Giải thưởng: Làm sao cho đúng?:

Nhà văn Hữu Ước: Còn giải thưởng thì trước sau tôi cũng được

Thứ Ba, 18/10/2011, 16:34

Nhưng từ xưa đến nay, nói cho cùng, các nhà văn khi viết ra các tác phẩm của mình có ai nghĩ là để được giải đâu. Cái gốc của mọi chuyện là sự lao động và sáng tạo, cống hiến cho con người, cho cái chung, cho công chúng, cho người xem, cho người nghe, chứ không phải cái gốc là để nhận giải. Cho nên tôi nghĩ rằng, những người được hay không được giải năm nay thì cũng nên hết sức bình tĩnh.

- Phóng viên: Thưa nhà văn Hữu Ước, chắc nhà văn cũng đã nhận được thông báo về kết quả cuộc họp của Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch về việc thẩm định danh sách các tác giả được đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực sân khấu năm nay để trình lên Hội đồng Trung ương. Và một trong những tác giả bị loại khỏi danh sách đó có tên của ông. Cảm giác của ông như thế nào khi nghe tin này?

- Nhà văn Hữu Ước: Thực ra, tôi là một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Và vừa làm người quản lý báo chí, vừa sáng tác. Nói tới Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật lần này, cũng như nhiều giải thưởng khác, thì, việc tôi và một số người khác bị loại không khiến tôi phải ngạc nhiên.

Và tôi cũng không buồn. Vì tôi biết rằng theo quy định, thành phần của Hội đồng cấp cơ sở có khi 7 người, có khi 9 người, có khi 11 người, cái đó là tùy từng năm, nhưng muốn vượt qua “cửa” này thì  phải đạt 75% số phiếu bầu trở lên. Qua đấy rồi thì mới được vào xét tiếp.

Riêng về Hội đồng xét giải trong lĩnh vực sân khấu thì tôi biết là năm nay có 7 thành viên. Tôi và một số người nữa được 5 phiếu trong số 7 phiếu đã bỏ. Tôi nghĩ là, được 5 trên 7 phiếu ở một Hội đồng nghệ thuật rất phức tạp – tôi nghĩ rằng Hội đồng nào trong lĩnh vực xét giải văn học nghệ thuật cũng đều phức tạp hết – thì cũng là điều tốt rồi.

Và đối với 2 lá phiếu không bầu tôi thì tôi cũng không ngạc nhiên, vì tôi hiểu trong 7 thành viên của Hội đồng đó thì có người có thể là chưa bao giờ đọc kịch của tôi, chưa bao giờ xem kịch của tôi. Vì vậy, việc họ không bỏ phiếu cho tôi thì cũng là điều rất dễ hiểu, mặc dù tôi đã có tới 17 vở được công diễn trong những năm qua.

Mà vở nào cũng diễn tới vài trăm buổi. Thế còn người thứ hai không bỏ cho tôi, tôi cũng không ngạc nhiên, vì có thể là  họ chưa bao giờ biết viết kịch, và họ chưa bao giờ làm đạo diễn cả. Nhưng họ lại được quyền ngồi thẩm định tôi thì việc họ bỏ tôi ra cũng là điều dễ hiểu thôi. Và còn việc thứ ba nữa thì tôi nghĩ rằng thế này: có khi lại  là  không phải do vấn đề đánh giá nghệ thuật, đánh giá công trình, mà là do nhìn nhận nhau bằng mối quan hệ.

Thí dụ như  trong quá trình sống và làm việc với nhau, có thể tôi đã làm một việc gì đó, dù là vô tình, nhưng lại khiến một trong những thành viên đó không bằng lòng, về điểm A, điểm B, điểm C nào đấy. Và việc họ bỏ tôi ra cũng là điều dễ hiểu…

- Toàn những lý do không phải vì tác phẩm…

- Tôi là người được Bộ Công an giao phụ trách Báo CAND, Truyền hình, Điện ảnh, Phát thanh và lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật. Tôi lại là người tổ chức rất nhiều các hoạt động văn học nghệ thuật, thì trong cuộc sống làm sao lại không có những khiếm khuyết.

