Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Giọng hát Lê Dung xoáy thẳng vào trái tim người nghe
Nhạc sĩ Hữu Thanh đã chọn Lê Dung thể hiện ca khúc này và cô đã hát rất thành công. Khi Lê Dung sống với nghệ sĩ Khắc Huề, chúng tôi vẫn gặp nhau, nhưng câu chuyện về âm nhạc ít hơn những câu chuyện đời thường. Sau đó Lê Dung sang Nga học tại Trường Âm nhạc Tchaikovsky. Năm 1989 Lê Dung về nước, gặp lại tôi, cô chân thành hỏi: “Anh tính giúp em xem bây giờ em nên bắt đầu lại bằng cái gì cho mới mẻ”.
Đó là những năm sau đổi mới, đời sống âm nhạc đang chứng kiến sự trở lại của những nhạc phẩm tiền chiến. Tôi nghĩ Lê Dung có thể bước vào hát những ca khúc tiền chiến, vì chất giọng của cô rất có ưu thế với dòng nhạc này. Quả nhiên, Lê Dung hát các tuyệt phẩm của Nam Cao, Đoàn Chuẩn hay đến nỗi người ta chỉ có thể so sánh cô với ca sĩ Thái Thanh. Lê Dung rất vui vì thành công ấy.
Cuối năm 1990 có một cuộc biểu diễn của Lê Dung ở báo Quân đội nhân dân. Sau chương trình, chúng tôi cùng ra Hồ Tây ngồi trò chuyện, không ngờ trong số đó có một người rất yêu Lê Dung. Lê Dung có hỏi tôi về người đó, tôi nói, đấy là một thi sĩ và tôi đã từng giới thiệu thơ của anh ấy tại
Hãy nhớ rằng người ta chỉ lấy người yêu mình chứ đừng nên lấy người mình yêu. Nói với Lê Dung như vậy nhưng tôi vẫn vô cùng bất ngờ khi câu chuyện này lại trở thành sự thật ít lâu sau đó. Phải nói rằng, khi sống trong niềm hạnh phúc của tình yêu, Lê Dung hát hay và có nhiều thành công mới.
Cô hát ca khúc của các nhạc sĩ Phú Quang, Nguyễn Cường, Dương Thụ rất thành công. Nhưng Lê Dung hát nhạc Phú Quang là hợp nhất. Vì đang sống trong giai đoạn đẹp đẽ, thăng hoa nhất của tình yêu mà Lê Dung đã hát rất hay ca khúc Khúc mùa thu của Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang.
Trong suốt thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, chúng ta đã chứng kiến một Lê Dung lồng lộng trong hình ảnh của một ca sĩ hát hay vào bậc nhất của thời đại mình, sau những Thương Huyền, Khánh Vân, Tân Nhân, Bích Liên… Đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Lê Dung, theo quan niệm của riêng tôi, đấy là đêm Lê Dung trình diễn cùng ca sĩ rất nổi tiếng của Hy Lạp Nana Mouskori.
Đêm nhạc đó, ngoài những bài hát Việt Nam, Lê Dung đã hát một bài hát tiếng Anh mà tôi cho đó là định mệnh của Lê Dung, bài hát "My way" (Con đường của tôi). Nghe bài hát xong không hiểu sao tôi thấy buồn, một nỗi buồn mênh mang khó gọi thành lời. Nó giống như một linh cảm báo rằng mình sắp phải chịu đựng một cảm giác nào đó về sự mất mát, giống như lần cuối cùng ta được gặp một bậc tài danh.
Thời điểm ấy, Lê Dung đang sống trong đổ vỡ. Câu chuyện cũ đã là một câu chuyện đẹp nhưng buồn. Lê Dung nói chuyện với tôi mà rơm rớm nước mắt. Tôi an ủi Lê Dung rằng đã là nghệ sĩ thì phải chấp nhận cô đơn đến tận cùng. Nói như vậy thôi, nhưng tôi không thể tin rằng chính là cái mùa xuân ấy, mùa xuân cách đây 10 năm Lê Dung đã vĩnh biệt cõi đời, để lại giọng hát mà tôi gọi là giọng hát "vàng đen".
Tôi trân trọng Lê Dung không chỉ ở chỗ Lê Dung đã tạo ra một đỉnh cao trong âm nhạc, mà Lê Dung còn kịp chăm sóc và giáo dưỡng nên một thế hệ ca sĩ mới. Nghe các học trò của Lê Dung hát bây giờ, tôi có cảm giác như Lê Dung vẫn đang ở đâu đó. Nhưng để tìm ra một giọng hát xoáy thẳng vào cuộc đời ta, khiến cho ta phải thổn thức, dằn vặt, đau đớn, thì có lẽ không ai làm được như Lê Dung.
Lê Dung đã đến với cuộc đời và nghệ thuật bằng chính con người thật của mình, không tô vẽ thêm bất cứ điều gì. Trong bất cứ một khoảnh khắc nào của đời sống, Lê Dung cũng sống đến tận cùng. Đó là phẩm chất của một nghệ sĩ chân chính. Khi tôi dịch những câu thơ này của một nhà thơ nước ngoài, không hiểu sao tôi thường liên tưởng đến Lê Dung.
"Khi cảm xúc bức ta phải viết một bài thơ là lúc nó ném lên đấu trường một tên nô lệ. Chính ở đấy, nghệ thuật tắt bất ngờ, chỉ còn số phận và đất thở". Sau khi Lê Dung mất, tôi có viết một bài báo, sau này in trong cuốn "Những người đàn bà của thế kỷ XX" với tựa "Lê Dung: Nửa chừng xuân thoắt gãy cành tương tư…".
Tôi nghĩ rằng, giữa sự sống và cái chết, con người ta luôn phải bình thản. Lê Dung dừng lại ở một đỉnh cao tuyệt vời, đấy là thành công của cuộc đời Lê Dung. Nhưng tôi vẫn tiếc Lê Dung, như tiếc Ngọc Tân. Giá mà họ còn hát với chúng ta…