Nhận diện KOLs

Thứ Hai, 23/03/2020, 10:30
Sự bùng nổ của mạng xã hội với việc đề cao tính cá nhân hóa cũng như khả năng truyền tin của mỗi cá nhân đã hình thành một “thế lực ảo” được gọi là KOLs (Key Opinion Leader). Mỗi KOL với khả năng dẫn dắt một bộ phận đám đông đã khiến không gian mạng sôi nổi hơn rất nhiều và từ đó cũng bộc lộ bản chất thật của cuộc chơi “truyền thông số”.

Dấu hỏi ranh giới đạo đức

Là một người theo dõi mạng xã hội, tôi thường xuyên đọc được rất nhiều nội dung các KOL đăng lên và chứng kiến những thái độ trái chiều rất đa dạng của những người tương tác, thông qua các bình luận (comment).

Một KOL đăng bài anh ta tự tổng hợp và bình luận về virus Corona chủng mới, văn phong đại chúng và khá dễ hiểu. Nói chung là một bài đăng tốt.

Ảnh trong trang: L.G.

Nhưng, có người nhận xét trong bài đăng rằng anh không phải là một chuyên gia y tế, khó tránh khỏi thiếu sót khi nói về một lĩnh vực có chuyên môn hẹp, cho nên về nguyên tắc chỉ nên dẫn lời y, bác sĩ hoặc các tổ chức có thẩm quyền. 

Một KOL khác viết bài quảng cáo bênh vực một nhãn hàng trong suốt một thời gian dài. Ai cũng hiểu rằng anh ta được trả tiền cho việc đó. Nhưng, dưới bài đăng, có ý kiến cho rằng sự bênh vực này có phần mù quáng vì nhãn hàng này có những sai phạm. Và sự tuyên truyền của KOL có thể làm ảnh hưởng đến cộng đồng. 

Một KOL năm ngoái viết bài quảng cáo theo đặt hàng của hãng nhưng năm nay hết hợp đồng. Anh ta thì vừa có trải nghiệm tệ với dịch vụ của nhãn hàng và thế là viết một bài để giải tỏa bức xúc cá nhân. Có người bạn bình luận rằng điều này không hợp lẽ thường vì anh mới hưởng lợi từ nhãn hàng đó chưa lâu.

Tôi còn biết một KOL luôn trăn trở về việc viết những nội dung thật sự hay và có tính cá nhân cao đến nỗi, anh cảm thấy vô cùng dằn vặt khi phải viết quảng cáo trên Facebook của mình. Nhưng, các hóa đơn chi tiêu đắt đỏ dồn dập không cho phép anh dừng viết các "tút" thương mại. Cơm áo không đùa với khách thơ. Và dù là một KOL có khả năng "bẻ lái" từ nội dung thuần túy sang nội dung quảng cáo ở cuối bài đăng rất duyên dáng thì hẳn anh vẫn chạnh lòng khi bạn bè đùa cợt: "Bài ông tôi chỉ đọc từ dưới lên".

Một KOL khác từng khiến mạng xã hội dậy sóng với màn khỏa thân ở Mã Pí Lèng sau đó không lâu tuyên bố bỏ mạng xã hội, tránh xa cuộc sống ảo để tập trung cho các đam mê đời thực. Nhưng, sau đó thì anh vẫn dùng lại Facebook bình thường. Tất cả những KOL này có lẽ đều đã phải đối mặt với sự mâu thuẫn khi đứng trước các bài toán ứng xử, lần lượt như sau:

Anh có nên phát ngôn về vấn đề hệ trọng nếu không có chính danh (trường hợp 1 ở trên)?

Anh nên đứng về phía tư cách là một người chuyên nghiệp phải bảo vệ khách hàng một cách trung thành, hay lợi ích của cộng đồng (trường hợp 2)?

Anh có nên vì bức xúc cá nhân mà quay lưng với nơi vừa có quan hệ công việc tốt với mình (trường hợp 3)?

Anh sẽ làm sao khi mong muốn viết ra những thứ đáng đọc vẫn giằng xé với việc kiếm tiền (trường hợp 4)?

Và, liệu một KOL có cần giữ lời hứa không vì lời anh ta cũng có sức nặng theo lượt theo dõi (follow) của cộng đồng (trường hợp 5)?