Có khi là trong một liên hoan sân khấu, tôi mời người này mà không mời người khác tham gia ban chỉ đạo, chỉ vì thành phần đã đủ hay vì tính chất cuộc liên hoan… bây giờ họ được ngồi trong Hội đồng, nhớ chuyện cũ và không bỏ phiếu cho tôi thì cũng là điều dễ hiểu. Hoặc là tôi khiếm khuyết trong kỳ tổ chức liên hoan sân khấu, không phải tôi mà là cấp dưới của tôi quên không mời, thì có khi họ cũng giận chăng (cười).

- Thế tự ông đánh giá về các tác phẩm của mình như thế nào?

- Có lẽ trong cuộc sống chúng ta phải nên thẳng thắn và chân thành.  Và tự mình biết mình hơn ai hết. Trước hết về mặt số lượng tác phẩm thì tôi đã có 17 vở kịch. 17 vở đều được công diễn đàng hoàng, không vở nào không được công chúng đón nhận.

Thứ hai, tôi là một nhà văn viết kịch, tôi viết cả chính kịch lẫn hài kịch, điều này thì không có nhiều nhà văn, nhà biên kịch làm được, chứ chưa cần nói là rất ít và hiếm. Thứ ba, nếu thước đo lớn nhất của tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn là khán giả, thì hầu như vở nào của tôi cũng vài trăm buổi diễn. 

Tất nhiên, để có được vài trăm buổi diễn thì có nhiều yếu tố, có cả thương hiệu này thương hiệu khác cộng lại. Và do cả công tác tiếp thị tốt của các đoàn. Và cái nữa là, nó còn có vai trò của đạo diễn, vai trò của các diễn viên, của chỉ đạo nghệ thuật, tức là một vở diễn trên sân khấu là một sản phẩm công nghiệp, chứ nếu một mình người biên kịch thì không thể…

- Chứ không phải của một mình tác giả kịch bản.

- Nhưng cái đầu tiên vẫn là tác giả kịch bản, vì có bột mới gột nên hồ. Đối với một tác phẩm sân khấu thì kịch bản ít nhất phải được, thì các đạo diễn mới có thể nâng nó lên được, các diễn viên mới có thể tung hứng và thăng hoa lên được. Và các vở của tôi thì vở nào cũng thế thôi, ăn khách, và nó bám đời sống, đặc biệt là bám đời sống đương đại. Và ai cũng nhìn ra thế mạnh trong các vở kịch của tôi là thế mạnh của một nhà văn, một nhà báo viết kịch...

- Ông tự đánh giá mình như thế…

- Và còn điểm nữa, trong thời buổi hiện nay, hệ thống thông tin truyền thông của chúng ta có quá nhiều rồi. Thí dụ như bây giờ anh em mình chơi với nhau rất yêu thương nhau, và tôi có mời bạn đi xem kịch của tôi, nể thì đi, nhưng vở không hay thì mắt trước mắt sau bạn cũng chuồn. Lĩnh vực âm nhạc cũng thế thôi. Vì thời buổi này không có thời gian để ngồi hai tiếng đồng hồ theo dõi một vở kịch hay một chương trình ca nhạc quá dở...

- Và không xúc động…

- Không cuốn hút người xem. Đối với kịch bản của tôi, đến giai đoạn nào mà tôi thấy có khán giả bỏ ra về là tôi cho dừng, không cho diễn nữa. Và như vậy là về mặt chất lượng tác phẩm thì các kịch bản của tôi là được chứ. Và so với mặt bằng chung hiện nay, thì không nhiều tác giả làm được những việc như tôi vừa nói.

Còn nói về mặt quy chế về số lượng huy chương đã nhận thì nói thật tôi đã nhận được quá nhiều giải, đến giờ này tôi cũng không còn nhớ cụ thể là  các vở của tôi có bao nhiêu huy chương vàng, huy chương bạc trong các liên hoan và hội diễn sân khấu, cả ở quy mô quốc  gia lẫn các lĩnh vực khác. Kể cả về sách văn học thì kịch bản văn học của tôi cũng từng được trao giải A của Hội Nhà văn Việt Nam… Thế nên, đối chiếu theo các tiêu chí để xét giải thì tôi xứng đáng không chỉ dừng ở Giải thưởng Nhà nước mà cả ở Giải thưởng Hồ Chí Minh (cười sảng khoái).

- Từ những gì ông vừa nói thì tôi hiểu rằng đang rất có vấn đề trong quy trình và thủ tục xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo ông, thì chúng ta nên làm như thế nào để mọi chuyện công bằng, hợp lý và đúng đắn hơn, để làm sao không để lọt những tác phẩm và tác giả xứng đáng?

