Khi cánh đồng tương lai gieo hạt mầm gian dối

Những tham lam vô đối

Thứ Sáu, 26/04/2019, 09:52
Những thí sinh bị buộc thôi học ở Sơn La, ở Hòa Bình,… những thí sinh bị phát hiện gian lận điểm thi ở Hà Giang… Những thân nhân bố làm cán bộ công chức, cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp tỉnh… Những nhân thân mẹ làm giáo viên, làm doanh nghiệp… cứ ngày một dày lên.


Đời hay đạo gì cũng đều luận rất rõ, gieo nhân nào gặt quả đó, gieo gió thì gặt bão. Phương Đông hay phương Tây gì cũng vậy, đều đề cao hành động của hôm nay chính là kết quả của mai sau.

Không thể gieo một gian dối mong đổi lấy thật thà, không thể gieo một điêu toa để chờ thu hoạch một chân thành.


Hệt như những vết mực đen ngày càng phết thêm những đường tô rất đậm vào bức tranh không chỉ giáo dục mà đấy chính là tổng thể bức tranh xã hội vốn đang loay hoay với những giá trị đảo lộn đương hiện hữu.

1. Nâng điểm, chạy điểm, lợi dụng quan hệ hay tiền bạc để con cái có suất vào một trường đại học tốt, vào một vị trí quan trọng trong bộ máy của chính quyền… vốn là chuyện không mới. Sử gia đã chép lại, văn chương đã chuyển tải, ngay cả những câu chuyện đời thường xoay quanh tách cà phê hay quán rượu vẫn thường được mang ra lạm bàn. Tuy nhiên, ở thời đại này câu chuyện ấy vẫn xảy ra thì thật lòng vô cùng buồn bã khi nghĩ về tư duy của những bậc làm cha mẹ lẫn thói tham lam vô độ của họ.

Tôi đọc rất chậm bài trả lời phỏng vấn báo chí của cô thí sinh đến từ Hòa Bình đỗ thủ khoa kép trong kỳ thi phổ thông trung học vừa qua, cô nói rất hay về sự cố gắng của mình, về sự tự tin, về điểm số sạch… Để rồi kết quả lại bẽ bàng bởi cô được nâng đến gần 15 điểm, cô phải rời ngôi trường đại học mà cô từng được vinh danh là thủ khoa.

Minh họa: Hùng Dingo.

Tôi đọc rất kỹ những thí sinh hoặc là thủ khoa hoặc đã nhập học vào những trường thuộc lực lượng vũ trang, những trường đại học top đầu của quốc gia… Những thí sinh được nâng ít thì 3 điểm, nhiều thì hơn 10 điểm, cá biệt có thí sinh được nâng hẳn 25, 26 điểm. Đó là những số điểm giả kinh hoàng.

Thậm chí có thí sinh thi chỉ đạt vỏn vẹn điểm số 0-0-1 cho ba môn lần lượt Lý, Hóa và Toán. Thí sinh này được nâng đến 26,45 điểm, đậu thủ khoa Trường Sĩ quan Lục quân I, khoa Chỉ huy Tham mưu.

Khi phong thanh lộ ra đường dây nâng điểm thi, thí sinh này đã chủ động xin thôi học ngay khi vừa nhập trường. Có thí sinh trường công an cũng bị buộc thôi học vì được nâng 25 điểm cho ba môn Toán, Lý và Ngoại ngữ.

Có đại biểu Quốc hội phản ứng rất gay gắt khi nhân thân phụ huynh của các thí sinh lộ diện, đại biểu Quốc hội yêu cầu phải đình chỉ chức vụ, xem xét khởi tố nếu xác định các phụ huynh này vi phạm pháp luật. 

Tất nhiên, ai cũng biết vì sao các thí sinh ấy được nâng điểm, nhất là khi Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công An) từng xác định một phó hiệu trưởng nhận 550 triệu đồng để sửa bài thi nhằm nâng điểm cho các thí sinh ở một điểm thi tại tỉnh Hòa Bình.

