Tìm người tài, gài người nhà

Quan nhân truyền đời

Thứ Tư, 28/09/2016, 16:32
Không hẹn mà gặp, thông tin về những lãnh đạo địa phương có mối quan hệ huyết thống, họ hàng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Có cảm giác, câu chuyện quan nhân truyền đời, cha truyền sang đời con, anh truyền sang đời em, em truyền sang đời vợ, vợ truyền sang đời em vợ đã không còn có thể cứu vãn được.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không ngừng biểu thị quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính và kiến tạo. Đặc biệt là trong công tác quy hoạch, xây dựng cán bộ với phát ngôn đầy tính kiên định đại ý: "Tìm người tài, không gài người nhà". Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều nỗi khó trong quyết tâm này của Chính phủ bởi lá bùa "đúng quy trình" vẫn được xem như là thần dược cứu nhân vật cho những trường hợp "gài người nhà".


Ấy như câu ca dao: "Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa".

Nhẽ nào trong thời điểm này, vẫn không có phương thức để chống lại tư duy "không đề bạt người ngoài, chỉ đoái hoài người thân"?

1. Giữa tháng 9, dư luận lại thêm lần sốc khi tiếp nhận thông tin 8 người thân của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh đều giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan của tỉnh này.

Cụ thể: Vợ ông Vinh là bà Phạm Thị Hà giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang.

Em trai ông Vinh là ông Triệu Tài Phong giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Một người em khác của ông Vinh là ông Triệu Sơn An đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Một người em trai khác của ông Vinh là ông Triệu Tài Tân giữ chức Phó phòng Hành chính Sở TT&TT tỉnh Hà Giang.

Một người em gái của ông Vinh là bà Triệu Thị Giang giữ chức Phó phòng Kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Giang. Chồng của bà Giang là ông Mạc Văn Cường là Phó Trưởng Công an TP Hà Giang.

Anh họ ông Vinh là ông Triệu Là Pham giữ chức Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang.

Em họ ông Vinh là bà Triệu Thị Tình giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang.

Đó là chưa kể, bố của ông Triệu Tài Vinh chính là ông Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Khi các trang mạng xạ hội xuất hiện thông tin này thì bình luận được yêu thích nhiều nhất chính là: "Không may nhà ông Vinh có việc, cả hệ thống chính trị của tỉnh Hà Giang tạm thời tê liệt".

Minh họa: Hữu Khoa.

Trả lời báo giới, ông Triệu Tài Vinh có nói ông ấy không vui vì nhiều người thân được tín nhiệm đề bạt quá, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xác minh và đưa ra kết luận việc bổ nhiệm này hoàn toàn đúng quy trình, không có gì khuất tất. Dĩ nhiên, đề bạt cán bộ lãnh đạo thì sao mà không đúng quy trình được. Vấn đề cốt yếu chính là quy trình cho ai thôi.

Song song với thông tin về ông Triệu Tài Vinh gia đình vinh hiển, nhiều người thân làm lãnh đạo rất danh gia vọng tộc là thông tin về ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định.

Danh sách người thân làm lãnh đạo của ông Toàn ít hơn ông Vinh.

Cụ thể: Vợ ông Toàn là bà Lê Thị Điển được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định. Em ruột ông Toàn là bà Lê Thị Vinh Hương đang công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ (được quy hoạch làm phó giám đốc sở này), tuy nhiên bà được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

Ông Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có hàng loạt người thân giữ chức vụ lãnh đạo tại cục thuế, từ vợ cho đến em vợ, rồi cả chồng của em vợ. Đó là chưa kể đến, cục thuế của tỉnh này còn bổ sung quy hoạch hai cục phó, trong đó có một trường hợp chính là vợ của ông cục trưởng này.

2. Sẽ có rất nhiều bình luận về câu chuyện niềm tin của nhân dân, quyết tâm của Chính phủ và hiện thực đời sống đang diễn ra.

Tuy nhiên, tôi đọc từ Facebook cá nhân của doanh nhân rất uy tín là Nguyễn Duy Hưng rất hay, lại phù hợp với quan điểm của tôi. Thế nên, tôi có xin phép ông Duy Hưng và được ông Hưng đồng ý.

Xin trích dẫn lại hầu bạn đọc xem như là lời kết cho bài viết ngắn này: "21 năm trước sau khi luật sư bảo vệ cho một cựu cầu thủ bóng bầu dục trắng án trong vụ án xét xử tội danh giết vợ, ngay khi thoát được tội hình sự, cựu cầu thủ này đã phá sản và không thể trả phí luật sư cho hãng luật. 

Hai bên đã thống nhất thân chủ sẽ trả ơn bằng cách quảng cáo cho hãng luật, và đây là nội dung của quảng cáo: "Còn chần chừ gì nữa mà không chọn hãng luật này vì đến tao cũng thành vô tội". 

Hàng loạt tội phạm hình sự đã tìm đến ký hợp đồng, khách hàng đông, doanh thu tăng, nhiều người biết đến hãng luật. Nhưng kèm theo đấy là sự coi thường của cộng đồng và đặc biệt là giới thượng lưu Mỹ, họ sợ xuất hiện hay thậm chí đặt tên của họ cạnh những sự kiện có liên quan đến hãng luật.

Trong lần gặp một người bạn Mỹ là giáo sư Trường Harvard - người có mối quan hệ với hãng luật, ông ấy đã kể với tôi người trong hãng luật nói với ông là người ta sẽ không làm như vậy nếu được chọn lại.

Thế mới thấy sự tôn trọng hay khinh bỉ của cộng đồng có sức mạnh nhiều khi còn lớn hơn sự phán quyết của pháp luật. Cộng đồng không có quyền làm thay đổi phán quyết của tòa án nhưng có khả năng làm cho những người tưởng là thắng sợ và nghĩ lại những gì họ đã làm. 

Dù là ai đi nữa, chính khách, doanh nhân, văn nghệ sỹ, nhà khoa học... mọi sự thành công qua chức tước, bảng xếp hạng giàu có, các giải thưởng, các bằng phát minh... đều chẳng có nghĩa gì nếu nhận được thái độ coi thường của cộng đồng.

Mỗi người biết làm những gì để nhận được sự tôn trọng. Mỗi người sống trong cộng đồng luôn cảm nhận và tỏ thái độ tôn trọng hay coi thường một ai đấy tưởng chừng là chuyện cá nhân nhưng thực sự đấy là quyền lớn nhất để xây dựng xã hội".

Vì cái tham, cái lợi mà đánh mất sự tôn nghiêm của bản thân ấy đích xác là loại ngụy quân tử. Nhưng nếu cứ để dân mặc sức biểu thị thái độ còn người có quyền quyết định vẫn luôn khẳng định đúng quy trình, thì chúng ta còn hy vọng gì nữa đây?!

Ngô Nguyệt Lãng
.
.