Những suy tư về tâm hồn Nga

Thứ Tư, 09/12/2020, 19:19
Trong ký ức tập thể của người Serbia (đồng bào của tôi), người Nga là một dân tộc anh em vĩ đại và anh hùng đã gắn bó chặt chẽ với văn hóa - lịch sử của chúng tôi, và hai quốc gia thuộc chủng tộc Slav có mối quan hệ thân hữu từ ngày xa xưa dù không phải láng giềng về mặt địa lý và dù Nam Tư cũ không thuộc cựu Liên bang Xô viết.


Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn hóa Nga là ở trường cấp Ba khi tôi khám phá văn học kinh điển Nga và đọc ngấu nghiến các tiểu thuyết dài của những đại văn hào như Tolstoy, Dostoevsky, Gogol, Turgenev... Các nhà văn Nga không chỉ khơi dậy trong tôi sự đam mê đối với văn chương nói chung mà còn giúp góp phần định hình phong cách viết văn của tôi nói riêng và giúp tôi củng cố quan điểm rằng giá trị cốt lõi của một tiểu thuyết nằm trong sự chân thực và gần gũi của nó với thực tế xã hội xung quanh.

Lăng Lenin và Nhà thờ thánh Basil ở Moskva

Thông qua thế giới nội tâm vô cùng phong phú của các nhân vật, văn học Nga cũng mang cho tôi cơ hội lần đầu tiếp xúc với ''tâm hồn Nga'', một khái niệm bí ẩn ám ảnh nhiều bộ óc vĩ đại trên thế giới. Vậy tôi sớm đưa ra quyết định không chỉ học về ngôn ngữ và văn hóa Nga mà còn tìm hiểu về chiều sâu của tâm hồn đó.

Thời học đại học, tôi tiếp xúc với tiếng Nga trong các chuyến đi dài của mình ở nhiều nơi thuộc Liên Xô cũ và một trong những lý do vì sao tôi quyết định đi du học thạc sĩ ở Latvia thay vì ở một trong những quốc gia thịnh vượng của Tây Âu chính là vì Latvia từng thuộc Liên bang Xôviết và tiếng Nga vẫn được sử dụng rộng rãi. Thêm nữa, nhờ vị trí thuận lợi và láng giềng với Nga, tôi đã thường xuyên bắt xe khách sang Nga chơi vào cuối tuần, và dĩ nhiên, Saint Petersburg là thành phố mà tôi đến nhiều nhất.

Là cố đô của các Sa hoàng Nga và được mệnh danh là thành phố đẹp bậc nhất châu Âu sau Paris, St. Petersburg có vô vàn công trình kiến trúc hoành tráng như những nhà thờ, cung điện, lâu đài, bảo tàng... Vẻ đẹp như mơ của Cung điện Mùa đông Hermitage, Nhà thờ Chúa cứu thế hay Cung điện Mùa hè Peterhof thì miễn bàn.

Một tu viện Chính Thống giáo bên bờ sông Volga

Ngoài ra, nhiều người say mê St. Petersburg vì con sông Neva và nhiều kênh đào với những bờ kè lãng mạn ngay giữa khu phố cổ. Cảnh quan kiến trúc cổ kính này phù hợp với hình dung lãng mạn của chúng ta về một Nga hoàng hiện lên tại các tác phẩm nghệ thuật kinh điển của thế kỷ 19 (hay được tái hiện vào thời gian gần đây trong những bộ phim truyền hình dài tập khá ăn khách xoay quanh thời Sa hoàng với những bộ trang phục đặc trưng của giới quý tộc thời đó).

Tuy nhiên, nếu rời khỏi các khu phố cổ đẹp như truyện cổ tích ấy, chúng ta sẽ chìm đắm vào một hiện thực phũ phàng đầy rẫy những vết tích của thời Xôviết với hàng loạt khu nhà tập thể cũ được chính quyền Liên Xô ồ ạt xây từ những năm 1950. Thiếu bản sắc, giờ đây các khu nhà tập thể này đã lỗi thời và xuống cấp đáng kể.

Tuy vậy, chúng gìn giữ nét đặc trưng của thời Xôviết và góp phần vào cảm xúc hoài cổ của người Nga, giống hệt như các tàu điện ngầm cũ kỹ và các ga metro nguy nga của thủ đô được trang hoàng bằng những bức tranh khảm, chiếc đèn chùm, bức phù điêu và nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.

Tác giả cùng mẹ thăm khu phố cổ của St. Petersburg

Tuy nhiên, kiến trúc và cảnh quan thành phố đâu phải là lý do chính kéo tôi quay lại Nga trong nhiều lần và gắn bó thân thiết với đất nước này. Đối với tôi, sự hấp dẫn của Nga đến từ chính con người Nga, một dân tộc cá tính và giàu tình cảm, đồng thời cũng hơi khó hiểu và khó tả vì quá phức tạp và mâu thuẫn. Mang trong mình dòng máu Slav và từng trải qua một quá khứ đầy bi kịch, người Nga sở hữu một số nét rất đặc trưng mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu được đúng cách, đặc biệt nếu người đó không thạo tiếng Nga (một ngôn ngữ vô cùng đẹp đẽ và nên thơ nhưng đồng thời cực kỳ phức tạp về mặt phát âm và ngữ pháp). Ấn tượng đầu tiên mà ta có về người Nga có thể không tích cực cho lắm và một số người có cảm nhận rằng người Nga lạnh lùng và vô cảm, khó gần và không thân thiện với người lạ; và không chỉ thế, họ hay uống rượu mạnh và dễ nóng giận.