2. Về mặt lý thuyết là làm cán bộ, làm lãnh đạo nhằm phục vụ nhân dân, chăm lo cho đời sống nhân dân và dùng kiến văn của mình để kiến tạo quốc gia, đưa quốc gia phát triển. Nhưng về mặt thực tiễn thì không ít cán bộ, lãnh đạo phút chốc bỗng giàu lên nhanh chóng và được thụ hưởng rất nhiều điều kiện vật chất cũng như đặc quyền vượt mặt nhân dân.

Có lẽ, đây là điều cốt yếu nhất cho câu chuyện bằng mọi giá cho con vào trường tốt của nhiều bậc phụ huynh trong vụ việc chạy điểm thi vừa qua.

Ngay trên truyền thông chính thống, cũng có nhiều lãnh đạo có những phát ngôn hay phát kiến mà ngay cả Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phải gọi là “rất buồn cười”. Hay những đề xuất kỳ lạ như heo không được ăn thân chuối, bèo tây hoặc đề xuất nghiên cứu cấm nấu rượu theo phương thức truyền thống để giảm thiểu những rối ren trật tự xã hội… 

Rõ ràng, không phải cán bộ lãnh đạo nào cũng có đủ năng lực để ngồi vào vị trí mà họ đang nắm giữ. Vì sao những cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực lại được đề bạt rồi đảm nhiệm vị trí mà họ đang ngồi, có lẽ câu trả lời đã được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu trong phát biểu: “Không để chạy chức, chạy quyền; không tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đã chạy thì nhất quyết không dùng”.

Cũng không còn cách nào khác cả, ngày còn bé học hành không ra gì thì cha mẹ chạy cho được vào trường tốt. Ra trường cha mẹ lại chạy cho vào vị trí tốt, từ vị trí tốt này cha mẹ lại chạy vào cái ghế nào đó tốt hơn, hoặc trà nước điếu đóm cho các quan thầy để được vinh thân phì gia. 

Vì vậy mới có những phát ngôn kiểu, “Còn nhúc nhích nghĩa là không kẹt xe” hoặc “Không có ngập nước chỉ là tụ nước” ngày càng hiện hữu nhiều trên truyền thông.

3. Khá Bảnh, tức Ngô Bá Khá là cậu thanh niên ngôi sao của thế giới mạng. Cậu thanh niên cả ngày chỉ bay lắc, múa quạt, uốn éo và nói năng ngọng líu ngọng lô, xăm trổ đầy mình phút chốc biến thành thần tượng của bao nhiêu cô bé cậu bé khác. 

Khá Bảnh bị Cơ quan CSĐT Công an thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) ra quyết định khởi tố bị can về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc, nhiều bậc làm cha làm mẹ thở phào nhẹ nhõm, họ cảm thấy được bảo vệ vì con em họ không phải học theo một tấm gương mà theo họ là xấu xí, là lệch chuẩn.

Rõ ràng những ngôi sao như Khá Bảnh là đáng lo ngại cho những chuẩn mực văn hóa, lối sống đang hết sức mong manh. Không đi lên bằng trình độ, không thành danh bằng tài năng, thay vào đó tấm áo hư vinh được khoác lên người đến từ những điều vô nghĩa phi lý mà không ai có thể lý giải được.

Những bậc làm cha làm mẹ với lòng tham vô độ để dâng con mình cho sự dối gian ấy cũng như Khá Bảnh vậy. Mặc cho hiểu con không ai bằng cha mẹ, biết trình độ năng lực của con mình cũng không ai bằng cha mẹ, vậy nhưng vẫn nhất quyết cùng con gian dối đến cùng với mục đích hy vọng tương lai của con mình được ăn trắng mặc trơn thì đích xác đó là cũng là những phụ huynh trong hình hài Khá Bảnh.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.