý phải có những tính toán tỉ mỉ vừa đảm bảo thực tế vừa dự báo tương lai. Nếu cấp trên ban hành quy hoạch mà cấp dưới điều chỉnh quy hoạch, thì quy hoạch không còn giá trị. Thật kỳ lạ, khi một quy hoạch liên quan đến hàng vạn con người lại được điều chỉnh vì một nhà đầu tư. Từ đó kéo theo bao nhiêu chệch choạc về môi trường, về đường sá, về thủy lợi, về kiến trúc…Từ đó kéo theo xáo trộn và bức xúc xã hội.

Bất cứ xứ sở nào muốn ổn định và bền vững đều cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch cục bộ. Nguyên tắc cơ bản là quy hoạch cục bộ không thể thay đổi quy hoạch tổng thể. Ví dụ, quy hoạch tổng thể về diện tích cây xanh 10ha, thì quy hoạch cục bộ có thể quyết định phân chia 10ha cho những loại cây xanh khác nhau nhằm tô điểm cảnh quan và phù hợp với nhu cầu dân cư, chứ không thể biến 10ha ấy thành công trình thương mại dịch vụ. Đáng buồn thay, nhiều nơi đã để quy hoạch cục bộ lấn lướt và thay thế quy hoạch tổng thể.

Quá trình điều chỉnh quy hoạch tuy cũng có những thao tác kỹ thuật cần thiết, nhưng hoàn toàn không xin ý kiến của hội đồng thẩm định quy hoạch trước đó. Trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược, thì có quy hoạch cũng như không có quy hoạch. Vì vậy, đã đến lúc phải có quy định nghiêm khắc hơn về điều chỉnh quy hoạch, không thể dung túng cho vài cá nhân vì động cơ riêng được quyền can thiệp thô bạo vào quy hoạch chung.

Để quy hoạch phát huy được giá trị kích hoạt sự vận động đi lên của xã hội, không thể không đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Có quy hoạch được đưa ra vài chục năm mà vẫn ì ạch và đầy hoang mang, mà tiêu biểu là khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa tại TP.HCM. 

Quy hoạch được phê duyệt từ năm 1992, nhưng đến nay vẫn còn là một siêu dự án tiềm ẩn. Bởi lẽ, hết nhà đầu tư nọ đến nhà đầu tư kia cứ ngắm nghía khen chê rồi án binh bất động. Hậu quả, nhà cửa nhếch nhác vì không được phép sửa chữa, và người dân trong quy hoạch chỉ biết kêu trời. 

Bây giờ, Bình Quới - Thanh Đa vẫn mang dáng vẻ của một vùng ngoại ô lam lũ của hơn hai thập niên trước! Vì vậy, quy hoạch cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, chứ không thể hồn nhiên bay bổng theo trí tưởng tượng của những người dồi dào năng lượng lạc quan.

Một trong những hạn chế mà quy hoạch ở Việt Nam đang tồn tại, chính là tính công khai và tính minh bạch. Thông tin về quy hoạch cứ úp mở không được kiểm soát, trở thành cơ hội cho những kẻ đục nước béo cò giành lấy miếng ngon, miếng ngọt. Vì sao một số kẻ đang chiếm lợi thế nhất thời biết trước khu vực ấy sẽ quy hoạch cái gì để đầu cơ? 

Rõ ràng, ở đây còn cần lưu ý thái độ liêm chính. Người tham gia vào quy hoạch đã biến nhiệm vụ được giao để thu vén lợi ích cho mình và cánh hẩu, thì có dấu hiệu của tội danh tham nhũng đấy. Và khi có lợi ích ban đầu của quy hoạch được chiếm dụng rồi, thì cũng khó trách những kẻ chậm chân hơn sẽ tranh thủ quyền lực để tìm kiếm lợi ích tiếp theo, và cuối cùng là quy hoạch rối tung rối mù.

Ai nỡ quá vỡ quy hoạch? Tất nhiên, không phải người dân lương thiện, vì họ luôn thụ động trước mọi dịch chuyển của quy hoạch. Và khi quy hoạch bị lèo lái bởi những động cơ ngoài quy hoạch, thì quy hoạch không còn tác dụng tích cực nữa! 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

NHỮNG ĐÔ THỊ NÁT BƯƠM

Có một câu hỏi mà nếu đặt ra, bất kỳ ai cũng sẽ trả lời “Có”. Đó là câu hỏi “Bạn có cảm thấy quá phiền vì tuần nào cũng nhận được điện thoại chào bán chung cư và đất nền hay không?”. Đây là một thực tế không cần phải chứng minh và chắc chắn ai cũng sẽ đồng thuận về sự tồn tại của nó.

Ảnh minh họa: Hùng Dingo.

