Những nẻo lại - qua

Thứ Tư, 10/12/2014, 16:22
Có bạn đọc bảo với tôi rằng, “Sao đọc anh, tôi luôn có cảm giác anh đã trải qua quá nhiều bi thương trong cuộc sống. Bao giờ, anh cũng có nhiều muộn phiền và sầu ưu quá”. Nếu con chữ của tôi làm bạn cảm thấy như vậy, mong được đại lượng mà bỏ quá cho. Thật ra, tôi chỉ là người hay nghĩ. Và trong những nẻo lại qua trong cõi đời này, chúng ta làm sao có thể dửng dưng.

1. Đêm qua, con trai lớn của tôi khó ngủ, cứ trằn trọc, than mỏi cơ, rồi nhờ tôi bóp tay, bóp chân. Có lẽ, ban sáng cháu đi nhà trẻ, lại đúng hôm học bơi, mải vui mà cảm nước. Vừa bóp tay chân cho con, vừa thương lại vừa xót. Từ ngày nhà tôi sinh cho tôi hai cậu con trai, gần như tôi không còn mơ ước nào hơn nữa. Ông trời như vậy là đã cho tôi quá nhiều rồi. Tôi còn cha mẹ, tôi có được một hiền thê, tôi có chỗ làm, tôi lại còn được hai con trai.

Lắm lúc công việc mỏi mệt, tôi lại nghĩ, bao giờ mình mới thật sự được nghỉ ngơi. Rồi tôi mơ về những khoảng không gian riêng, những khoảng không tôi đã từng có được lúc còn ở quê nhà.

Nhưng rồi, tôi biết rằng cả tôi và bạn đều không thể nghỉ ngơi, chúng ta tuyệt nhiên không thể nghỉ ngơi. Sinh ra làm người, tức là đã bắt đầu một cuộc chuyển động không bao giờ dừng lại, chỉ là cố nhanh hoặc cố chậm, may mắn thì được toại lòng mà thôi, không may thì đành chịu vậy.

Như khi thất tình lần đầu tiên ấy, có mấy người tin được rằng mình sẽ lại có thể yêu tiếp lần thứ hai. Không phải lúc đó, chỉ mong được sống chết cùng người tình, chỉ mong được lai sinh chấp cánh uyên ương, chỉ mong kẻ phụ bạc nhanh có ngày khốn cùng như ta đang mắc phải, hay sao?.

Rồi không phải, tan giấc mộng tình này, tan hết buồn thương này, mai kia mốt nọ lá rụng mùa qua, lại cuống cuồng đắm chìm trong men yêu mới hay sao?. Rồi không phải lại nhớ nhung mong đợi như lần đầu tiên mới yêu hay sao?. Rồi không phải lại thắc thỏm, hy vọng, gần gụi rồi vỡ vụn hay sao?.

Như lúc nhạc sĩ Vũ Thành An viết, “…Xin đời sống cho tôi mượn tiếng, xin cho cơn mê thêm dài một chuyến. Cuộc tình buông xuôi còn lưu luyến, còn đắng cay còn hận còn đau, em giờ đã xa xăm rồi đó...”. Thật ra, tôi không thích nhạc của Vũ Thành An lắm, vì tôi thấy nó hậm hực quá, nó xa xót quá, nó cay đắng quá, nó quá quắt quá. Nhưng có những đoạn mà Vũ Thành An đã viết, nghe ngậm ngùi vô biên.

Ái tình, là thứ chiếm đoạt của chúng ta nhiều thời gian nhất. Nó cũng là thứ lấy của chúng ta đến tận cùng cảm xúc, cứ vương vấn “...một bờ mi cong, vùng tóc nhớ”.

Đôi lúc, duyên phận hay thiên nghiệp, chỉ là cái cớ cho một sự bắt đầu hay kết thúc. Biết là không ai thỏa mãn với những cách lý giải này, nhưng biết làm sao được khi mà chúng ta không có câu trả lời nào khác hơn. Câu trả lời giúp chúng ta băng qua những tháng ngày ủ rũ như mèo ướt lông.

