Cục An ninh Quốc gia Mỹ - NSA

“Quái vật tình báo điện tử ” và đội hacker tuyệt mật

Thứ Ba, 21/10/2014, 13:00

Trong những năm dưới thời Tổng thống Dwight David Eisenhower, lãnh đạo Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) hoàn toàn là các sĩ quan quân đội. Tuy nhiên, tới năm 1963, tiến sĩ Uzhin Furbini – một nhân vật ít nhiều có liên quan tới chủ nghĩa phát xít ở Đức được cử làm Giám đốc NSA. Nhiều người coi đây là “luồng sinh khí mới”, gia tăng mối quan hệ hợp tác giữa tình báo hai nước Đức và Mỹ - vốn chỉ được giới chức Berlin chính thức chấp thuận từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 cho dù vẫn còn tồn tại những rắc rối và ràng buộc không rõ ràng.

Từ lâu, NSA đã trở thành tâm điểm của những vụ bê bối nghe lén những chuyện “thầm kín” nhất của người Mỹ, cùng những tiết lộ động trời. Cơ chế giám sát vi phạm luật riêng tư của NSA là khởi điểm cho những vụ bắt giữ các trùm khủng bố khét tiếng thông qua một “đội quân hacker tuyệt mật” quan trọng bậc nhất. Đó là đơn vị “Văn phòng các chiến dịch đột nhập đặc biệt” (TAO), vận hành trong những mạng lưới bí ẩn, chuyên xâm nhập các máy tính trên toàn cầu và kể cả việc cài mã độc vào các lô hàng điện tử để tiến hành nghe lén.

Xây dựng“trụ sở nghe lén” lớn nhất châu  Âu

NSA (National Security Agency) – Cục An ninh Quốc gia Mỹ ra đời vào ngày 4/11/1952, được xem là con quái vật tình báo vô tuyến điện tử khổng lồ của Mỹ. Bên trong “con quái vật do thám” này là một guồng máy đầy quyền năng, nhưng cũng lắm bí ẩn. Để tổ chức công việc hiệu quả cho NSA sau những chấn động mà nó phải hứng chịu đầu thập niên 1960, NSA đòi hỏi những nhà lãnh đạo có nhãn quan cuộc sống rộng lớn và được đào tạo tốt về khoa học mà giáo dục quân sự không thể có được. Bắt đầu từ thời Tổng thống J.F. Kennedy và sau đó thời L. Johnson, người ta có xu hướng từ bỏ nguyên tắc lựa chọn giới sĩ quan quân đội vào vị trí quyền lực nhất NSA.

Năm 1963, tiến sĩ Uzhin Furbini - một cựu đảng viên phát xít - được cử làm Giám đốc NSA. Thượng viện Mỹ phê chuẩn bổ nhiệm này mà chẳng bàn tán hay gây khó dễ gì. Thực ra, tại phiên họp của uỷ ban Quân lực Thượng viện ngày 27/6/1963, những cuộc chất vấn cặn kẽ về hoạt động chính trị của ông Furbini trước khi di cư sang Mỹ năm 1939 đã phát hiện những tình tiết “khác thường” trong lý lịch của Furbini, khiến ông nổi bật trong số các giám đốc khác của NSA. 

Nhà khoa học này thản nhiên báo cáo với các thượng nghị sĩ rằng, ông không bao giờ có liên hệ với cộng sản bởi vì ông là thành viên của một tổ chức phát xít. Điều này không hề cản trở Furbini trong những năm chiến tranh thế giới thứ II với tư cách một chuyên viên tư vấn khoa học của Lục quân và Hải quân Mỹ ở châu Âu. Nhân vật này liên tục đưa ra những lời khuyên giá trị nhằm đánh bại nhanh nhất những lực lượng khác trên bộ và trên biển. 

Sau chiến tranh, Uzhin Furbini vào làm việc tại một phòng thí nghiệm các thiết bị hàng không và tham gia thực hiện các dự án chế tạo các hệ thống điện tử bí mật ở đó. Furbini nổi bật trên cương vị của mình tại NSA trước hết nhờ việc lập danh sách những vụ tiết lộ bí mật nhà nước Mỹ trên báo chí, truyền hình. Chiếm vị trí rõ nét trong danh sách này là những phát biểu công khai của bộ trưởng và thứ trưởng quốc phòng Mỹ, những người là cấp trên trực tiếp của Furbini.

