Quản lý Blog - Chuyện buộc cẳng chim trời?
Và vấn đề quản lý blog đã được đặt ra. Nhưng quản lý như thế nào và quản lý được hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Và một vấn đề nữa, người ta vẫn thường bàn tới, đó là quản lý những trang blog, vốn xuất phát điểm là một hình thức nhật ký mạng, có vi phạm tới quyền tự do của con người hay không...
Blog thực chất là một phương tiện giao tiếp của con người và những lợi ích của nó đã là điều không cần phải bàn tới. Các tờ báo điện tử đã liên tiếp đưa những tiện ích, những thông tin, những trích dẫn từ các trang blog và còn "dạy" cách làm sao để có được một blog hấp dẫn, đẹp mắt và có nhiều người viếng thăm.
Các trào lưu trên blog cũng vì thế mà được cập nhật thường xuyên. Blog không có tội. Nhưng nó đang thể hiện tính hai mặt khi đã có không ít người lợi dụng blog để lập diễn đàn, đưa lên đó những nội dung không lành mạnh.
Chuyện mạo danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên một trang blog cũng cho thấy, dù chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng blog vẫn là một miền cỏ hoang trong công tác quản lý và nhiều người đã lợi dụng nó để thực hiện ý đồ không trong sáng của mình.
Và người ta đã đặt ra vấn đề là có nên quản lý blog hay không? Đến tận lúc này, trên các diễn đàn vẫn đang rất sôi nổi bàn luận. Có những ý kiến cực đoan như ý kiến của một vị đạo diễn cho rằng, nếu blog - trang nhật ký cá nhân - mà cũng quản lý thì cơ quan quản lý sống hộ luôn người dân.
Không ít người cho rằng, quản lý blog là quản lý quyền tự do ngôn luận và có thể vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, cũng không ít người, không nhỏ là những blogger trẻ tuổi lại cho rằng nên quản lý hay ít nhất cũng là đưa ra những quy tắc hành xử trong cộng đồng blogger, để tạo ra được một môi trường lành mạnh cho blog.
Tuy nhiên, liệu có quản lý được không? Quản lý một blog mà danh tính của nó có thể thay đổi trong chớp mắt và những thông tin hiển thị không thực sự chính xác thì đó là cách buộc cẳng chim trời. Hầu hết các blog đều là dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vì vậy việc quản lý sẽ càng trở nên nan giải hơn.
Trong bộn bề của những ngày bắt đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, trong rất nhiều những vấn đề cần giải quyết và đưa ra những hướng dẫn cụ thể, đưa ra việc quản lý blog với những quy chế hướng dẫn cụ thể là điều chưa khả thi.
Việc truy tìm chủ nhân blog có thể được đối với cơ quan an ninh mạng hay lực lượng cảnh sát mạng. Nhưng đó là việc làm mang tính đối phó chứ không phải là cách làm mang tính chiến lược.
Dầu vậy, vấn đề được nhiều người đồng tình chính là sự quản lý mang tính "quy ước văn hóa" từ chính cộng đồng blogger. Từ sức mạnh của cộng đồng, những blog có nội dung không lành mạnh sẽ bị tẩy chay và chính từ sức mạnh đó sẽ làm cho môi trường blog ổn định hơn.
Hơn thế, việc kết hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam với nhà cung cấp dịch vụ Yahoo (dịch vụ có lượng người sử dụng làm blog cao hơn gấp nhiều lần so với một số dịch vụ khác) là việc cần thiết và chúng ta đã có một tiền lệ để học tập từ Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò mà chúng tôi mới thực hiện khi làm chuyên đề này, hầu hết các blogger đều cho rằng, việc quản lý blog là chưa thực sự khả thi. Nhưng các blogger cũng cần có một môi trường an toàn để thể hiện quyền tự do của mình, tránh những trào lưu mang tính tự phát và thiếu kiểm soát.
Rõ ràng, những người sử dụng blog chân chính hoàn toàn không thờ ơ và vô trách nhiệm. Hy vọng chính xu hướng lành mạnh này sẽ tạo nên một cộng đồng blogger Việt Nam phát triển và hướng thiện