Mấy lâu tôi có viết những đoạn ngắn, theo thói quen cố hữu, “Yêu nhau đến răng long đầu bạc, là điều tuyệt đối không thể. Nhưng thương nhau đến lúc vùi thân dưới đất sâu, biết đâu vẫn còn. Oán than một đời hay uất hận một đêm, cũng không chắc lẽ nào nặng nhẹ. Bởi ái tình, chính là cái bẫy của ông trời mà tất cả chúng ta đều hồn nhiên mắc lưới. Có người đi cùng đến hết đường trần cũng tốt, không có cũng chẳng sao. Không phải, chúng ta sống trên cõi đời này đã là một sự cô đơn sao?”.

Tôi đọc lại Bảy Viễn-Người Bình Xuyên một quyển sách được viết dựa theo phần nhiều từ tư liệu của người Pháp, không phải là tác phẩm Người Bình Xuyên của cố nhà văn Nguyên Hùng. Có đoạn, vợ của cai tù 76 (Cai tù ngày đó ở Côn Đảo đa phần là người Miên, để đỡ buồn và có thêm thu nhập, vợ của cai tù chấp nhận đi khách với tù, giá: 50 xu/đêm (già), 1 đồng/đêm (trẻ) - Gạo thời ấy giá 1 đồng/giạ), nói với Bảy Viễn, “Mình vượt đảo thành công, em sẽ mất đi một khách hào hoa”. Hoá ra, thời nào hào hoa cũng có giá trị riêng của nó.

Thế nhưng, điều tôi muốn nói không phải là chuyện đàn ông hào hoa. Dẫu rằng có lúc tôi nghĩ, hào hoa là cách nói khác đi của cụm từ lăng nhăng. Tôi không lạm bàn nhiều về điều này, bởi cách đây khá lâu, tôi có luận tếu táo về chuyện lăng nhăng. Hơn nữa, tôi có nhiều ông anh rất hào hoa, nói không khéo các phụ nữ của những ông anh lại chạnh lòng thì mất vui đi.

Phụ nữ, bao giờ cũng mê đắm trong sự hào hoa mà quên rằng, thưởng lãm sẽ tốt hơn là sống cùng. Mà biết đâu đấy, phụ nữ cũng tự hào về điều này.

2. Tôi có nguời bạn thân, rất thân. Ngoài ba mươi vẫn chưa biết thế nào là luyến ái.Mấy lần tôi thúc, bạn đều trả lời, “Tao ngại yêu”. Mà hóa ra, bạn ngại yêu thật. Ngại trong ngại ngùng, không phải ngại trong lười biếng.

Có rất nhiều nỗi ngại trong cõi đời này, trong đó ngại nhất vẫn là nói lên điều mình suy nghĩ. Không phải bao nhiêu năm rồi, người ta vẫn mơ ước về chiếc máy có thể đọc được suy nghĩ của con người sao. Tôi thì cho rằng, tại sao phải cố công sáng tạo ra chiếc máy đầy phù phiếm đó. Nếu đời sống toàn là sự thật, thì còn gì là đời sống nữa đâu.

Bất cứ chuyện gì rất nên có một phần bí ẩn của nó, có một phần tranh cãi của nó. Đó mới chính là sự thú vị. Cũng như trong bóng đá vậy, người ta quyết định áp dụng công nghệ tiên tiến vào các trận đấu để hạn chế đến mức thấp nhất những bàn thắng hợp lệ nhưng không được công nhận, hay bàn thắng không hợp lệ lại được công nhận. Đáng tiếc thay, bởi sự nghiệt ngã của số phận là điều không thể thiếu trong những trận cầu. Như khi, người ta sẽ nhớ mãi bàn tay của Chúa do danh thủ người Argentina Diego Maradona thực hiện. Trong trận tứ kết vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1986 giữa Anh và Argentina. Lúc này tỉ số đang là 1-1, phút thứ 51, từ một pha phá bóng của một cầu thủ đội tuyển Anh, Diego Maradona băng lên tranh bóng với thủ môn Peter Shilton, do chiều cao hạn chế hơn nên anh quyết định dùng tay đập bóng vào lưới trước sự sững sờ của toàn bộ hơn 114.000 khán giả trên khán đài và thậm chí là cả đồng đội của Maradona trên sân. Khi mà mọi người đều chờ đợi một thẻ phạt dành cho Maradona, thì bất ngờ vị trọng tài lại công nhận bàn thắng trên. Ngay lập tức các cầu thủ đội tuyển Anh chạy lại bao vây trọng tài và phản ứng quyết liệt. Trong buổi họp báo sau trận đấu, khi được phóng viên hỏi về  bàn thắng của mình, ông đã thốt ra một câu nói rất nổi tiếng, “Tôi đã ghi bàn bằng cái đầu của tôi và bàn tay của Chúa”. Sau này, trọng tài bắt chính trong trận cầu năm ấy có thổ lộ, “Tôi biết đó là bàn thắng không hợp lệ, nhưng tôi vẫn công nhận bàn thắng ấy. Vì tôi tin rằng, đó chính là một trong những khoảnh khắc lịch sử của bóng đá”. Và cuối cùng, vị trọng tài ấy đã đúng.

