Tết của những người nổi tiếng:

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Năm nay ăn tết hoa đào hoa mai

Thứ Tư, 21/01/2009, 15:45

- Thưa nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Tết Kỷ Sửu năm nay, nghe tin nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang tích cực với một ý tưởng độc đáo: Ăn Tết hoa đào hoa mai ở Hà Nội?

- Đúng thế, Tết năm nay tôi sẽ cùng với mọi người của Hà Nội ăn Tết hoa đào hoa mai. Vì sao vậy? Tết này đúng là 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Chỉ trong vòng 1 đêm, Đại đế Quang Trung đã quét sạch 28 vạn quân Mãn Thanh xâm lược năm Kỷ Dậu 1789 mà chiến thắng lừng lẫy nhất là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Theo truyền thuyết thì Đại đế Quang Trung hứa với Bắc cung Hoàng hậu chính là Ngọc Hân công chúa rằng khi nào chiến thắng ta sẽ cho người mang một cành đào về báo tiệp cho nàng. Và cũng theo truyền thuyết thì ngay sau khi chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Đại đế Quang Trung đã cho kỵ sỹ mang một cành đào Nhật Tân Nghi Tàm về Huế cho Bắc cung Hoàng hậu.

Nhưng trong lịch sử Việt Nam, chưa có một chiến công nào, thứ nhất là thần tốc như chiến công Kỷ Dậu năm 1789. Gọi là chiến dịch kéo dài trong 5 ngày nhưng thực ra chỉ diễn ra trong một đêm. Đêm mồng 4 Tết. Thứ hai, là chưa bao giờ khối đoàn kết, đại đoàn kết thống nhất dân tộc lại ở bên nhau một cách tượng trưng và đầy đủ đến thế.

Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân của miền Bắc. Hoa mai tượng trưng cho mùa xuân miền Nam, miền Trung. Thì mùa xuân năm 1789 hoa đào đã sum họp với hoa mai trên gò Đống Đa. Chính vì thế tôi mới nói với mọi người Tết năm nay người Hà Nội ăn Tết hoa đào hoa mai.

- Ý tưởng Hà Nội ăn Tết hoa đào hoa mai này là của riêng nhà văn Nguyễn Khắc Phục nghĩ ra, hay từ một sự gợi ý của bạn bè, hay là ý tưởng của nhà chức trách TP Hà Nội?

- Từ run rủi, không từ ai cả. Hình như là giời đất, ông bà cứ run rủi rằng ngày ấy, tháng ấy mọi việc sẽ phải đến với nhau. Không phải là ý của tôi nữa mà tôi nói ra các vị lãnh đạo TP Hà Nội đồng ý ngay. Rồi các nghệ sỹ tham dự vào cái lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa xuân này tự nhiên thấy nó không thể khác được.

Không ai bàn cãi nữa, mọi người cứ nói với nhau một cách dễ hiểu đến mức gần như là tức khắc, không cần phải giải thích, phải bàn bạc gì thêm. Mấy hôm nữa sẽ có một cuộc vận động toàn TP Hà Nội. Mỗi gia đình, mỗi người dân Hà Nội hiến một cành đào cành mai để góp vào mừng chiến thắng 220 năm Ngọc Hồi - Đống Đa và cho Tết hoa đào hoa mai.

Cứ mồng 4 Tết, ai có điều kiện thì chở cành đào, cành mai ra đặt ở Gò Đống Đa, ai không có điều kiện thì cứ ghi tên lên cành đào, cành mai của nhà mình và đặt ra ngoài đường, ngoài ngõ. TP Hà Nội sẽ cho xe giao thông công chính chở cành đào, cành mai tới Gò Đống Đa.

- Từ ý tưởng của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, TP Hà Nội sẽ còn triển khai thêm những hoạt động thiết thực gì khác để Tết hoa đào hoa mai thực sự là một lễ hội lớn mừng chiến thắng 220 năm Ngọc Hồi - Đống Đa?

- Đây là lần đầu tiên, TP Hà Nội tổ chức lễ hội mừng chiến thắng 220 năm Ngọc Hồi - Đống Đa. Trước kia là ở cấp quận làm, nó chưa có một mô thức ổn định. Quận làm theo kiểu liệu cơm gắp mắm mà, làm được đến đâu thì làm.

Còn bắt đầu từ Xuân Kỷ Sửu năm nay trở đi, lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ do cấp thành phố làm và sẽ trở thành một bộ phận hợp thành của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sang năm, tức là năm 2010 sẽ có một cuộc tổng diễn tập cuối cùng tại đền Ngọc Hồi - Đống Đa cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Tết Kỷ Sửu này, ngoài ý tưởng Tết hoa đào hoa mai, nhà văn Nguyễn Khắc Phục còn có bất ngờ gì cho Tết?

- Chúng tôi vừa tổng duyệt vở kịch "Lễ mở xiêm áo". Thật là tuyệt vời, bởi mọi người rất ủng hộ, không có gì phải đáng bàn về mặt chủ đề và âm hưởng anh hùng ca của vở kịch. Có chăng chỉ là một vài chi tiết cần chỉnh sửa trong diễn xuất. Đây là vở kịch tôi viết cách đây 10 năm.

Lại là một sự run rủi, do rất nhiều sự rắc rối về các thủ tục hành chính và phương diện đầu tư, đáng lẽ ra nó được dàn dựng từ năm 2004. Thế nhưng, đến bây giờ mới được dàn dựng. Sự chậm trễ này có thể gây thiệt hại cho những nhà dàn dựng nhưng với tôi lại là một đại hạnh phúc trong Tết Kỷ Sửu này.

Tôi viết về một thời nào đó không cụ thể, không phải là chuyện của đời Lê, đời Lý, đời Trần, mà đây là chuyện của muôn đời. Chuyện của một đất nước hàng ngàn năm phải tồn tại và đứng vững trước tất cả các thử thách sóng gió, và trước các nguy cơ. Khán giả xem sẽ hiểu tác giả và tập thể nghệ sỹ muốn gửi đến những thông điệp gì từ vở kịch này.

- Thế còn một cái Tết riêng tư của nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì sao?

- Điều đầu tiên tôi nghĩ đến cháu ngoại của tôi, con "nghé" đã 3 tuổi. Bằng giá nào tôi cũng phải trở về với nó, ở với nó, ít nhất cũng được 3 ngày thanh thản, không nhớ gì nữa, không văn chương, không nghệ thuật, không lễ hội. Rồi sau khi chia tay cháu, mồng 3 Tết cháu sẽ tiễn ông ra sân bay, và mồng 4 Tết ông trở lại Hà Nội, lại bắt đầu cho một cuộc chiến đấu mới của năm 2009.

- Hóa ra kẻ lãng du và yêu tự do như Nguyễn Khắc Phục cũng cần một nơi chốn để quay trở về trong 3 ngày Tết?

- Năm nào cũng vậy, tôi trở về với vợ con và gia đình trong ít nhất là 3 ngày Tết. Trẻ con thì mặc áo mới đi chơi, người lớn như tôi thì ở nhà tiếp khách, mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Tết là khoảnh khắc mà bất cứ con dân người Việt nào cũng muốn trở về quây quần bên gia đình. Đó là nét phong tục và truyền thống tồn tại ngàn đời nay rồi

.
.