Nhà văn Trang Thế Hy: Hết duyên thì “đi chỗ khác chơi”
Cách đây vài năm, Trang Thế Hy tâm sự trên một tờ báo rằng, hết duyên ông sẽ "đi chỗ khác chơi", không cố viết ra những điều không tâm huyết. Chùm chữ này tôi có được từ lời khuyên của một nghệ sĩ già, ông bảo, "khi nào con viết hết được rồi thì nên biết đi chỗ khác chơi, đừng có bẹo hình bẹo dạng trong chốn trường văn trận bút, nhất là đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo của mình...". Thái độ nghiêm khắc với chính mình ấy không phải ai cũng được như Trang Thế Hy. Nói được như vậy đã quý. Sống đúng như nói còn khó hơn nhiều.
Tôi nhớ hoài đoạn kết của truyện ngắn "Thèm thơ", câu chuyện tình yêu nhè nhẹ và đau đớn của nhà văn tên Vũ và cô gái bán dâm tên Loan. "Loan ơi! Chết đem theo sự thèm nghe thơ và sống mà thèm nghe thơ chưa biết ai khổ hơn ai. Bài thơ mà em thèm nghe và anh thèm làm cũng chẳng đẹp gì cho lắm. Để thèm nó có lẽ ít buồn hơn là thưởng thức nó với sự đau xót trong lòng. Sẽ có một ngày kia, khi một cô gái ôm một chàng trai trong giấc ngủ yên lành, thì hơi ấm của cô ta tạo ra không gợi đến một tứ thơ cay đắng như em nghĩ. Bài thơ về hơi ấm đó sẽ có người làm và làm hay hơn bây giờ…".
Họ đã yêu nhau, bằng một cách nào đó, nhưng đã mãi mãi không đến được với nhau, kẻ thì không dám bước tới, kẻ thì xót phận mình hôi tanh. Đến mức Loan có tiền, mà cũng không dám dùng số tiền đó để mua dưa hấu cho Vũ ăn, vì sợ Vũ khinh không ăn. Cô phải thanh minh với Vũ rằng, cô dùng chính tiền của Vũ để đi mua trái dưa mời anh.
Và trong khi anh ăn dưa, thì cô ăn mót cái vỏ xanh. Rồi cô kể những chuyến đến thăm anh mà không dám bước vào. Tình yêu và thiên lương tốt đẹp vẫn còn lại trong cô gái bán dâm khiến chàng trai xúc động. Chàng trai đã làm bài thơ dang dở, nhưng cay đắng. Và cô mãi mãi không biết được đoạn kết ấy, vì Vũ không dám viết ra. Đến tận khi cô bị tai nạn mất đi, bài thơ cũng không bao giờ được viết...
Trang Thế Hy như người đi tìm những vẩy vàng trong bụi trần, ông luôn kiếm ra những chi tiết bất ngờ, gây ám ảnh. Đời sống của những người dân lao động, của những lớp người dưới đáy là đề tài lớn nhất của Trang Thế Hy và ông đặc biệt thành công từ những điều dung dị ấy. Nó như một thứ tuyên ngôn. Văn chương của ông không kể về những điều to lớn.
Nhưng nó neo trong lòng người bởi cái tình và cái hóm hỉnh rất đỗi tự nhiên. Vậy mà một ngày đẹp trời ông bỏ văn chương, không tha thiết nữa. Ông tự nhận mình là người tình chung thủy nhưng hờ hững với văn chương. Ông không quyết liệt hay thiết tha đến sống chết...
Đọc văn Trang Thế Hy dễ nhận thấy cái góc văn minh trong cách ông nhìn. Ông không có những chi tiết làm dáng, mà câu chữ như tự thân toát lên nét hiện đại ấy. Không phải muốn là được. Bởi đây là một chặng đường dài học, đọc, nghiền ngẫm. Nếu coi phông văn hóa của nhà văn là cái nền đất màu mỡ cho văn chương mọc mầm, thì Trang Thế Hy đã làm tốt hơn rất nhiều nhà văn khác. Nhưng ông không đi vào những điều kỳ vĩ. Hoàn toàn không có mưu toan chiếm lĩnh văn đàn. Trang Thế Hy đi lặng lẽ, như một vị mắm ba khía, không quen thì tò mò, mà quen rồi thì phát ghiền.
Trang Thế Hy biết được giới hạn của tuổi tác. Ông không đặt cho mình một tham vọng nào. Ông sẵn sàng rời bỏ mọi hào quang mà giới văn nghệ có thể khoác lên vai một nhà văn để trở về cuộc sống của một người nông dân nơi thôn dã.
Người yêu mến văn ông lâu lâu lên mạng, ghé trang web của ông do nhà văn Lý Lan lập giúp, đọc những trang viết cũ. Có chăng một nỗi tiếc nuối. Nhưng lại thấy trọng một con người có cách sống như vậy. Nghệ thuật không phải là sự cố gắng đẻ ra những con chữ. Khi ấy những con chữ phải gánh trách nhiệm của sự tham vọng mà nhà văn cố gắng vẫy vùng tìm kiếm hư danh.
Văn chương rộng lối, những khoảng trống sẽ được lấp đầy, không nay thì mai. Nhưng những gì tài hoa, dẫu ít, vẫn còn lại. Nó ở trong tâm trí bạn đọc. Không phải những xác chữ in trong những cuốn sách lộng lẫy, bỏ cho bụi bám ở một xó nào đó của cuộc đời này...