- Thực ra là thế này, năm nay việc xét giải thưởng trong lĩnh vực  sân khấu thì cũng giống trong một số lĩnh vực khác, như văn học, như âm nhạc chẳng hạn, đang lộn xộn, và có những cái chưa đúng, chưa chuẩn, và không công bằng. Chỉ có điều, với tư cách một người viết, lại viết được nhiều thể loại nên tôi rất bình tĩnh.

Nói thật là, từ xưa đến nay, tôi không ham hố bất cứ giải gì. Cũng như tôi chẳng ham hố gì những vai trò như thành viên ban chấp hành ở chỗ này, chỗ khác. Tôi bây giờ chỉ duy nhất đảm nhiệm vai trò thành viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam và là Ủy viên Hội đồng Lý luận Văn học - Nghệ thuật Trung ương thôi…

Và tôi nghĩ thế này, được giải là một điều rất đáng quý vì đây là Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Được giải là được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh. Những giải thưởng đó là những giải hết sức có giá trị. Và ai cũng thấy đó là giải để thưởng cho những tác phẩm, những tác giả, những nhà văn, những người làm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, có những đóng góp nổi bật.

Nhưng từ xưa đến nay, nói cho cùng, các nhà văn khi viết ra các tác phẩm của mình có ai nghĩ là để được giải đâu. Cái gốc của mọi chuyện là sự lao động và sáng tạo, cống hiến cho con người, cho cái chung, cho công chúng, cho người xem, cho người nghe, chứ không phải cái gốc là để nhận giải. Cho nên tôi nghĩ rằng, những người được hay không được giải năm nay thì cũng nên hết sức bình tĩnh.

Cái chính vẫn là anh có làm nên được giá trị đích thực hay không, tác phẩm của anh có sống được với thời gian và trong công chúng hay không. Cái đấy mới là cái chính. Tôi từng thấy, có kỳ liên hoan sân khấu có vở diễn được giải rất cao, vì tác giả kịch bản là một người rất nổi tiếng, viết được rất nhiều thể loại.

Nhưng kịch bản ấy nói cho cùng chỉ là kịch bản để đọc thôi vì dựng ra có diễn được mấy buổi đâu, vì có khán giả tới xem đâu! Nói thật, nếu tôi là tác giả của vở đó mặc dù được hết các loại giải, giải cao nhất, thì tôi cũng thấy buồn… Các nhà văn lớn, lưu danh trong sử sách trên thế giới người ta viết tác phẩm cũng chẳng ai tính đến là được giải nọ giải kia.

- Ông nói rất đúng, nhưng tôi vẫn muốn hỏi ông, vậy chúng ta nên làm thế nào để việc xét giải thưởng trở nên công bằng và hợp lý hơn?

- Tôi nghĩ như thế này, quan trọng nhất là đối với việc xét giải thưởng ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật, khi cấu tạo các hội đồng cơ sở thì phải làm sao cho nó kỹ, cho chuẩn về các thành viên hội đồng. Nếu không sẽ trật ngay. Cả ở các hội đồng trên nữa cũng thế. Các thành viên hội đồng phải là những người thật sự xuất sắc trong lĩnh vực mình xét giải.

Thí dụ như trong lĩnh vực sân khấu thì một là biên kịch, hai là đạo diễn giỏi và nếu có thành phần cán bộ quản lý thì cũng phải là những người am hiểu nghệ thuật. Và theo tôi là, đừng nên mời các bác lớn tuổi quá tham gia. Vì các bác ấy là những cây đa, cây đề và các bác ấy ít đọc, ít xem, ít nghe các tác phẩm của các thế hệ đi sau.

- Không cập nhật…

- Không cập nhật là một chuyện nhưng mà sức khỏe cũng có hạn. Đấy là chưa kể chuyện một số bậc lão làng lại coi lớp trẻ như là một lũ trẻ ranh. Tôi nói ví dụ nhé. Tôi với anh Đỗ Chu là những người rất thân nhau, quá thân nhau, điều này ai cũng biết. Hầu như tuần nào anh Đỗ Chu cũng đến chỗ tôi chơi, anh em thân nhau lắm.

