Nước Nga, hai thập niên với “người được chọn”

Thứ Bảy, 16/05/2020, 13:58
Đúng ngày 7-5 cách đây 20 năm, một người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé chính thức bước vào làm việc trong căn phòng tổng thống của Điện Kremlin và lịch sử của nước Nga đã sang trang từ thời điểm ấy.

“Tôi sẽ làm việc ở nơi được chỉ định”

Cuộc hành trình của "Putin đại đế", như cách gọi của nhiều người Nga bây giờ, thực tế đã bắt đầu từ 272 ngày trước đó. Đó là ngày 9-8-1999, lần đầu tiên thế giới biết về một người đàn ông có tên là Vladimir Putin trên truyền hình, khi vị Tổng thống Nga khi đó - Boris Yeltsin - trao đổi với ông về công việc. Đó là người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé nhưng rất lanh lẹ, với đôi mắt to tròn xanh thẳm đầy cuốn hút. Đó chính là ngày mà "ông già" Boris Yeltsin đã quyết định bổ nhiệm vị giám đốc của Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) vào vị trí người đứng đầu chính phủ. Một quyết định gây bất ngờ cho tất cả.

Xuất thân là một người lính, một điệp viên KGB, còn khá trẻ và mới được bổ nhiệm lãnh đạo FSB vài ngày trước đó, khi đó Vladimir Putin không có nhiều kinh nghiệm chính trị. Trong bối cảnh nước Nga vẫn chìm trong hỗn loạn thời hậu Xôviết, lại đang rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 1998, việc đặt số phận nước Nga vào một "tay mơ" như Putin có vẻ là một quyết định quá sức mạo hiểm. Chỉ trong vòng 6 tháng trước đó, 3 vị thủ tướng của nước Nga đã liên tiếp phải rời nhiệm sở.

Nước Nga vào thời điểm đó là một cơ thể rệu rã. Kinh tế yếu kém, đời sống của người dân giảm sút nghiêm trọng, chính trị mất ổn định, nội bộ đất nước phân rã, vị thế quốc tế đi xuống và một tương lai đầy hoài nghi chờ đợi. Lúc này, người dân Nga muốn có những thay đổi cơ bản và cụ thể, muốn tìm lại niềm tự hào dân tộc và khôi phục vị thế của mình như đã từng có trước đây. Không khó để nhận ra ông Boris Yeltsin đã không còn đủ sức gánh vác trọng trách trong bối cảnh mới nữa. Bản thân ông cũng quá mệt mỏi với những căn bệnh của mình và muốn tìm một người kế nhiệm xứng đáng. Đó thực sự là một nan đề. Nhưng, ở thời khắc quyết định đó, Boris Yeltsin đã chọn được một người thay thế không thể xứng đáng hơn.

Thời khắc lịch sử khi cựu Tổng thống Yeltsin giới thiệu ông Putin với thế giới.

"Tôi sẽ làm việc ở nơi mà ngài chỉ định", câu trả lời ngắn gọn, đúng theo phong cách của một quân nhân khi nhận được lời đề nghị của vị tổng thống già. Và nước Nga đã bước vào một thời kỳ mới.

Ấn tượng đầu tiên đối với thế giới về vị tân Thủ tướng Nga là cuộc chiến ở Chechnya diễn ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi ông nhậm chức. Những hành động quyết đoán của nhà lãnh đạo trẻ tuổi trước những kẻ Hồi giáo ly khai đến từ Bắc Kavkaz đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người Nga. Thậm chí, hình ảnh Putin đứng nói chuyện trực tiếp với những người lính Nga ngay tại chiến trường Chechnya khi đó cũng tạo ra những cảm hứng vô cùng mạnh mẽ.

Chỉ trong 6 tháng, cuộc chiến kết thúc với thắng lợi của quân đội Nga, một nước cộng hòa mới được thành lập trong lòng nước Nga như một lời khẳng định: nước Nga sẽ không bao giờ chia rẽ nữa. Điều này đã tác động lớn đến tâm lý của người dân Nga khi đó. Bởi, khi Liên bang Xô viết sụp đổ 10 năm trước, nó tạo ra những biến động to lớn đầy mất mát. Giờ thì người dân Nga đã tìm thấy cho mình một nhà lãnh đạo đáng tin cậy để trông chờ.

Chỉ đợi có thế, ngay trước đêm giao thừa năm 1999, ông Boris Yeltsin lùi vào hậu trường để ông Putin thay mình làm tổng thống tạm quyền của nước Nga, chỉ 4 tháng sau ngày ra mắt thế giới. Và đến ngày 7-5 năm 2000, sau một cuộc bầu cử với chiến thắng tuyệt đối, Tổng thống Vladimir Putin chính thức bước ra chào mọi người dân Nga.