Internet và mạng xã hội, với tư cách là những giao thức tái cấu trúc hành vi rất mạnh mẽ, hay tạo ra những mâu thuẫn này: chúng bắt người tham gia sống quá nhanh, cả lực lượng sản xuất lẫn bên tiêu thụ. Hãy tưởng tượng đến cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald's: những người phục vụ nhận đặt hàng, chuẩn bị đồ (đã được làm sẵn) chỉ trong vài phút cho những người bận rộn và nhìn thực khách ngấu nghiến bữa ăn cũng nhanh đến mức đôi khi không kịp cả nhai.

Những người làm nhiệm vụ thu hút sức chú ý trên không gian mạng về cơ bản cũng rơi vào sự tái cấu trúc hành vi này: đây không phải là chỗ có thể cân nhắc sâu về mặt đạo đức. Đây là chỗ của thị trường, của cung và cầu, với tốc độ gấp nhiều lần đời thực. Nhận yêu cầu, nghĩ ra một cái gì đó để viết, không cần thêm một cấp biên tập nào, bấm nút đăng và chờ những lượt thích (like), bình luận (comment) và chia sẻ (share). Kích thích đến ngay lập tức.

Bằng lối vận hành "thức ăn nhanh" này, nghề KOL đang trở thành một công cụ sắc bén của chủ nghĩa tiêu dùng: theo công ty thống kê Nielsen, 92% người tiêu dùng cho biết họ tin tưởng các cá nhân hơn là quảng cáo truyền thống. 74% người tiêu dùng cho biết truyền miệng là phương thức dẫn đến quyết định mua hàng của họ. Và thế hệ Millennials (sinh ra từ khoảng 1980 đến đầu thập niên 2000, chiếm 32% dân số thế giới và 35% dân số Việt Nam) có tỉ lệ chịu ảnh hưởng từ truyền miệng nhiều hơn 115% so với quảng cáo truyền thống.

Vào tháng 7/2018, Becky Li, một KOL trứ danh của Trung Quốc đã bán hết veo 100 chiếc BMW phiên bản giới hạn (mỗi chiếc trị giá gần 40 ngàn USD) chỉ trong... 4 phút đồng hồ bằng cách đăng bài quảng cáo trên tài khoản Wechat có khoảng hơn 7 triệu người theo dõi của mình.

Nhưng, việc các KOL phải duy trì sức chú ý liên tục và đòi hỏi vô tận của chủ nghĩa tiêu thụ cũng nhanh chóng tạo ra không ít tha hóa và sai lầm.

Năm 2018, Báo New York Times phơi bày những góc tối của "chợ đen mạng xã hội" bằng một bài báo có tựa đề The Follower Factory (tạm dịch: Công xưởng người theo dõi), chỉ ra một thực tế giật mình: dựa trên một kho dự trữ 3,5 triệu tài khoản Twitter giả mạo tương tác tự động, một công ty Mỹ tên Devumi đã bán 200 triệu người theo dõi cho 200 ngàn khách hàng và trong đó có không ít KOL, là các ngôi sao truyền hình, vận động viên, diễn viên hài, diễn giả TED, thậm chí mục sư và người mẫu.

Tháng 11/2018, Facebook tiết lộ với các cổ đông rằng lượng tài khoản giả mạo đã tăng gấp đôi so với ước tính trước đó của họ: 60 triệu tài khoản tự động đủ sức gây ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, định hình và thậm chí hủy hoại các doanh nghiệp danh tiếng. Không ít trong số này được "bán" cho các KOL cần số lượng người theo dõi.

Tại Việt Nam, cuối năm 2017, một lô hàng mỹ phẩm trị giá hàng chục tỉ đồng vốn được quảng bá bởi không ít KOL làm đẹp trên mạng xã hội bị lực lượng chức năng phát hiện không có nguồn gốc xuất xứ và nhiều khả năng là hàng rởm.

Cuối năm 2018, một KOL là nữ nhà văn đã viết quảng cáo khuyến khích các bà bầu sử dụng một thương hiệu nước dừa. Các chuyên gia y tế nhanh chóng chỉ ra rằng việc uống quá nhiều nước dừa thậm chí có thể dẫn đến sảy thai và nhà văn này hứng làn sóng tẩy chay mạnh mẽ.

Cùng thời gian, một KOL chuyên về du lịch trải nghiệm hạng sang bị cho là đã dàn dựng cuộc đối thoại trong một nhà hàng Nhật Bản và làm sai lệch câu chuyện để có nhiều lượt xem hơn. Tháng 7 năm ngoái, một KOL trứ danh khác của cộng đồng phượt phải thừa nhận đã nói dối về việc chinh phục đỉnh Denali có độ cao 6.190m ở Bắc Mỹ, sau khi bị phát hiện những điểm bất hợp lý trong chia sẻ hành trình.

