Paris đơn độc

Thứ Sáu, 02/10/2020, 11:22
Một lần nữa, loài người có thêm thí dụ chứng minh rằng những lời hiệu triệu chung chung về các vấn đề mang tính sinh tử hoàn toàn có thể bị khuất lấp dưới sức hấp dẫn lấp lánh của lợi ích. Những gì đang diễn ra quanh Hiệp định thương mại tự do EU - MERCOSUR, không gì khác, là tiếng kêu cứu của Thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu - Paris 2015.

EU - MERCOSUR là gì?

Đó là một hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết vào ngày 28-6-2019, giữa Liên minh châu Âu (EU) với 4 nền kinh tế lớn trong Khối Thị trường chung Nam Mỹ: Brazil, Argentina, Urugay và Paraguay. Những đối tác ở hai bờ Đại Tây Dương ấy đã phải mất tới 20 năm và 39 vòng đàm phán để hoàn tất hiệp định này.

Nếu có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do EU - MERCOSUR sẽ tạo nên một thị trường với quy mô 800 triệu dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm xấp xỉ 25% GDP toàn cầu. Chính vì thế, mùa hè năm ngoái, khi được ký kết, hiệp định ấy đã được xem là một dấu mốc lịch sử, một trong những FTA quan trọng nhất trong guồng quay kinh tế thế giới hiện đại.

Không chỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên MERCOSUR, như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hoặc Bộ Ngoại giao Argentina, trông đợi vào những lợi ích lớn lao sẽ được tạo nên từ hiệp định này, khi “tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của các nước thành viên, cũng như giúp thị trường các nước trong khu vực tiếp nhận hàng hóa và dịch vụ từ châu Âu, đồng thời duy trì các công cụ phát triển công nghiệp trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mua bán công và bảo vệ thương mại...”.

Thỏa thuận Paris 2015 vẫn chưa tiến được xa trong thực tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) khi ấy - ông Jean Claude Juncker - cũng nhấn mạnh: “Đây là một thỏa thuận thương mại quan trọng nhất trong lịch sử của EU” và là “một thông tin tuyệt vời đối với doanh nghiệp và nền kinh tế của hai khối ở hai bờ Đại Tây Dương, mở ra một giai đoạn phát triển và hợp tác mới giữa hai bên. Việc kết thúc quá trình đàm phán là minh chứng cho thấy cam kết của cả hai khối trong việc mở cửa nền kinh tế, tăng cường các điều kiện cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh những căng thẳng và hỗn loạn trong thương mại thế giới đang ở mức cao trào”.

Có điều, để chính thức có hiệu lực thực thi, Hiệp định Thương mại tự do EU - MERCOSUR còn phải được quốc hội của cả 27 nước thành viên EU chấp nhận và thông qua các điều khoản.

Điểm nghẽn

Ngày 18-9-2020, Chính phủ Pháp khẳng định: Nước Pháp vẫn duy trì quan điểm phản đối Hiệp định Thương mại tự do EU - MERCOSUR. Lý do được đưa ra là: Trong dự thảo hiện tại, vẫn không có điều khoản quy định xử phạt đối với các hành vi chặt phá rừng ở các quốc gia MERCOSUR. Theo Paris, đây là một “lỗ hổng”, và đây cũng chính là nguyên nhân khiến Pháp phản đối dự thảo thỏa thuận này.

Tuyên bố đó được đưa ra sau khi Thủ tướng Pháp Jean Castex nhận được một báo cáo, trong đó chỉ trích EU đã “bỏ lỡ cơ hội sử dụng sức mạnh đàm phán để đạt được các đảm bảo về vấn đề môi trường”, thông qua Hiệp định EU - MERCOSUR. Theo nhiều nguồn tin, bản báo cáo dày 184 trang, đề cập chi tiết đến nạn chặt phá rừng tại khu vực châu thổ sông Amazon, cũng như tình trạng tăng sản lượng thịt bò ở khu vực Nam Mỹ.

Biểu tình chống FTA EU - MERCOSUR.

Nước Pháp không chỉ là một trong hai quốc gia giữ vai trò lãnh đạo EU, cùng với nước Đức (sau khi nước Anh đã ra đi). Nước Pháp còn là ngọn cờ của các hoạt động chống biến đổi khí hậu toàn cầu - vai trò mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc, hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là hai nền kinh tế phát khí thải nhiều nhất thế giới, đều đã từ chối. Nhờ sự tác động và những nỗ lực không mệt mỏi của nước Pháp, Hội nghị Chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP-21 vẫn cứ diễn ra vào cuối năm 2015, trong bối cảnh chính nước Pháp cũng đang rung chuyển dưới nỗi lo sợ về những nguy cơ khủng bố, để khép lại trong một bầu không khí đồng thuận với Thỏa thuận Paris.