Nhiều người cho rằng, chính nhân vật này trở thành sợi dây kết nối giữa tình báo Đức – Mỹ, và thúc đẩy Mỹ nhanh chóng xây dựng hàng loạt những căn cứ nghe lén lớn nhỏ tại Đức. Tất nhiên, suy nghĩ kiểu này chưa bao giờ được kiểm chứng bởi vì chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu: tại sao Mỹ lại muốn gia tăng quan hệ tình báo với Đức, để rồi biến quốc gia này trở thành một trong những trung tâm nghe lén lớn nhất của Mỹ trên thế giới.

NSA hoạt động mạnh ở Đức hơn bất cứ nơi nào khác ở châu Âu và dữ liệu thu thập được giúp Mỹ tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố nguy hiểm trong một mạng lưới chằng chịt. Ngày 10/3/2004, hai vị tướng Mỹ - Richard J. Quirk III của NSA và John Kimmons, Phó tham mưu trưởng phụ trách tình báo quân đội Mỹ - đã hoàn tất một thỏa thuận nhằm thiết lập một trung tâm chiến dịch tình báo trên lãnh thổ nước Đức mang tên “Trung tâm An ninh châu  Âu” (ESC) hoạt động tại khu đất của quân đội Mỹ ở thị trấn Griesheim gần thành phố Darmstadt.

Hiện nay, ESC đã trở thành tiền đồn gián điệp quan trọng nhất của NSA ở châu  Âu. Khoảng 240 chuyên gia phân tích tình báo làm việc tại cơ sở “Khu phức hợp Dagger” ở Griesheim - là tổ hợp bao gồm các quân nhân, chuyên gia dân sự của quân đội và NSA, cũng như các nhân viên hợp đồng. Họ được giao trách nhiệm thu thập, xử lý phân tích và phân bổ các luồng giao tiếp điện tử trên toàn thế giới thông qua những trang thiết bị hiện đại nhất. Trái ngược với bề ngoài ảm đạm, hoạt động bên trong “Khu phức hợp Dagger” vô cùng nhộn nhịp.

Ở Frankfurt, không xa Griesheim, là một cơ sở gián điệp tín hiệu khác nằm bên trong tòa nhà Tổng lãnh sự Mỹ - đó là “Phòng thu thập đặc biệt” (SCS), trạm nghe lén được các công tố viên Đức đặc biệt quan tâm sau khi có thông tin nơi này được sử dụng để nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel. Theo một tài liệu mật đầu tháng 9 vừa qua, thông tin liên quan đến SCS cũng như những địa điểm của nó được giữ tuyệt mật trong ít nhất 72 năm. Bởi vì, nếu các hoạt động của trung tâm này bị tiết lộ, tất sẽ gây tổn hại đến tính hiệu quả của các phương pháp tình báo đang được sử dụng, và gây tác hại nghiêm trọng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và chính quyền các nước.

Một tài liệu của NSA soạn thảo ở Griesheim (Đức) mô tả chiến dịch giám sát các nghi can khủng bố tại châu Âu.

Trong suốt nhiều thập niên, NSA vẫn luôn duy trì trạm nghe lén lớn nhất tại Đức ở thị trấn Bad Aibling, bang Bayern. Các tài liệu cho thấy NSA rất hài lòng với Bad Aibling và hai chiến dịch phối hợp đầy kịch tính được tiến hành tại đây. Ngoài ra, NSA còn xây dựng một cơ sở gọi là “Trạm lưu trữ” ở thành phố Wiesbaden của Đức. Cho đến nay, gần như không ai biết về “Tòa nhà 4009”(cơ quan đầu não của “Trạm Lưu trữ”), chuyên phối hợp đồng thời với trạm nghe lén ở thị trấn Bad Aibling và thu thập, phân tích dữ liệu cùng ESC và SCS.

Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu chính quyền Đức có là “căn cứ tiền tiêu” cho các chiến dịch tiêu diệt khủng bố của Mỹ hay không, và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) phối hợp với quân đội Mỹ có sử dụng dữ liệu thu thập được tại Đức để triển khai phi đội máy bay vũ trang tấn công không người lái tại Afghanistan hay không? Trong khi đó, Nghị viện Đức và người dân nước này không thể biết được chính xác những thông tin gì được chuyển giao cho Mỹ, và phức tạp do có nhiều câu hỏi về tính pháp lý của sự hợp tác. Về phần mình, các cơ quan tình báo Đức luôn cho rằng, sự hợp tác của họ với NSA là tuyệt đối cần thiết - vì những nỗ lực chống khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức.

