Nhu cầu khán giả hay tài năng đạo diễn?

Thứ Tư, 31/08/2011, 16:38
Trong vài năm trở lại đây, đồng tính là một đề tài được khai thác khá dày đặc trong các bộ phim của điện ảnh Việt Nam. Có thể là xuyên suốt nhưng cũng có thể chỉ là những nhân vật phụ nhưng tựu trung lại thì đó có thể nói là những tình huống gây hài một cách lộ liễu bằng chính sự khác biệt giới tính hoặc là những màn "khoe da khoe thịt" đậm màu nhục dục.

Có hay không chuyện đề tài này đang được khai thác một cách quá đà và quá sai để dẫn đến những mặc định hiện nay là cứ nhắc đến đồng tính là nhắc đến tình dục đồng giới.

Xúc động chứ không gợi dục

Đồng tính luyến ái (cả nam và nữ) đã và vẫn luôn là một mảng đề tài được khai thác nhiều với điện ảnh nói riêng và các bộ môn nghệ thuật khác nói chung. Thế nhưng cái cách mà các nền điện ảnh khác khai thác cũng rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ về những khuôn hình đẹp, những thước phim rung động về những mối tình cùng dấu.

Vĩnh biệt ái thiếp là một ví dụ tiêu biểu. Mối tình đẹp bước ra từ sân khấu kinh kịch để hòa quyện vào cuộc sống thực của hai nhân vật nam chính được đạo diễn Trần Khải Ca đã làm rung động hàng triệu trái tim yêu điện ảnh trên toàn thế giới.

Cả bộ phim, từ lúc bắt đầu cho tới khi hạ màn, tuyệt nhiên không có bất cứ một phút giây nào nói về chuyện tình dục đồng giới nhưng khán giả vẫn hiểu, cảm thông và đau đớn cùng nhân vật do tài tử Trương Quốc Vinh thủ diễn.

Không phản đối chuyện tình dục là một nhu cầu cho bất cứ mối tình nào dù đồng dấu hay trái dấu nhưng cách khai thác, đưa bao nhiêu cho đủ, thêm bao nhiêu cho vừa lại là một vấn đề thuộc về tài năng. Núi Yên Ngựa (nhan đề tiếng Anh là "Brokeback Mountain") của đạo diễn Lý An là một câu chuyện như vậy.

Cả phim chỉ duy nhất có vài phút liên quan đến vấn đề bản năng đó nhưng đó là một phần của câu chuyện được đạo diễn kể một cách nhuần nhuyễn, đặt vào bối cảnh phim, tình huống thật sự cần thiết và cho thấy một kịch bản chặt chẽ chứ không phải là sự sống sượng cố nhét vào để câu khách. Cũng chính bộ phim này cho thấy một cái nhìn thông cảm đầy sự tinh tế của đạo diễn Lý An khi có những chi tiết đẹp như hình ảnh hai chiếc áo lồng vào nhau ở gần cuối phim.

Một poster phim đồng tính.

Tất nhiên, cũng sẽ có nhiều người nói đây là bộ phim được chuyển thể nên bản thân đạo diễn chỉ dựa trên cái sườn đã có của thể loại văn học. Nói thế cũng đúng nhưng cũng rất có thể sai bởi nếu như tác phẩm văn học rơi vào một đạo diễn kém tài hơn thì cũng rất có thể đó sẽ là một bộ phim khiêu dâm đích thực.

Điện ảnh thế giới cũng ghi nhận những trường hợp đặc biệt, được xếp vào hàng gây nhiều tranh cãi về việc xếp thể loại phim. Shortbus cũng chính là một trong những bộ phim như thế. Từ đầu đến cuối bộ phim, liên hoàn là những cảnh làm tình đồng giới và khác giới của 3 tuyến nhân vật.

Có những cảnh quan hệ đồng giới trần trụi như một bộ phim đen nhưng đó lại không phải là điều khán giả mong chờ bởi khi bộ phim kết thúc là những ám ảnh người xem về những ẩn ức, về những hoang mang, hoài nghi trong hành trình đi tìm giá trị và ý nghĩa của đời sống.