Thế mà khi người ta xét kết nạp tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam thì anh Đỗ Chu là người duy nhất không bỏ phiếu cho tôi. Tôi hỏi, tại sao anh em mình quý nhau thế mà anh lại không bỏ phiếu cho tôi là làm sao?! Thì ông ấy nói tưng tửng luôn: Thì tao có đọc của mày đâu?! Đó cũng là tính cách chân thành của Đỗ Chu. Mà tôi lại rất quý cái sự chân thành đó của anh ấy.

Nhưng theo tôi, nếu bây giờ lại mời những người như anh Đỗ Chu vào Hội đồng để thẩm định văn chương thì cái đó quá dở, vì sẽ chệch, vì anh ấy rất ít chịu đọc của người khác. Đấy là còn chưa nói đến những người mà lòng không rộng, họ sẽ nghĩ mình như thế này, mình ngồi xét nó được giải trong khi mình lại chưa được.

Mà cũng không nên đưa những người nào chưa được giải vào xét giải cho những người khác. Tất nhiên, tôi nghĩ những người lòng hẹp như thế không nhiều, bởi văn nghệ sĩ chúng ta lòng thường rất rộng, nhưng không phải là không có những người “lòng xe điếu”. Tôi nghĩ là chúng ta nên học ở các nước, phải để các viện sĩ ngồi xét chọn kết nạp các viện sĩ mới.

- Theo ông, nên tổ chức xét chọn như thế nào?

- Phương án tối ưu nhất, theo tôi là thế này: các hội nghề nghiệp khi xét giải, kể cả giải hàng năm, phải để cho tất cả các hội viên cùng bầu. Trong sân khấu hay trong âm nhạc cũng thế. Làm việc này có khó khăn gì đâu vì mỗi hội cũng chỉ có mấy trăm đến gần một nghìn hội viên thôi. Và trên cơ sở bỏ phiếu đó thì Hội đồng cấp Nhà nước sẽ xét luôn. Làm vậy sẽ tránh được tình trạng xin - cho. Và làm  vậy thì ai được cũng thoải mái mà ai không được cũng thoải mái.

- Đợt xét giải thưởng tới này, ông có tiếp tục hay tự rút?

- Tôi nghĩ thế này, năm nay tôi không buồn, không cay cú gì cả. Trước hết là tôi cám ơn 5 người đã bỏ phiếu cho tôi. Và tôi muốn nói với hai người không bỏ phiếu cho tôi là các anh làm thế là không công bằng.

Và nếu đợt tới mà hội đồng  xét giải ở cấp cơ sở vẫn 7 người như thế, thì tôi sẽ rút vì nếu ở lại thì tôi cũng vẫn chỉ được 5 phiếu, cho dù từ giờ tới lúc đó tôi có viết thêm bao nhiêu tác phẩm nữa. Ai đã bỏ cho tôi thì vẫn bỏ cho tôi, còn ai không bỏ cho tôi thì vẫn không bỏ cho tôi…

Còn nếu thành phần hội đồng hợp lý và đích thực và chuẩn hơn, thì tôi tiếp tục tham gia. Nói gì thì nói, tôi vẫn muốn có phương án là ở các hội văn học nghệ thuật thì đợt xét thưởng tới, Nhà nước sẽ cho tất cả các hội viên cùng bầu.

- Ông có tin rằng trước sau thì ông cũng sẽ được giải?

- Tôi tin rằng trước sau gì nếu còn những giải thưởng như thế này thì tôi chắc chắn sẽ được giải, mà không chỉ Giải thưởng Nhà nước đâu mà cả Giải thưởng Hồ Chí Minh nữa. Mà cũng có thể là lúc tôi không còn trên cõi đời nữa mới được giải, nhưng chắc chắn sẽ được (cười sảng khoái).

Hữu Ước
Thơ viếng Cụ Tổ

Nhà nghèo sắn độn rau dưa,
Ruột bầu canh cáy cơm đưa mát lòng
Lớn lên thả chí tang bồng,
Cửa quan thì hẹp, lối vòng khó chơi

Mượn men ngang dọc với đời
Hai vai gánh nặng cơ trời dọc ngang
Điếu cày rượu đế xênh xang
Công danh thành đạt bằng tràng vỗ tay

Đôi bờ sóng tím chiều nay,
Lòng người muôn thuở chỉ say nghĩa tình…

Hà Tĩnh, ngày 6/10/2011

Mỹ Trần-Khánh Băng và Minh Huyền (thực hiện)
.
.