Phập phù!

Thứ Ba, 27/10/2020, 09:03
Bất chấp kết quả của các cuộc thăm dò dư luận được liên tiếp tổ chức đưa ra những kết quả khác nhau, điều duy nhất mà người ta biết được cho đến lúc này là không thể biết chắc được ai, ông Trump hay ông Biden, sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11…

Không thể biết ai sẽ thắng!

Chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự kiện không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới mà theo một cách nào đó, sẽ định hình thế giới trong khoảng thời gian ít nhất là 4 năm trước mắt.

Đương kim Tổng thống Donald Trump (bên phải) và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh: L.G.

Lý do đầu tiên khá đơn giản: Mỹ là cường quốc số 1 thế giới nên bất cứ một chính sách nào do người đứng đầu nước Mỹ đề ra sẽ có tác động không ít thì nhiều đến nước Mỹ, các nước đồng minh, bạn bè, đối tác và cả kẻ thù của nước Mỹ!

Lý do thứ hai là vì hai ứng viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11 tới, đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, có những khác biệt quá lớn. Ông Trump, 4 năm trước vào Nhà Trắng sau chiến thắng bất ngờ trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, đã ghi dấu ấn cá nhân của mình bằng hàng loạt chính sách đảo ngược hầu như hoàn toàn so với người tiền nhiệm Barcak Obama. Còn ông Biden, người từng là Phó Tổng thống dưới thời ông Obama, về cơ bản đi theo đường lối của vị Tổng thống người của đảng Dân chủ.

Lý do thứ ba là vì đến thời điểm trước khi chính thức diễn ra cuộc bầu cử (ở một số bang nước Mỹ đã tổ chức bầu cử sớm cũng như tổ chức bầu qua đường bưu điện), đã có vô số những sự cố mà chưa có một cuộc bầu cử tổng thống nào trước đó gặp phải: những lời tố cáo về sự “can thiệp” vào cuộc bầu cử không chỉ của một nước ngoài, một trong hai ứng cử viên tổng thống (ông Trump) bất ngờ dương tính với COVID-19 và vì thế, phải hủy cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai trên truyền hình với đối thủ...

Và bất chấp kết quả của các cuộc thăm dò dư luận được liên tiếp tổ chức đưa ra những kết quả khác nhau, điều duy nhất mà người ta biết được cho đến lúc này là không thể biết chắc được ai, ông Trump hay ông Biden, sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11.

Có một từ khá chính xác để mô tả tình trạng cuộc bầu cử khi mà thời gian chỉ còn tính bằng ngày: phập phù.

Không phải cứ được nhiều cử tri ủng hộ là thắng!

Sự giằng co sít sao giữa hai ứng cử viên trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không phải là điều mới lạ.

Còn nhớ trong cuộc bầu cử năm 2000 giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa George W.Bush với ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore, 4 ngày sau khi diễn ra bầu cử, kết quả cuộc kiểm phiếu ở bang “chiến địa” Florida ngày 7-11-2000 đã liên tục nhảy múa khiến người ta phải đau tim. Các đài truyền hình hết đưa tin ứng cử viên đảng Cộng hòa thắng rồi lại đến ứng cử viên đảng Dân chủ thắng và ngược lại.

Kết quả kiểm phiếu thay đổi nhanh đến nỗi ông Al Gore của đảng Dân chủ đã gọi điện thoại cho ông George W.Bush thừa nhận thua cuộc nhưng rồi sau đó rút lại!

Phải đến 3 tuần sau ngày bầu cử, kết quả mới được công bố và chỉ nhờ hơn 537 phiếu bầu phổ thông ở bang “chiến địa” Florida, do đó vơ hết 25 phiếu đại cử tri ở bang này, ông Bush mới thắng ông Gore (dù ít hơn ông Gore 543.895 phiếu phổ thông trên toàn quốc nhưng do thắng ở Florida, ông Bush lại có 271 phiếu đại cử tri so với 266 phiếu của ông Gore).

Mà thắng phiếu phổ thông nhưng thua toàn cục ông Gore cũng không phải là người đầu tiên. Có ít nhất tới 5 ứng cử viên tổng thống đã lên ngôi cao nhất nước Mỹ không theo con đường chính thống.

Đơn cử như cuộc đua giữa hai ứng cử viên Rutherford Hayes của đảng Cộng hòa và Samuel Tilden của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 1876. Kết quả bầu cử cho thấy ông Rutherford Hayes thắng phiếu phổ thông, được 165 phiếu đại cử tri, còn ông Samuel Tilden thua phiếu phổ thông nhưng được 184 phiếu đại cử tri.

Vấn đề là ở thời điểm đó, cần phải đạt con số 185 phiếu đại cử tri mới được coi là người chiến thắng và vẫn còn tổng cộng 20 phiếu đại cử tri ở 3 bang của nước Mỹ là Florida, Lousiana, South Carolina không biết thuộc về ứng cử viên nào do lẽ cả hai đảng đều tuyên bố ứng cử viên của họ là người thắng cuộc.

Do chưa có quy chế cho trường hợp này nên Hạ viện Mỹ khi ấy đành phải lập ra một ủy ban để bỏ phiếu trao 20 phiếu đại cử tri cho ông Rutherford Hayes, sau khi hai đảng ký một thỏa hiệp chính trị, theo đó đảng Dân chủ chấp nhận kết quả bầu cử cho Hayes với điều kiện ông này phải rút hết quân đội bảo vệ các thành viên đảng Cộng hòa trong chính phủ ở miền Nam...