Hoặc bộ phim Gia của ngôi sao Angelina Jolie - một bộ phim nói về siêu mẫu đầu tiên trên thế giới mắc bệnh AIDS - cũng vậy. Là một bộ phim cũng khai thác về đề tài đồng tính nữ nhưng rõ ràng, khi bộ phim (được đề cử giải Oscar đầu tiên cho Jolie) khép lại thì khán giả không bàn tán nhiều về chuyện thân hình cô ấy đẹp như thế nào, vòng một vòng ba săn chắc ra làm sao. Đó sẽ là câu chuyện về sự phù phiếm, về lựa chọn và từ bỏ của một cuộc đời nhiều giông tố.

Trần trụi nhưng không khiêu dâm - khó lắm!

Đó là điện ảnh thế giới, còn chúng ta thì khác và khác nhiều lắm. Chơi vơi được coi là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt nói về đồng tính nữ dù nó chỉ thoáng qua. Nhưng ngay chính bản thân người trong cuộc cũng "vu" lên từ đầu rằng đây là một bộ phim đồng tính nữ với những cảnh sex đáng sợ về đề tài này.

Vẫn biết áp lực doanh thu là một áp lực thực sự nhưng việc "thay đổi" nội dung phim, chọn một lát cắt nhỏ để đẩy lên thành một chiêu câu khách với duy nhất một cảnh hai nữ diễn viên chính khỏa thân xông hơi thành một câu chuyện đậm mùi nhục dục về đồng tính nữ xem ra cũng không phải là cách văn minh.

Hay như mới nhất là đoạn phim ngắn (trailer) giới thiệu về bộ phim sẽ trình chiếu ngoài rạp ngày 14/10/2011 có tên dài nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt cũng vậy.

Nguyên cả đoạn phim giới thiệu đó, khán giả xem xong sẽ không thể hiểu được "message" mà họ muốn nhắn gửi tới khán giả là gì. Điều hấp dẫn cũng là một đề tài xôn xao trên khắp các diễn đàn là những cảnh nóng giữa Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa.

Không ngạc nhiên khi điện ảnh Việt có bộ phim khai thác đề tài mại dâm nam cũng như những cảnh nóng đồng tính nhưng việc đẩy mạnh bằng video, bằng hình ảnh, bằng những câu chuyện xung quanh quá trình làm phim, mà trong đó tập trung chủ yếu về mặt thị giác ở những cảnh làm tình và đề tài nhạy cảm, cũng là điều đáng xem xét.

Bởi cho dù bộ phim có chưa ra rạp thì cũng rất nhiều lời thì thầm rỉ tai nhau đầu hẻm cuối xóm là nhiều cảnh sex lắm và hứa hẹn sẽ là một bộ phim "hot".

Đồng tính trên màn ảnh Việt chắc chắn sẽ còn được khai thác dài dài. Chắc chắn Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt sẽ không phải là bộ phim đầu tiên và cuối cùng khai thác một cách mạnh bạo đề tài này.

Nhưng, khai thác như thế nào để khán giả khi bước ra khỏi rạp là sự ngẩn ngơ, là sự thương tiếc chứ không phải là sự dè bỉu mới đáng quan trọng. Lan Vũ - bộ phim mang đến giải Kim Tượng đầu tiên cho Lưu Điệp cũng khai thác đề tài có nét tương tự khi đề cập đến câu chuyện một anh chàng sinh viên đồng ý làm bồ nhí cho một đại gia Hoa kiều (do Hồ Quân thủ diễn) để lấy tiền ăn học.

Nhưng, những cảnh nude 100% của cả Hồ Quân và Lưu Điệp trong bộ phim cũng không phải là những thước phim câu khách bởi bộ phim là một câu chuyện tình quá đẹp, quá hấp dẫn và đầy tính nhân văn trong đó. Câu hỏi đặt ra là liệu bao giờ khán giả Việt có quyền được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đẹp như vậy?

Có phải công chúng của chúng ta thực sự cần những cảnh nóng bỏng mới mò tới rạp hay là sự mặc định của một số đạo diễn như vậy và cứ tiếp tục "ăn mòn" chính bản thân mình trong một mâm cỗ đem mời những thực khách đã quá no nê với một thực đơn cũ mèm? Chắc chắn, chỉ có người trong cuộc mới đưa ra được những câu trả lời xác đáng nhất và khán giả thì hãy cứ đợi đi, đợi đến chừng nào các đạo diễn "lớn" lên đã

Gia Huy
.
.