Phép vua – lệ làng
- Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa: Không phải là vua thì muốn làm gì cũng được!
- Mổ chuyện "vua", nóng chuyện "thái thượng hoàng"...?
Cán bộ lãnh đạo địa phương là nơi tiếp xúc với dân nhiều nhất, nơi có rất nhiều cơ hội gầy dựng niềm tin vào thể chế cho dân. Đáng tiếc, đang có rất nhiều vấn đề xảy ra trong công tác tổ chức, đề bạt cán bộ địa phương, cũng như lối hành xử kỳ lạ của những vị cán bộ này. |
1. Cách đây hơn một năm, vào những ngày cuối tháng Chạp khi mà báo in đã bắt đầu dừng in, thì thông tin trên các trang online khiến dư luận ngỡ ngàng. Một người đàn ông vác bình xăng đến trụ sở UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, đòi đốt trụ sở xã vì cán bộ tại đây chây ì, không chịu trả tiền ăn nhậu thiếu.
Lãnh đạo xã trả lời phỏng vấn ngượng nghịu bảo đại ý do tiếp khách nhiều mà xã không có kinh phí ngoại giao, áng chừng thiếu 7 hay 8 triệu gì đó. Còn người dân đòi nợ thì bức xúc cho rằng cán bộ xã thiếu đến vài mươi triệu, quán muốn dẹp vì thiếu vốn. Thiếu mấy năm không trả, cứ viện cớ chưa có tiền.
Khi đọc điều này, tôi nhớ lại bài thơ trào phúng: "Bộ về thì tỉnh giết trâu/ Tỉnh lên, bộ hỏi đi đâu chú mày/ Tỉnh về, thì huyện giết cầy/ Huyện lên, tỉnh hỏi chú mày đi đâu/ Huyện về thì xã giết gà/ Xã lên huyện quát, bỏ nhà đi đâu?".
Cái tệ tiếp khách ăn nhậu vô tội vạ của cán bộ không còn xa lạ gì trong mắt nhân dân nữa, bất chấp nhiều đợt phát động chấn chỉnh của Chính phủ, bộ ngành đối với tác phong của cán bộ, công chức. Nhưng như gió thoảng qua, song, đâu rồi cũng lại vào đấy. Cái tâm lý khách đến địa phương không thể không mời cơm trưa, không bia rượu đã thành vết hằn tư duy. Không biết bao giờ thì mới chữa dứt điểm hẳn.
Xã Đồng Thái là xã nghèo của huyện Ba Vì, Hà Nội. Mặc dù là xã nghèo, nghèo đến mức nợ lương, bảo hiểm xã hội của cán bộ xã. Thế nhưng, lãnh đạo xã cũng đã linh động công tác bằng cách gây khoản nợ 38 tỷ đồng từ phong trào đua đòi xây dựng nông thôn mới. Không biết mấy ông này xây dựng nông thôn mới hay nông thôn nợ, tôi cũng chịu.
Không chỉ có vậy, báo giới còn thông tin chi tiết về khoản nợ hơn 3 tỷ của lãnh đạo xã này, là khoản nợ dành cho thói quen giải trí karaoke tại các quán trên địa bàn của xã. Báo giới phản ánh xong, lãnh đạo xã giãy lên như ngồi nhầm đống lửa, bảo có nợ tiền hát hò hồi nào đâu, toàn lấy nguồn tin không chính thống. Nợ là nợ nông thôn mới với nợ lương thôi, chứ ai thèm nợ hát hò.
Cũng không biết phải bình luận sao nữa, bất lực không ký tự nào diễn tả được.
Minh họa: Hữu Khoa. |
2. Bảy năm trước, Chính phủ từng chỉ đạo xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, kiểm tra về tình trạng lạm thu gây bất bình, phẫn nộ trong dân mà báo chí đã phản ánh, như: đặt ra những khoản huy động đóng góp của nhân dân và đề ra một số khoản phạt không đúng quy định; vi phạm cưỡng chế thu giữ tài sản của nhiều hộ dân trong xã; cắt điện sinh hoạt khi người dân không hoàn thành các khoản đóng góp…
Vậy mà cho đến hiện tại, báo giới vẫn tiếp tục phát hiện ra tình trạng lạm thu ở xã này, không chỉ lạm thu mà còn lạm thu đến mức không thua kém gì thời của chị Dậu mà cụ Ngô Tất Tố đã miêu tả trong Tắt đèn.
Tôi tự hỏi rằng, làm sao trong thời đại này mà cái thòng lọng việc làng vẫn còn đủ hung hãn để siết cổ người dân đến vậy. Làm sao lại có chuyện cay đắng trong thời đại này đến vậy.
Mới tuần trước, người ta còn phát hiện 7 cây cầu trên trục đường liên ấp ở xã nông thôn mới Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bị đập, bẻ lan can thành hình chữ V. Lý do được cán bộ xã đưa ra là bà con nông dân tự ý đập để taxi và xe cứu thương có thể ra vào.
Tuy nhiên, báo giới phát hiện ra những con đường có cầu bị đập, bẻ lan can lại chạy thẳng vào cụm biệt thự của lãnh đạo huyện. Theo miêu tả: "Trong đó, một căn là của ông P.V.T. (hiện là Trưởng ban Tuyên giáo huyện Phong Điền), hai căn còn lại là của vợ và em vợ vị cán bộ này.
Một căn nữa là của ông T.N.Q - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Phong Điền. Bản thân ông Q. cũng sở hữu một ôtô hạng sang thường xuyên ra vào con lộ liên ấp có cầu bị đập lan can".
Tôi chưa thấy dân nào dám đập hàng loạt cầu bao giờ cả. Buồn cười hơn, không biết khi bỏ ra 119, 3 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cùng nhiều vấn đề khác nhằm cho xã Giai Xuân đạt chuẩn nông thôn mới, lãnh đạo xã đã giám sát như thế nào để những cây cầu không đủ kích thước cho ô tô đi qua an toàn để rồi giờ lại đập, bẻ. Báo giới phát hiện thì lại vội vàng vừa tô trét xi-măng, vừa thanh minh.
3. Tổng Bí thư, Chính phủ đang có những động thái hết sức quyết liệt trong việc chấn chỉnh công tác cán bộ, việc đặt nhầm ghế cho con em lãnh đạo, đề bạt thuyên chuyển sai nguyên tắc bất chấp yếu kém, gây thua lỗ trong công tác trước đó… Chính vì vậy, lại càng không thể bỏ qua việc tác oai tác quái của những cán bộ lãnh đạo đang trực tiếp cai quản thành trì của lòng dân, đấy chính là các cán bộ lãnh đạo địa phương.
Bởi chỉ xét hành động của một bộ phận cán bộ như thế này thì đã có thể đưa ra nhận định dân biết hy vọng vào điều gì từ những cá nhân như vậy.
Nếu phép vua vẫn thua lệ làng, thì chắc chắn nảy sinh hệ lụy tiêu cực.