Ở bên kia Đại Tây Dương

Thứ Bảy, 14/11/2020, 09:26
Dĩ nhiên, những cơn chấn động ghê gớm trên chính trường nước Mỹ - thể hiện ở diễn biến đầy kịch tính cũng như những hệ quả u ám hoàn toàn có thể tiên liệu - không ít thì nhiều cũng sẽ có những tác động không mong đợi đến mọi khu vực khác trên bản đồ địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, nhu cầu tự chủ và xu hướng đa cực hóa có lẽ lại có cơ hội được thể hiện rõ nét hơn, ngay từ một khối đồng minh truyền thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như Liên minh châu Âu (EU).

Bóng ma khủng bố quay trở lại đe dọa an ninh châu Âu.

Nếu và thì

Ít nhất, như Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh, khi cuộc đua đến ngôi vị chủ nhân Nhà Trắng vẫn còn chưa ngã ngũ: Bất kể kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thế nào thì Đức cũng như EU sẽ cần phải chủ động và tự điều chỉnh để thích nghi với tình hình.

Người đồng liêu của bà, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, cũng có chung quan điểm, khi cho rằng trước tình hình hiện nay ở Mỹ thì Đức và châu Âu cần củng cố và tăng cường "chủ quyền và vị thế " của mình để thiết lập một trật tự toàn cầu mới dựa trên các quy tắc. Và điều này được diễn giải cặn kẽ hơn: "Đây cũng là lý do vì sao chúng ta cần tận dụng cơ hội này để làm cho châu Âu hùng mạnh hơn".

Cơ hội được các nhà lãnh đạo nước Đức - trái tim của châu Âu - nhắc đến ở đây là gì? Là nguy cơ xảy ra một cuộc “khủng hoảng hiến pháp” có hệ thống có thể xảy ra, với những hệ lụy nhãn tiền của cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai ông Donald Trump và Joe Biden, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Hay nói rộng hơn, mâu thuẫn càng lúc càng bị khoét sâu giữa rất nhiều nhóm hoặc giai tầng trong lòng xã hội Mỹ.

Ở cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 này, những chia rẽ nội tại xã hội ấy chưa bao giờ được khắc họa rõ nét đến thế. Chỉ riêng việc số cử tri đi bầu sớm đạt con số kỷ lục (hơn 100 triệu phiếu) đã đủ hé lộ một thứ tâm trạng bất an và nhu cầu bày tỏ chính kiến của mình, khi phải chứng kiến quá nhiều nỗi lo lắng, cũng như có quá nhiều mối bận tâm đến các vấn đề thời cuộc. Họ không bầu cho tính cách mà họ bầu cho chính sách. Những lựa chọn của họ xung khắc, thậm chí đối nghịch với nhau.

Điều đó, không thể khác được, sẽ phủ một cái bóng u ám lên chính trường Mỹ trong vòng 4 năm tới. Sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết đang trở nên xa xỉ. Ngược lại, chắc chắn là mọi “đại quyết sách” liên quan đến “quốc kế dân sinh” của phe này sẽ bị phe kia ngáng trở với tất cả mọi công cụ cần thiết, ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện, ở cả Nhà Trắng lẫn Tòa án Tối cao.

Dù có muốn, một nước Mỹ chia rẽ và tự làm mình suy yếu như vậy cũng khó có thể trở lại vai trò lãnh đạo đơn cực mà họ đã từng có, tại rất nhiều điểm nóng địa chính trị cũng như những vấn đề mang tính sinh tồn đối với nhân loại, như phòng chống biến đổi khí hậu hay ngăn chặn sự lây lan của đại dịch suy hô hấp cấp toàn cầu COVID-19. Nước Mỹ sẽ bận tâm nhiều hơn đến những cuộc tranh chấp trong nội bộ của họ và tập trung nhiều hơn vào chuyện xử lý những vấn đề riêng của họ (như việc sụt giảm tới 11 triệu việc làm so với thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, hay những tranh cãi về chăm sóc y tế cộng đồng).

Đánh bắt thủy sản - vướng mắc chưa được tháo gỡ cho Brexit.

Washington, dù muốn dù không, khi tự khóa chân khóa tay chính mình bởi những xung đột chính trường, cũng sẽ để lại những khoảng trống. Và những khoảng trống đó dĩ nhiên là sẽ được cố gắng lấp đầy, bởi các trung tâm quyền lực quốc tế khác.

EU, bởi vậy, sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội này, nhằm củng cố và nâng cao vị thế của mình.