Vén màn đội quân hacker tuyệt mật

Ẩn sâu bên trong khu trụ sở rộng mênh mông của NSA tại Fort Meade, bang Maryland (Mỹ), trong một dãy phòng tách biệt với phần còn lại của cơ quan này là  “Văn phòng các chiến dịch đột nhập đặc biệt” (TAO)- một đơn vị bí ẩn đối với rất nhiều nhân viên của NSA. Có rất ít quan chức NSA có quyền tiếp cận các thông tin về TAO bởi độ nhạy cảm cao trong các chiến dịch của đơn vị này. Và những ai muốn vào khu vực làm việc của TAO bên trong tòa nhà của NSA cũng phải trải qua các bước kiểm tra an ninh đặc biệt. Cánh cửa dẫn tới trung tâm làm việc siêu hiện đại của đơn vị này được bảo vệ bởi các lính gác vũ trang, một cánh cửa thép mà người ta chỉ có thể vượt qua bằng cách nhập chính xác một mật mã sáu chữ số vào bảng điều khiển và thông qua một máy quét võng mạc để bảo đảm rằng chỉ có những người được cấp quyền đặc biệt mới có thể vượt qua cánh cửa này.

Theo các cựu quan chức NSA, TAO thành lập từ năm 1997, là bộ phận lớn nhất và quan trọng nhất trong “Cơ quan Tình báo Tín hiệu” (SIGINT) khổng lồ của NSA, quy tụ hơn 1.000 hacker máy tính dân sự và quân sự, các nhà phân tích tình báo, các chuyên gia xác định mục tiêu, các nhà thiết kế phần mềm và phần cứng cũng như các kỹ sư điện tử. Khi ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, TAO đã trở thành “một ngôi sao mới nổi” của cộng đồng tình báo Mỹ. Khi đó, một cựu quan chức NSA đã miêu tả về TAO rằng: “Họ vươn tới mọi nơi và lấy được những thứ mà không ai trong cộng đồng tình báo có thể lấy được”. Quả thực, TAO đã đóng góp những thông tin tình báo quan trọng nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến, tiếp cận những mục tiêu khó khăn nhất.

Nhiệm vụ của TAO rất đơn giản: lén lút xâm nhập vào các hệ thống viễn thông và máy tính mục tiêu, dò tìm mật khẩu, vô hiệu hóa các hệ thống an ninh bảo mật, đánh cắp và sao chép dữ liệu. Ngoài ra, TAO cũng chịu trách nhiệm phát triển các công cụ công nghệ thông tin để giúp Mỹ phá hủy hoặc gây hư hại các hệ thống viễn thông và hệ thống máy tính nước ngoài bằng các vụ tấn công qua mạng khi nhận được lệnh từ tổng thống Mỹ.

Một đơn vị khác bên trong TAO có tên là “Chi nhánh Các công nghệ mạng truyền thông” (TNT), chuyên phát triển các kỹ thuật để giúp các hacker của TAO bí mật chiếm quyền điều khiển các hệ thống máy tính và các mạng truyền thông bị xác định là mục tiêu mà không bị phát hiện. TAO thậm chí còn có một đơn vị thu thập thông tin tình báo riêng có tên gọi “Chi nhánh Điều hành công nghệ truy cập”, bao gồm các nhân viên biệt phái của CIA và FBI. Những nhân viên này thực hiện cái gọi là “các hoạt động ngoại mạng”, một cách gọi lịch sự cho việc sắp xếp các điệp viên CIA lén lút lắp đặt các thiết bị nghe trộm trên các hệ thống máy tính và truyền thông ở nước ngoài để các hacker của TAO có thể từ Fort Meade truy cập tới các hệ thống này.

Do bản chất và tính chất đặc biệt nhạy cảm về chính trị trong công việc, không có gì đáng ngạc nhiên khi TAO đã và sẽ luôn tìm cách né tránh việc bị công khai. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ hiểu rất rõ các công việc của TAO, cơ quan này tin rằng “càng ít người biết về TAO, càng tốt”…

Anh Doãn – Việt Dũng
.
.