Ở đây, tôi không nói những người làm bán hàng, marketing qua điện thoại là sai, là xấu. Họ đang làm đúng nhiệm vụ mà họ được giao. Nói cách khác, họ đang lao động. Họ không có lỗi nhưng chính sự không có lỗi của họ khiến chúng ta bực mình. Quá nhiều điện thoại vụn vặt trong lúc bạn đang trăm mối lo, bạn bực mình quá đi chứ. Nhưng việc không thể trách người gọi điện thoại làm phiền mình sẽ càng làm bạn bực hơn.

Vậy mà ít khi chúng ta đặt ra câu hỏi là “Chung cư với đất nền ở đâu mà lắm thế và kẻ nào đã khiến hàng hoá ấy đầy rẫy đến mức ngày nào cũng có cả quân đoàn telesales gọi điện tung toé khắp nơi?”. Câu hỏi này thực sự mới đáng trả lời. Nó chính là day dứt xã hội lớn nhất hiện nay ở Việt Nam khi đô thị hoá ồ ạt phi quy tắc, phi quy hoạch đã trở thành vấn nạn ở mỗi địa phương.

Vài tháng trước thôi, Đà Lạt ngập sũng mình sau một cơn mưa và đó là lần hiếm hoi trong lịch sử thành phố nghỉ dưỡng ấy lâm vào cảnh như thế. Tất cả đều quay trở về với những đáp án của quy hoạch. Từ việc làm nhà kính vô tội vạ cho tới việc doanh nghiệp phá rừng để làm resort. Nhưng Đà Lạt chưa phải là nơi gặp vấn nạn đó kinh hoàng nhất. Nha Trang, Đà Nẵng, Sapa, Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc… Cứ ở đâu mà có cơ sốt đất nổi lên, ở đó quy hoạch sẽ vỡ tung toé.

Tôi có mấy người bạn sống ở mấy khu chung cư bên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM. Mỗi lần ghé thăm họ, tôi đều chọn đi xe bus. Thứ nhất, nguyên tắc của tôi là đã uống 1 giọt chất uống có cồn thì không chạy xe. Thứ hai, từ chỗ tôi ở sang Nhà Bè quá xa, đi taxi hay grab thì quá đắt nên xe bus là lựa chọn tối ưu. Nhưng bao nhiêu năm rồi qua khu đó thăm bạn, tôi vẫn không nhìn thấy một cây cầu vượt nào được xây để người bộ hành có thể từ bên này đường qua bên kia đường một cách an toàn. Trong khi cái đường Nguyễn Hữu Thọ ấy thì toàn xe bồn, xe container, xe tải và nườm nượp xe gắn máy. 

Dân bây giờ băng qua đường theo kiểu “ừ thì nhường nhau mà đi, cảnh giác mà đi”. Vậy mà chung cư mới thì cứ mọc lên, tiếng khoan, tiếng đóng cọc cứ rầm rì. Nhân dân là người khách hàng mua chung cư nhưng nhu cầu của họ là cây cầu vượt. Còn chủ đầu tư các chung cư thì nhu cầu của họ đơn giản chỉ là “bán càng nhanh càng tốt”.

Ai đã quy hoạch Nhà Bè như thế? Trả lời câu hỏi này, có lẽ phải tổ chức đồng đội làm hẳn một phóng sự điều tra. Nhưng câu hỏi “quy hoạch Nhà Bè như thế để phục vụ ai?” thì có thể dễ trả lời hơn. Dân bản địa ở Nhà Bè không được hưởng lợi từ quy hoạch. Dân cư mới đến mua chung cư ở đây cũng không được hưởng lợi từ quy hoạch. Ai hưởng lợi?

Chuyện ví dụ trên chỉ là nhỏ xíu so với hàng ngàn câu chuyện về quy hoạch đang tồn tại ở các đô thị Việt Nam. Và chính câu phát biểu của ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã khẳng định cho vấn nạn quy hoạch này. 

“Trước đây, doanh nghiệp bảo làm cái này, cái kia rồi thành phố điều chỉnh quy hoạch theo. Mọi thứ phải rõ ràng và được triển khai bài bản, chính quyền không theo đuôi doanh nghiệp vì như thế là lợi ích nhóm” chính là điều ông Nghĩa công khai trong cuộc tiếp xúc cử tri. 

Và phát biểu của ông cho thấy những tồn tại đầy mỉa mai bao nhiêu năm qua. Chúng ta cứ nói doanh nghiệp sợ chính quyền khó khăn. Vậy thì làm cách nào mà doanh nghiệp lại “bảo làm cái này, làm cái kia” mà chính quyền thành phố lại điều chỉnh theo? Doanh nghiệp có gì mà quyền lực như thế? Thật lòng, trong thiển ý của mình, tôi nghĩ doanh nghiệp thì chỉ có mỗi tiền.