Có thực mới vực được đạo

Có điều, để nắm bắt được cơ hội ấy trên lĩnh vực đối ngoại, để thể hiện được sự độc lập của riêng châu Âu trong việc càng ngày càng bớt phụ thuộc vào “chiếc ô” an ninh - quốc phòng truyền thống mang tên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nước Mỹ là thủ lĩnh và hướng tới việc tự mình lấp đầy các khoảng trống, trở thành một cực mới đích thực trên bản đồ thế giới, EU đầu tiên lại phải giải quyết được triệt để những vướng mắc mà họ vẫn còn đang loay hoay mắc kẹt, trên lĩnh vực kinh tế - thương mại cũng như trong các xã hội.

Xung đột về niềm tin tôn giáo giữa nước Pháp (mà nói rộng ra là cả hệ giá trị châu Âu) với cộng đồng Hồi giáo toàn cầu đang trở thành một thứ ung nhọt, đe dọa đầu độc và hủy hoại toàn bộ rất nhiều chính sách đối ngoại của EU. Đầy hàm ý, hãng tin Arab Al Jazeera, ngay khi đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra những tuyên bố cứng rắn đầu tiên, đã bình luận: “40 năm chống khủng bố đã trở thành công cốc”.

Quả vậy, những bóng ma khủng bố đã trở lại. Sau những vụ giết chóc ở Paris, Nice hay Vienna, chẳng cần tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên tiếng nhận trách nhiệm như một lời hăm dọa đẫm máu, ai cũng có thể hiểu rằng một làn sóng cực đoan đã sẵn sàng đổ ập xuống châu Âu. Bất cứ kẻ cuồng tín nào cũng có khả năng hành xử như một “con sói đơn độc” được IS đào tạo và điều đó khiến bầu trời châu Âu một lần nữa trở nên xám xịt.

Bối cảnh ấy khiến việc đẩy mạnh giao thương bị đặt trước một thứ rào chắn không dễ dỡ bỏ. Tuy nhiên, mối lo về những kẻ khủng bố vẫn còn là tương đối “dễ thở” so với những hệ lụy kinh khủng của đại dịch COVID-19 trong đợt bùng phát mới. Những nền kinh tế tê liệt và kiệt quệ đã bị đẩy đến sát giới hạn chịu đựng nhưng tăng cường phong tỏa vẫn là việc không thể không thực hiện. Nước Đức và nước Pháp - hai quốc gia lãnh đạo - đã phải tái tuyên bố phong tỏa toàn quốc. Rất nhiều nước thành viên khác đáng lẽ cũng đã phải làm như vậy nếu không lo ngại hệ thống kinh tế của mình hoàn toàn sụp đổ.

Nguy cơ về một đợt suy thoái kép vẫn đang bao vây 19 quốc gia thuộc nhóm Eurozone (Khu vực đồng tiền chung châu Âu).  Theo những số liệu chính thức mới nhất được công bố, do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Eurozone đã sụt giảm 12,7% trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó riêng quý II đã sụt giảm 11,8%, mức sụt giảm chưa từng có. Những tình huống bất lợi được dự báo ở làn sóng bùng phát thứ nhất thậm chí đã trở thành “trạng thái bình thường mới” - như đánh giá chua chát của ông Klaus Regling, Chủ tịch quỹ cứu trợ tài chính thuộc Eurozone mang tên Cơ chế Bình ổn châu Âu.

Cổng Brandenburg nổi tiếng của nước Đức trước khi có lệnh tái phong tỏa toàn quốc.

Trong khi đó, những thỏa thuận hậu Brexit với nước Anh vẫn đang tiến triển rất chậm chạp, dù thời gian đã trôi đến những vạch cát cuối cùng trên chiếc đồng hồ đếm ngược. Đến ngày 3-11, EU và Vương quốc Anh vẫn chưa đạt được thỏa thuận về 3 điểm gây tranh cãi dai dẳng nhất trong các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit, sau 2 tuần đàm phán căng thẳng. Một bộ quy tắc cơ bản về cạnh tranh bình đẳng và một cấu trúc quản trị có thể giải quyết các tranh chấp - cơ sở để thiết lập các cam kết thương mại song phương - vẫn chưa thành hình. Bên cạnh đó, về lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản, việc London đòi hỏi những cuộc đàm phán thường niên về hạn ngạch khai thác vẫn bị Brussels từ chối. Mà theo lịch trình, các thỏa thuận cần phải đạt được trước ngày 15-11, để Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Nếu không, kịch bản “Brexit không thỏa thuận” gần như chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Điều đó, rõ ràng, chẳng hứa hẹn gì tốt đẹp cho cả nền kinh tế Anh quốc lẫn EU, giữa muôn trùng sóng gió. Mà nếu không bảo đảm được sự vững vàng về các nguồn lực kinh tế, những tham vọng địa chính trị hay tầm ảnh hưởng, cố nhiên, cũng trở nên khá xa vời.

Đông Phong
.
.