Nhưng nếu người Nga ít bận tâm đến sự khách sáo và lịch sự xã giao bền ngoài, thì  họ tỏ ra rất chân thật, nhiệt tình và hào phóng một khi ta kết bạn với họ và họ tìm hiểu về ta. Tôi phải nói rằng sự tương phản này thường rất lớn. Qua những năm tháng và các mối quan hệ của tôi với bạn bè Nga, tôi dần nhận ra rằng người Nga coi trọng tình bạn và các mối quan hệ hơn là lợi lộc cá nhân và họ sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ vì tình cảm mà họ dành cho người khác. Người Nga căm ghét mỗi sự giả vờ và tính toán trong các mối quan hệ và họ luôn đối xử với người thân một cách chân thành và thẳng thắn. Bên cạnh đó, họ cũng rất mến khách và luôn sẵn lòng chiều khách quá độ.

Một quá khứ vô cùng hà khắc đầy những chiến tranh đổ máu cộng với mùa đông cực kỳ khắc nghiệt đã làm cho người Nga trở thành dân tộc vững mạnh và dũng cảm đến kinh ngạc. Giống như các tổ tiên của họ, người Nga không sợ nguy hiểm và không ngần ngại trước khó khăn mà ngược lại, họ đã trở nên quen thuộc và dửng dưng với chúng và đã phát triển khả năng phi thường trong việc chịu đau khổ. Khi tiếp xúc với họ, tôi có thể cảm nhận được một sự phảng phất của nét an phận và một niềm tin ngấm ngầm vào định mệnh. Dù có chuyện gì, họ không bao giờ ngã lòng và khuất phục, thà chịu đựng còn hơn từ bỏ các nguyên tắc hay lý tưởng của mình.

Thế giới quan của người Nga thường bị lãng mạn và đen trắng hóa, hơi thiên vị và vận hành theo một sự logic riêng, một tư duy đi theo cảm xúc và tấm lòng nhiều hơn là dựa trên sự lập luận lạnh lùng. Trong các khía cạnh cuộc sống như công việc, tình yêu, các mối quan hệ, chính trị hay tranh luận, họ có khuynh hướng cư xử, hành động hay xử lý các vấn đề một cách rất triệt để, sôi nổi, thậm chí bốc đồng và cực đoan.

Và dưới vỏ lớp bề ngoài vững chắc của người Nga, tôi có thể thoáng thấy một nỗi buồn lớn ngấm ngầm, một cảm xúc bi kịch lơ lửng đè nặng lên tâm hồn như gánh nặng mà người Nga luôn mang theo như một di sản của quá khứ. Nếu tầm hôn Nga rộng bao la như thảo nguyên và sâu thẳm như hồ Baikal, thì nó cũng chứa trong mình bao nhiêu sắc thái của nỗi buồn, một cảm xúc thi vị và đẹp đẽ bao nhiêu. Vẻ đẹp vốn có của cuộc sống luôn là lý tưởng cao nhất của người Nga và họ thể hiện điều này qua tình yêu sâu thẳm với âm nhạc, thi ca, khoa học, thể thao, núi non, rừng hoang dã hay tín ngưỡng (phần lớn người Nga theo Chính thống giáo như người Hy Lạp, Serbia, Ukraina hay Bulgaria).

Tôi thường nhớ đến những ký ức êm đềm gắn liền với bạn bè Nga, khi tôi lang thang qua đại lộ Nevsky prospekt ở St. Petersburg vào những đêm trắng của tháng Sáu, hay khi tôi đắm mình trong cuộc sống mộc mạc ở một trang trại nuôi ngựa gần Nizhniy Novgorod, hay khi tôi đến Kaliningrad khám phá những tòa nhà bỏ hoang của kiến trúc Xôviết ''quái vật'' với những khối bê tông khổng lồ được chồng chất lên nhau, hay khi tôi ăn borsh (súp củ cải đỏ) và pelmeni (món sủi cảo) tại một quán stolovaya (nhà ăn tập thể bình dân) ở Moskva, khi đi tắm trong sông Volga hay ăn chơi như không có ngày mai tại các hộp đêm nóng bỏng của thủ đô.

Giờ đây tôi sinh sống ở Hà Nội nhưng khi tôi trở về châu Âu thăm gia đình, tôi thường tranh thủ bay nối chuyến qua Moskva để thăm bạn bè Nga và ở một hai ngày.  Và ngay cả ở Hà Nội, nơi mà tôi đang ở, tôi bất ngờ vì số lượng người Việt biết tiếng Nga có liên hệ với văn hóa này: tôi đã từng gặp nhiều người lớn tuổi đã từng du học và sinh sống tại Liên bang Xôviết và tôi cũng gặp khá nhiều Việt kiều trẻ tuổi đã từng lớn lên tại Nga và bây giờ sinh sống ở Việt Nam.

Còn nếu tôi thèm muốn cảm nhận và nếm thử mùi hương của ''tâm hồn Nga'' ngay trên đất nước hình chữ S, tôi cần phải đến Nha Trang, điểm đến vốn được những người Nga ưa chuộng ở Việt Nam và nơi mà nhiều người dân chào tôi không phải bằng một ''xin chào'' hay ''hello'' mà chính bằng lời tiếng Nga: ''Russkiy? Pozhalusta!'' (Bạn là người Nga? Xin vào!)

Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)
.
.