Nhìn lại một mùa văn học:

Nỗi muộn phiền bàng bạc

Thứ Hai, 11/01/2010, 16:18
Câu chuyện này không mới. Và cuối năm nào, nhìn lại hành trình 365 ngày, dù người lạc quan nhất cũng buộc phải ngậm ngùi, dường như những tháng năm này, không phải là mùa màng thịnh vượng của chữ nghĩa văn chương. Và 2009 cũng lại buộc giới phê bình nói lại câu chuyện cũ. Một nỗi muộn phiền bàng bạc…

Nếu nhìn một cách tích cực, không phải không có những cuốn sách đọc được. Những tác phẩm của Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Trương Nam Hương, Trung Trung Đỉnh… là những ví dụ. Hay những cây bút trẻ tiếp tục tạo được sự chú ý nơi bạn đọc như Di Li, Tiến Đạt…

Một năm nhìn lại, có cảm giác như những cuốn sách để lại dấu ấn quá ít. Tuy nhiên, nhìn trên kệ sách, nhìn trang văn học của các tờ báo và những bản thông cáo báo chí giới thiệu sách mới được các công ty liên kết xuất bản gửi tới hộp thư của nhà báo thì lại thấy không phải vậy. Một cảm giác đầy ắp. Hàng tháng, như Bách Việt, một công ty xuất bản sách văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trẻ, vẫn đều đặn phát hành những cuốn sách mới. Sách văn học của Bách Việt có một điểm chung là dễ đọc, các tác giả viết hiện đại, nhanh, gọn. Phong Điệp, Tiến Đạt, Cấn Vân Khánh, Hòa Bình, Nguyễn Quỳnh Trang… là những tác giả có sách được xuất bản năm 2009 tại Bách Việt.

Ông Lê Thanh Huy, Giám đốc công ty này chia sẻ, văn học Việt Nam là mảng sách được Bách Việt quan tâm. Thực sự không dễ dàng để có thể tạo nên một "cơn sốt" nếu đó là một cuốn sách của các nhà văn Việt Nam. Việc để "có lãi" cho một cuốn sách như vậy không dễ dàng. Chính vì thế, việc lựa chọn bản thảo cũng rất vất vả. Năm qua, ngoài giải thơ Bách Việt đã bước vào năm thứ 2, thì giải tiểu thuyết Bách Việt cũng đang chạy nước rút. Tuy nhiên, đến nay, giải phải gia hạn nhận bản thảo đến tháng 6/2010, thay vì tháng 3 như thông báo, bởi lượng bản thảo gửi đến nhiều, nhưng những tác phẩm chất lượng cao rất khó tìm.

"Chúng tôi chú trọng nhiều đến chất lượng, chứ không chạy theo số lượng. Đến nay, giải mới in được 2/5 tác phẩm, đó là hai tiểu thuyết của Đoàn Lê và Tiến Đạt, nhưng phương châm vẫn là khi nào có tác phẩm xứng đáng mới tiến hành in sách. Bởi không chỉ trao giải mà chúng tôi còn phải tính đến bài toán kinh doanh nữa. Chất lượng giải đồng hành với uy tín của công ty" - ông Huy nói.

Bà Lệ Chi, Giám đốc ChiBooks thì chia sẻ, công ty này không chủ trương xuất bản sách văn học Việt Nam. Bởi không dễ dàng để có được bản thảo tốt và… việc giới thiệu quảng bá, tạo niềm tin với bạn đọc từ những tác phẩm trong nước cũng vất vả hơn rất nhiều văn học nước ngoài. Với hơn 20 đầu sách trong năm 2009, ChiBooks chỉ xuất bản duy nhất một cuốn văn học Việt Nam của một nữ nhà văn trẻ...

Lý giải cho việc các công ty không quá mặn mà với văn học Việt Nam vì đây đúng là… mảng sách rủi ro cao và cũng rất dễ mất lòng các nhà văn. Bởi ai cũng có niềm tin sách của mình hấp dẫn. Nhưng thị trường và cả thị hiếu bạn đọc luôn khó đoán và  nghiệt ngã  hơn rất nhiều.

Văn học 2009 chứng kiến cuộc lên ngôi của dòng sách giải trí. Những cuốn sách của Keng, Gào… và một số cây bút trẻ được giới thiệu như dòng sách mới. Dẫu về mặt nghệ thuật, còn rất nhiều điều để nói, nhưng dòng sách này như một sự bổ sung vào thị trường sách, đáp ứng một nhu cầu riêng cho thể loại này.

Dẫu vậy, công cuộc PR dữ dội của các công ty cũng như chính bản thân các tác giả đã gây hiệu ứng ngược. Bạn đọc thông minh rất dễ nhận ra đâu là "giả", đâu là "chân". Và giới phê bình có ác cảm với dòng sách này, đơn giản vì các tác giả quá tự tin về bản thân, mà giá trị tác phẩm không song hành cùng những phát biểu mạnh mẽ của họ…

Nhìn trên thị trường sách, sẽ vẫn thấy sách của các nhà văn quen thuộc như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Chu Lai… nhưng không phải là sáng tác mới, hầu hết là sách tái bản, hoặc là sách… được làm lại bằng cái tên mới. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn rất chuộng sách của các nhà văn quen thuộc. Nhưng về phía sáng tác, thì có vẻ như đó lại là một nỗi buồn. Vì bạn đọc bao giờ cũng khao khát những sáng tác mới.

Điều đáng buồn nhất của đời sống văn học năm 2009 là dường như có quá nhiều sách mà không có tác phẩm nào thực sự xuất sắc, có quá nhiều tập truyện ngắn "tuyển chọn" nhưng không được chọn tử tế và không hề xin phép tác giả, có quá nhiều cuốn sách có tựa đề hấp dẫn và bìa trình bày rất sexy nhưng chất lượng tác phẩm lại không song hành và không ít người đang ảo tưởng về văn chương.

Và điều đáng buồn không kém, là giới phê bình đang trốn chạy thực tế. Chưa thấy ai chịu lặn lội vào những trang sách ngổn ngang này, để chỉ ra những điều mà văn học Việt Nam đang khuyết thiếu, đồng thời có những phát hiện mới. Giới phê bình vẫn đi bên lề đời sống văn chương.

Vâng, một nỗi buồn bàng bạc. Nên nó cũng không phải là cú sốc lớn. Nhưng, nó sẽ âm ỉ dài lâu, đôi khi sẽ làm ta nản lòng…

Bảo Bình
.
.