Giao thừa đáng nhớ:

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ: Nhớ những tết nghèo

Thứ Năm, 28/01/2010, 11:33
Trong tâm thức của mỗi người Việt, dù đi đâu, làm gì, cũng có một khoảnh khắc để lắng mình lại, linh thiêng trong đêm giao thừa. Và có lẽ trong đời người, ai cũng từng trải nghiệm những khoảnh khắc giao thừa đáng nhớ.

Với người nghệ sĩ, có thể đó là phút giây lóe sáng của sự sáng tạo, với nhà nghiên cứu, đó là những trải nghiệm thú vị trên hành trình đi tìm chân lý, với các bậc chính khách, đó là khoảnh khắc vui chung niềm vui của mọi người… hay với những người đã từng xa Tổ quốc, giao thừa xa xứ trở thành nỗi ám ảnh hằn sâu trong tiềm thức…

Năm 1966, đang là thời bao cấp lại còn bị Mỹ ném bom bắn phá nên cơ cực lắm. Lúc đó, tôi công tác ở Bộ Ngoại giao và được Đảng ủy Bộ giao nhiệm vụ tham gia việc lo Tết cho anh em. Thế hệ trẻ bây giờ không thể hình dung nổi kiểu lo Tết như thế nào trong thời bao cấp. Ngoài gói hàng Tết được phân phối do Mậu dịch cấp phát, trong đó có một miếng bóng bì lợn cỏn con, một gói mì chính một gói hồ tiêu chỉ bằng bao diêm, một bao chè và một bao thuốc lá Điện Biên… thì mỗi cơ quan phải lo chạy gạo, thịt cho anh em gói bánh chưng.

Bộ Ngoại giao chẳng có cơ sở sản xuất nào, chỉ còn cách chạy xuống địa phương vận động sự trợ giúp. Bộ cũng chẳng có thế mạnh gì ngoài khả năng nói chuyện thời sự - "một món" dân ta rất thích.Thực hiện yêu cầu của Đảng uỷ, tôi quyết định mò về một Hợp tác xã ở Thịnh Long thuộc tỉnh Nam Định vốn có quan hệ với Bộ Ngoại giao về việc nghe chuyện thời sự để vận động sự trợ giúp.

Họp xong,  để tránh máy bay địch nên chiều muộn tôi mới lên đường. Đã 28-29 Tết gì đó, trời tối đen như mực. Lạnh và rét run người. Chúng tôi đi mãi trên con đường gập ghềnh, giữa đồng không mông quạnh, gió hun hút, nhưng không thể có cách nào định vị được ngôi làng mình cần đến, gặp được ngôi làng cần tìm. Chợt ở xa xa le lói một ánh đèn, chúng tôi mừng quá, vội tiến đến gần, hỏi thăm thì hóa ra đó chính là hợp tác xã mà chúng tôi đang tìm.

Vốn có "quan hệ truyền thống" và nhờ tấm lòng rất rộng mở của bà con nông dân , tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, tranh thủ được ít gạo nếp và con lợn về cho anh em để chuyên chở về Hà Nội, chúng tôi còn phải xin giấy của chính quyền địa phương; nếu không có thể bị tịch thu giữa đường! Cái thời bao cấp nó là vậy mà!Sáng 30 Tết cả cơ quan xúm xít mổ lợn, chặt chặt, chia chia, mỗi suất được một mẩu thịt, mẩu tim, mẩu gan… bé bằng hai ngón tay.

Lòng lợn được bỏ vào chiếc nồi nhôm Liên Xô to đùng để nấu cháo, mọi người xúm nhau quanh nồi xì xụp ăn hết sức ngon lành. Sân cơ quan vui như ngày hội, nói nói, cười cười như pháo ran, ai cũng thoả mãn, ai cũng vui, thật ấm áp tình người.

Sau này, nhất là kể từ khi đất nước đi vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống khá dần thì không còn phải chạy vạy lo ăn như vậy nữa, nhưng lại mất dần cái thú vui cùng lo toan, cùng vui vầy như thời bao cấp. Đúng là "một miếng khi đói bằng một gói khi no"! Mỗi lần đón Tết, tôi lại nhớ đến đêm giao thừa thời bao cấp ấy. Chẳng ai muốn níu kéo cái cơ cực làm gì nhưng càng đủ đầy càng nên nhớ đến những người còn cực nhọc, càng cần giữ lấy tình người

Khánh Linh
.
.