Chuyện mất bò và chuyện nước mắt

Nỗi đau từ hai phía

Thứ Năm, 10/01/2019, 17:05
Tôi không lạm bàn về vụ tai nạn thảm khốc tại Bến Lức (Long An), tôi cũng không nói về tình trạng tài xế lái xe đường dài đập đá, sử dụng ma túy tổng hợp…

Cứ mỗi lần có một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, tất cả mọi người đều đau đớn xót xa, tất cả mọi ban ngành đều nói về giải pháp, tất cả nguồn năng lượng của xã hội đều tập trung vào phân tích mổ xẻ… 

Nhưng rồi hệt như ngày với tháng trôi qua, những xót xa giải pháp mổ xẻ lẳng lặng biến mất hoặc bị nhấn chìm vào dòng thông tin chủ lưu khác xuất hiện sau đó. Mất bò mới lo làm chuồng, mà cũng có lúc, bò mất cứ mất, chuồng không làm cứ không làm. Cuối cùng, chỉ còn lại nước mắt.


Tôi chỉ kể về những nỗi đau tai nạn giao thông mà tôi biết, cả những tài xế lái xe gây tai nạn đang chịu cảnh tù tội vì hành vi vi phạm an toàn giao thông.

1. Tôi nghĩ rằng trong tất cả chúng ta đều có một người thân hoặc quen là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông. Cô của tôi mất vì tai nạn giao thông, cô là con gái đầu của ông nội chú, nghĩa là em ruột của ông nội tôi. Cô không lập gia đình, chỉ lo lắng cho ông bà nội chú, lo lắng cho các cô chú khác và những đứa cháu.

Cô đi Sài Gòn thăm cháu bằng xe đò, khi vừa xuống xe chuẩn bị băng qua đường về lại nhà thì cũng là lúc biến cố thân phận ập xuống. Đêm tôi qua Bệnh viện Chợ Rẫy cùng mấy cô chú chăm cô, cô nằm mê man trên giường bệnh ở phòng cấp cứu, vị trí cơ thể bị xe đâm thâm tím. Mới hôm qua còn nói cười đó, nay đã nằm lặng lẽ đó.

Cậu bạn thân của tôi mất vào cuối năm học lớp 10, bậc phổ thông trung học. Cậu bạn bị xe tải va chạm trực diện, hoàn toàn không có một cơ hội nào để cứu vãn sự sống. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Tôi vẫn nhớ như in đám tang của bạn, cha khóc ngất, mẹ xỉu lịm, cậu bạn là con trai duy nhất trong nhà. Cha mẹ bạn làm nghề nông, bạn là niềm hy vọng lớn nhất của một sự tương lai, theo cái cách mà người quê tôi vẫn hay nghĩ, hay mường tượng. 

Cha mẹ cực khổ một đời lo nắng hạn sợ mưa dầm, mong con cái có chữ để làm nghề này nghề kia mà không phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời nữa. Nhưng tất cả mơ ước ấy đã bị dập tắt vào khoảnh khắc chiếc xe tải lấn làn vào phần đường dành cho xe hai bánh, cậu bạn mãi mãi không còn nữa.

Hàng xóm của tôi có hai vợ chồng bác Sáu, cả hai ông bà đều chỉ còn một chân. Cái chân đã mất được thay thế bằng cây nạng gỗ. Hai ông bà đi xe gắn máy, không may bị xe khách đụng. Bánh xe khách chèn qua chân ông trước rồi đến chân của bà. Tự dưng đang khỏe mạnh thế, vậy mà phút chốc thành người tàn phế.

2. Tôi đi công tác ở các trại giam của Bộ Công an, đều tiếp xúc với những phạm nhân từng là tài xế xe tải, xe khách đường dài. Tất nhiên là hiện tại dư luận đang phẫn nộ với những gã tài xế chơi ma túy, uống rượu bia gây tai nạn nên cần phải nói rõ tôi hoàn không bênh vực những tài xế này. Chỉ là khi một tai nạn giao thông xảy ra, nỗi đau luôn dành cho cả hai phía.