Trong các nghề cổ điển, những người hành nghề đa số đều biết tiêu chuẩn của luân lý trước khi bắt tay vào làm. Lời thề Hippocrates với ngành y, đã trở thành văn bản kinh điển dẫn dắt hành vi gần 10 thế kỷ, là ví dụ tiêu biểu: giả dụ mệnh lệnh lương tâm của một bác sĩ chưa đủ sâu sắc để chỉ lối cho anh ta làm điều đúng thì bộ quy tắc ứng xử cổ đại này sẽ nhắc nhở.

Xã hội đề ra những tiêu chuẩn luân lý này để bảo vệ lợi ích chung. Khi Bác Hồ nhắc nhở ngành y rằng "lương y như từ mẫu", có lẽ không hẳn 100% y, bác sĩ sẽ thành từ mẫu nhưng đấy là một tiêu chuẩn sẽ giúp họ giữ mình. Đòi hỏi đạo đức của xã hội đối với nghề nghiệp cũng vận hành theo cơ chế như vậy: ít nhất khi không/chưa làm được những điều tốt một cách tự nguyện, thì đa số sẽ tránh làm điều xấu.

Trong một không gian sống gấp và quá đề cao việc thu hút chú ý như mạng xã hội, các KOL có lẽ cũng cần một hệ thống đạo đức tự thân như thế và từ bên ngoài, những công chúng của họ cũng cần yêu cầu điều đó.

(Phạm An)

Mạng xã hội - thời của KOLs

Thời đại internet là thời đại của tốc độ. Báo giấy chịu thua thiệt vì nó tốn thời gian in ấn, vận chuyển và phát hành. Đó là chưa kể hạn chế về kỳ phát hành: ngay cả những nhật báo, tin bài về sự kiện sáng hôm nay cũng phải chờ đến sáng hôm sau để đến với độc giả. Báo điện tử rút ngắn được thời gian đó nhưng cũng như báo giấy, nó phải chịu một hạn chế khác: quy trình xuất bản. Trong quy trình cơ bản, đề tài cần qua ban biên tập duyệt, phóng viên tác nghiệp và viết, biên tập viên tái cấu trúc, corrector sửa lỗi chính tả, rồi đến thư ký tòa soạn xuất bản.

Ảnh trong trang: L.G.

Mạng xã hội cắt hết các quy trình đó. Người viết kiêm tất cả các vai trò. Những con chữ và hình ảnh được cập nhật ngay sau khi bấm nút “đăng”. Đi xa hơn, công cụ livestream (trực tiếp) đưa hình ảnh và diễn biến thực tế tức thời lên internet, với độ trễ duy nhất là do tốc độ đường truyền.

Nhưng, đó không phải là tất cả ưu thế của mạng xã hội. Cũng như xã hội là tập hợp bởi các cá nhân, mạng xã hội là tập hợp của các trang cá nhân và các fanpage. Mỗi người mỗi vẻ nhưng luôn có những người nổi bật hơn. Sự nổi bật của họ có thể không hẳn vì trí tuệ hay vẻ ngoài sáng láng của họ, cũng không hẳn ở thành tựu mà họ đạt được. Có thể vì họ là ngôi sao giải trí, với sức hấp dẫn tự nhiên. Cũng có thể họ khơi gợi những cảm xúc khi truyền thông điệp hay hình ảnh cho người đọc, giữa một thế giới thông tin tràn ngập. Khi lý trí bất lực thì cảm xúc (và cảm tính) sẽ xử lý thông tin.

Những ngôi sao sẽ thúc đẩy cảm xúc của bạn, nhờ văn hóa thần tượng. Khi báo giấy sa sút và cả truyền hình thông tin cũng sa sút thì truyền hình thực tế và giải trí lên ngôi, bởi đó là mảnh đất của văn hóa thần tượng. Ngay cả trong bóng đá, trước kỷ nguyên mạng xã hội, có một chân lý tuyệt đối là không cầu thủ nào lớn hơn câu lạc bộ. Nhưng, ở thời đại này, không một câu lạc bộ nào lớn hơn Ronaldo hay Messi!