Nói vậy để thấy là tình trạng bất định trong cuộc đua nước rút những ngày cuối cùng hiện nay giữa ông Trump và ông Biden không phải là điều mới lạ. Nó chỉ phản ánh một đặc điểm của nền chính trị Mỹ qua cơ chế bầu cử, khi không phải một đa số nào đó mà đôi khi, chính cái “thiểu số thầm lặng” mới lại là yếu tố quyết định cuộc đua!

Quyết định bỏ phiếu của nhiều cử tri Mỹ sẽ không thay đổi theo những diễn biến hay sự cố bất ngờ trong quá trình tranh cử. Ảnh: L.G.

Sự “kiên định” của cử tri Mỹ

Những cuộc thăm dò trước khi diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa ông Trump và ông Biden cho thấy một thực tế: đa phần những người được hỏi cho biết họ đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai rồi và dù họ có xem tranh luận thì điều đó cũng chẳng làm thay đổi quyết định của họ.

Nói cách khác, thực tế này cho thấy một sự thực khác: sự phân cực chính trị ở Mỹ đã tới tình trạng là lòng trung thành vượt lên trên các giá trị vốn được coi là tiêu chuẩn để cử tri Mỹ quyết định bên thùng phiếu xem ai nên là người dẫn dắt nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo.

Có nghĩa là quyết định bỏ phiếu của nhiều cử tri Mỹ sẽ không thay đổi theo những diễn biến hay sự cố bất ngờ trong quá trình tranh cử. Khi tôi trung thành với một ứng cử viên nào đó, tôi sẽ bầu cho người đó, bất kể tiếng tăm (tốt cũng như xấu) của người đó ra sao!

Người ta thấy ít có chính trị gia nào như ông Trump phải đối mặt với vô vàn những tin tức tiêu cực từ truyền thông đại chúng Mỹ (đa phần không thích ông Trump và ông cũng luôn thể hiện sự ác cảm không giấu giếm đối với họ) tung ra hằng ngày.

Có cả một danh sách dài dằng dặc những lời tuyên bố hớ hênh của ông Trump. Chẳng hạn năm 2018, khi đến Pháp dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày Thế chiến 1 kết thúc, ông từ chối đến thăm một nghĩa trang ở Pháp, nơi chôn cất 1.800 lính thủy quân lục chiến Mỹ tử trận ở châu Âu, gọi họ là “những người thua cuộc”. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, sau một buổi báo cáo tại Nhà Trắng của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joe Dunford, ông Trump tỏ vẻ tiếc nuối: "Đó là một người thông minh đấy. Tại sao ông ấy lại vào quân đội?"...

Thế nhưng, những điều đó cũng chẳng làm những người ủng hộ ông Trump thay đổi lập trường. Ngay cả việc ông Trump, người thường xuyên chế giễu việc đeo khẩu trang nhưng rồi bản thân lại bị nhiễm COVID-19, cũng chẳng làm cho những người ủng hộ ông dao động. Hơn thế nữa, họ còn cho rằng việc ông Trump nhanh chóng khỏi bệnh và tiếp tục quay lại đường đua cho thấy sự mạnh mẽ của đương kim tổng thống, đến ngay cả con virus nguy hiểm Corona cũng chẳng làm gì nổi ông!

“Thiểu số thầm lặng”

Do sự “kiên định” của cử tri Mỹ như vậy nên điều quan trọng với hai ứng cử viên trong những ngày cuối cùng của chặng đua khốc liệt vào Nhà Trắng không phải là thuyết phục những cử tri thuộc phe mình bỏ phiếu cho mình. Ngoài các cử tri đoàn của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, còn có một đối tượng thứ ba, những cử tri độc lập, không thuộc đảng phái nào, chiếm khoảng 1/3 tổng số cử tri (34%).

Chính cái “thiểu số thầm lặng” này mới là đối tượng chính để hai ứng cử viên dốc lòng chinh phục!

Những con số không biết nói dối. Trong cuộc bầu cử năm 2008, có 52% cử tri không theo đảng phái nào đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ Barack Obama, trong khi 44% bỏ phiếu cho ứng cử viên Cộng hòa John McCain; ông Obama thắng. Đến cuộc bầu cử cách đây 4 năm, có tới 48% số cử tri độc lập bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi chỉ có 42% bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton; ông Trump thắng!

Như vậy là cho dù trong số các cử tri độc lập vẫn có một tỷ lệ nhất định nghiêng về một trong hai đảng nhưng lập trường của số cử tri này (và do vậy số phiếu bầu của họ) vẫn thường xuyên thay đổi.

Những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn của số cử tri này rất đa dạng, từ cách nhìn nhận của họ đối với nhân cách của ứng cử viên, chương trình tranh cử, những thành tích (kinh tế, đối ngoại) trong quá khứ, những kỳ vọng vào đường hướng chính sách của ứng cử viên trong tương lai hay ấn tượng qua các cuộc tranh luận trên truyền hình... đều có thể tác động đến lựa chọn của họ.

Theo thống kê, tỷ lệ đi tham gia bỏ phiếu của đối tượng “thiểu số thầm lặng” này không cao, chỉ trên dưới 50%, thế nhưng chính sự không kiên định của họ mới là yếu tố quyết định kết quả bỏ phiếu ở những bang “chiến địa” quan trọng và do vậy, có thể ảnh hưởng đến toàn cuộc chiến.

Những cử tri thuộc “thiểu số thầm lặng” cũng ít khi tham gia các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, do vậy, kết quả của các cuộc thăm dò không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực tế bầu cử. Tính chất dễ dao động của đối tượng cử tri này dẫn tới tính chất phập phù của cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong chưa đầy 10 ngày tới.

Yên Ba
.
.