Người đàn ông ngồi trò chuyện cùng tôi hôm đó đã ngoài ngũ tuần, án nhớ là gần 10 năm. Người đàn ông này cả đời chạy xe thuê, mãi đến lúc tóc chớm bạc thì mới vừa dồn đủ tiền vừa vay thêm họ hàng bạn bè để mua cái xe tải chở trứng vịt từ miền Nam ra miền Bắc. 

Xe tải mới tinh, vì muốn xe đẹp nên người đàn ông trang trí kính xe bằng loại kính inox dày, sáng và cứng.

Điều khiển xe đến địa phận tỉnh Phú Yên, người đàn ông va quệt với chiếc xe buýt chở đầy khách chạy ngược chiều. Vì cái kính xe chắc quá, cứng quá nên khi va quệt với xe buýt, những ô cửa kính của xe buýt vỡ vụn theo đường vạch của kính xe tải. Hành khách có người tử vong, có người bị thương.

Người đàn ông bán xe, bán cả nhà. Vợ đang nuôi con đi học phải tìm nhà thuê, con đang đi học phải bỏ dở đi làm đỡ đần cha mẹ. Người đàn ông thì chịu cảnh tù tội. “Sắp cuối đời tưởng đã vui, tôi đâu ngờ là chấm hết”, người đàn ông nói với tôi như vậy.

Người kinh doanh xe tải, xe dịch vụ đều có câu, thuận lợi ba năm không đền được một giây lạc tay lái là vì vậy.

Ngày trước ở quê trong xóm của tôi cũng có người láng giềng chạy xe khách, phải vay mượn khắp nơi mới mua được chiếc xe chạy tuyến Sài Gòn – Long Khánh (Đồng Nai). Mới đến chuyến thứ hai hay thứ ba thì gây tai nạn chết người. Người láng giềng đi tù mấy năm, vợ con bán sạch mọi thứ họ có để đền cho người bị tai nạn ở ké nhà mẹ ruột, con cái thôi học hết.

Ra trại, người láng giềng về xóm dẫn vợ con lên vùng kinh tế mới ở Đắk Nông lập nghiệp, không biết lập nghiệp có thuận tiện hay không nữa, vì mấy mươi năm rồi không gặp lại.

3. Tôi nghĩ rằng, quyền được thụ hưởng một cơ sở hạ tầng thông thoáng, quyền được mưu cầu đi lại an toàn thuận lợi, là quyền hết sức cơ bản của người dân. 

Thủ tướng Chính phủ trước đây cũng quy định rất rõ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nếu không đảm bảo được an toàn giao thông trong địa hạt hành chính do mình quản lý. Chính phủ cũng chưa bao giờ tiếc tiền với ngành giao thông vận tải, ai cũng biết hạ tầng quyết định sự phát triển kinh tế mà.

Tuy vậy, điều đáng buồn nhất là những kỳ vọng của xã hội vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải đáp ứng một cách tương đối, cũng chưa thấy lãnh đạo địa phương nào chịu trách nhiệm theo đúng quy định của Chính phủ.

“Nếu làm không hết trách nhiệm, để lái xe ra đường gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội là lỗi của chúng ta, lương tâm tự suy xét thấy có lỗi rất lớn. Theo luật nhân quả chúng ta làm hết trách nhiệm thì thanh thản, còn làm không hết trách nhiệm sẽ có chuyện này chuyện kia”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu rất mạnh mẽ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai công tác năm 2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Có lẽ ngoài sự quyết tâm chân thành của tư lệnh ngành giao thông, thì cần có thêm cả cái tâm và đức của cán bộ dưới quyền Bộ trưởng thì mới hy vọng vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông, từ quy trình sát hạch cấp bằng lái, đăng kiểm cho đến đường sá được đảm bảo.

Suy cho cùng, ngoài cái đúng quy trình, ngoài pháp luật thì còn một thứ luật cao hơn, thứ luật của cuộc đời mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đề cập, “Đó là luật nhân quả”. Mà luật nhân quả bao giờ cũng công bằng, minh bạch, không ai gieo gió mà đòi gặt được chiều thu bao giờ?

Ngô Nguyệt Lãng
.
.