Thế nhưng, cho đến ngày 18-9-2020, Pháp vẫn là quốc gia thành viên EU duy nhất phản đối Hiệp định Thương mại tự do EU - MERCOSUR. Thậm chí, vào tháng 8-2019, khi Quốc hội Pháp không chấp nhận thỏa thuận ấy, bởi Chính phủ Brazil bác bỏ những chỉ trích về trách nhiệm của họ trong các vụ cháy rừng khủng khiếp ở khu vực Amazon, Paris còn vấp phải những sự chỉ trích mạnh mẽ từ London và Berlin.

Lợi ích kinh tế đã và đang phủ cái bóng của mình lên tất cả. Ngoại trừ nước Pháp, có vẻ chưa quốc gia thành viên EU nào sẵn sàng tự dựng rào cản lên trước mặt mình, để ngăn bước chân tiếp cận một thị trường mới đầy những hứa hẹn hợp tác như MERCOSUR.

Một cánh tay đơn độc

Cũng cần phải nhắc lại, một năm trước, cũng ngày 18-9 (năm 2019), Quốc hội Áo đã bỏ phiếu chống dự thảo Hiệp định Thương mại tự do EU - MERCOSUR, với những lý do tương tự nước Pháp. Tuy vậy, sau một năm, nước Áo vẫn chưa có thêm động thái gì xa hơn.

Hiện tại, dưới lá cờ “bảo vệ môi trường”, Paris dự kiến sẽ nêu 3 điều kiện để các cuộc đàm phán tiếp tục được tiến hành, trong đó có cả điều kiện tuân thủ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng, dự định ấy của nước Pháp có nhận được sự ủng hộ rộng rãi không và các nước MERCOSUR có chấp thuận không thì lại là những câu chuyện hoàn toàn khác.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là với những hệ lụy kinh khủng của đại dịch COVID-19. Sự sụt giảm của các chỉ số tăng trưởng, sự đình trệ của các guồng máy kinh tế cũng như viễn cảnh còn vô cùng u ám đang khiến mọi cơ hội “làm ăn” trở nên quan trọng hơn bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Chính vì thế, để sát cánh với nước Pháp và ngăn chặn một FTA hứa hẹn như Hiệp định Thương mại tự do EU - MERCOSUR chỉ với lý do chiến đấu cho “ngôi nhà chung của nhân loại”, bất cứ quốc gia nào cũng sẽ nhấc lên đặt xuống các vấn đề thật thận trọng.

Cháy rừng Amazon, vấn đề khiến các quốc gia MERCOSUR bị chỉ trích rất nhiều, đặc biệt là Brazil.

Tuy vậy, tình hình cũng không hẳn là không còn cách thay đổi, nếu Paris tìm kiếm và tập hợp các đồng minh theo một phương thức khác, với một cách tiếp cận vấn đề khác.

Một năm trước, sau khi EU và MERCOSUR ký kết các điều khoản song phương sơ bộ, cùng các nhà hoạt động vì môi trường, giới nông dân cả châu Âu cũng vô cùng thất vọng. Theo Pekka Pesonen - Tổng Thư ký Liên minh nghiệp đoàn Copa-Cogeca, đại diện cho 23 triệu nông dân trên toàn châu Âu, "Thỏa thuận này sẽ đi vào lịch sử như một thời điểm đen tối". Vì sao? Vì thỏa thuận ấy sẽ “khuyến khích chính sách thương mại tiêu chuẩn kép và nới rộng khoảng cách giữa những gì mà nông dân châu Âu yêu cầu và những gì mà các nhà sản xuất MERCOSUR chấp nhận”. 

Nói gắn gọn, FTA EU - MERCOSUR gợi lên những sự thua thiệt đối với giới sản xuất nông nghiệp cựu lục địa. Điều này được chia sẻ rộng rãi từ các đại diện nông dân ở cả Pháp, Đức - những nước có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu, rằng FTA đó chính là một cách để khiến nông dân châu Âu phải cạnh tranh không công bằng.

Điều này hoàn toàn có thể được sử dụng như một công cụ giúp nước Pháp gây thêm sức ép, qua đó bắt các cuộc đàm phán tiếp theo đưa thêm những vấn đề mà họ cho là quan trọng vào chương trình nghị sự. Cho dù, hướng đi ấy cũng từng được Brazil “nhận diện”.

Một năm về trước, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nói rằng những cáo buộc mà các nhóm hoạt động vì môi trường cũng như các tổ chức phi chính phủ hướng về phía ông, khuấy lên một thứ “tâm lý vì môi trường”, rút cục cũng chỉ để nhằm gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Brazil...

Đông Phong
.
.