Giám khảo showbiz: Ngồi cho đủ tụ

Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình: Giám khảo, không phải là một nghề

Thứ Sáu, 19/10/2012, 14:50
Theo nhạc sĩ Vũ Quốc Bình, giám khảo chỉ là một công việc chứ không phải là một nghề. Những người làm giám khảo thường là những người nổi tiếng trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhận lời làm giám khảo chỉ là việc tay trái. Vả lại anh có thể thật giỏi nhưng tên tuổi anh không có sức kéo khán giả ngồi trước màn hình nhỏ thì anh cũng không được mời làm giám khảo.

- Có người cho rằng “ngu thì mới đi làm giám khảo”, bởi nghề này rất dễ bị mang tiếng, bị lên án vì toàn phải nói, phải nhận xét đủ điều trước mặt đám đông. Và thực tế là có những danh vọng bỗng chốc bị thân bại danh liệt trên truyền thông cũng chỉ vì ngồi ghế nóng. Theo anh đây có là nghề nguy hiểm và đáng sợ như thế?

- Tôi nghĩ nghề nào cũng có những rủi ro nhất định chứ không riêng gì việc làm giám khảo. Con người không phải là bộ Bách khoa toàn thư nên việc một số nghệ sĩ nể tình hay ham vui đi làm giám khảo những cuộc thi mà họ không có chuyên môn trong những lĩnh vực đó thì thân bại danh liệt vì một câu nhận xét ngu ngơ là chuyện đương nhiên. Nếu biết chọn lọc và tránh né thì “nghề” giám khảo có lẽ cũng không nguy hiểm và đáng sợ như bạn nói.

- Nếu nói về mặt được của người làm giám khảo một chương trình truyền hình thực tế nào đó, anh nghĩ mặt được bao gồm những gì?

- Thu nhập, danh tiếng được củng cố và nâng cao. Ngoài ra còn được sự kính trọng, ngưỡng mộ của bạn bè đồng nghiệp, khán giả. Nói chung nếu thành công trong vai trò giám khảo ở một cuộc thi lớn và nghiêm túc. Phần thưởng sẽ là vô giá.

- Anh có nghĩ một giám khảo, một huấn luyện viên có toàn quyền quyết định chọn người đi, kẻ ở sau mỗi phần thi trong một cuộc thi hay không? Hay việc chọn ai đó còn phụ thuộc vào bàn tay của người khác chính là những người sản xuất ra chương trình ấy?

- Ý anh đang nói đến chương trình Giọng hát Việt? Thông thường ở các cuộc thi âm nhạc, quyết định của hội đồng giám khảo là quyết định cuối cùng để chọn người đi kẻ ở. Còn huấn luyện viên chỉ là người tuyển chọn, huấn luyện các thí sinh. Quyền lực của huấn luyện viên chấm dứt ngay khi học trò họ bước lên sân khấu bắt đầu bài thi, vì vậy họ không thể quyết định kết quả cuộc thi được. Nếu có việc can thiệp từ ban tổ chức như anh đặt vấn đề thì có thể với linh cảm kinh doanh, ban tổ chức sẽ nhận thấy ai đi ai ở có lợi cho chương trình, họ sẽ tác động lên ban giám khảo!

- Nhiều người cho rằng, các giám khảo là người đầy quyền lực trong các chương trình truyền hình thực tế. Theo tôi không hẳn như thế, scandal The Voice đã một phần hé lộ điều đó và nhiều người cũng thừa nhận rằng những chương trình truyền hình thực tế ở đâu cũng vậy, đều có sự dàn xếp kết quả trong một mức độ nào đó. Và khi ấy vị giám khảo chỉ là một diễn viên diễn theo kịch bản hoặc tệ hơn là “con rối” bị giật dây. Anh nghĩ sao về điều này?

- Scandal The Voice là tai nạn hi hữu được vạch ra dưới ánh sáng. Đây là điều không ai muốn và tôi cũng tin chắc ê-kíp thực hiện chương trình The Voice cũng bất ngờ. Việc các vị giám khảo có là một diễn viên diễn theo kịch bản hoặc tệ hơn là con rối bị giật dây như anh nói hay không. Có lẽ chỉ có một người biết mà thôi, đó là  ông chủ quyền lực của Công ty Cát Tiên Sa.

- Lại có một mâu thuẫn rằng, người làm giám khảo phải là một ngôi sao nổi danh và có chuyên môn cao. Với vị thế ấy của họ thì rất khó để họ thỏa hiệp chuyện làm con rối hay làm một diễn viên diễn theo kịch bản của ban tổ chức! Nhưng rất nhiều ngôi sao vẫn đang sẵn sàng thỏa hiệp. Anh hiểu vấn đề này thế nào?

- Cái gì cao thì thường khó rộng. Thường thì nghệ sĩ dù ở vị trí  nào, lứa tuổi nào trong khuất sâu tâm hồn họ vẫn tồn tại phẩm chất của một trẻ thơ. Hồn nhiên, mơ mộng và tin tưởng. Họ sẵn sàng xả thân cho những điều họ cho là đúng và không tính toán thiệt hơn. Ngược lại, họ xô đổ tất cả. Nghệ thuật của ban tổ chức là phải thuyết phục để họ tin tưởng. Nếu như họ chịu khuất phục làm diễn viên hay con rối thì ban tổ chức đúng là bậc thầy về khoản ăn nói!

- Đám đông nghĩ rằng, nhiều người hào hứng làm giám khảo là vì thích cái danh và mê cái khoản thù lao khủng. Hẳn đó cũng là điều hết sức bình thường, không có gì xấu. Nhưng nhiều người đã thừa mà vẫn thích, hào hứng với nghề ngồi ghế nóng. Vậy hẳn nghề này phải có một hấp lực rất lớn?

- Có chiến thắng nào mang hương vị ngọt ngào hơn việc chiến thắng bản thân? Đến một lúc nào đó, tiền bạc không còn quan trọng thì danh dự được đặt lên hàng đầu. Việc ngồi ghế nóng là một thử thách và khi đã bước vào bạn phải chinh phục nó bằng hết khả năng vì danh dự. Và như tôi nói ở trên, sự kính trọng, ngưỡng mộ của bạn bè đồng nghiệp, khán giả là phần thưởng vô giá.

- Nếu là một khán giả bình thường, anh trông chờ điều gì vào một người ngồi ghế nóng một chương trình truyền hình thực tế? Và theo anh nên xem nghề này là một cuộc dạo chơi hay một nghề cần đầu tư thật sự?

- Tôi không trông chờ bất cứ điều gì từ ban giám khảo hay ban tổ chức. Tôi chỉ trông chờ hiệu ứng sau cuộc thi của những người được chọn mà thôi. Nhiều năm qua, tôi cứ mòn mỏi chờ đợi những ngôi sao thực thụ bước ra từ những cuộc thi. Bây giờ, tôi vẫn đang hy vọng…

Còn “nghề” giám khảo, theo tôi, nó chỉ là một công việc chứ không phải là một nghề. Những người làm giám khảo thường là những người nổi tiếng trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhận lời làm giám khảo chỉ là việc tay trái. Vả lại anh có thể thật giỏi nhưng tên tuổi anh không có sức kéo khán giả ngồi trước màn hình nhỏ thì anh cũng không được mời làm giám khảo. Việc có một đội ngũ giám khảo chuyên nghiệp là điều không thể!

Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng
.
.