Những cây viết giàu cảm xúc cũng có thể thúc đẩy cảm xúc của bạn, kết hợp với hiệu ứng đám đông. Họ sẽ dễ viết một bài mang đến cảm xúc trên trang cá nhân hơn là trên báo vì không lo bị kiểm soát bởi quy trình và có thể tùy ý sử dụng ngôn từ hay các phương thức diễn đạt không chính thống. Khi nó trở thành một bài viết được chia sẻ rộng rãi, độc giả có thể “tự dưng” bị ảnh hưởng bởi bài viết do hiệu ứng đám đông và tâm lý sợ mình bị lạc lõng.

Khi các quy trình duyệt và đăng tin bài bị diệt vong trên mạng xã hội, quá trình thông tin và xử lý thông tin đã bị mất kiểm soát, sự chủ quan lên ngôi. Đến lượt nó, các KOLs sẽ nhận ra quyền lực của họ và có thể ngộ nhận rằng chính họ là chân lý.

Quyền lực luôn có rủi ro bị lạm dụng khi không chịu kiểm soát. Các nhãn hàng nhận ra quyền lực của KOLs để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp cũng có thể nhận ra quyền lực của KOLs để dìm doanh nghiệp đối thủ. Các nhóm lợi ích cũng có thể nhận ra quyền lực của KOLs để bảo vệ lợi ích của nhóm mình và tấn công các nhóm cạnh tranh.

Nếu như khía cạnh chủ quan của KOLs trong thông điệp chỉ thuần túy là quan điểm cá nhân do hiểu biết và kiến giải của họ thì có thể xem như không phải là mối nguy hại với xã hội. Vì cũng như các bài báo của các báo khác nhau cũng có thể khác nhau do quan điểm của từng tòa soạn là khác nhau. Sự cạnh tranh thông tin và chất lượng xử lý thông tin sẽ giúp độc giả sàng lọc các quan điểm đó.

Nhưng, khi yếu tố tư lợi xuất hiện, do tác động của doanh nghiệp hay các nhóm lợi ích, khiến các bài viết của KOLs bóp méo vấn đề để bảo vệ lợi ích của những kẻ đã trả tiền cho họ thì đó là vấn đề xã hội. Qúa trình này thường được gọi là “truyền thông bẩn”. Nó nguy hại không chỉ ở chỗ bóp méo quá trình cạnh tranh lành mạnh hay phân bổ lợi ích chính đáng mà còn nguy hại qua việc làm nhuốm bẩn nhận thức của số đông - một tác hại lâu dài.

Để chống lại việc KOLs lạm dụng quyền lực, sa vào truyền thông bẩn, việc đặt các KOLs vào vị trí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những thông tin sai lệch mà họ đăng trên mạng xã hội là thiết yếu.

(Hồng Ngọc)

Con chim bách thanh với cái đầu Medusa

Khi một bầy chim đang đậu nhẩn nha trên một khoảnh sân, nếu ta ném chỉ một hòn sỏi vào một con chim và khiến nó hốt hoảng bay đi, sẽ có ít nhất vài con chim khác cất cánh bay theo. Khi ta tấn công một con sói, khả năng cả bầy sói quay lại tấn công ta là rất cao. Hiệu ứng bầy đàn, hành vi bầy đàn ấy là thứ mà chúng ta có lẽ đã được đọc nhiều, thậm chí chứng kiến nhiều trong đời sống. 

Có một chuyện cười mà tôi nhớ mãi, kể về một người đàn ông đứng giữa phố ngửa mặt lên trời chăm chú như thể anh ta đang nhìn điều gì đó kỳ lạ xảy ra trên một tầng cao. Chẳng bao lâu sau, đám đông quanh anh ta bắt đầu hình thành và cũng ngẩng lên cao chăm chú, bàn tán. Chỉ đến khi anh ta ngừng cái việc ấy lại, người ta mới vỡ lẽ rằng anh ta ngửa cổ lên vì mũi đang đổ máu cam.

Ảnh trong trang: L.G.

Những ẩn dụ kể trên đều chỉ là cái cớ để chúng ta quay về câu chuyện của thế giới mạng xã hội ngày hôm nay, thế giới của những kẻ có khả năng dẫn dụ người khác. Từ cái nhỏ nhất cho tới những sự kiện lớn nhất luôn xuất hiện những kẻ dẫn dụ như thế và thậm chí còn xuất hiện những kẻ dẫn dụ đối lập nhau về quan điểm, để tồn tại những đám đông cũng đối lập nhau chan chát. 