Chúng ta luôn muốn một sự minh bạch, sự minh bạch đến mức tận cùng. Nhưng, tôi rất hồ nghi về khả năng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy mặt nhau và mỉm cười, hay chào hỏi nhau nếu như chúng ta đều biết sự thật về nhau. Không phải là ngẫu nhiên người ta bảo, “Kẻ dối trá nhất là kẻ khẳng định, tôi chưa bao giờ biết nói dối”.

Lắm lúc, chúng ta chờ đợi một lời nói dối hơn một câu khẳng định. Như người phụ nữ bó gối chờ chồng đi làm về khuya, gần như chắc chắn người phụ nữ biết chồng vừa đi chơi với bạn gái về. Nhưng, cũng gần như đoan chắc cô ấy mong muốn người đàn ông của mình nói một lý do khác đi, chẳng hạn; “Anh mới đi tiếp khách”, “Anh bận họp để triển khai dự án mới”, “Anh có công việc đột xuất ở cơ quan”.

Vì khi còn nói dối, tức là khi còn sợ hãi một điều gì đó khiến người ta không dám (hay muốn) nói thật. Khi mà người nói thật mọi chuyện, tất là đã không còn phải giữ gìn, không còn ái ngại giúp nhau.

Người già kể chuyện tình duyên ngày trước bao giờ cũng hồn nhiên hơn người trẻ nói chuyện gió trăng. Người già luận chuyện đúng sai bao giờ cũng minh bạch hơn người không còn trẻ. Có gì là ngạc nhiên đâu, người già đã thấu hiểu nguyên lý của đời sống (Điều này, phải còn lâu lắm tôi mới trải qua. Lâu là về mặt thời gian cơ học thôi, chứ về mặt ý niệm thì biết đâu chỉ là chớp mắt). Quan trọng hơn, có lẽ là đã đến lúc họ chỉ muốn nói sự thật.

Sự thật có quan trọng không?. Tôi không biết nữa, vì khi muốn tìm kiếm một sự thật đến tận cùng tức là đã không có quá nhiều thiện chí dành cho nhau.

Mà nếu không có thiện chí, thì sự thật hay không sự thật thì đâu phải là vấn đề nữa. Mọi thứ nên tương đối, cả sự thật cũng vậy. Ấy là tôi nghĩ thế thôi, chứ hoàn toàn không có ý áp đặt cho mọi người. Bởi tôi luôn tin rằng, chúng ta đều hơn nhau về một mặt nào đó trong đời sống này.

3. Năm xưa, người con gái bảo “Mình chia tay, nhé anh. Vì em cảm thấy chúng ta không hợp nhau nữa”. Sự thật có phải vì không hợp nhau không?. Chắc chắn là không rồi, nhưng tôi vẫn muốn tin đó là sự thật. Duy có sự thật ấy, là có thể khiến tôi an lòng.

Vậy đó, trong những nẻo lại qua của cõi đời này, chúng ta chỉ nên tự lựa chọn một sự thật cho chính mình. Một sự thật mà cá nhân mình có thể cảm thấy thỏa mãn, là để đủ đầy thôi.

Tự mình thấy đủ với mình thôi, vì đời sống, có bao giờ cho ta mượn tiếng bao giờ.

Ngô Trí Minh
.
.