Ngọn đuốc của Thủ tướng

Nhiên liệu cho đầu tàu

Thứ Sáu, 26/05/2017, 08:03
Không phải đến Hội nghị Diên Hồng vừa diễn ra thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới xác tín lại quyết tâm của một chính phủ kiến tạo là gỡ khó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

“Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt, việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời chí sĩ Lương Văn Can tại cuộc gặp gỡ 10 nghìn doanh nhân vừa diễn ra. Cuộc gặp với những trao đổi thẳng thắn, cởi mở, hướng đến sự thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Một cuộc gặp mà báo giới hoàn toàn không quá lời ví von là một Hội nghị Diên Hồng.


Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt động thái, giải pháp với mục tiêu chung mà như Thủ tướng đúc kết: “Tinh thần lớn mà tôi muốn nhấn mạnh để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ là xây dựng được một môi trường kinh doanh tốt, có tính cạnh tranh cao. Một môi trường không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn, bảo vệ được tài sản của doanh nghiệp, của nhà đầu tư, không chỉ có chi phí thấp mà còn rủi ro thấp”.

1. Tháng 4-2016, tại Hội trường Thống nhất với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe những ý kiến của hơn một nghìn doanh nhân đại diện cho 500 nghìn doanh nghiệp trên cả nước.

Đó là buổi gặp mặt thật sự tạo được không khí tươi mới trong bối cảnh có nhiều thách thức với những người kinh doanh. Quan trọng hơn, Thủ tướng vừa mới nhậm chức đã phát đi tín hiệu về một chính phủ gần dân và tôn trọng doanh nhân.

Trên các trang báo, trên những trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh Thủ tướng đang trao đổi, chụp hình lưu niệm cùng doanh nhân với nụ cười, với thái độ chân thành. Đó đích xác là một nguồn năng lượng tích cực được tỏa ra từ người đứng đầu Chính phủ, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và hiệu quả.

Minh họa: Lê Phương.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đã cam kết sẽ giảm 1% lãi suất trung, dài hạn, trong một số lĩnh vực ưu tiên, yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Mỗi địa phương phải công khai đường dây nóng, website, hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tăng cường chống tham nhũng, quan liêu. 

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Thủ tướng ký ban hành, với tinh thần lớn là các chỉ tiêu đạt mức ASEAN-4. Đặc biệt, Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. 

Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hóa được, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá được để tuân thủ.

Tháng 5-2017, trong suốt 6 tiếng đồng hồ lắng nghe doanh nhân nói, lắng nghe doanh nhân tâm sự, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt: “Hôm nay nói rất nhiều thanh tra, kiểm tra khó khăn chồng chất cho doanh nghiệp. Tôi bàn với các thành viên Chính phủ ra chỉ thị không cho thanh, kiểm tra 1 năm quá 1 lần với mỗi doanh nghiệp, được ký đúng 1 giờ chiều hôm nay mang số 20 sẽ công bố ngay sau đây”. 

Lời nói đi đôi với hành động, ngay sau buổi trưa Thủ tướng đã ký quyết định mang số 20 này, dấu mực còn tươi rói.

Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị này là bởi theo phản ánh có khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Cá biệt có những trường hợp doanh nghiệp bị kiểm tra 9 lần trong 1 năm, cho dù nội dung không giống nhau nhưng đã gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp.

2. Trong bất cứ thời điểm nào, thì lực lượng doanh nhân vẫn là đầu tàu, vẫn là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung.

Một quốc gia không thể nào có được sự vững mạnh nếu không có những doanh nhân tầm cỡ, những doanh nghiệp đồ sộ. Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn qua Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản, dễ dàng nhận thấy những tập đoàn kinh tế lớn của họ đang là báu vật của quốc gia, đang là điểm tựa thậm chí là niềm tự hào của quốc gia như thế nào.

Chính vì vậy, muốn có được những báu vật như thế bắt buộc phải có một chính phủ xác định đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lực lượng doanh nhân. Chính phủ phải tiếp thêm nhiên liệu, động lực cho doanh nhân. Chính phủ phải thấu hiểu, phải thông cảm, phải trở thành người bạn thật sự của doanh nhân. Chính phủ phải là điểm tựa, phải là đòn bẩy giúp doanh nhân đứng vững và đi lên.

Những động thái của Chính phủ hiện tại, nhất là người đứng đầu Chính phủ cho phép mở ra nhiều hy vọng bởi Chính phủ đã thấu hiểu điều tôi vừa nhắc đến. Tuy nhiên, chỉ một mình sự nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ là chưa đủ. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Đệ (với cách gọi quen thuộc hơn là “bầu Đệ”) phản ánh với Thủ tướng Chính phủ lẫn báo giới về thái độ quan liêu của một lãnh đạo thành phố là một ví dụ điển hình.

Theo ông Đệ thì mặc dù ông là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ấy vậy mà ông lại thất bại khi xin gặp một lãnh đạo thành phố vì doanh nghiệp trót đầu tư vào một dự án tầm khoảng 50 tỷ theo lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố, nhưng cuối cùng lại không tìm được tiếng nói thống nhất giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Câu chuyện của ông Đệ kể rất chua xót, từ gọi điện thoại xin gặp nhưng lãnh đạo thành phố không nhấc máy cho đến nhắn tin không trả lời, thậm chí ăn dầm nằm dề mấy ngày để mong được gặp trực tiếp cũng bất thành.

Thời gian vừa qua, dư luận đã chứng kiến nhiều về sự ỷ lại vào Thủ tướng của các lãnh đạo địa phương, chuyện gì cũng chuyển Thủ tướng xin ý kiến, trình Thủ tướng xin chỉ đạo. Mà Thủ tướng còn nhiều việc phải làm, còn bao nhiêu vấn đề phải giải quyết. 

Thế cho nên, trong câu chuyện nhiên liệu cho doanh nghiệp nhất thiết phải có sự đồng lòng, chung tay của các lãnh đạo địa phương. Bởi quá khó để một bình minh hiện hữu nếu chỉ có quyết tâm và hành động của riêng người đứng đầu. 

Ngô Nguyệt Lãng
.
.