Hình ảnh của mạng xã hội đa chiều với nhiều kẻ dẫn dụ kia không khỏi khiến tôi liên tưởng tới nhân vật thần thoại Medusa, với mái tóc là những con rắn. Mạng xã hội như thể cái đầu của Medusa vậy, nơi tồn tại hàng vạn cái đầu rắn khác. Chỉ khi Medusa bị Perseus chặt đầu thì những chiếc đầu rắn (thay cho tóc nàng) mới bị vô hiệu hóa. Và đôi mắt Medusa nếu nhìn vào kẻ nào thì sinh vật ấy sẽ biến thành đá. Trên mạng xã hội, nhiều khi chúng ta bị dẫn dụ đến mức cũng như những tượng đá, không lý trí nhưng đầy biểu cảm. 

Song, đó là chuyện thần thoại mà thôi. Ở thời đại này, không có Perseus nào để chặt đầu Medusa cả. Mạng xã hội không thể bị khai tử và không có nền tảng này thì sẽ có nền tảng khác thay thế. Không Facebook thì tương lai sẽ có một “headbook” hay “hairbook” nào đó... Con người phải tập quen với mạng xã hội và quen cả những sợi tóc rắn, tức những kẻ dẫn dụ trong không gian đó.

Những người dẫn dụ trên mạng xã hội là ai? Tất nhiên, đó phải là những tài khoản có lượng theo dõi đông đảo, hay nói nôm na là “rất đông likes”. Những điều họ viết ra, đăng tải, chỉ sau vài chục phút, số lượng likes, bình luận và chia sẻ lại có thể lên tới hàng ngàn. Và chính con số “choáng váng” đó khiến người xem bị thuyết phục, bị tin rằng đó là sự thật. Đơn giản, tâm lý con người vốn dĩ luôn muốn nương tựa vào số đông và những con số biểu hiện trên các đăng tải đó sẽ thuyết phục họ tin vào nó.

Người ta gọi những người dẫn dắt ấy là KOLs (key opinion leaders), hay nôm na là những người dẫn dắt quan điểm công chúng. Có một thuật ngữ khác để gọi họ, ít phổ thông hơn, là internet celebrity. Và để trở thành những người dẫn dắt quan điểm công chúng như thế, họ phải đi theo một trong hai cách. Thứ nhất, họ nổi tiếng trong xã hội ở một lĩnh vực sẵn có nào đó, đủ để đám đông người hâm mộ tạo cho lời họ nói ra có điểm tựa. Thứ hai, họ có khả năng chuyển tải thông điệp đúng “khẩu vị” thời kỹ thuật số và duy trì các thông điệp theo một kỹ nghệ “câu likes” khắt khe. 

Cách thứ nhất vất vả hơn khi KOL phải chứng tỏ trước bằng một năng lực chuyên môn đủ để kéo theo đám đông công chúng. Đơn cử như cậu ca sĩ trẻ nghệ danh là Jack chẳng hạn. Vì sự nổi tiếng của cậu mà kênh YouTube mới lập ra sau khi cậu rời công ty quản lý đã có ngay hơn 1 triệu người đăng ký theo dõi dù trên đó chưa có một nội dung cụ thể nào. Còn cách thứ hai cần sự kiên trì, khôn ngoan và khéo léo để nuôi dưỡng tài khoản. Cách này đang được nhiều người áp dụng và nhiều trường hợp đã thành công từ thời Yahoo, blog cho đến nay.

Trong thời đại đa chiều về thông tin như hiện nay, xu hướng con người ngờ vực một nguồn tin nào đó là có thật. Không mấy ai tin ngay vào một nguồn tin nào đó ở lần đầu tiên tiếp xúc nó bởi ai cũng tin rằng các công cụ kiếm tìm trên internet sẽ cho phép họ kiểm chứng. Nhưng, chính sự ngờ vực dễ dàng này lại làm nảy sinh niềm tin dễ dãi. Trong quá trình kiểm chứng, chỉ cần một nguồn tin hợp khẩu vị thôi, người dùng sẽ tin ngay vào nó, bởi nó lọt tai quá. Và họ dựa trên cái gọi là “kinh nghiệm người dùng” để làm cơ sở cho niềm tin ấy. Thực tế là họ đang tin vào thứ họ muốn tin mà thôi, không hơn không kém.