Tôi được biết có một địa phương có loạt đất công sản rất đẹp ở ngay trung tâm đô thị và đã được thẩm quyền để cho thuê dài hạn đất công sản đó với 2 điều kiện. Thứ nhất, không được phá vỡ quy hoạch và kiến trúc của những công sản ấy. Thứ hai, phải khai thác phục vụ mục đích du lịch hoặc văn hoá. 

Tiền cho thuê khởi điểm cũng rất rẻ so với giá đất đang lên chóng mặt ở đó. Và chuyện cho thuê cũng được đăng báo mời thầu công khai trên cả nước. Nhưng chẳng có doanh nghiệp nào nhảy vào cả, dù giá rất mềm. 

Đơn giản, doanh nghiệp chỉ thèm đất chứ không thèm nghĩ đến văn hoá. Thậm chí, có doanh nghiệp mà tôi biết còn mưu toan nghĩ đến chuyện nếu thuê rồi chừng chục năm sau đánh bùn sang ao để mua đứt vẫn với giá thuê ấy (bằng các thủ tục chuyển quyền) thì mới nhảy vào đấu thầu. 

Chợt nghĩ, nếu như lãnh đạo địa phương nọ không “rắn” mà thay vào đó để doanh nghiệp lôi kéo vào nhóm lợi ích, hoặc là 10 năm sau đất công sẽ mất vĩnh viễn hoặc một đại án sẽ nổ ra với không ít người phải vào tù.

Vòng quay kiểu “được thì ăn lớn, mất thì đi tù cả nhóm” kiểu này đã tồn tại quá nhiều năm rồi. Chính cái vòng quay mà nhiên liệu để vận hành nó là tiền đã làm tha hoá cán bộ quản lý và dẫn tới phá vỡ quy hoạch bất chấp. 

Cứ xây nhà cao tầng một cách vô tội vạ để bán, cứ phân lô liều và ẩu để bán đã dẫn tới tình trạng “không hạ tầng nào chịu nổi” (nguyên văn lời ông Trương Quang Nghĩa), tình trạng dân mua chung cư đi khiếu nại vì ở cả chục năm rồi không ra được sổ, tình trạng “Alibaba” như đợt ồn ào vừa qua… 

Nói cái này là lỗi quy hoạch là ngụy biện. Bản thân quy hoạch chỉ là một từ chỉ một hành động mà thôi. Lỗi này là lỗi thuộc về những cá nhân là đại diện cho chính quyền, những cá nhân có thẩm quyền ký vào các bản quy hoạch.

Việt Nam thỉnh thoảng lại rộ lên một cái tên lẫy lừng là tỷ phú này, tỷ phú nọ khiến cộng đồng háo hức như thể nước mình toàn người tài. Nhưng đọc lại, xem lại quá trình làm ăn của đa số các tỷ phú ấy, toàn là những tỷ phú “Ngọc Trinh” (tức là cạp đất mà ăn) cả. Họ nhìn miếng đất là nhìn ra tiền chứ không nhìn ra tương lai của vùng đất ấy sẽ như thế nào, của cả đô thị xung quanh nó sẽ ra sao, của cả môi trường sống của địa phương sẽ đi về đâu. 

Cơ bản, họ chỉ cần kiếm nhiều tiền và sẵn sàng kiếm tìm một mảnh hộ chiếu nào đó ở Malta, ở San Marino, ở Bồ Đào Nha, ở Canada, Úc, Hoa Kỳ… để lót ổ tương lai cho gia đình mình rồi. Dễ hiểu lắm, ở những nơi họ lựa chọn để dưỡng già ấy, quy hoạch là một công tác được làm rất khoa học và bài bản, kéo dài nhiều năm với tầm nhìn cả thế kỷ. Và hơn nữa, ở nơi ấy không có những người như họ, những kẻ mê hoặc những người cầm quyền để phá vỡ quy hoạch.

Trước cử tri, ông Trương Quang Nghĩa tuyên bố không thể để tình trạng doanh nghiệp phá vỡ quy hoạch đô thị nữa. Động thái này nên được các địa phương khác nhìn nhận để học tập theo. Chính sách được tạo ra để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải để “hầu” doanh nghiệp. Nhưng nói gì thì nói, đánh sập những nhóm lợi ích thì chỉ là thành tựu nhỏ nhoi mà thôi. Chữa lại các vùng đã bị phá nát bởi quy hoạch ẩu mới là thách thức lớn hơn cả.

Mà muốn chữa lại thì tiền ở đâu ra? Tiền ngân sách đó thôi. Mà ngân sách, suy cho cùng, cũng từ dân mà ra cả. 

Hà Quang Minh

Ngô Nguyệt Lãng - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.