Đưa nước Nga trở lại

Với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ vị thế của nước Nga trên trường quốc tế, Vladimir Putin đã chứng tỏ mình sẽ không ngần ngại áp dụng những biện pháp mạnh nhất để đạt được mục đích. Những chiến dịch quân sự ở Gruzia, Ukraine hay gần đây là Syria, thậm chí là cả ở Venezuela cho thấy nước Nga vẫn là đối trọng lớn nhất của Mỹ và khối NATO trong các vấn đề quốc tế.

Rất nhiều diễn biến trong thực tế đã khẳng định: Nước Nga của Vladimir Putin sẽ không bao giờ chịu khuất phục. Trong một thời gian rất dài kể từ thời hậu Xôviết, phương Tây đối xử với Nga như một “kẻ chầu rìa” nhưng giờ thì gió đã xoay chiều. Bản đồ địa chính trị thế giới đã buộc phải vẽ lại và không còn nằm lọt thỏm trong quỹ đạo mà phương Tây điều khiển nữa. Nếu nhìn lại những gì đã từng xảy ra ở Kosovo năm 1999 để so với những gì đang diễn ra ở Syria hiện giờ, chắc nhiều người sẽ thấy rõ sự khác biệt.

Để làm được điều đó, ông Putin không chỉ thuyết phục mọi người bằng sự cứng rắn trong các chiến dịch quân sự. Cuộc cải cách vĩ đại của nước Nga thời hậu Xôviết đã được vị tổng thống thứ hai của đất nước khơi mào ngay khi ông lên nắm quyền. Cùng với việc cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, ông Putin cũng tái quốc hữu hóa các ngành then chốt mà nổi tiếng nhất là vụ thu hồi Tập đoàn dầu mỏ Yukos của tỷ phú Mikhail Khodorkovsky vào năm 2003.

Nước Nga đã có một nhà lãnh đạo mới để dẫn dắt mình tiến lên.

Bằng những biện pháp mạnh mẽ, sẵn sàng đánh thẳng vào lợi ích của nhóm người giàu có nhất trong xã hội, ông Putin đã buộc các tập đoàn kinh tế và tài chính tư nhân từng lũng đoạn thời hậu Xôviết phải chịu bị khuất phục trước uy quyền của nhà nước. Nguồn thu lớn từ tài nguyên được trả về với người dân, nước Nga đã vươn lên mạnh mẽ với thu nhập đầu người tăng gấp đôi trong giai đoạn 1999-2006. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối tăng gần 30 lần còn nợ công giảm 5 lần trong vòng 20 năm qua.

Dựa vào những “vũ khí” quan trọng là dầu mỏ và khí đốt, nước Nga thời Putin đã giữ được vị thế của mình trên bản đồ kinh tế - chính trị thế giới. Bất chấp những đòn trừng phạt liên tiếp được tung ra từ phương Tây, nước Nga vẫn đứng vững và phát triển... Vai trò và vị thế của nước Nga đang ngày càng được nâng cao qua nhiều sự kiện quốc tế, đặc biệt là giải quyết xung đột tại các “điểm nóng” địa chính trị toàn cầu.

Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng, không ai có thể phủ nhận 20 năm dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin đã làm biến đổi bộ mặt của nước Nga từ yếu ớt bạc nhược trở lại vị thế hàng đầu thế giới và giúp duy trì cân bằng chiến lược giữa các quốc gia. Đó là kết quả của bản lĩnh và tầm nhìn, của sự quyết đoán và nhạy cảm chính trị, của sự tỉnh táo mà một nhà lãnh đạo đã thể hiện được trước những cơn sóng lớn. Dấu ấn của ông Putin trong thời kỳ lịch sử này thực sự quá nổi bật.

Tuy nhiên, chính quãng thời gian gắn bó dài lâu đó đang đẩy ông Putin vào thế khó khi ông phải rời điện Kremlin vào năm 2024 tới đây. Việc tìm ra một nhân vật đủ tầm vóc để thay thế ông Putin trong tương lai quả là không hề dễ dàng. Di sản mà ông Putin để lại sẽ là sức ép rất lớn với thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước Nga, khi mà thế giới vẫn đang biến đổi không ngừng, đòi hỏi nước Nga phải biến hóa và linh hoạt hơn trong từng bước đi của mình.

Dù sao, họ cũng có thể cảm thấy may mắn và tự hào vì đã được thừa hưởng một gia tài đồ sộ hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm, lúc mới bắt đầu bước chân vào Điện Kremlin...

Tử Uyên
.
.