Giữa bối cảnh của cơ chế niềm tin dễ dàng thay đổi và lung lay như vậy, sự phát tác của các KOLs là rất lớn. Đọc được mùi vị yêu thích của số đông, các KOLs mang thông tin của mình để tiếp cận họ theo đúng mùi vị ấy. Sự đo lường khẩu vị tiếp nhận này đã khiến chủ nghĩa dân túy “lộng hành” trên toàn thế giới suốt hơn chục năm qua khi mà tốc độ đưa tin của mạng xã hội đã hạ gục báo chí truyền thống và hơn nữa, các phương tiện di động cá nhân lại giúp chủ nhân các bản tin có thể đính kèm theo hình ảnh minh họa có lợi cho thông tin của họ.

Sự nguy hiểm của giới KOLs cũng bắt đầu từ đây. Khởi sinh với những KOLs tự phát, hoàn toàn đến với thế giới mạng xã hội bằng tâm thức chia sẻ, giới KOLs vị tư lợi bắt đầu hình thành. “Cái tút này bao nhiêu tiền?”, “Cái tút này viết hầu ABCD”... đã là đánh giá quen thuộc của rất nhiều người đọc khi gặp các bài đăng của nhiều KOLs. Dễ hiểu, social media marketing (marketing mạng xã hội) đã nhanh chóng hòa nhập thời cuộc và tạo ra nguồn sống cho các “chuyên gia viết tút”. 

Nếu đơn thuần chỉ ngồi nhà viết status hoàn toàn vô tư, vô vị lợi, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và xuất phát từ những tìm tòi gian khổ, sẽ không có ai trả tiền cho người viết cả. Còn nếu viết theo một “thiết kế sẵn” của ai đó, hoặc một nhóm, tổ chức nào đó, người viết sẽ được trả công. Và khi KOLs trở thành một cái nghề, người KOL ấy sẽ hóa thành con chim bách thanh, hót bằng giọng kẻ khác chứ không phải bằng giọng của chính mình.

Khi là một con chim bách thanh, sẽ không còn sự quan tâm đến uy tín và danh dự nữa. Đơn giản, điều tôi nói ra là vì có người cần tôi nói ra điều đó. Tất nhiên, không phải tất cả các KOLs, tất cả những ai viết nội dung có hàng ngàn người xem đều hành nghề KOLs nhưng khi thứ mình viết ra bị kiểm soát bởi chính mục đích cá nhân không trong sáng của chủ thể, nó cũng không còn cái bản chất vô tư ban đầu mà mạng xã hội muốn tạo dựng. Thậm chí, những KOLs không viết thuê nhưng viết để hả hê những yêu-ghét vị kỷ của riêng mình còn gây tác hại đến niềm tin chung hơn cả những người đơn giản viết thuê vì tiền. 

Đơn cử như trường hợp của một luật sư khoác áo “dân chủ” chẳng hạn. Trong đợt dịch Covid-19 này, anh ta hả hê tung tin đại ý “để chống dịch chỉ cần ghi tên bệnh khác vào trong giấy báo tử là xong”. Cái status nặng mùi thù địch và chống phá đó được tới cả ngàn chia sẻ và đến khi chủ nhân của nó bị Facebook cảnh cáo về vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, anh chàng luật sư kia quay sang... vu vạ cho Facebook. Song, cái đáng sợ là lực lượng đã likes và chia sẻ những phát biểu vô tội vạ kia. Họ tin vào thứ thông tin vô lối đó nên họ mới hưởng ứng như thế.

Dư luận thực sự cần thông tin nên dư luận luôn cần một lực lượng dẫn dắt họ. Song, người dẫn dắt họ có mang tâm địa nào không hoặc có mục đích tư lợi nào không, đó vẫn là bài toán rất khó giải. Khi KOLs đã là một nghề tồn tại nhiều năm mà chưa hề có một bộ quy tắc ứng xử cho thỏa đáng thì nên chăng pháp luật cần phải có một chế tài. Dễ hiểu, nếu anh kiếm sống bằng mạng xã hội và anh có khả năng lôi kéo một đám đông nào đó theo dõi mình, tin vào mình, anh phải chấp nhận bị chế tài rất nặng nếu những điều anh nói ra là dối trá và chống lại lợi ích của cả trăm triệu con người ngoài kia, những người chưa có cơ hội bày tỏ sự phản đối của mình trên không gian mạng.

(Hà Quang Minh)

Nhóm PV
.
.